Sức trẻ sáng tạo ở các mô hình HTX giúp người dân Núi Thành ‘sống khỏe’
Những mô hình khởi nghiệp với sức trẻ sáng tạo biết khai thác chế biến từ những sản vật bản địa ở huyện Núi Thành (tỉnh Quảng Nam) như HTX nông nghiệp Hoàng Hải, HTX Nông - ngư nghiệp Núi Thành, HTX Nông - Thủy sản Trung Hải…đã phát huy được vai trò tập hợp, vận động, giúp thay đổi cách nghĩ, cách làm cho nông dân nơi đây để “sống khỏe”, thoát nghèo bền vững.
HTX Nông nghiệp Hoàng Hải ở thôn Thanh Long, xã Tam Quang (huyện Núi Thành) hiện nay có trang trại nuôi trồng nấm với quy mô hơn 3.000 m2 sản xuất nấm linh chi, bào ngư và mộc nhĩ.
Nâng giá trị cho cây nấm
Việc ứng dụng quy trình sản xuất khép kín từ thu mua nguyên vật liệu sản xuất giá thể, cấy phôi, gieo trồng, chăm sóc, thu hoạch chế biến đóng gói bao bì nhãn mác, xây dựng thương hiệu đang giúp các sản phẩm từ nấm của HTX này tạo được vị trí trên thị trường.
Sức trẻ ở HTX nông nghiệp Hoàng Hải giúp nâng cao giá trị cây nấm của địa phương. |
Để nâng cao giá trị nấm linh chi đỏ, HTX Hoàng Hải đã đầu tư máy móc công nghệ hiện đại chế biến sâu thành nhiều sản phẩm như trà nấm linh chi túi lọc đóng hộp, nấm linh chi nguyên tai, nấm linh chi thái lát đóng gói hút chân không, rượu nấm linh chi, bột nấm linh chi…
Bên cạnh chất lượng sản phẩm, HTX cũng chú trọng đầu tư bao bì nhãn mác đẹp, đầy đủ thông tin, có truy xuất nguồn gốc rõ ràng, đa dạng các kênh quảng cáo bán hàng như fanpage, facebook cá nhân, website, cửa hàng trưng bày…để mở rộng thị trường tiêu thụ.
Điều ấn tượng ở HTX này là các thành viên Ban quản trị HTX đều trẻ tuổi, có trình độ chuyên môn, nhiều thành viên tốt nghiệp đại học, cao đẳng nên có khả năng tiếp cận các tiến bộ kỹ thuật mới vào sản xuất. Bên cạnh đó, nhà xưởng, trang thiết bị, công cụ sản xuất nấm ở đây được đầu tư tương đối bài bản; công nghệ sản xuất nấm đã được Sở Khoa học - Công nghệ tỉnh Quảng Nam chuyển giao nên quy trình nuôi trồng nấm của HTX Hoàng Hải đảm bảo.
Ông Nguyễn Thanh Vũ, Giám đốc HTX nông nghiệp Hoàng Hải, cho biết định hướng trong thời gian tới của HTX là tổ chức sản xuất nấm theo quy mô lớn, đồng thời theo dõi, kiểm soát toàn bộ quá trình sản xuất nấm một cách chặt chẽ. HTX sẽ đảm nhiệm vai trò “bà đỡ” ký kết với các doanh nghiệp giúp nông dân kỹ thuật sản xuất, phôi giống nấm, bao tiêu sản phẩm.
Theo ông Vũ, HTX vẫn không ngừng hoàn thiện quy trình sản xuất, chế biến, đặc biệt đẩy mạnh xây dựng thương hiệu, phát triển thị trường để nâng cao giá trị cho nấm, phát triển bền vững nghề trồng nấm linh chi đỏ, tăng hiệu quả kinh tế cho thành viên và HTX.
Cùng với nấm linh chi, HTX Hoàng Hải hiện đang phát triển thêm nấm bào ngư và mộc nhĩ với nhu cầu tiêu thụ cao mở ra triển vọng phát triển ổn định với các loại nấm này. HTX định hướng chế biến sâu thành chả, nước tương từ nấm bào ngư để tham gia chương trình OCOP trong thời gian đến.
Tiêu biểu cho khởi nghiệp sáng tạo
Nhờ hoạt động hiệu quả nên HTX nông nghiệp Hoàng Hải được Liên minh HTX tỉnh Quảng Nam ghi nhận là một trong các HTX điển hình tiên tiến trên địa bàn Quảng Nam.
