Thách thức Covid-19 và mô hình hợp tác xã kiểu mới
Để bảo đảm công tác chống dịch Covid-19, nhiều biện pháp ứng phó đang được triển khai ở các tỉnh, thành. Hệ lụy trước mắt là những hộ sản xuất và kinh doanh nhỏ lẻ đang phải đối mặt với khó khăn về giao thông. Đặc biệt, các mặt hàng nông sản đứng trước nguy cơ phải “giải cứu” cho nông dân.
Chính thách thức Covid-19 đã đặt ra câu hỏi cho mô hình hợp tác xã kiểu mới. Bởi lẽ, nếu không có vai trò của hợp tác xã thì người chăn nuôi và người trồng trọt sẽ trở nên cô độc trên con đường tiếp cận thị trường. Câu chuyện nông sản bị dồn ứ ở tỉnh Hải Dương trong những ngày sau Tết Tân Sửu chính là một minh chứng đáng suy ngẫm.
Khi phát biểu chỉ đạo tại Đại hội đại biểu toàn quốc Liên minh Hợp tác xã Việt Nam nhiệm kỳ 2020-2025, Thủ tướng Chí phủ Nguyễn Xuân Phúc đã đề nghị các bộ, ban, ngành, đoàn thể ở Trung ương và địa phương xác định rõ phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã là xu thế tất yếu, là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị. Như vậy, làm sao củng cố và phát triển mô hình hợp tác xã một cách hiệu quả, là câu chuyện cần phải có lời giải đáp cụ thể.
Kể từ khi Luật Hợp tác xã đầu tiên được Quốc hội thông qua năm 1996, có hiệu lực thi hành từ 01/01/1997 đến Luật Hợp tác xã 2003 và Luật Hợp tác xã năm 2012 đã tạo hành lang pháp lý thuận lợi cho mô hình hợp tác xã phát triển.
Có thể thấy, nước ta có một chủ trương nhất quán khẳng định mô hình hợp tác xã là thành phần kinh tế quan trọng, góp phần giữ vững ổn định chính trị-xã hội, thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội. Cho nên, phát triển kinh tế tập thể phải xuất phát từ nhu cầu thực sự của nhân dân, phù hợp với điều kiện thực tiễn và tuân theo quy luật khách quan của kinh tế thị trường.
Tính đến đầu năm 2021, cả nước có 26 nghìn hợp tác xã, 100 liên minh hợp tác xã, 119 nghìn tổ hợp tác, thu hút 8,1 thành viên. Đó là ấn tượng ban đầu về số lượng, nhưng cũng đặt ra băn khoăn về chất lượng.
Thực tế đã có vài mô hình được ca ngợi như Hợp tác xã Lâm nghiệp công nghệ cao (tỉnh Phú Yên), Hợp tác xã nông nghiệp Phước Tín (tỉnh Quảng Ngãi), Hợp tác xã bò sữa Tân Thông Hội (Thành phố Hồ Chí Minh), Hợp tác xã Anh Đào (tỉnh Lâm Đồng) hoặc Hợp tác xã thương mại-dịch vụ Phường 1, thành phố Mỹ Tho (tỉnh Tiền Giang)…
Vì sao chúng ta cần xác định rõ phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã là xu thế tất yếu? Vì đó là đòi hỏi từ đời sống. Khái niệm “buôn có bạn, bán cò phường” chưa bao giờ lạc hậu.
Nhất là trong sản xuất nông nghiệp, nếu mạnh ai nấy áp dụng sở thích mang tính ngẫu hứng về trồng trọt và chăn nuôi thì điệp khúc “mất mùa được giá, được mùa mất giá” vẫn liên tục tái diễn. Chỉ có mô hình hợp tác xã mới có thể hạn chế trong việc sản xuất riêng lẻ của người nông dân.
Chưa cần trình độ chuyên gia, mà những người bình thường bằng khả năng quan sát một cách cẩn thận cũng có thể thấy rằng, trong bối cảnh Việt Nam đang từng bước chuyển đổi mô hình phát triển sang nền kinh tế thị trường đầy đủ thì việc phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã là một thể chế kinh tế tất yếu. Kinh tế hộ gia đình nhỏ lẻ, manh mún, sản xuất hàng hóa phi tiêu chuẩn sẽ rất khó khăn, không có khả năng cạnh tranh để tồn tại.
Một vườn rau sạch thuộc Hợp tác xã Anh Đào - Lâm Đồng.
Ngoài thách thức của đại dịch Covid-18, thì một thách thức nữa cho nền kinh tế Việt Nam là vài năm sắp tới thì chúng ta phải thực hiện đầy đủ các cam kết quốc tế và khu vực về Hiệp định thương mại tự do. Trong đó ngoài yếu tố an ninh lương thực, sản phẩm chất lượng đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm và sự cạnh tranh hàng hóa sẽ diễn ra rất gay gắt, cả thị trường trong nước và quốc tế.
Hộ kinh doanh cá thể và hộ sản xuất gia đình sẽ chơi vơi khi bước vào sân chơi khốc liệt này. Bởi lẽ, các sản phẩm của Việt Nam sẽ phải đối mặt với sự cạnh tranh của các sản phẩm mới, kể cả sản phẩm phục vụ nội địa vì sự xâm lấn của thị trường nước ngoài, sau khi các hàng rào thuế quan dần được xoá bỏ theo các thoả thuận thương mại quốc tế.
