Quốc hội thảo luận về Luật Hợp tác xã (sửa đổi)

|

Tại Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khoá XV, ngày 10/11, Quốc hội tiến hành biểu quyết thông qua 1 Dự án Luật, 1 Nghị quyết, thảo luận về 2 Dự án Luật, trong đó có Dự án Luật Hợp tác xã (sửa đổi). Việc sửa đổi Luật Hợp tác xã (HTX) nhằm hoàn thiện cơ sở pháp lý thống nhất, đầy đủ, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế tập thể năng động, hiệu quả, bền vững.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho biết, qua thảo luận, đa số ý kiến các đại biểu Quốc hội nhất trí về sự cần thiết sửa đổi Luật HTX để thể chế hóa chủ trương của Đảng, khắc phục hạn chế, bất cập của Luật hiện hành; hoàn thiện các quy định về kinh tế tập thể phù hợp với tình hình, điều kiện phát triển mới, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế tập thể năng động, hiệu quả, bền vững cùng với kinh tế Nhà nước trở thành nền tảng vững chắc của nền kinh tế quốc dân.

Các đại biểu cũng tham gia nhiều ý kiến vào các nhóm chính sách, nhiều điều khoản cụ thể trong dự thảo Luật như về phạm vi, đối tượng áp dụng, tên gọi của dự án Luật, cụ thể hóa hơn các chính sách trong Nghị quyết 20-NQ/TW của Trung ương rà soát để thống nhất với các luật có liên quan như quy định về huy động nguồn lực, chính sách hỗ trợ của Nhà nước…

Đại biểu Hà Hồng Hạnh - Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Khánh Hòa, cho rằng qua 10 năm triển khai thực hiện Luật HTX năm 2012, các chính sách hỗ trợ của Nhà nước để phát triển HTX còn nhiều bất cập, chưa đáp ứng yêu cầu phát triển của HTX, nhất là các HTX trong lĩnh vực nông nghiệp.

Đại biểu Trương Trọng Nghĩa- Đoàn Đại biểu Quốc hội Tp. Hồ Chí Minh đóng góp ý kiến về Dự thảo sửa đổi Luật HTX.

Do đó, đại biểu đề nghị bổ sung thêm chính sách ưu tiên các tổ chức kinh tế hợp tác trong lĩnh vực nông nghiệp, nhất là tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số và vùng kinh tế xã hội đặc biệt khó khăn. Bổ sung các chính sách đặc thù cho các tổ chức kinh tế hợp tác thuộc lĩnh vực nông nghiệp, góp phần tạo điều kiện để khu vực nông nghiệp tiếp tục phát huy vai trò là trụ đỡ của nền kinh tế và theo đúng quan điểm chỉ đạo tại Nghị quyết số 20 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng.

Đại biểu Hoàng Thị Thanh Thúy - Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Tây Ninh cho rằng Chính phủ trình Luật các tổ chức kinh tế hợp tác nhưng đối tượng điều chỉnh của luật chủ yếu xoay quanh các đối tượng như tổ hợp tác, HTX, liên hiệp HTX, liên hợp tác xã. Trên thế giới, lịch sự phát triển HTX 200 năm qua đến nay được Liên hiệp quốc vẫn khẳng định HTX. Tên gọi HTX cũng được nhiều nước trên thế giới sử dụng phổ biến, trong đó nổi bật như Mỹ, Đức, Hà Lan hay Trung Quốc, Nhật Bản. Vì vậy, việc giữ tên gọi là Luật HTX thì vẫn đảm bảo được hội nhập và phù hợp với hệ thống của pháp luật quốc tế.

Đồng tình với việc giữ nguyên tên gọi Luật HTX, Đại biểu Trương Trọng Nghĩa - Đoàn Đại biểu Quốc hội Tp. Hồ Chí Minh, cho rằng luật là mở ra hành lang pháp lý chứ không phải luật chỉ đi điều chỉnh những cái gì hiện có trong xã hội. Tên gọi của luật phải đảm bảo hành lang pháp lý trong tương lai và phải ít sửa đổi. HTX là một đơn vị, tổ chức khác với cụm từ “tập thể” và đồng bộ với luật pháp của thế giới hiện nay. Vì vậy, nên giữ cụm từ “hợp tác”.

Góp ý tại Điều 5 về bảo đảm của Nhà nước đối với các tổ chức kinh tế hợp tác, đại biểu Hoàng Thị Thanh Thúy cho rằng trong đó quy định về trưng mua, trưng dụng tài sản, để tránh trường hợp hiểu không đúng về trường hợp thật cần thiết, Ban soạn thảo cần phải quy định cụ thể trường hợp nào Nhà nước thực hiện trưng mua, trưng dụng tài sản của các tổ chức kinh tế hợp tác và đảm bảo các trường hợp được quy định không trái với quy định tại Điều 5 Luật trưng mua, trưng dụng tài sản năm 2008.

