Thủ tướng: Cần xây dựng một Nghị quyết của Chính phủ về hợp tác xã
Phát biểu tại buổi làm việc với lãnh đạo Bộ NN&PTNT ngày 19/5, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh, nông dân phải là trung tâm, nông thôn là nền tảng và nông nghiệp là động lực.
Báo cáo với Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan bày tỏ, một trong những trăn trở, điểm nghẽn và là thách thức nhất lâu nay của ngành nông nghiệp đó chính là sự manh mún, tự phát, nhỏ lẻ trong nền sản xuất nông nghiệp.
“Nếu không giải quyết được “lời nguyền” này thì sự phát triển của nông nghiệp sẽ luôn đụng trần cả về năng suất, sản lượng, giá trị gia tăng và sức cạnh tranh hàng hóa…”, Bộ trưởng nhấn mạnh và cho rằng, việc phát triển kinh tế hợp tác, hợp tác xã là câu chuyện sống còn, là nền tảng để vượt qua lời nguyền nêu trên. Mục tiêu mà Bộ NNPTNT đặt ra đến năm 2025 đạt tốc độ tăng trưởng GDP toàn ngành từ 2,5% - 3%, kim ngạch xuất khẩu đạt từ 48 - 50 tỷ USD trong thời gian tới.
Đánh giá cao các ý kiến trình bày, đề xuất của Bộ NN&PTNT, Thủ tướng nhấn mạnh, thành tích của ngành nông nghiệp trong nhiệm kỳ qua và những tháng đầu năm 2021 đã góp phần quan trọng vào ổn định tình hình, đồng thời thúc đẩy công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Với thành quả như vậy, diện mạo, cảm quan, môi trường sinh thái, không gian sống của nông nghiệp, nông thôn, nông dân được cải thiện đáng kể. Đời sống vật chất, tinh thần của người nông dân ngày càng nâng cao.
“Bộ NN&PTNT phát huy tinh thần tự lực, tự cường, đổi mới sáng tạo, có kế thừa nhưng phải có đổi mới, có ổn định nhưng phải có phát triển. Không trông chờ ỷ lại, phải chủ động tiến công linh hoạt, sáng tạo, từ đó mới biến khó thành dễ, biến cái không thể thành có thể để phát triển. Các mô hình đều đã có và nhìn thấy cũng như cân đong đo đếm được, nhưng tại sao người ta làm được mà mình không làm được trong khi điều kiện, thể chế như nhau. Do đó, tư tưởng rất quan trọng bởi “tư tưởng không thông thì bình tông cũng nặng”, Thủ tướng nêu rõ.
Thủ tướng cũng lưu ý Bộ NN&PTNT trên tinh thần tăng cường phân cấp, phân quyền và đi đôi với kiểm tra, giám sát. Đẩy mạnh huy động nguồn lực bằng hình thức hợp tác công tư trên nguyên tắc cân bằng lợi ích và chia sẻ rủi ro giữa 3 chủ thể: Người dân, Nhà nước và doanh nghiệp. Bộ NN&PTNT cần nghiên cứu áp dụng một số mô hình như lãnh đạo công - quản trị tư; đầu tư công - quản lý tư; đầu tư tư - sử dụng công. Đồng thời cũng gợi mở việc trích lập quỹ phát triển hạ tầng thủy sản, vì đây cũng là một mô hình hợp tác công - tư, tập hợp nguồn lực đầu tư có trọng tâm, trọng điểm.
Thủ tướng yêu cầu Bộ NN&PTNT cần tập trung nguồn lực cho 3 khâu đột phá chiến lược. Phải khai thác hiệu quả trên đất, nâng cao giá trị gia tăng, không chỉ nghĩ đến trồng lúa, ngô, khoai, sắn. Cần sử dụng hiệu quả đất nông nghiệp và tổ chức mô hình HTX nông nghiệp phù hợp với tình hình mới.
Về nhiệm vụ trọng tâm, Thủ tướng cho rằng cần phát triển mạnh mẽ, hợp lý hệ thống Hợp tác xã gắn với tái cơ cấu ngành NN&PTNT cũng như nhất trí cho rằng cần xây dựng một Nghị quyết của Chính phủ về vấn đề này.
Tán thành đề xuất của Bộ NN&PTNT về Chương trình OCOP Quốc gia 2021 – 2025, Thủ tướng cho rằng, Chương trình góp phần thúc đẩy sản xuất quy mô lớn nên cần xác định 5 điểm quan trọng: Xác định thương hiệu sản phẩm; quy hoạch vùng nguyên liệu; có doanh nghiệp để có đầu vào, đầu ra; có sự tham gia của ngân hàng cũng như áp dụng khoa học công nghệ.
“Cần thu hẹp khoảng cách giàu nghèo giữa khu vực thành thị và nông thôn. Phải đẩy mạnh hội nhập quốc tế. Tập trung phát triển công nghiệp phục vụ nông nghiệp. Tổng kết các mô hình hay, cách làm mới trong phát triển nông nghiệp, nông thôn, nông dân. Ngành cần coi trọng công tác thi đua, khen thưởng, bên cạnh siết chặt kỷ luật, kỷ cương; cần tạo điều kiện cho đổi mới sáng tạo, bảo vệ người dám nghĩ, dám làm”, Thủ tướng chỉ rõ.
Trong công tác xây dựng Đảng, Thủ tướng mong muốn Bộ NN&PTNT luôn coi trọng công tác xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh; nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức Đảng và đảng viên trong ngành.
“Việc tổ chức thực hiện các kế hoạch của Bộ NN&PTNT phải theo nguyên tắc có lộ trình cụ thể, rõ người, rõ việc, rõ thời gian và rõ tiến độ. Bộ phải chọn mục tiêu từ đó chọn việc và phân tích việc đó phải làm thế nào sau đó mới đến chọn người, ai phù hợp để làm việc đó”, Thủ tướng nhấn mạnh./.
Theo Báo mới
- [26/11/2024] Khởi nghiệp trên đất quê hương
- [26/11/2024] 11 sản phẩm được đề nghị công nhận 4 sao OCOP
- [19/11/2024] Khánh Vĩnh: Mở rộng quảng bá, giới thiệu sản phẩm địa phương
- [13/11/2024] Khánh Sơn: Hỗ trợ phát triển mã số vùng trồng
- [13/11/2024] Sôi nổi nhiều mô hình trong các hợp tác xã
- [19/05/2021] Kỷ niệm 131 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890-19/5/2021): Tháng Năm nhớ Bác
- [15/05/2021] CHƯƠNG TRÌNH HÀNH ĐỘNG CỦA ỨNG CỬ VIÊN ĐINH VĂN DŨNG - CHỦ TỊCH LIÊN MINH HTX TỈNH KHÁNH HÒA ỨNG CỬ HĐND TỈNH KHÁNH HÒA KHÓA VII, NHIỆM KỲ 2021-2026.
- [14/05/2021] Tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể
- [14/05/2021] Khánh Hòa: Ứng cử viên đại biểu Quốc hội và HĐND tỉnh tiếp xúc cử tri của 36 xã, phường, thị trấn
- [11/05/2021] Làm gì để kinh tế tập thể bắt nhịp thị trường?