Quốc hội chính thức thông qua Luật Hợp tác xã (sửa đổi)
Trong phiên làm việc sáng nay (20/6) của Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV, 466/472 đại biểu tham gia biểu quyết tán thành (chiếm 94,33%) thông qua Luật Hợp tác xã (sửa đổi). Luật sẽ có hiệu lực từ ngày 1/7/2024, nhưng một số quy định sẽ có hiệu lực từ ngày 1/9/2023.
Trình bày báo cáo giải trình, tiếp thu dự án luật, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho biết, nội dung về chuyển nhượng phần vốn góp của thành viên trong hợp tác xã (HTX), liên hiệp HTX có ý kiến khác nhau nên Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã gửi phiếu xin ý kiến đại biểu Quốc hội.
Không quy định về chuyển nhượng phần vốn góp
Trên cơ sở đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo cơ quan chủ trì thẩm tra, cơ quan chủ trì soạn thảo và các cơ quan hữu quan tiếp thu và hoàn thiện dự thảo luật theo ý kiến đa số đại biểu Quốc hội.
Theo đó, từ ngày 1/9/2023, HTX đã thành lập doanh nghiệp, góp vốn, mua cổ phần và doanh nghiệp được thành lập, góp vốn, mua cổ phần là thành viên của HTX đó không được tăng tỷ lệ phần vốn góp hoặc cổ phần, nhằm chấm dứt tình trạng sở hữu chéo giữa HTX, liên hiệp HTX với doanh nghiệp được thành lập, góp vốn, mua cổ phần là thành viên của HTX, liên hiệp HTX.
Luật cũng quy định, sau 24 tháng kể từ ngày 1/9/2023, hoạt động thành lập doanh nghiệp, góp vốn, mua cổ phần trên phải thực hiện theo quy định tại Điều 81, Điều 82 của Luật HTX (sửa đổi).
Luật HTX sửa đổi không quy định về chuyển nhượng phần vốn góp của thành viên trong HTX, liên hiệp HTX.
Trước đó, quy định về chuyển nhượng phần vốn góp của thành viên trong HTX, liên hiệp HTX trong dự thảo luật đã nhận được nhiều ý kiến khác nhau. Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã phải gửi phiếu xin ý kiến các đại biểu Quốc hội để hoàn thiện dự thảo.
Đã có 251/344 ý kiến (72,97%) đề nghị không quy định về chuyển nhượng phần vốn góp của thành viên HTX, liên hiệp HTX. 93/344 ý kiến đề nghị quy định về chuyển nhượng phần vốn góp cả trong nội bộ thành viên hiện hữu của HTX, liên hiệp HTX và cho các cá nhân, tổ chức chưa phải là thành viên.
Theo báo cáo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, phương án được chọn bảo đảm phản ánh đúng bản chất của HTX, liên hiệp HTX là đối nhân, không phải đối vốn như doanh nghiệp, tránh hiện tượng mua, bán phần vốn góp tương tự như công ty cổ phần, công ty TNHH, “doanh nghiệp hóa HTX”, thao túng, chi phối của một số cá nhân, tổ chức đối với hoạt động của HTX, liên hiệp HTX, đặc biệt là đối với HTX, liên hiệp HTX đã được Nhà nước hỗ trợ nhiều nguồn lực.
HTX không huy động vốn trong và ngoài thành viên để vay nội bộ
Liên quan đến hoạt động tín dụng nội bộ, HTX, liên hiệp HTX phải chấm dứt hoạt động tín dụng nội bộ theo quy định của Luật HTX số 23/2012/QH13 kể từ ngày 1/9/2023. Các hợp đồng tín dụng nội bộ đã được ký trước ngày 1/9/2023 thì các bên tiếp tục thực hiện quyền, nghĩa vụ theo hợp đồng nhưng không được gia hạn hợp đồng.
Luật HTX cũng quy định hoạt động tín dụng nội bộ gồm hoạt động huy động vốn từ thành viên (khoản 1 Điều 79) và hoạt động cho vay nội bộ (Điều 83), nhưng làm rõ cho vay nội bộ không quá 12 tháng, trên nguyên tắc tự nguyện, tự chịu trách nhiệm, không vì mục tiêu lợi nhuận và không phải là hoạt động ngân hàng.
Đã có 466/472 đại biểu tham gia biểu quyết tán thành (chiếm 95,55%) thông qua Luật HTX (sửa đổi). |
Luật cũng quy định rõ nguyên tắc HTX, liên hiệp HTX không được thực hiện việc huy động vốn trong và ngoài thành viên để cho vay nội bộ, bởi hoạt động này tương tự như hoạt động tín dụng do các tổ chức tín dụng (TCTD) thực hiện theo quy định của pháp luật về các TCTD đòi hỏi yêu cầu cao và chặt chẽ trong quản trị rủi ro.
