Tăng sức mạnh cho sản phẩm chủ lực

|

Với diện tích trên 6.600ha, từ nhiều năm nay, chè đã trở thành cây trồng chủ lực trong cơ cấu kinh tế nông nghiệp ở huyện Đại Từ. Thời gian qua, huyện luôn dành những nguồn lực đáng kể hỗ trợ các chủ thể sản xuất - kinh doanh chè, nhất là thành phần kinh tế tập thể, góp phần đưa cây chè Đại Từ phát triển về diện tích và nâng cao chất lượng, hiệu quả kinh tế của sản phẩm chủ lực này.

Xác định xây dựng và phát triển chuỗi liên kết sản phẩm nông nghiệp chủ lực là giải pháp quan trọng nhằm thúc đẩy phát triển nông nghiệp, trong giai đoạn 2016-2023, huyện Đại Từ đã dành trên 20 tỷ đồng hỗ trợ lắp đặt 30 hệ thống máy sao chè bằng gas cho các làng nghề, hợp tác xã (HTX), hộ sản xuất chè; đầu tư trên 11 tỷ đồng lắp đặt hệ thống tưới nước tiết kiệm cho 530ha chè của các hộ thành viên làng nghề, HTX… Qua đó góp phần nâng tỷ lệ cơ giới hóa trong khâu chế biến chè của toàn huyện đạt 100%, khâu bảo quản sản phẩm đạt trên 65%.

Bên cạnh đó, huyện cũng triển khai 8 dự án liên kết sản xuất, chế biến, tiêu thụ chè an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP, hữu cơ, với sự tham gia của 4 HTX chè (gồm: HTX chè La Bằng, HTX chè Nhật Thức, HTX chè an toàn Sơn Thành, HTX chè Hải Yến), cùng 25 tổ hợp tác (THT) và trên 1.100 hộ dân liên kết sản xuất. Kinh phí thực hiện Dự án là 5 tỷ đồng, để xây dựng 70ha chè theo tiêu chuẩn VietGAP.

Là một trong số các HTX được hỗ trợ, chị Hà Thị Yến, Giám đốc HTX chè Hải Yến (xã Phú Thịnh), chia sẻ: Thông qua Dự án, các thành viên HTX được tập huấn nâng cao kiến thức, hỗ trợ kinh phí để thực hiện quy trình trồng, chăm sóc, thu hái chè theo quy chuẩn VietGAP. Kết quả, năm 2020, HTX đã xây dựng thành công 2 sản phẩm chè đạt 4 sao OCOP. Từ khi có thương hiệu OCOP, sản phẩm của HTX đã được người tiêu dùng ở nhiều tỉnh, thành biết đến và lựa chọn... Hiện nay, trên 10ha chè của HTX vẫn đang duy trì sản xuất theo quy trình VietGAP. Trung bình mỗi năm, sản lượng chè búp tươi của HTX đạt khoảng 121 tấn, cho doanh thu trên 1,2 tỷ đồng.

Theo báo cáo của UBND huyện Đại Từ, đến nay, toàn huyện có 1.636ha chè sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP và 15ha chè thuộc xã La Bằng, Phú Xuyên được công nhận đạt tiêu chuẩn hữu cơ Việt Nam.

Đặc biệt, 7 vùng chè của HTX chè La Bằng (xã La Bằng); HTX chè Hải Yến (xã Phú Thịnh); HTX chè sạch Quang Minh (xã Phú Cường); HTX nông nghiệp Hoàng Hải (xã Tiên Hội); HTX chè Cầu Đá (xã Hoàng Nông); HTX chè Nhật Thức (xã Phục Linh); HTX chè Tuất Thoi (xã Phú Xuyên) đã được cấp mã số vùng trồng…

Đây chính là tiền đề quan trọng để các HTX có cơ hội mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm chè trong nước và xuất khẩu ra nước ngoài.

Đại diện HTX chè La Bằng livestream sản phẩm chè của HTX và các nông sản trong tỉnh
Đại diện HTX chè La Bằng (Đại Từ) livestream bán sản phẩm chè tại Chương trình livestream phiên chợ na La Hiên (Võ Nhai) và nông sản, sản phẩm OCOP tỉnh Thái Nguyên.

Cùng với việc chú trọng nâng cao chất lượng, năng suất cây chè, nhiều HTX, THT cũng đã chủ động đầu tư, xây dựng thương hiệu cho sản phẩm. Tính đến nay, toàn huyện Đại Từ có 6 HTX chè đã đăng ký mã vạch, tem truy xuất nguồn gốc cho sản phẩm; 11 HTX thiết kế logo, bao bì, nhãn mác riêng; 5 HTX xây dựng website để quảng bá, giới thiệu sản phẩm... Nhiều HTX cũng đẩy mạnh ứng dụng số hóa trong khâu sản xuất, tiêu thụ sản phẩm.

Anh Hứa Văn Thịnh, Phó Giám đốc HTX chè La Bằng, cho biết: Thời gian qua, cùng với sự hỗ trợ của các ngành chức năng, HTX đã mạnh dạn đưa sản phẩm lên sàn thương mại điện tử Shopee, Lazada, Sendo… Nhờ đó, các đơn hàng bán lẻ của HTX đã tăng 20-30% so với trước đây.

Ngoài ra, HTX chè La Bằng cũng vận hành thử nghiệm quản lý đơn hàng, theo dõi đơn hàng đến từ các nguồn trực tuyến, ngoại tuyến và thông luồng vận chuyển với VnPost; triển khai giải pháp truy xuất nguồn gốc nông sản qua phần mềm CMC FoodTrust, giúp HTX nâng cao hiệu quả sản xuất - kinh doanh.

Có thể thấy, thông qua những chương trình hỗ trợ phù hợp, các thành phần kinh tế tập thể trên địa bàn huyện Đại Từ đã được "tiếp sức" và ngày càng phát triển. Hiện nay, toàn huyện có 56 làng nghề chè, 40 HTX, trên 75 THT hoạt động trong lĩnh vực sản xuất, chế biến chè (tăng 3 làng nghề và 15 HTX so với cuối năm 2021). Các thành phần kinh tế tập thể này hiện đang tạo việc làm, thu nhập ổn định cho hàng nghìn thành viên và người lao động, với mức lương 4-4,5 triệu đồng/người/tháng.

Theo ông Triệu Hồ Quang, Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Đại Từ: Trong số 24 sản phẩm chè của huyện được công nhận đạt OCOP 3 sao, 4 sao, có 90% là sản phẩm của các HTX chè. Điều này cho thấy vai trò quan trọng của các HTX trong việc nâng chất lượng, thương hiệu vùng chè Đại Từ…

Thời gian tới, huyện Đại Từ sẽ tiếp tục đề nghị ngành chức năng của tỉnh tăng cường hỗ trợ các HTX và doanh nghiệp, thúc đẩy vai trò của HTX trong việc làm trung gian liên kết giữa doanh nghiệp và nông dân. Cùng với đó, huyện sẽ thực hiện hiệu quả quy hoạch vùng chè tập trung ở các xã Hoàng Nông, Tiên Hội và Tân Linh...

Theo Báo Thái Nguyên