Ngoài ra, quá trình tự động hóa và trí tuệ nhân tạo sẽ thay thế nguồn lao động phổ thông vốn chiếm đa số trong xã hội Việt Nam, chắc chắn đẩy hàng triệu người vào hoàn cảnh mất việc làm hoặc phải chuyển đổi việc làm.
Ông Nguyễn Văn Đoàn - Cục Phát triển Hợp tác xã, Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhất mạnh: “Kinh tế tập thể phát triển không chỉ đóng góp vào tăng trưởng kinh tế mà còn có đóng góp quan trọng trong phát triển văn hoá-xã hội, các hoạt động cộng đồng thích ứng với biến đổi khí hậu, giảm nhẹ thiên tai, dịch bệnh… trong việc phát huy sức mạnh thành viên, hộ gia đình. Từ đây sẽ tạo tiền đề phát triển sản xuất lớn, ổn định xã hội và phát triển bền vững,”
Vấn đề cốt lõi của hợp tác xã là quy tụ người sản xuất để có được sản phẩm phù hợp với nhu cầu tiêu dùng trong nước và đáp ứng tiêu chuẩn xuất khẩu.
Đã qua rồi cái thời “tự sản, tự tiêu” ung dung và nhẹ nhàng. Từ ruộng vườn đến bàn ăn đã là một khoảng cách đáng sợ, mà từ kho bãi đến cửa khẩu cũng là một khoảng cách đáng sợ hơn. Nếu không có hợp tác xã thì chuỗi giá trị sản phẩm sẽ đứt gãy và tạo ra nỗi ám ảnh kinh hoàng “giải cứu nông sản Việt” khắp nơi.
Hành lang pháp lý cho hợp tác xã đã được hình thành, thì bài toán được đặt ra là lời giải cho nguồn vốn, công nghệ và thị trường. Nhiều tỷ phú Việt Nam như Phạm Nhật Vượng, Trần Bá Dương, Nguyễn Đăng Quang đã khởi động đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, chính là sức bật cho hợp tác xã. Vì vậy, đi tìm mô hình hợp tác xã kiểu mới không quá khó.
Ví dụ, tại khu vực đồng bằng sông Cửu Long, sau khi có Quyết định số 445/QĐ-TTg ngày 21/3/2016 của Thủ tướng Chính phủ về Đề án thí điểm hoàn thiện, nhân rộng mô hình hợp tác xã kiểu mới, đã xuất hiện nhiều hợp tác xã ăn nên làm ra.
Điều thuận lợi lớn nhất là hợp tác xã được thụ hưởng 3 nhân sự có trình độ đại học, cao đẳng về hỗ trợ, giúp đỡ các hoạt động chuyên môn. Có hợp tác xã được hỗ trợ kế toán, có hợp tác xã được hỗ trợ kỹ sư nông nghiệp và có hợp tác xã được hỗ trợ chuyên viên tiếp thị.
Những cá nhân và hộ gia đình có cùng ngành nghề khi tham gia hợp tác xã thì không còn bị bơ vơ và lạc lõng. Bởi lẽ, hợp tác xã trở thành đầu mối để cung ứng và điều phối những quyền lợi hợp pháp từ giống, kỹ thuật cho đến giá cả.
Phó Giáo sư - Tiến sĩ Đào Thế Anh, Phó Viện trưởng Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam cho rằng, để thúc đẩy xây dựng và phát triển chuỗi giá trị đối với hợp tác xã Việt Nam cần có chính sách thu hút đầu tư vào khu vực hợp tác xã nông nghiệp như thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao, đầu tư xây dựng thương hiệu, kết nối thị trường và sản xuất, sơ chế, chế biến theo tiêu chuẩn đặt hàng của thị trường xuất khẩu…
Trước đây, có một giai đoạn, người ta ái ngại với hợp tác xã vì phương thực hoạt động bao liêu và duy ý chí, kiểu “đánh kẻng” và “chấm công”.
Bây giờ, mô hình hợp tác xã đã khác và phải khác. Cho nên, các cơ quan chức năng cần tiếp tục hoàn thiện cơ chế chính sách cũng như các cơ chế ưu đãi để thúc đẩy phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã phù hợp bản chất và tránh bao cấp.
Theo Báo Nông nghiệp Việt Nam
- [26/11/2024] Khởi nghiệp trên đất quê hương
- [26/11/2024] 11 sản phẩm được đề nghị công nhận 4 sao OCOP
- [19/11/2024] Khánh Vĩnh: Mở rộng quảng bá, giới thiệu sản phẩm địa phương
- [13/11/2024] Khánh Sơn: Hỗ trợ phát triển mã số vùng trồng
- [13/11/2024] Sôi nổi nhiều mô hình trong các hợp tác xã
- [29/06/2021] Tư duy ngược để truyền cảm hứng vào hợp tác xã
- [29/06/2021] Hỗ trợ pháp lý tiêu chuẩn cho các hợp tác xã đưa sản phẩm lên sàn giao dịch điện tử
- [25/06/2021] Cùng nhau xây dựng lại một thế giới tốt đẹp hơn
- [25/06/2021] Quyết tâm không để Covid-19 lây lan
- [24/06/2021] Thông báo truy tìm những người tiếp xúc gần với trường hợp nghi nhiễm Covid-19