Thị trường Halal - 'mỏ vàng' cho các sản phẩm của hợp tác xã Việt Nam
Thị trường Halal được đánh giá là “mỏ vàng” khi chiếm khoảng 25% dân số thế giới và dự báo tăng lên khoảng 30% vào năm 2050. (Nguồn: Báo Công Thương) |
Nhận định từ các chuyên gia, Halal là khái niệm ít được biết đến, chỉ vài năm trở lại đây mới có nhiều đơn vị và hợp tác xã bắt đầu quan tâm đến hàng hóa phục vụ thị trường này. Thế nhưng, đa số doanh nghiệp, hợp tác xã mới chỉ xuất khẩu nhỏ giọt, chủ yếu thăm dò và làm quen thị trường.
Bởi tuy là thị trường tiềm năng nhưng sản phẩm Halal luôn đi kèm những quy định nghiêm ngặt vừa đảm bảo chất lượng vệ sinh an toàn, vừa đúng theo kinh Koran và luật Sharia nên việc xuất khẩu sản phẩm sang quốc gia Hồi giáo có nhiều rào cản. Đây cũng là nguyên nhân khiến việc tiếp cận thị trường Halal của doanh nghiệp, hợp tác xã mới dừng ở mức sơ khai.
Hơn nữa, bên cạnh yêu cầu chứng nhận và dây chuyền sản xuất riêng cho sản phẩm Halal, các nước nhập khẩu còn có sự so sánh về giá bán, chất lượng giữa doanh nghiệp, hợp tác xã Việt Nam với một số đối tác xuất khẩu từ các nước trong khu vực, nhất là Thái Lan, Trung Quốc…
Trong khi đó, nhiều sản phẩm của hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã đã đạt tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm, nhiều hợp tác xã còn đạt chứng nhận hữu cơ thế giới và có những điểm tương đồng với yêu cầu chứng nhận Halal cũng như được người Hồi giáo ưa chuộng.
Đại diện một số hợp tác xã chia sẻ, qua tìm hiểu cho thấy sản phẩm có thể đáp ứng được các tiêu chuẩn của người Hồi giáo nhưng khó khăn của khu vực kinh tế tập thể, hợp tác xã hiện nay chưa có chứng nhận Halal nên chưa thể thâm nhập vào thị trường này.
Đơn cử như với thị trường Malaysia, chủ yếu mới chỉ có gạo, ớt nhưng vẫn còn xuất thô và qua một số đầu mối của Thái Lan nên giá trị không cao. Ngoài ra có thanh long, cà rốt, khoai lang, hạt điều nhưng xuất khẩu thô, còn những quả có múi vốn là lợi thế của Việt Nam lại chưa thâm nhập được.
Đây cũng là nguyên nhân khiến khoảng 41% địa phương Việt Nam chưa có sản phẩm xuất khẩu có chứng nhận Halal. Sản phẩm xuất khẩu của Việt Nam sang các thị trường Halal truyền thống tại Đông Nam Á, Nam Á và Trung Đông, Bắc Phi chủ yếu là nông, thủy sản nhưng ở dạng thô, sơ chế và chiếm tỷ trọng nhỏ trong tổng cơ cấu các mặt hàng xuất khẩu.
Bà Đinh Thị Yến, Giám đốc Hợp tác xã Thái Tuấn (Sơn La) cho hay, thị trường Halal rất tiềm năng nhưng đến nay vẫn chưa biết rõ sản phẩm cá tép dầu khô của hợp tác xã đã đạt OCOP (Mỗi xã một sản phẩm) 4 sao cần liên kết với đơn vị nào để có những hướng dẫn cụ thể trong xuất khẩu cũng như làm chứng nhận Halal.
Để không bị lỡ nhịp trong tiếp cận thị trường Halal, cần hỗ trợ khu vực kinh tê tập thể, hợp tác xã trong việc chứng nhận tiêu chuẩn Halal bởi hiện chưa có quy chuẩn cụ thể trong việc chuẩn hóa mô hình chứng nhận Halal. Đi kèm với đó là có rất ít đơn vị đứng ra hỗ trợ hợp tác xã, doanh nghiệp chứng nhận Halal.
Ông Lê Châu Hải Vũ, Giám đốc Công ty Consultech JSC, các tiêu chuẩn và quy định Halal đang ngày càng nghiêm ngặt, chứng nhận Halal lại không có giá trị vĩnh viễn, không được công nhận như nhau ở tất cả các quốc gia, với tất cả mặt hàng. Điều này gây tốn kém chi phí cho hợp tác xã, doanh nghiệp vì phải tái chứng nhận nhiều lần và phải căn cứ vào từng thị trường xuất khẩu để đăng ký chứng nhận cho phù hợp.
Theo ông Lê Châu Hải Vũ, các tiêu chuẩn Halal thực chất không phải là rào cản mà đây là những tiêu chuẩn bắt buộc khi thâm nhập một thị trường nào đó. Đơn cử như để xuất khẩu sang Liên minh châu Âu (EU), nông sản phải đạt tiêu chuẩn hữu cơ do EU đưa ra, hay đơn giản việc xuất nông sản sang Trung Quốc hiện cũng có những quy định riêng cần phải vượt qua.
