Quỹ Hỗ trợ phát triển Hợp tác xã: Bao giờ đến được địa phương?
Nguồn vốn để hỗ trợ cho Quỹ Hỗ trợ phát triển hợp tác xã hiện nay gần như không đủ để đáp ứng nhu cầu vay vốn của các hợp tác xã trong cả nước. Bởi vậy, nhiều hợp tác xã trong điều kiện không tiếp cận được vốn đã phải chấp nhận vay nặng lãi (tín dụng đen) để có nguồn vốn thực hiện phương án kinh doanh.
"Trong thực tế chỉ có khoảng 2% số hợp tác xã nông nghiệp trong cả nước tiếp cận được vốn các tổ chức tín dụng. Bình quân 5 năm qua, chỉ có khoảng 4% hợp tác xã tiếp cận được với nguồn vốn các tổ chức tín dụng. Do các ngân hàng thương mại và các tổ chức tín dụng là các đơn vị thuần túy kinh doanh với mục tiêu lợi nhuận, yêu cầu cao về điều kiện, e ngại cho hợp tác xã vay, vì chi phí cho vay cao; số hợp tác xã hoạt động có hiệu quả chỉ chiếm 45%, nên khả năng đáp ứng các điều kiện của ngân hàng còn hạn chế, nhiều hợp tác xã thiếu tài sản bảo đảm...".
Ì ạch vì thiếu vốn
Tuy đã được công nhận thương hiệu nhưng đến nay, thương hiệu Gạo Ngọc Quang của Hợp tác xã Nông nghiệp 1, Ninh Quang, thị xã Ninh Hòa vẫn chưa thể vượt qua giai đoạn thí điểm. Từ năm 2016 đến nay, hợp tác xã chỉ đưa vào chế biến, tiêu thụ 15 tấn gạo, phục vụ thị trường trong tỉnh.
Theo ông Lương Công Vân - Giám đốc thương hiệu gạo Ngọc Quang, Hợp tác xã Nông nghiệp 1, Ninh Quang, thị xã Ninh Hòa, cho biết vùng sản xuất 10ha, bình quân sản lượng 600 tấn/vụ cần vốn 3,6 tỷ đồng, nhưng Hợp tác xã thiếu vốn nên không thể thu mua cho nông dân, vì vậy khó duy trì được vùng sản xuất. Sau giai đoạn thí điểm, việc sản xuất, chế biến gạo sạch tạm thời chững lại. Điều đáng nói, hiện nay, các kênh vốn huy động hầu như bế tắc. “Vay vốn từ Ngân hàng Phát triển khó khả thi vì Hợp tác xã không biết làm dự án; vay vốn Quỹ Hỗ trợ phát triển hợp tác xã thì quỹ này tỉnh Khánh Hòa chưa có; vay Quỹ Hỗ trợ nông dân thì không đúng đối tượng; vốn khuyến nông cũng không vay được bởi vốn này chỉ hỗ trợ mô hình nhỏ... Trong khi đó, việc liên kết với doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn. Doanh nghiệp không muốn đầu tư vào nông nghiệp vì ngại nhiều rủi ro”, ông Vân trăn trở.
Gạo Ngọc Quang - Gạo chất lượng cao sản xuất tại Hợp tác xã Nông nghiệp 1, Ninh Quang, thị xã Ninh Hòa
Vừa qua, Chi cục Phát triển nông thôn gợi ý hỗ trợ Hợp tác xã 300 triệu đồng để quảng bá thương hiệu nhưng Hợp tác xã chưa dám nhận bởi khả năng quảng bá của Hợp tác xã còn yếu. Điều Hợp tác xã cần nhất lúc này là tiền đầu tư thu mua lúa cho nông dân, nhu cầu trước mắt khoảng 1 tỷ đồng, nhưng Hợp tác xã chưa có nguồn.
