Sản phẩm công nghiệp nông thôn: Thêm động lực để phát triển
Hỗ trợ phát triển sản phẩm
Theo báo cáo của Sở Công Thương, từ năm 2012 đến 2022, sở đã tham mưu cho UBND tỉnh ban hành nhiều kế hoạch tổ chức bình chọn, phát triển sản phẩm CNNT tiêu biểu cấp tỉnh. Trên cơ sở đó, sở hướng dẫn các huyện, thị xã, thành phố xây dựng kế hoạch bình chọn cấp huyện và thực hiện tổ chức bình chọn sản phẩm CNNT tiêu biểu theo đúng yêu cầu.
Công nhân Hợp tác xã Thảo dược Việt Nam (TP. Nha Trang) xử lý sản phẩm gừng lên men.
|
Trong công tác hỗ trợ, đến nay, toàn tỉnh có 192 cơ sở CNNT được hỗ trợ để phát triển các sản phẩm, nhóm sản phẩm, như: Nhóm sản phẩm thủ công mỹ nghệ; chế biến nông, lâm, thủy sản và thực phẩm; phụ tùng, máy móc, thiết bị, cơ khí và nhóm sản phẩm khác. Bên cạnh đó, 33 đề án có sản phẩm đạt sản phẩm bình chọn cấp tỉnh, khu vực, quốc gia được ngân sách hỗ trợ nhằm đầu tư, mở rộng sản xuất sản phẩm mới; hỗ trợ ứng dụng máy móc, thiết bị tiên tiến trong các khâu sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp. Tổng kinh phí hỗ trợ cho các cơ sở CNNT trong 10 năm qua hơn 1,3 tỷ đồng. Trong đó, cấp huyện gần 558 triệu đồng; cấp tỉnh gần 543,5 triệu đồng; cấp khu vực hơn 116,1 triệu đồng và cấp quốc gia hơn 85,1 triệu đồng.
Qua báo cáo của các cơ sở CNNT cho thấy, hầu hết các cơ sở có sản phẩm đạt sản phẩm CNNT tiêu biểu đều có thị trường tiêu thụ trong và ngoài tỉnh, kể cả xuất khẩu; doanh số của sản phẩm luôn tăng trưởng; cơ sở có điều kiện tạo thêm việc làm ổn định, tăng thu nhập cho người lao động và đóng góp cho ngân sách địa phương. Trong số đó, nhiều cơ sở CNNT tham gia đóng góp và hỗ trợ công tác xã hội trên địa bàn, góp phần xây dựng nông thôn mới tại địa phương.
Vẫn còn những hạn chế
Ông Nguyễn Sanh Đương - Phó Giám đốc Sở Công Thương cho biết, chương trình bình chọn sản phẩm CNNT tiêu biểu cấp huyện, cấp tỉnh trong 10 năm qua mang lại ý nghĩa rất lớn, tạo hiệu quả trong việc phát hiện và tôn vinh những sản phẩm CNNT tiêu biểu trên địa bàn tỉnh. Việc bình chọn sản phẩm CNNT tiêu tiểu các cấp không chỉ giúp các cơ quan quản lý nhà nước phát hiện, tôn vinh các sản phẩm có giá trị, có tiềm năng phát triển sản xuất để ưu tiên hỗ trợ, mà còn là cơ hội để các cơ sở CNNT đẩy mạnh nghiên cứu, kết nối giao thương, mở rộng thị trường, học hỏi kinh nghiệm quản lý, nâng cao năng lực cạnh tranh trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế. Thông qua các cuộc bình chọn đã tạo nên động lực rất lớn cho các cơ sở sản xuất CNNT tích cực hơn trong việc thiết kế, cải tiến công nghệ, hạ giá thành sản phẩm, mở rộng quy mô sản xuất. Qua 10 năm thực hiện bình chọn và hỗ trợ cơ sở CNNT đã giúp cho ra đời nhiều sản phẩm mang đậm bản sắc văn hóa địa phương, vùng miền phục vụ phát triển du lịch, góp phần tăng giá trị ngành công nghiệp của tỉnh.