Luật đã giao Chính phủ quy định chi tiết về điều kiện đối với HTX, liên hiệp HTX thực hiện hoạt động cho vay nội bộ và quy định mức cho vay, giới hạn cho vay, lãi suất, xử lý rủi ro từ hoạt động cho vay nội bộ.
Thể chế Nghị quyết 20-NQ/TW
Luật đã thể chế hóa nội dung 8 chính sách tại Nghị quyết số 20-NQ/TW (về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể trong giai đoạn mới của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII) tại Chương II.
Cụ thể, tại Điều 18 đã bổ sung quy định một trong các tiêu chí để được xem xét thụ hưởng chính sách của Nhà nước; bổ sung quy định về chính sách nhân rộng mô hình HTX, liên hiệp HTX hoạt động hiệu quả nhằm góp phần phát triển, thúc đẩy và lan tỏa các điển hình kinh tế tập thể; quy định hỗ trợ tổ hợp tác, HTX, liên hiệp HTX liên kết hình thành vùng nguyên liệu, sản xuất, tiêu thụ sản phẩm, áp dụng và chứng nhận các tiêu chuẩn để phát triển thị trường; hỗ trợ hình thành sản phẩm, hàng hóa và dịch vụ có nguồn gốc địa phương, có đặc trưng về giá trị kinh tế, văn hóa, lợi thế của địa phương;
Quy định hỗ trợ đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng, trang thiết bị cho tổ hợp tác, HTX, liên hiệp HTX nhằm phục vụ hoạt động sản xuất, kinh doanh, an sinh xã hội, bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu; chỉnh lý quy định hỗ trợ kinh phí đầu tư, xây dựng kết cấu hạ tầng gắn với việc hình thành chuỗi sản xuất, cung cấp dịch vụ chế biến và tiêu thụ sản phẩm của tổ hợp tác, HTX, liên hiệp HTX.
Các chính sách của Nhà nước về phát triển tổ hợp tác, HTX, liên hiệp HTX bao gồm cả chính sách đối với tổ hợp tác, HTX, liên hiệp HTX tại địa bàn kinh tế - xã hội khó khăn, đặc biệt khó khăn là nơi có nhiều đồng bào dân tộc thiểu số.
Đặc biệt, tổ hợp tác được xem xét thụ hưởng chính sách khi đáp ứng các tiêu chí: Có giấy chứng nhận đăng ký tổ hợp tác; không trong thời gian thi hành quyết định xử lý vi phạm hành chính do vi phạm các hành vi bị nghiêm cấm quy định tại khoản 2 Điều 7 của Luật này; phát triển thành viên hoặc thực hiện giáo dục, đào tạo, tập huấn, phổ biến, bồi dưỡng cho thành viên, người lao động hoặc mới thành lập tại địa bàn kinh tế-xã hội khó khăn, đặc biệt khó khăn theo quy định của pháp luật.
Các chính sách dành riêng cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số còn được quy định tại các chương trình mục tiêu quốc gia như Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, giai đoạn I từ năm 2021 - 2025 (được phê duyệt theo Quyết định số 1719/QĐ-TTg ngày 14/10/2021).
Ngoài ra, trong thời gian tới, Chính phủ sẽ hoàn thiện hồ sơ và trình Quốc hội xem xét, ban hành về Chương trình tổng thể về phát triển kinh tế tập thể trên phạm vi toàn quốc để sớm có cơ sở thực hiện, bảo đảm tính khả thi, đưa các chính sách đi vào cuộc sống.
Luật HTX (sửa đổi) gồm 12 chương với 115 điều, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2024.
Luật này quy định về thành lập, tổ chức quản lý, tổ chức lại, giải thể, phá sản và hoạt động có liên quan của tổ hợp tác, HTX, liên hiệp HTX; chính sách của Nhà nước về phát triển tổ hợp tác, HTX, liên hiệp HTX...
Theo VN Business
- [19/11/2024] Khánh Vĩnh: Mở rộng quảng bá, giới thiệu sản phẩm địa phương
- [13/11/2024] Khánh Sơn: Hỗ trợ phát triển mã số vùng trồng
- [13/11/2024] Sôi nổi nhiều mô hình trong các hợp tác xã
- [06/11/2024] HỘI NGHỊ ĐỐI THOẠI GIỮA LÃNH ĐẠO UBND TỈNH VỚI CÁC HTX TRÊN ĐỊA BÀN NĂM 2024
- [04/11/2024] Phát triển du lịch nông nghiệp tại Cam Lâm
- [21/06/2023] Vì sao HTX phải minh bạch sản phẩm?
- [14/06/2023] Tháo gỡ ‘điểm nghẽn’ cho các HTX chăn nuôi ứng dụng công nghệ cao
- [13/06/2023] Để hợp tác xã phát huy hiệu quả cần cân nhắc đổi mới luật
- [13/06/2023] Phát triển mô hình hợp tác xã, nâng cao đời sống đồng bào dân tộc thiểu số
- [13/06/2023] Dự thảo Luật Hợp tác xã nhận được sự đồng thuận cao