Chi cục Phát triển nông thôn từng cho biết, cái khó của Hợp tác xã Nông nghiệp 1 Ninh Quang cũng là cái khó chung của các hợp tác xã hiện nay ở tỉnh Khánh Hòa nói riêng, cả nước nói chung. Chi cục sẽ tiếp tục đồng hành cùng Hợp tác xã kiến nghị tỉnh tháo gỡ để tạo điều kiện cho thương hiệu gạo Ngọc Quang phát triển. Được biết, năm 2018, Ủy ban Nhân dân tỉnh Khánh Hòa đã ban hành Quyết định phê duyệt đề án sản xuất lúa nguyên liệu chất lượng cao cho thương hiệu gạo Ngọc Quang của Hợp tác xã với tổng kinh phí thực hiện đề án hơn 1,5 tỷ đồng (trong đó, ngân sách tỉnh hỗ trợ 80%, khoảng 1,2 tỷ, Hợp tác xã đối ứng 20%). Bên cạnh đó, Hợp tác xã Nông nghiệp 1 Ninh Quang cũng được Liên minh Hợp tác xã Việt Nam chọn tham gia Đề án mô hình hợp tác xã phát triển sản xuất gắn với chuỗi giá trị (sản xuất gạo chất lượng cao), thực hiện trong năm 2020, Hợp tác xã sẽ được hỗ trợ không hoàn lại 250 triệu đồng đề xây dựng nhà sơ chế, nhà lạnh và các trang thiết bị.... tham gia Đề án trên.
Tuy nhiên, đây chỉ mới là sự hỗ trợ của các cấp cho một vài hợp tác xã. Nguồn hỗ trợ này cũng chỉ như muối bỏ biển so với nhu cầu vốn để phát triển hợp tác xã ở tỉnh Khánh Hòa hiện tại. Không có vốn thì không thể mở rộng sản xuất, phát triển bền vững, các hợp tác xã rất cần có thêm những hỗ trợ kịp thời và mạnh mẽ từ các nguồn lực xã hội, nhất là nguồn vốn từ Quỹ Hỗ trợ phát triển hợp tác xã.
Quỹ Hỗ trợ phát triển Hợp tác xã tỉnh Khánh Hòa được xúc tiến từ năm 2009, Ủy ban Nhân dân tỉnh ban hành Quyết định cho phép thành lập Hội đồng Quản lý năm 2010, nhưng đến nay vẫn chưa thể đi vào hoạt động do không bố trí được nguồn kinh phí. .
Chuyện 1.000 tỷ đồng
Có thêm vốn để mở rộng hoạt động, doanh thu sẽ tăng lên nhiều lần không phải là vấn đề của riêng 1 hợp tác xã, mà còn là vấn đề của nhiều hợp tác xã khác trên cả nước.
Giám đốc Hợp tác xã dịch vụ tổng hợp Kiến Thuận (Văn Chấn, Yên Bái), bày tỏ: "Việc tiếp cận vốn của Quỹ Hỗ trợ phát triển hợp tác xã dễ dàng, thuận lợi. Tuy nhiên nguồn vốn của Quỹ còn hạn hẹp. Trong khi đó, đặc thù của các hợp tác xã nông nghiệp là cần lượng vốn lưu động lớn. Nguồn vốn để hỗ trợ cho Quỹ Hỗ trợ phát triển hợp tác xã gần như không đủ để đáp ứng nhu cầu vay vốn của các hợp tác xã trong cả nước. Bởi vậy, nhiều hợp tác xã trong điều kiện không tiếp cận được vốn đã phải chấp nhận vay nặng lãi (tín dụng đen) để có nguồn vốn thực hiện phương án kinh doanh".
Từ khi được thành lập (năm 2006) đến nay, nguồn vốn của Quỹ Hỗ trợ phát triển hợp tác xã cũng chỉ đạt 100 tỷ đồng, nên đến nay, Quỹ gần như không còn nguồn vốn để cho vay, chỉ thu hồi dần vốn gốc để cho vay tiếp.
Mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã chấp thuận tăng vốn cho Quỹ theo lộ trình "đến năm 2018 đạt 500 tỷ đồng và đến năm 2020 đạt 1.000 tỷ đồng…", nhưng thực tế Quỹ vẫn chưa nhận được nguồn vốn bổ sung này.