Có được kết quả này, nhờ HTX biết chọn hướng phát triển các sản phẩm chế biến sâu từ nấm, chú trọng đầu tư chất lượng và mẫu mã. HTX nông nghiệp Hoàng Hải đã tạo dựng được thương hiệu với những sản phẩm từ nấm linh chi, bào ngư, mộc nhĩ... mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Các HTX ở huyện Núi Thành với sự tham gia của những người trẻ quyết tâm cùng với người dân vùng biển Tam Tiến phát triển những đặc sản biển quê hương. |
Đặc biệt, cách đây 2 năm, UBND tỉnh Quảng Nam đã phê duyệt kết quả đánh giá, phân hạng và cấp Giấy chứng nhận sản phẩm OCOP 3 sao cấp tỉnh cho sản phẩm “Bột Nấm mộc nhĩ Hoàng Hải” của HTX nông nghiệp Hoàng Hải. Trước đó, HTX này đã có 2 sản phẩm “Trà linh chi Hoàng Hải” và “Nấm linh chi Hoàng Hải” đã được công nhận sản phẩm đạt OCOP 3 sao cấp tỉnh năm 2020.
Đây là kết quả đáng mừng của Ban lãnh đạo và thành viên HTX trên con đường nâng tầm giá trị cho cây nấm, khẳng định thương hiệu sản phẩm OCOP của địa phương huyện Núi Thành. Với mô hình sản xuất nấm, HTX giải quyết việc làm cho nhiều lao động ở xã Tam Quang, góp phần giúp người dân nơi đây thoát nghèo bền vững.
Cần ghi nhận thêm, mô hình của HTX nêu trên cũng là một trong 30 mô hình tiêu biểu về khởi nghiệp sáng tạo của lớp trẻ ở huyện huyện Núi Thành. Trong số đó, phải kể thêm những mô hình tiêu biểu như HTX Nông - ngư nghiệp Núi Thành (ở xã Tam Tiến) chuyên sản xuất nông nghiệp và chế biến thủy sản, đã có sản phẩm “Chả cá mối Tam Tiến” đạt hạng sản phẩm OCOP 4 sao cấp tỉnh. Hoặc như mô hình của HTX Nông - Thủy sản Trung Hải (ở xã Tam Hải) chuyên sản xuất mực rim sợi, cá cơm sốt me, cá đét sấy giòn, mực rim me…
Nói về mô hình của HTX Nông - ngư nghiệp Núi Thành phải nhắc đến vai trò sáng lập của anh Nguyễn Tiến Mạnh (trú thôn Long Thành, xã Tam Tiến, Núi Thành). Bằng nhiệt huyết của tuổi trẻ, anh Mạnh quyết tâm cùng với người dân vùng biển Tam Tiến phát triển sản phẩm chả cá mối và những đặc sản biển quê hương.
Anh Mạnh đã vận động ngư dân tham gia HTX Nông ngư nghiệp Núi Thành do anh làm giám đốc điều hành, sản xuất kinh doanh các sản phẩm chả cá mối mang thương hiệu NT-Sea Food và các đặc sản biển khác.
Như chia sẻ của anh Mạnh, hiện có nhiều sản phẩm chả cá nổi tiếng, như Quảng Ngãi có chả cá Lý Sơn, Khánh Hòa có chả cá Nha Trang. Riêng biển Tam Tiến có đặc sản chả cá mối và được HTX nghiên cứu, chế biến thành phẩm, chú trọng mẫu mã để đưa ra thị trường.
Thay đổi cách nghĩ, cách làm cho nông dân
Để tạo sức cạnh tranh trên thị trường, anh Mạnh tìm tòi phải làm sao để sản phẩm giữ nguyên được hương vị cá biển, ăn ít ngán và có nhiều dòng sản phẩm, nhiều hương vị để khách hàng lựa chọn. Theo đó, HTX Nông - ngư nghiệp Núi Thành đã sản xuất và tiêu thụ các loại chả cá hấp, chiên và tươi, đáp ứng mọi nhu cầu thưởng thức của khách hàng, song đặc biệt vẫn là chả cá mối chiên.
Các HTX giúp thay đổi cách nghĩ, cách làm của nông dân huyện Núi Thành để thoát nghèo bền vững. |
Gần đây, chả cá mối - NT-SeaFood đã hoàn thành hồ sơ để tham gia phân hạng đánh giá sản phẩm OCOP cấp tỉnh. HTX đang nỗ lực đẩy mạnh khâu quảng bá, xúc tiến thương mại, đưa sản phẩm đi triển lãm, quảng bá tại các hội chợ trong và ngoài địa phương. Mỗi tháng, HTX cho ra thị trường hơn 3 tấn sản phẩm chả cá các loại và thu mua của bà con 4,5 tấn nguyên liệu cá mối tươi phục vụ chế biến.
