Thăng hạng sản phẩm OCOP từ chuyển đổi số

|

Những năm qua, Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) đã góp phần quan trọng vào sự phát triển kinh tế khu vực nông thôn của tỉnh Thanh Hóa theo hướng phát triển nội lực và gia tăng giá trị. Hướng tới mục tiêu nâng cao giá trị nông sản, tạo năng lực cạnh tranh và thích ứng với xu hướng thị trường, các HTX trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đang từng bước chuyển đổi số nhằm phát triển khu vực kinh tế tập thể, HTX.

Ông Cao Văn Cường, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Thanh Hoá chia sẻ, Chương trình OCOP là giải pháp quan trọng để các địa phương trong tỉnh hoàn thành, nâng cao tiêu chí xây dựng nông thôn mới (NTM) các mức. Do đó, để xây dựng NTM hiệu quả, các địa phương cần nỗ lực, chủ động hơn nữa trong thực hiện các tiêu chí, khơi dậy và phát huy hiệu quả nội lực trong nhân dân.

Phát triển từ sản phẩm thế mạnh

Ngay sau khi Thủ tướng Chính phủ ký phê duyệt Chương trình OCOP năm 2018, UBND tỉnh Thanh Hóa có hàng loạt kế hoạch, quyết định phê duyệt và khởi động Chương trình OCOP tỉnh Thanh Hóa, với sự vào cuộc tích cực của các cấp, ngành, địa phương và nhân dân hiểu được mục đích, ý nghĩa, tầm quan trọng của Chương trình OCOP.

Chương trình OCOP góp phần quan trọng vào sự phát triển kinh tế khu vực nông thôn tỉnh Thanh Hóa.

Sau gần 5 năm triển khai, đến nay, tỉnh Thanh Hóa đã có gần 300 sản phẩm OCOP từ 3 sao trở lên, các sản phẩm đều có mặt tại 27 huyện, thị xã, thành phố của tỉnh.

Gần đây, các sản phẩm OCOP được tiêu thụ mạnh, trên các sàn thương mại điện tử như voso.vn; postmart.vn. Hầu hết các sản phẩm được lựa chọn đưa lên sàn thương mại điện tử (TMĐT) đã đạt tiêu chuẩn OCOP, VietGAP, GlobalGAP có truy xuất nguồn gốc, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm.

Qua khảo sát, lượng nông sản tiêu thụ trên các sàn TMĐT chiếm từ 20 - 30% doanh số bán hàng của các HTX.

“Có thể thấy, việc thực hiện chuyển đổi số từ sản phẩm OCOP trên địa bàn tỉnh được áp dụng trong trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản, lâm nghiệp... đã mang lại những kết quả khả quan. Các chương trình, phần mềm quản trị vườn trồng, nông nghiệp chính xác được áp dụng trong sản xuất nhằm tối ưu hóa việc sử dụng tài nguyên như nước, phân bón... để dần chuyển đổi từ nông nghiệp truyền thống sang nông nghiệp hiện đại, giảm phụ thuộc vào điều kiện môi trường, thời tiết, kiểm soát dịch, bệnh và công tác giống được thực hiện tốt hơn”, ông Cường cho hay.

Theo Liên minh HTX Thanh Hóa, tỉnh hiện có hơn 800 HTX hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, chiếm 70% số HTX toàn tỉnh, tập trung chủ yếu ở các xã đạt chuẩn NTM, gần 300 HTX nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất (công nghệ tưới nước nhỏ giọt, tưới phun mưa, kết hợp bón phân qua nước, công nghệ sản xuất dưa trong nhà màng, nhà lưới, công nghệ sản xuất gia cầm theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP…).

Thích ứng với xu thế chung của xã hội, đã có nhiều HTX vượt lên khó khăn nội tại, đẩy mạnh ứng dụng khoa học, công nghệ, chuyển đổi số trong quá trình sản xuất, giới thiệu, quảng bá sản phẩm tới người tiêu dùng thông qua các sàn TMĐT như: Postmart.vn, Lazada, Shopee; phần mềm kết nối cung - cầu: nongsanantoanthanhhoa.vn; các trang mạng xã hội như Zalo, Facebook… nhằm đáp ứng những yêu cầu mới của khách hàng, đồng thời hướng tới xây dựng thương hiệu và phát triển sản phẩm bền vững.

Đẩy mạnh tiêu thụ qua sàn thương mại điện tử

Điển hình như HTX chăn nuôi Hoàng Đồng, huyện Hoằng Hóa. Xác định ứng dụng khoa học, công nghệ, đẩy mạnh chuyển đổi số trong hoạt động sản xuất, quảng bá và giới thiệu sản phẩm ngay từ khi mới thành lập, HTX đã đạt được những thành công nhất định.

Chị Lê Thị Trâm, giám đốc HTX chăn nuôi Hoằng Đồng, cho biết: “Nếu như trước đây, sản phẩm OCOP 3 sao giò bò Thuật Yến chỉ được tiêu thụ tại chợ truyền thống và kênh thương mại trong nội vùng huyện và tỉnh thì nay khách hàng ở khắp mọi nơi đều có thể cập nhật được thông tin và chất lượng sản phẩm thông qua những thao tác đơn giản, khách hàng có thể dễ dàng tìm kiếm, đặt mua trên sàn TMĐT. Bên cạnh đó, HTX cũng mở rộng quảng bá sản phẩm thông qua nhiều kênh online, như: Zalo, Facebook, các trang TMĐT khác nên 3 - 5% sản lượng sản phẩm của HTX được tiêu thụ thông qua kênh phân phối hiện đại này. Đây không những là kênh bán hàng hiệu quả, mà chúng tôi còn có thể cập nhật được thông tin, phản hồi của khách hàng, từ đó rút kinh nghiệm và khắc phục những hạn chế để nâng cao chất lượng hàng hóa và dịch vụ, đáp ứng nhu cầu của thị trường”.

Hay như tại, HTX Bản Thổ, huyện Như Xuân, nhờ xác định được hướng đi đúng đắn, việc tiêu thụ sản phẩm của HTX khá ổn định, doanh thu tăng hàng năm.

Chị Nguyễn Lê Ngọc Linh, Giám đốc HTX Bản Thổ cho biết: HTX Bản Thổ đã thông qua kênh bán hàng trực tuyến, các sàn TMĐT để giới thiệu sản phẩm tới người tiêu dùng trên khắp mọi miền đất nước. Việc bán hàng thông qua mạng xã hội, các sàn TMĐT, xây dựng hệ thống bán hàng online thông qua nhà phân phối… không chỉ giúp tiếp cận không giới hạn khách hàng mà việc kinh doanh trên các nền tảng số còn góp phần giúp HTX tìm kiếm thêm thị trường trên ứng dụng số, cắt giảm chi phí và nâng cao hiệu quả hoạt động, khả năng cạnh tranh, thích ứng với bối cảnh mới thuận lợi hơn.

Có thể khẳng định, kinh tế hợp tác mà nòng cốt là HTX đóng vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế, đặc biệt là góp phần xây dựng NTM, việc phát triển các sản phẩm OCOP, đang tạo đà để các địa phương của tỉnh Thanh Hóa sớm có sản phẩm OCOP nâng cao thu nhập người dân, đặc biệt là các xã vùng cao đang trên lộ trình xây dựng NTM. Cùng với đó, các cấp, ngành chức năng cũng cần mở rộng các hoạt động xúc tiến, quảng bá, giới thiệu sản phẩm, liên doanh, liên kết trong việc bao tiêu sản phẩm để hiệu quả kinh tế mang lại ngày càng thiết thực.

Theo VN Business