Thúc đẩy cho vay vốn nuôi biển công nghệ cao
Phát triển nuôi biển công nghệ cao là chủ trương lớn của tỉnh nhằm từng bước thực hiện hiệu quả định hướng “phát triển mạnh kinh tế biển theo hướng nuôi trồng, khai thác, chế biến hải sản, nhất là nuôi biển công nghệ cao, thân thiện với môi trường” được đề ra tại Nghị quyết số 09 của Bộ Chính trị về xây dựng, phát triển tỉnh Khánh Hòa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Một trong những yếu tố quan trọng trong phát triển nuôi biển công nghệ cao là nguồn vốn để người dân chuyển đổi mô hình nuôi trồng. Trao đổi về kết quả cho vay vốn đối với nuôi biển công nghệ cao hiện nay, ông Đỗ Trọng Thảo - Quyền Giám đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Chi nhánh Khánh Hòa cho biết:
- Từ năm 2023 đến nay, ngành Ngân hàng Khánh Hòa đã triển khai nhiều hoạt động nhằm thúc đẩy cung ứng vốn tín dụng cho vay nuôi biển công nghệ cao, như: Thực hiện chương trình hỗ trợ vốn tín dụng đối với 2 ngành lâm sản, thủy sản với mức lãi suất cho vay bằng đồng Việt Nam thấp hơn tối thiểu từ 1 đến 2%/năm so với mức lãi suất cho vay bình quân cùng kỳ hạn; tổ chức hội nghị kết nối ngân hàng - doanh nghiệp tại huyện Vạn Ninh; làm việc trực tiếp với lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để phối hợp triển khai chính sách tín dụng đối với mô hình nuôi biển công nghệ cao…
Theo thông tin cung cấp của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, trên địa bàn tỉnh có 38 khách hàng (37 ngư dân và 1 hợp tác xã) có nhu cầu vay vốn để đầu tư mô hình nuôi biển công nghệ cao với số tiền 51,7 tỷ đồng. Trong đó, Vạn Ninh có 25 ngư dân với nhu cầu vay 1 tỷ đồng/hộ và Hợp tác xã Nuôi trồng thủy sản (NTTS) - Du lịch Vân Phong vay 24 tỷ đồng; huyện Cam Lâm có 10 ngư dân vay 1,9 tỷ đồng và thị xã Ninh Hòa có 2 ngư dân vay 800 triệu đồng. NHNN Chi nhánh Khánh Hòa đã chỉ đạo các ngân hàng trên địa bàn tiếp cận, thẩm định, đánh giá nhu cầu vay, tính khả thi của phương án và thực hiện cấp tín dụng cho khách hàng đủ điều kiện theo quy định. Các ngân hàng đã chủ động liên hệ, tiếp cận toàn bộ khách hàng theo thông tin cung cấp. Kết quả, có 2 ngư dân đang NTTS theo công nghệ cao tại Vạn Ninh đã được Sacombank Chi nhánh Ninh Hòa cấp tín dụng 8 tỷ đồng, với mức lãi suất ưu đãi thấp hơn lãi suất cho vay bình quân thông thường từ 1 đến 1,5%/năm; 4 khách hàng có nhu cầu vay 4 tỷ đồng đang được ngân hàng thẩm định. Có 22/38 ngư dân, hợp tác xã đang có quan hệ tín dụng tại các chi nhánh ngân hàng trên địa bàn Vạn Ninh, Cam Lâm, Ninh Hòa, trong đó có 19 khách hàng hiện nay chưa có nhu cầu vay vốn thêm để đầu tư nuôi biển công nghệ cao (do chi phí chuyển đổi sang mô hình cao trong khi giá đầu ra đang hạ, dẫn đến hiệu quả của dự án không cao); 3 khách hàng còn lại chưa đáp ứng đủ điều kiện về tài sản đảm bảo của ngân hàng để được cấp thêm hạn mức tín dụng. Riêng Hợp tác xã NTTS - Du lịch Vân Phong chưa đáp ứng được điều kiện về tài sản thế chấp đảm bảo cho khoản vay. Các khách hàng còn lại chưa có nhu cầu đầu tư nuôi biển công nghệ cao do chi phí chuyển đổi mô hình cao.
Tính đến ngày 30-6, dư nợ cho vay NTTS trên địa bàn tỉnh đạt 4.103 tỷ đồng, với 4.344 khách hàng còn dư nợ, tăng 3,32% so với đầu năm. Trong đó, dư nợ cho vay nuôi biển công nghệ cao đạt 12 tỷ đồng với 6 hộ NTTS vay vốn.
- Theo ông, khó khăn, vướng mắc trong giải ngân cho vay vốn nuôi biển công nghệ cao hiện nay là gì? Ông có kiến nghị, giải pháp gì để giải quyết các khó khăn đó?
- Qua khảo sát của các ngân hàng, nhiều khách hàng không có tài sản thế chấp nên khó tiếp cận vốn vay. Trong khi đó, tài sản phục vụ cho nuôi biển công nghệ cao có giá trị lớn, nhưng chưa được cơ quan chức năng cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu tài sản nên chưa được dùng làm tài sản thế chấp vay vốn ngân hàng. Ngoài ra, chưa có doanh nghiệp bảo hiểm triển khai gói bảo hiểm cho nuôi biển công nghệ cao nên khách hàng chưa mạnh dạn đầu tư, ngân hàng cũng chưa mạnh dạn cho vay.
