Sầu riêng Khánh Sơn: Hướng đến xuất khẩu chính ngạch
Gắn địa chỉ cho trái cây đặc sản
Được coi là loại trái cây đặc sản, sầu riêng Khánh Sơn luôn nằm trong tốp đầu về mức độ thu hút và giá bán trên thị trường. Nông dân nơi đây cũng luôn ra sức bảo vệ thương hiệu bằng nhiều giải pháp căn cơ, bài bản, đó là trồng sầu riêng an toàn, đạt chuẩn VietGAP, sầu riêng hữu cơ, tham gia và đạt các tiêu chí để trở thành sản phẩm OCOP, tăng cường chế biến để nâng cao giá trị gia tăng… Thời gian gần đây, có hàng trăm héc-ta sầu riêng Khánh Sơn đã được đăng ký mã số vùng trồng, gắn địa chỉ để có thể xuất khẩu chính ngạch.
Ông Trần Thiện Hùng - Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh cho biết, mã số vùng trồng là mã số định danh cho một vùng trồng trọt nhằm theo dõi và kiểm soát tình hình sản xuất, chất lượng sản phẩm, truy xuất nguồn gốc sản phẩm cây trồng. Các nước nhập khẩu yêu cầu nông sản phải có mã số vùng trồng như một yếu tố bắt buộc để sản phẩm đó có thể nhập khẩu vào nước họ. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 23 mã số vùng trồng với tổng diện tích hơn 4.000ha cây trồng đã được cấp mã số, trong đó có 5 mã số sầu riêng với diện tích 125,4ha xuất khẩu sang Trung Quốc.
Ông Đào Văn Yến - chủ một vựa thu mua sầu riêng lớn ở xã Sơn Bình khẳng định, mã số vùng trồng đã giúp cho sầu riêng xuất khẩu chính ngạch ra thị trường nước ngoài, nhờ đó có giá cao hơn so với xuất khẩu theo đường tiểu ngạch. Điều này còn giúp cho nông dân có trách nhiệm hơn với nông sản do mình làm ra khi đã được gắn mã số với các thông tin liên quan đến địa chỉ và quá trình làm ra sản phẩm. Còn chủ vựa sầu riêng Ánh Tuyết ở xã Sơn Bình cho biết, nhờ được cấp mã số vùng trồng, sầu riêng Khánh Sơn xuất khẩu trực tiếp qua thị trường Trung Quốc mà không phải thông qua nhiều khâu trung gian nên giá thu mua năm nay đạt cao hơn so với các năm trước.
Đẩy mạnh cấp mã số vùng trồng
Theo lãnh đạo Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh, hiện nay, có hàng trăm héc-ta sầu riêng được nông dân hoàn thiện hồ sơ để được cấp mã số vùng trồng. Vừa qua, chi cục đã gửi danh sách 22 mã số vùng trồng sầu riêng với diện tích 589ha và 1 cơ sở đóng gói đề nghị cấp mã sầu riêng xuất khẩu sang Trung Quốc đến Cục Bảo vệ thực vật (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn). Trong đó, có 6 mã số liên kết với công ty do công ty đứng tên, 3 mã của cá nhân và 13 mã của các hợp tác xã, tổ hợp tác đứng tên. Đến nay, Tổng cục Hải quan Trung Quốc đã tiến hành kiểm tra trực tuyến đối với 6 mã số vùng trồng có tổng diện tích 155ha. Kết quả được phê duyệt 2 mã số, 4 mã số còn lại phía Việt Nam đã hoàn tất hồ sơ khắc phục gửi phía nhập khẩu phê duyệt.
Qua tìm hiểu của chúng tôi, việc cấp mã số vùng trồng phải trải qua nhiều thủ tục, công đoạn. Quá trình quản lý, sử dụng mã số cũng cần tuân thủ nghiêm ngặt để không bị cảnh cáo hoặc thu hồi sản phẩm từ phía thị trường nhập khẩu. Công tác hậu kiểm, giám sát định kỳ của cơ quan chức năng đối với vùng được cấp mã số là việc làm có tính chất bắt buộc nhằm đảm bảo mã số đó đáp ứng được các yêu cầu như đã ký kết. Tuy nhiên, không phải tổ chức, cá nhân nào khi đã được cấp mã số cũng tuân thủ các quy định. Theo đại diện Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Khánh Sơn, trên địa bàn có tổng cộng 179,9ha sầu riêng đã được cấp mã số vùng trồng xuất khẩu sang Trung Quốc. Tuy nhiên, qua rà soát, các thành viên của 1 tổ hợp tác cây sầu riêng ở Khánh Sơn có diện tích 54,5ha đã được cấp mã số nhưng không có nhu cầu tiếp tục duy trì mã số vùng trồng. Do đó, sau khi thực hiện kiểm tra, giám sát định kỳ mã số vùng trồng và xác minh thực tế, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh đã thông báo cho tổ hợp tác này về việc thu hồi mã số do không thực hiện giám sát định kỳ và theo yêu cầu hủy mã số của người đại diện. Cơ quan chức năng cũng yêu cầu tổ hợp tác dừng việc sử dụng mã số vùng trồng xuất khẩu chính ngạch sầu riêng sang thị trường Trung Quốc dưới mọi hình thức. Đây là điều đáng tiếc, bởi không dễ để có thể định danh cho một sản phẩm nông sản được phía thị trường nhập khẩu chấp nhận.
Ông Đỗ Nhi Huy - Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Khánh Sơn cho biết, phát triển sầu riêng theo hướng sạch, an toàn, có chỉ dẫn địa lý, truy xuất nguồn gốc, mã số vùng trồng là những giải pháp quan trọng nhằm duy trì và nâng cao hơn nữa giá trị của loại nông sản đã giúp người dân trên địa bàn huyện từng bước thoát nghèo và làm giàu. Những năm gần đây, thực hiện chỉ đạo của UBND huyện, phòng đã triển khai nhiều đợt tuyên truyền, hướng dẫn nông dân các quy định về cấp, quản lý mã số vùng trồng trên địa bàn huyện. Hầu hết người trồng sầu riêng trên địa bàn huyện đều ý thức được vai trò, tầm quan trọng của việc đăng ký cấp mã số vùng trồng, định danh cho sản phẩm của mình để được thị trường biết đến và chấp nhận.
Theo Báo Khánh Hòa điện tử
- [19/11/2024] Khánh Vĩnh: Mở rộng quảng bá, giới thiệu sản phẩm địa phương
- [13/11/2024] Khánh Sơn: Hỗ trợ phát triển mã số vùng trồng
- [13/11/2024] Sôi nổi nhiều mô hình trong các hợp tác xã
- [06/11/2024] HỘI NGHỊ ĐỐI THOẠI GIỮA LÃNH ĐẠO UBND TỈNH VỚI CÁC HTX TRÊN ĐỊA BÀN NĂM 2024
- [04/11/2024] Phát triển du lịch nông nghiệp tại Cam Lâm
- [25/10/2023] Chương trình xây dựng nông thôn mới: Tập trung vào đời sống sản xuất
- [11/10/2023] Xây dựng vùng trồng, nông dân miền núi Khánh Hòa bắt cây sầu riêng sinh “vàng”
- [09/10/2023] Vì sao Việt Nam mới có 0,6% diện tích đất canh tác hữu cơ?
- [09/10/2023] Làm giàu từ nông sản sạch
- [09/10/2023] Tăng cường quản lý nuôi trồng thủy sản cuối năm