Một ví dụ đơn giản, xây dựng 400 hợp tác xã hoạt động hiệu quả theo Đề án phát triển 15.000 hợp tác xã nông nghiệp hoạt động có hiệu quả đến năm 2020 của Quốc hội, sẽ cần kinh phí lên tới 1.200 tỷ đồng. Riêng 130 hợp tác xã đã được Liên minh Hợp tác xã xây dựng đã tốn khoảng 400 tỷ đồng.
Đó là chưa kể việc cho vay vốn của Quỹ vẫn phải đáp ứng những lĩnh vực cần ưu tiên theo chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước, như: Cho vay các hợp tác xã xây dựng nông thôn mới; các hợp tác xã xây dựng chuỗi giá trị, ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp; tiểu thủ công nghiệp; xử lý môi trường...
"Do đó, hiện Quỹ mới chỉ đáp ứng được một phần rất nhỏ, không đáng kể so với nhu cầu phát triển của khu vực kinh tế hợp tác, hợp tác xã. Vì vậy, việc bổ sung vốn điều lệ cho Quỹ là hết sức cần thiết, nhằm đáp ứng nhu cầu cấp bách về vốn tín dụng để thực hiện những chủ trương, mục tiêu, giải pháp phát triển khu vực kinh tế hợp tác, hợp tác xã trong giai đoạn hiện nay", Giám đốc Quỹ phát triển hợp tác xã - ông Phạm Công Bằng, cho hay.
Nói về sự cần thiết của Quỹ Hỗ trợ phát triển HTX, nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng Dự thảo Nghị định về Quỹ hỗ trợ phát triển hợp tác xã cần sát hơn với thực tế và tạo điều kiện thuận lợi cho hợp tác xã tiếp cận vốn tín dụng phát triển sản xuất, kinh doanh, nhất là nhu cầu vốn ngắn hạn và trung hạn.
Điều này chắc chắn sẽ giúp các hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã sản xuất, kinh doanh có hiệu quả hơn rất nhiều và có cơ hội đến gần hơn với nguồn vốn tín dụng ưu đãi từ Quỹ.
Hồ Hữu Đức
tổng hợp từ các nguồn và tư liệu thời báo kinh doanh- [02/05/2025] Liên minh Hợp tác xã Việt Nam tìm hiểu mô hình hợp tác xã du lịch nông nghiệp tại Khánh Hòa
- [02/05/2025] 15 tỉnh, thành phố Duyên hải miền Trung và Tây Nguyên tham gia xúc tiến thương mại, kết nối giao thương khu vực kinh tế tập thể, hợp tác xã
- [13/03/2025] Hợp tác xã Nông nghiệp - Dịch vụ và Du lịch cộng đồng xã Khánh Hiệp: Hướng đến phát triển nông nghiệp xanh
- [13/03/2025] “Hợp tác xã nuôi trồng thủy sản Vạn Ninh ra đời góp phần thực hiện Quyết định số 231/QĐ-TTg, ngày 24/01/2025 của Thủ tướng Chính phủ về Đề án thí điểm phát triển nuôi biển công nghệ cao tại Khánh Hòa, là cơ sở quan trọng để thành viên thay đổi phương thức sản xuất từ nuôi biển truyền thống sang nuôi công nghệ cao, gắn với bảo vệ môi trường, giảm thiểu rủi ro do thiên tai, dịch bệnh, kết hợp phát triển du lịch sinh thái”
- [08/03/2025] HỘI NGHỊ KÝ GIAO ƯỚC THI ĐUA KHỐI CÁC HỢP TÁC XÃ NĂM 2025
- [18/10/2018] Thông báo danh sách được đề nghị khen thưởng dịp Kỷ niệm 25 năm Ngày thành lập Liên minh HTX tỉnh Khánh Hòa
- [17/10/2018] Vạn Ninh - Tỏi bán không ai mua, dân khóc ròng
- [11/10/2018] Công tác quản lý trong hợp tác xã tiêu dùng
- [04/10/2018] Nâng cao hiệu quả của các hợp tác xã
- [04/10/2018] Nghiệm thu đề án khuyến công tại Hợp tác xã Thủ công mỹ nghệ xuất khẩu Vĩnh Phước