Thay đổi tư duy của HTX về sở hữu trí tuệ

|

Một sản phẩm được bảo hộ sẽ giúp các HTX dễ tiếp cận thị trường, thuyết phục được khách hàng và giá trị của sản phẩm cũng tăng lên. Bảo hộ sở hữu trí tuệ cũng là cơ sở pháp lý để ngăn chặn các hành vi xâm hại sản phẩm, nhất là trong môi trường mạng xã hội.

Hiện nay đã có một số HTX đăng ký quyền sở hữu trí tuệ thành công, nhưng vẫn còn nhiều HTX, tổ hợp tác gặp những khúc mắc hoặc chưa quan tâm đến đăng ký quyền sở hữu trí tuệ.

Quy định chưa linh hoạt

Bà Sầm Thị Tâm, Tổ hợp tác du lịch cộng đồng Bản Mường (Nghĩa Lộ, Yên Bái) cho biết khi đăng ký thành lập, Tổ hợp tác lấy tên là “homestay Bản Mường” nhưng ngay sau đó 1 tháng, chủ homestay khác ở xã lân cận cũng đặt tên là “Bếp Mường”, dễ gây nhầm lẫn cho du khách. Trong khi hiện nay, các thành viên Tổ hợp tác chưa hiểu cặn kẽ về sở hữu trí tuệ nên chưa đăng ký quyền về vấn đề này.

Theo các chuyên gia, khó khăn hiện nay là nhiều HTX cùng sản xuất một mặt hàng là sản phẩm đặc trưng ở địa phương nhưng khi đi đăng ký sở hữu trí tuệ, tên sản phẩm chỉ cần trùng 1 từ thôi là không đảm bảo được yêu cầu. Trong khi HTX cũng không biết gặp ai để được tư vấn, hướng dẫn, gỡ khó trong việc đăng ký quyền sở hữu trí tuệ.

Chẳng hạn như trên thị trường có rất nhiều HTX cùng sản xuất một sản phẩm trà shan tuyết. HTX đăng ký sau thường phải mất rất nhiều thời gian lựa chọn tên thương hiệu để làm sao không bị trùng lặp với HTX sản xuất cùng sản phẩm nhưng đã đăng ký trước.

Điều này đang gây khó cho các HTX đi sau, bởi hầu hết các HTX hiện nay đều mong muốn phát triển những ngành nghề truyền thống, sản xuất những sản phẩm đặc trưng của địa phương nên khi đã có ý thức đăng ký sở hữu trí tuệ, họ rất muốn hồ sơ được chấp nhận và hoàn thiện. Trong khi thời gian từ khi nộp đơn đến lúc được cấp văn bằng thường kéo dài từ 2,5-3 năm (nếu đơn đăng ký suôn sẻ). Điều này khiến ít HTX có thể theo đuổi đến cùng vấn đề đăng ký quyền sở hữu trí tuệ.

Nhiều HTX cùng sản xuất sản phẩm trà shan tuyết nên khi đặt tên thương hiệu cũng gặp nhiều khó khăn.

Dẫn đến những khó khăn trên được cho là do Luật Sở hữu trí tuệ hiện vẫn chỉ dừng ở những quy định chung chung, chưa linh hoạt, gây khó khăn cho các HTX, nhất là những HTX đang sản xuất các sản phẩm đặc trưng bản địa.

Bên cạnh đó, Luật Sở hữu trí tuệ lại là luật chuyên ngành, thủ tục liên quan đến vấn đề này cũng là thủ tục chuyên ngành, chuyên sâu nên nếu các HTX có tự tìm hiểu cũng rất khó thông suốt.

Một khó khăn khác đó chính là vấn đề chi phí. Nhiều HTX cũng biết là cần phải đăng ký quyền sở hữu trí tuệ, nhưng để hoàn thiện và ít gặp vướng mắc, HTX phải cần sự hỗ trợ từ nhiều đơn vị. Đi liền với đó là các chi phí khác nhau như chi phí xác lập quyền, chi phí tư vấn, hoàn thiện thủ tục hồ sơ, giấy tờ… Vấn đề này cũng khiến các HTX chùn bước.

Một nghiên cứu của các ngành chức năng cho thấy, trong số hàng chục nghìn đơn đăng ký sở hữu trí tuệ nội địa hàng năm, thì chỉ có chưa đến 1% đơn đăng ký nhãn hiệu quốc tế.

Chỉ ra nguyên nhân của tình trạng này, ông Mai Văn Dũng, Phó Giám đốc Trung tâm nghiên cứu, đào tạo và hỗ trợ, tư vấn của Cục sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) cho rằng một phần là do luật pháp quốc tế quy định, nếu HTX, doanh nghiệp muốn đăng ký sở hữu trí tuệ thì không thể nộp hồ sơ trực tiếp mà phải nộp hồ sơ thông qua luật sư ở chính các quốc gia đó. Điều này cũng kéo chi phí của HTX, doanh nghiệp lên rất nhiều.