Còn với HTX Nông - Thủy sản Trung Hải (ở xã Tam Hải) phải nhắc đến vai trò của một phụ nữ trẻ là chị Phạm Thị Lê Na, giám đốc HTX. Sau khi sản phẩm “Mực rim xé sợi Cô Kiệu” của HTX được UBND tỉnh Quảng Nam công nhận là sản phẩm OCOP hạng 3 sao cách đây 3 năm thì chị Na tiếp tục thực hiện ý tưởng sản xuất sản phẩm mới “Cá đét sấy giòn Cô Kiệu” và đã đăng ký là sản phẩm OCOP.
Chị Lê Na chia sẻ: Từ những sản phẩm đầu tiên được khách hàng đón nhận và ủng hộ, HTX thấy rằng, các sản phẩm được chế biến từ hải sản khô rất có tiềm năng và thị trường tiêu thụ rộng lớn. Trong khi đó, nguồn nguyên liệu sản xuất lại dồi dào tại địa phương. Chẳng hạn như nguyên liệu chính là cá khô được thu mua toàn bộ trên địa bàn xã Tam Hải và các xã lân cận. Nhờ vậy đã tạo đầu ra ổn định cho ngư dân, tạo công ăn việc làm với thu nhập ổn định cho lao động nhàn rỗi tại địa phương.
Từ sức trẻ của những mô hình HTX biết khai thác chế biến những sản vật bản địa như vậy đã giúp cho nhiều nông dân địa phương được “sống khỏe”.
Tính đến nay trên địa bàn bàn huyện Núi Thành có hơn 20 HTX, trong số đó có 9 HTX tham gia với nhiều đóng góp cho chương trình OCOP. Hầu hết sản phẩm OCOP nổi bật của địa phương hiện nay đều từ sản xuất, kinh doanh của các HTX với dấu ấn quan trọng của những người trẻ đam mê khởi nghiệp sáng tạo.
Theo ông Lê Văn Sinh, Chủ tịch UBND huyện Núi Thành, các HTX trong huyện đã phát huy được vai trò tập hợp, vận động, thay đổi cách nghĩ, cách làm cho nông dân, ứng dụng hiệu quả các tiến bộ khoa học - kỹ thuật, nâng cao hiệu quả sản xuất và thực hiện tốt việc liên doanh, liên kết, bảo đảm đầu ra ổn định cho nông sản.
Và cũng nhờ vào vai trò quan trọng của các HTX đã giúp cho huyện Núi Thành thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững đạt kết quả cao, giải quyết được nhu cầu cấp thiết của người nghèo. Nếu như năm 2016 tỷ lệ hộ nghèo ở huyện là 2.278 thì đến năm 2021 giảm xuống còn 713 hộ. Và đến năm 2022, tỷ lệ hộ nghèo còn 1,62%.
Theo VN Business
- [19/11/2024] Khánh Vĩnh: Mở rộng quảng bá, giới thiệu sản phẩm địa phương
- [13/11/2024] Khánh Sơn: Hỗ trợ phát triển mã số vùng trồng
- [13/11/2024] Sôi nổi nhiều mô hình trong các hợp tác xã
- [06/11/2024] HỘI NGHỊ ĐỐI THOẠI GIỮA LÃNH ĐẠO UBND TỈNH VỚI CÁC HTX TRÊN ĐỊA BÀN NĂM 2024
- [04/11/2024] Phát triển du lịch nông nghiệp tại Cam Lâm
- [08/08/2023] LỚP TẬP HUẤN “ CHUYỂN ĐỔI SỐ VÀ PHÁT TRIỂN KINH TẾ TẬP THỂ GẮN VỚI ĐẢM BẢO AN NINH KINH TẾ TRONG BỐI CẢNH HIỆN NAY KÝ KẾT CHƯƠNG TRÌNH PHỐI HỢP HOẠT ĐỘNG GIỮA LIÊN MINH HỢP TÁC XÃ TỈNH VÀ VIETTEL KHÁNH HÒA GIAI ĐOẠN 2023 – 2026”
- [31/07/2023] Công đoàn cơ sở Liên minh HTX tỉnh tổ chức kỷ niệm 94 năm Ngày thành lập Công đoàn Việt Nam (28/7/1929 – 28/7/2023) và biểu dương đoàn viên công đoàn tiêu biểu, giới thiệu đoàn viên ưu tú 6 tháng đầu năm 2023
- [24/07/2023] Vai trò nồng cốt của Liên minh Hợp tác xã Khánh Hòa trong việc xây dựng phát triển mô hình kinh tế tập thể, hợp tác xã sản xuất theo chuỗi giá trị
- [18/07/2023] PHIÊN CHỢ TRIỂN LÃM SẢN PHẨM VÙNG DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI NĂM 2023 TẠI TỈNH KHÁNH HÒA.
- [10/07/2023] Công điện khẩn của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp thúc đẩy sản xuất, xuất khẩu gạo