Dây chuyền sản xuất nước mắm 584 Nha Trang.
|
Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Sanh Đương, bên cạnh những thuận lợi, việc tổ chức bình chọn sản phẩm CNNT tiêu biểu cấp huyện và cấp tỉnh vẫn bộc lộ những hạn chế cần khắc phục. Đó là các cơ sở CNNT chưa nhận thức đầy đủ về sự cần thiết khi tham gia đăng ký bình chọn, vẫn còn thụ động, trông chờ nguồn kinh phí hỗ trợ. Các sản phẩm CNNT khi tham gia hội chợ vẫn còn nặng mục tiêu bán hàng, chưa chuẩn bị đầy đủ thông tin sản phẩm, quảng bá sản phẩm, tìm kiếm khách hàng, thị trường tiềm năng.
Bên cạnh đó, các sản phẩm CNNT khi tham gia bình chọn vẫn chủ yếu được sản xuất theo lối truyền thống, manh mún, sử dụng công nghệ cũ, lạc hậu; chưa chú trọng thay đổi kiểu dáng sản phẩm, nhãn hiệu hàng hóa nên chưa tạo được sự khác biệt, giá trị hàng hóa thấp. Vì vậy, sản phẩm tham gia bình chọn chưa phản ánh hết tiềm năng, thế mạnh của địa phương. Ngoài ra, công tác phối hợp, thông tin tuyên truyền cũng chưa phát huy hết hiệu quả. Nhiều cơ sở CNNT cũng chưa sẵn sàng cung cấp thông tin về cơ sở sản xuất và sản phẩm cho các cơ quan thông tin đại chúng để tuyên truyền, giới thiệu do sợ lộ bí quyết sản xuất, kinh doanh. Hầu hết các cơ sở CNNT chưa đầu tư xây dựng được nhà trưng bày giới thiệu sản phẩm có quy mô lớn để làm địa điểm giao dịch, nơi xúc tiến thương mại cho sản phẩm, làm cầu nối và là nơi để khách hàng đến tìm hiểu sản phẩm, ký kết hợp đồng mua bán hàng hóa.
Ông Lê Hữu Hoàng - Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh: Để tạo điều kiện phát triển CNNT, UBND tỉnh đã chỉ đạo UBND các huyện, thị xã, thành phố quan tâm triển khai chương trình khuyến công giai đoạn 2021 - 2025. Hàng năm, các địa phương tham gia có hiệu quả trong việc xây dựng kế hoạch khuyến công địa phương, đề xuất nhiều cơ sở CNNT có đối tượng phù hợp với hoạt động khuyến công để được hỗ trợ. Các cơ sở CNNT cần có kế hoạch đầu tư máy móc thiết bị, đổi mới công nghệ hiện đại để phát huy lợi thế cạnh tranh, sản xuất ra các sản phẩm có chất lượng cao, mẫu mã đẹp, an toàn thực phẩm, đáp ứng nhu cầu phát triển du lịch của tỉnh. Ngoài ra, khuyến khích các cơ sở gắn liền sản xuất với bảo vệ môi trường, giải quyết việc làm tại chỗ, đóng góp vào phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. __________________________________________
|
Theo Bao Khánh Hòa Online.
- [19/11/2024] Khánh Vĩnh: Mở rộng quảng bá, giới thiệu sản phẩm địa phương
- [13/11/2024] Khánh Sơn: Hỗ trợ phát triển mã số vùng trồng
- [13/11/2024] Sôi nổi nhiều mô hình trong các hợp tác xã
- [06/11/2024] HỘI NGHỊ ĐỐI THOẠI GIỮA LÃNH ĐẠO UBND TỈNH VỚI CÁC HTX TRÊN ĐỊA BÀN NĂM 2024
- [04/11/2024] Phát triển du lịch nông nghiệp tại Cam Lâm
- [19/09/2022] Vụ lúa hè thu: Điểm sáng liên kết sản xuất
- [14/09/2022] Hiến kế phát triển kinh tế nông nghiệp theo xu hướng chuyển đổi số
- [14/09/2022] Hợp tác xã Nông nghiệp Ninh Đông: Gia tăng giá trị hạt gạo
- [13/09/2022] Triển khai đồng bộ các giải pháp cơ cấu lại hệ thống tổ chức tín dụng
- [13/09/2022] Đẩy mạnh vốn tín dụng để phát triển nông nghiệp, nông thôn