Đại diện một ngân hàng tìm hiểu mô hình nuôi biển công nghệ cao ở huyện Vạn Ninh. |
Đối với mô hình nuôi biển công nghệ cao, hiện nay, các chi nhánh ngân hàng thương mại trên địa bàn chưa nắm rõ mô hình đầu tư này (hạ tầng, thiết kế lồng bè, con giống, công nghệ nuôi, chất lượng sản phẩm, định hướng tiêu thụ sản phẩm đầu ra...). Điều này ảnh hưởng trực tiếp đến công tác thẩm định dự án của khách hàng vay vốn. Vì vậy, NHNN Chi nhánh Khánh Hòa đề nghị các sở, ngành, địa phương liên quan cung cấp thông tin, tài liệu của mô hình này dưới hình thức hội thảo, diễn đàn, buổi làm việc... có sự tham gia của đại diện các chi nhánh ngân hàng thương mại nhằm cung cấp cơ sở cho công tác thẩm định của ngân hàng. Qua đó, nâng cao khả năng tiếp cận vốn tín dụng của ngư dân, doanh nghiệp có nhu cầu vay vốn. Trong thời gian tới, chi nhánh cũng mong Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cung cấp thêm danh sách người dân, hợp tác xã có nhu cầu vay vốn phát triển nuôi biển công nghệ cao để các ngân hàng tiếp cận.
- Tại hội nghị chuyên đề của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về giải pháp mở rộng mô hình thí điểm phát triển nuôi biển công nghệ cao vừa qua, đồng chí Nguyễn Hải Ninh - Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy đã chỉ đạo ngành Ngân hàng tỉnh có chính sách tín dụng hấp dẫn để khuyến khích người dân chuyển đổi sang nuôi biển công nghệ cao. Trong thời gian tới, ngành Ngân hàng tỉnh sẽ thực hiện nhiệm vụ này như thế nào, thưa ông?
- NHNN Chi nhánh Khánh Hòa sẽ tiếp tục chỉ đạo các ngân hàng trên địa bàn tích cực tiếp cận, thẩm định và cấp tín dụng cho khách hàng có nhu cầu nuôi biển công nghệ cao với mức lãi suất ưu đãi, đảm bảo tính hiệu quả, khả thi của dự án. Đồng thời, chi nhánh sẽ phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức hội nghị kết nối ngân hàng - doanh nghiệp đối với lĩnh vực này trong thời gian tới. Song song đó, ngành Ngân hàng Khánh Hòa tiếp tục tuyên truyền chính sách tín dụng phát triển nông nghiệp - nông thôn nói chung và chương trình tín dụng đối với lĩnh vực lâm sản, thủy sản nói riêng (gói tín dụng 30.000 tỷ đồng) đến người dân, doanh nghiệp trên địa bàn nhằm tăng cường khả năng tiếp cận nguồn vốn ưu đãi phục vụ đầu tư, sản xuất trong lĩnh vực nông nghiệp. Trước mắt, NHNN Chi nhánh Khánh Hòa sẽ phối hợp với Sacombank Ninh Hòa khảo sát thực tế các mô hình NTTS bằng lồng bè công nghệ cao tại Vạn Ninh. Từ đó, trên cơ sở hiệu quả của mô hình, Sacombank sẽ xem xét áp dụng chính sách ưu đãi lãi suất dành cho khách hàng vay vốn đầu tư nuôi biển công nghệ cao.
Thực hiện chỉ đạo của Thường trực Tỉnh ủy tại hội nghị chuyên đề về giải pháp mở rộng mô hình thí điểm phát triển nuôi biển công nghệ cao và căn cứ nhu cầu vốn chuyển đổi mô hình nuôi lồng bè truyền thống sang mô hình nuôi biển công nghệ cao trên địa bàn, NHNN Chi nhánh Khánh Hòa sẽ kiến nghị với NHNN Việt Nam ban hành chính sách tín dụng đặc thù đối với loại hình NTTS này; đề nghị NHNN Việt Nam cho vay tái cấp vốn đối với các ngân hàng thương mại cho vay phát triển nuôi biển công nghệ cao để tạo điều kiện giảm lãi suất cho vay nhiều hơn.
- Xin cảm ơn ông!
Theo Báo Khánh Hoà điện tử.
- [19/11/2024] Khánh Vĩnh: Mở rộng quảng bá, giới thiệu sản phẩm địa phương
- [13/11/2024] Khánh Sơn: Hỗ trợ phát triển mã số vùng trồng
- [13/11/2024] Sôi nổi nhiều mô hình trong các hợp tác xã
- [06/11/2024] HỘI NGHỊ ĐỐI THOẠI GIỮA LÃNH ĐẠO UBND TỈNH VỚI CÁC HTX TRÊN ĐỊA BÀN NĂM 2024
- [04/11/2024] Phát triển du lịch nông nghiệp tại Cam Lâm
- [29/07/2024] Để phát triển nuôi biển bền vững
- [29/07/2024] Thủ tục đăng ký tổ hợp tác, hợp tác xã trên môi trường điện tử
- [25/07/2024] Liên kết giúp hợp tác xã xây dựng thương hiệu
- [25/07/2024] PHIÊN CHỢ KẾT NỐI TIÊU THỤ SẢN PHẨM VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI NĂM 2024
- [22/07/2024] Đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả xúc tiến thương mại, kết nối cung cầu khu vực kinh tế tập thể, hợp tác xã giữa các tỉnh, thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Ninh Thuận, Lâm Đồng, Đắk Lắk, Bình Thuận, Khánh Hòa giai đoạn 2024 - 2025