Cởi bỏ tâm lý e ngại

Ngoài những nguyên nhân khách quan, cũng có không ít nguyên nhân chủ quan đến từ phía các HTX. Hiện có những HTX đã có những sản phẩm sáng tạo, có những nghiên cứu nổi bật nhưng lại chỉ quan tâm đến hiệu quả của những sáng tạo đó trong đời sống mà ít quan tâm đến đăng ký quyền sở hữu trí tuệ. Hay có những HTX muốn đăng ký thương hiệu nhưng không biết nên thiết kế một nhãn hiệu như nào, bắt đầu từ đâu.

Chia sẻ về vấn đề này, TS Phạm Minh Huyền, Giảng viên bộ môn Luật Sở hữu trí tuệ, Khoa Pháp Luật Dân sự, ĐH Luật Hà Nội, cho rằng đối với những HTX có những sáng tạo, khi muốn đăng ký quyền sở hữu trí tuệ, HTX phải lưu giữ những chứng cứ trong quá trình mình sáng tạo ra sản phẩm, để chẳng may xảy ra vấn đề tranh chấp, HTX còn có các căn cứ chứng minh là người hoặc đơn vị đầu tiên sáng tạo ra tài sản trí tuệ đó và những chủ thể khác là người đã có hành vi xâm phạm. Để làm được điều này, HTX có các văn bản công chứng quá trình sản xuất, có thể chụp sản phẩm từ nhiều góc độ khác nhau. Ngoài ra, HTX cũng cần phải có bản tuyên bố tự sản xuất ra sản phẩm, không sao chép nguyên văn từ bất cứ nguồn nào, sản phẩm nào, không vi phạm các quy định của pháp luật.

Còn đối với các HTX đăng ký thương hiệu, khi đăng ký, các HTX cũng rất thích xây dựng một nhãn hiệu mà chỉ cần nhìn và đọc lên thì khách hàng biết HTX đang kinh doanh cái gì. Ví dụ như HTX sản xuất nón, thì trong nhãn hiệu, HTX thường mong muốn có từ “nón” sau đó gắn với địa danh nào đó.

Tuy nhiên, theo quy định của Luật Sở hữu trí tuệ, những từ ngữ, dấu hiệu mang tính chất mô tả như vậy thường sẽ không được bảo hộ độc quyền. Tức là tất cả những đơn vị, HTX, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất nón đều có thể sử dụng hình ảnh, từ ngữ về chữ “nón” trong nhãn hiệu của mình. Chính vì vậy, HTX cần lưu ý để có cách đặt tên thương hiệu, nhãn hiệu cho phù hợp.

Hiện nay, nhiều HTX cũng quan tâm đến việc đăng ký nhãn hiệu tập thể. Để đăng ký được nhãn hiệu tập thể, các HTX cần quan tâm đến quy chế sử dụng nhãn hiệu tập thể và các tiêu chuẩn chất lượng cần đáp ứng để đưa sản phẩm ra thị trường.

Theo các chuyên gia, những vấn đề luật pháp liên quan đến sở hữu trí tuệ hiện nay còn khái quát, "cồng kềnh" nên nhiều HTX không biết bắt đầu từ đâu để có thể xác lập, ghi nhận những quyền sở hữu trí tuệ. Chính vì vậy, việc hoàn thiện pháp luật về sở hữu trí tuệ là điều cần thiết.

Tuy nhiên, bên cạnh vấn đề pháp luật, HTX cần cởi bỏ tâm lý e ngại trong các vấn đề liên quan đến sở hữu trí tuệ, cởi bỏ những lo ngại vì sợ liên quan đến pháp luật. Nhiều HTX cho rằng đăng ký sở hữu trí tuệ mất nhiều công sức, phức tạp nên chỉ muốn tập trung sản xuất kinh doanh, làm sao bán được nhiều hàng là được.

TS Phạm Minh Huyền cho biết HTX cần nghĩ rằng, khi đã đăng ký quyền sở hữu trí tuệ rồi thì quyền lợi mang lại cho HTX không hề nhỏ khi có thể bảo vệ sản phẩm, thương hiệu, danh tiếng của HTX.

Nếu như cùng chủng lại sản phẩm nhưng trên thị trường phát hiện ra sản phẩm giả dù không phải do HTX sản xuất nhưng về phía người tiêu dùng thường có tâm lý là không biết sản phẩm này có phải của HTX sản xuất hay không. Và khi chưa biết, khách hàng thường lựa chọn cách thức "tốt nhất là không dùng nữa". “Điều này gây hậu quả không hề nhỏ cho HTX”, bà Huyền nhấn mạnh.

Theo VN Business