Đại biểu Leo Thị Lịch - Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Giang, cho rằng dự thảo Luật đã bám sát 8 nhóm chính sách theo Nghị quyết của Trung ương Đảng. Tuy nhiên, dự thảo chưa đề cập đến tính đặc thù trong hoạt động nông nghiệp. Chính vì vậy, cần cần xem xét bổ sung quy định cho HTX nông nghiệp, hoặc giao Chính phủ quy định cơ chế đặc thù cho HTX nông nghiệp.

Các đại biểu cũng đề nghị cần rà soát một số nội dung, chính sách cụ thể trong luật, đối chiếu các quy định của dự thảo Luật này với các văn bản pháp luật khác như Bộ luật Dân sự, Luật Các tổ chức tín dụng, Luật Doanh nghiệp, Luật Phá sản… để tránh chồng chéo, mâu thuẫn.

Đối với quyền của tổ chức kinh tế hợp tác có tư cách pháp nhân, đại biểu đề nghị cần bổ sung một điểm ở khoản 1 Điều 9 về việc chủ động ứng dụng khoa học công nghệ để nâng cao năng lực sản xuất kinh doanh, khả năng cạnh tranh, được bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ theo quy định của Luật Sở hữu trí tuệ.

Trước các ý kiến đóng góp của các đại biểu, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết về tên gọi của Dự án Luật, hiện có 2 luồng ý kiến, một số ý kiến tán thành giữ tên Luật HTX; một số ý kiến đồng ý đổi tên thành Luật Các tổ chức kinh tế hợp tác. Vấn đề này, Cơ quan chủ trì soạn thảo sẽ rà soát, nghiên cứu, phối hợp với Cơ quan thẩm tra tiếp thu về tên Luật cho phù hợp, báo cáo Chính phủ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội trước khi trình Quốc hội.

Về các chính sách hỗ trợ phát triển các tổ chức kinh tế tập thể, Bộ trưởng đồng ý cần thiết kế chính sách mạnh mẽ hơn, tập trung hơn, có trọng tâm trọng điểm hơn, cụ thể, rõ ràng hơn. Bên cạnh đó, Bộ trưởng cũng cho rằng cần tập trung làm rõ tính đặc thù, chú trọng chính sách chuyển đổi số, phát triển nguồn nhân lực, đổi mới mô hình quản trị, nâng cao khả năng tiếp cận vốn, tăng cường áp dụng thành tựu khoa học công nghệ.

Về tổ chức đại diện, liên minh HTX, Bộ trưởng chỉ ra rằng, có nhiều ý kiến đại biểu quan tâm cho ý kiến. Cơ quan chủ trì soạn thảo dự kiến báo cáo Chính phủ, tiếp tiếp tục rà soát, nghiên cứu quy định về tổ chức đại diện và hệ thống liên minh HTX tại dự thảo Luật này cho phù hợp, bảo đảm tính thống nhất, không chồng chéo của hệ thống pháp luật.

Ngoài ra, Cơ quan soạn thảo tiếp tục rà soát các chính sách, đảm bảo sự phù hợp, thống nhất, thúc đẩy mô hình kinh tế này phát triển mạnh mẽ trong thời gian tới.

Trước đó, đóng góp về Dự thảo Luật HTX sửa đổi tại nhiều cuộc họp, Liên minh HTX Việt Nam cho rằng nên giữ nguyên tên “Luật Hợp tác xã”, vì: HTX là nòng cốt, đại diện và đặc trưng cho thành phần kinh tế tập thể. Tên gọi Luật HTX đã được sử dụng từ Luật HTX năm 1996, Luật HTX năm 2003 và Luật HTX năm 2012; hệ thống chính trị và người dân đã quen với tên gọi này, ngắn gọn, dễ hiểu, thuận lợi cho tuyên truyền phổ biến và áp dụng pháp luật.

Hiện nay, hầu hết các nước trên thế giới đều sử dụng tên là Luật HTX. Nếu dự thảo Luật HTX (sửa đổi) không quy định về Liên đoàn HTX như phương án 2 điểm 3, mục 5 của Tờ trình số 5629/TTr-BKHĐT thì Luật HTX chủ yếu quy định về HTX, liên hiệp HTX, cho nên tên gọi Luật HTX là phù hợp.

Theo VN Business