Thống kê cho thấy, hiện tỷ trọng lúa gạo, hồ tiêu và rau quả do các hợp tác xã, Liên hiệp hợp tác xã, tổ hợp tác sản xuất tại các vùng miền đang chiếm khoảng 70% tổng sản lượng của cả nước. Tỷ trọng các nông sản khác và thủy sản chiếm 25-30%, tỷ trọng sản phẩm OCOP (Chương trình Mỗi xã một sản phẩm) chiếm 45%... Đặc biệt, đây đều là nguồn hàng tiềm năng để xuất khẩu sang thị trường Halal.
Không những thế, nhiều hợp tác xã đã đầu tư nhà máy, cơ sở chế biến và có các chứng chỉ như ISO, HACCP, GMP, GAP… là một điều kiện thuận lợi để đạt chứng nhận Halal. Thế nhưng, mỗi nước nhập khẩu mặt hàng Halal lại có yêu cầu riêng về chứng nhận và Việt Nam vẫn chưa có cơ chế xúc tiến thương mại riêng với sản phẩm Halal. Do đó, sản phẩm xuất khẩu sang thị trường Halal của Việt Nam đang đứng trước sự cạnh tranh gay gắt từ nhiều nước có cơ cấu xuất khẩu tương đồng...
Dự báo quy mô thị trường thực phẩm Halal thế giới dự kiến tiếp tục tăng trưởng mạnh mẽ. Chi tiêu cho thực phẩm Halal sẽ tăng 3,1%, từ 1.400 tỷ USD năm 2020 lên mức 1.900 tỷ USD vào năm 2024 và 15.000 tỷ USD vào năm 2050. Bởi vậy, nhu cầu các sản phẩm Halal tăng mạnh không chỉ do sự gia tăng về số lượng người Hồi giáo mà còn do xu hướng tiêu dùng mới.
Để sản phẩm của hợp tác xã đến gần hơn với thị trường Halal, các chuyên gia đề xuất thời gian tới cần thúc đẩy hợp tác song phương và đa phương cũng như ký kết các thỏa thuận về công nhận lẫn nhau trong lĩnh vực Halal.
Hơn nữa, cần tăng cường thu hút đầu tư nước ngoài để xây dựng các cơ sở sản xuất sản phẩm Halal đạt tiêu chuẩn quốc tế; hỗ trợ kết nối doanh nghiệp Việt Nam với các tổ chức chứng nhận Halal uy tín và các đối tác trên thế giới...
Ngoài ra, các chuyên gia cũng đề nghị cơ quan quản lý nhà nước, địa phương hướng dẫn quy trình, thủ tục để được cấp chứng nhận Halal; hỗ trợ xúc tiến thương mại vào các thị trường Halal và hỗ trợ thông tin về các hàng rào thương mại, tiêu chuẩn nhập khẩu của thị trường Hồi giáo.
Theo Báo Quốc tế
- [13/03/2025] Hợp tác xã Nông nghiệp - Dịch vụ và Du lịch cộng đồng xã Khánh Hiệp: Hướng đến phát triển nông nghiệp xanh
- [13/03/2025] “Hợp tác xã nuôi trồng thủy sản Vạn Ninh ra đời góp phần thực hiện Quyết định số 231/QĐ-TTg, ngày 24/01/2025 của Thủ tướng Chính phủ về Đề án thí điểm phát triển nuôi biển công nghệ cao tại Khánh Hòa, là cơ sở quan trọng để thành viên thay đổi phương thức sản xuất từ nuôi biển truyền thống sang nuôi công nghệ cao, gắn với bảo vệ môi trường, giảm thiểu rủi ro do thiên tai, dịch bệnh, kết hợp phát triển du lịch sinh thái”
- [08/03/2025] HỘI NGHỊ KÝ GIAO ƯỚC THI ĐUA KHỐI CÁC HỢP TÁC XÃ NĂM 2025
- [08/03/2025] Liên minh Hợp tác xã tỉnh Khánh Hòa Hướng dẫn Tuyên truyền kỷ niệm các ngày lễ lớn và sự kiện lịch sử quan trọng trong năm 2025
- [08/03/2025] Liên minh Hợp tác xã tỉnh Khánh Hòa triển khai Tuyên truyền Đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng; tuyên truyền, phổ biến những chủ đề lớn, trọng tâm, 03 đề án, dự án quan trọng; các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; tuyên truyền vận động phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã năm 2025
- [01/02/2023] Phát huy sức mạnh của Quỹ hỗ trợ phát triển HTX
- [01/02/2023] Kinh tế hợp tác, HTX: Những con số ấn tượng và kỳ vọng vươn tầm
- [01/02/2023] HTX vượt thách thức để bán hàng trên môi trường số
- [30/01/2023] Biến đất hoang thành vựa hành lá xanh 'khổng lồ'
- [30/01/2023] Trăn trở của 'người truyền lửa'