Thúc đẩy phát triển sản xuất từ liên kết Hợp tác xã

|
Thuộc vùng Đồng bằng sông Cửu Long, nơi có tiềm năng, lợi thế trong phát triển nông nghiệp, những năm gần đây, tỉnh An Giang đặc biệt chú trọng phát triển các mô hình liên kết hợp tác xã (HTX), coi đây là động lực quan trọng trong việc tái cơ cấu, liên kết, mở rộng quy mô, tăng hiệu quả trong sản xuất nông nghiệp.

An Giang phê duyệt 5 hợp tác xã thí điểm thực hiện Đề án lựa chọn, hoàn thiện, nhân rộng mô hình hợp tác xã kiểu mới hiệu quả giai đoạn 2021 – 2025. Ảnh: Duy An.

Hiệu quả từ liên kết HTX

Tháng 4/2022, HTX An Phước Lộc, xã Lương An Trà, huyện Tri Tôn, được thành lập với 24 thành viên. Chỉ 6 tháng sau, HTX An Phước Lộc đã triển khai phương án sản xuất - kinh doanh; hướng dẫn thành viên liên kết sản xuất và tiêu thụ nông sản với Công ty Cổ phần Tập đoàn Lộc Trời (Công ty Lộc Trời) và nhiều doanh nghiệp khác, sản xuất 430ha lúa giống OM18 và OM5451.

Theo ông Cao Văn Tiền, Chủ tịch Hội đồng quản trị HTX An Phước Lộc: Các mô hình mà HTX đang triển khai, như “bao lợi nhuận”, “không dấu chân”, “truyền thống nâng cao”… đều được Công ty Lộc Trời cung cấp giống, vật tư; đồng thời, thu mua nông sản với giá thỏa thuận, bước đầu tạo được niềm tin trong thành viên HTX và các hội viên nông dân.

“Đặc biệt, “Mô hình không dấu chân” trên mặt ruộng, được cơ giới hóa hoàn toàn, sử dụng máy bay không người lái trong gieo sạ lúa, rải phân và phun thuốc. Khi thu hoạch, cũng dùng máy hoàn toàn. Hiện, mô hình đem lại lợi nhuận cao hơn sản xuất truyền thống từ 10-15%. Nhờ đó, bà con nông dân yên tâm canh tác”, ông Tiền chia sẻ.

An Giang có nhiều thế mạnh để phát triển kinh tế từ các HTX (Ảnh: Trọng Tín)

Ông Nguyễn Duy Thuận, Tổng Giám đốc Tập đoàn Lộc Trời cho biết: Việc xây dựng các mô hình sản xuất theo chuỗi giá trị, đẩy mạnh liên kết HTX, đã tạo thuận lợi trong việc ứng dụng công nghệ cao, cơ giới hóa, hiện đại hóa trong hoạt động mùa vụ. Hiện, Tập đoàn Lộc Trời tiếp tục mở rộng diện tích canh tác đạt điểm tuyệt đối SRP-100 trên cây lúa tại Đồng Tháp, An Giang, áp dụng “Mô hình không dấu chân” trên 3.700ha cây lúa.

Với HTX Dịch vụ Nông nghiệp Bến Bà Chi (HTX Bến Bà Chi), huyện Tri Tôn, chỉ sau 3 năm đi vào hoạt động, HTX đã thu hút 36 thành viên, là các nhà vườn trồng xoài ở 2 xã Lê Trì, Ba Chúc, với diện tích hơn 56ha, vốn góp của các thành viên đạt trên 700 triệu đồng.

“Để các thành viên trồng xoài đạt năng suất cao, HTX phối hợp với ngành nông nghiệp huyện, tổ chức các hội thảo khoa học, các lớp tập huấn trên cây ăn quả. Đồng thời, triển khai ứng dụng 3 mô hình công nghệ cao do Sở Khoa học Công nghệ tỉnh An Giang hỗ trợ, với tổng kinh phí trên 800 triệu đồng”, ông Bùi Văn Quý, Giám đốc HTX Bến Bà Chi chia sẻ.

Tỉnh An Giang tiếp tục củng cố và phát triển mô hình sản xuất xoài ba màu có quy mô 500 ha đạt tiêu chuẩn VietGAP gắn với chuỗi tiêu thụ sản phẩm.

Đến nay, HTX Bến Bà Chi đã thành công với thương hiệu “trái xoài Bến Bà Chi”, được sản xuất theo quy trình VietGAP. Gần đây, HTX Bến Bà Chi đã ký kết hợp đồng mua bán, tiêu thụ xoài với Công ty TNHH Kim Nhung tại tỉnh Đồng Tháp.

 Theo đó, Công ty TNHH Kim Nhung sẽ hợp tác lâu dài, thu mua vùng nguyên liệu xoài cát Hòa Lộc đạt tiêu chuẩn VietGAP của HTX Bến Bà Chi để tiêu thụ trong nước và xuất khẩu sang các thị trường Mỹ, Hàn Quốc, Úc… Ngoài ra, HTX Bến Bà Chi, còn ký hợp đồng cung ứng xoài cho Công ty TNHH MTV Văn Hiệp, Công ty Dịch vụ Thương mại XNK Chín Hoa và Công ty TNHH XNK trái cây Chánh Thu tại huyện Chợ Lách, Bến Tre. Năm 2020, 1 tấn xoài Bến Bà Chi, đã góp phần đưa xoài An Giang xuất khẩu vào thị trường Mỹ.

Thúc đẩy sản xuất nông nghiệp phát triển

Thời gian qua, việc phát triển kinh tế HTX ở An Giang đem lại hiệu quả thiết thực, góp phần hình thành các vùng sản xuất chuyên canh trong nông nghiệp. Việc liên kết, thực hiện đồng bộ các khâu sản xuất, chế biến, tiêu thụ theo chuỗi giá trị, đã tạo vùng sản xuất lớn, phát huy thế mạnh của mỗi địa phương. Đặc biệt, diện tích thực hiện liên kết sản xuất, tiêu thụ giữa các HTX với doanh nghiệp theo chuỗi giá trị ngày càng tăng, thu hút nhiều doanh nghiệp, tập đoàn lớn tham gia.

Điển hình như vùng chuyên canh sản xuất lúa gạo thực hiện liên kết với Công ty Cổ phần Tập đoàn Lộc Trời, Tập đoàn Tân Long tại các huyện: Thoại Sơn, Châu Phú, Tri Tôn, Phú Tân, Châu Thành; vùng liên kết chăn nuôi heo tại các huyện Tri Tôn, Tịnh Biên và Châu Phú; vùng liên kết chuyên canh trồng xoài tại huyện Chợ Mới, An Phú...

Dịch vụ máy bay không người lái chuyên dụng để xử lý mùa vụ tại vùng nguyên liệu lúa cho nông dân An Giang

Thông tin từ Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh An Giang cho thấy: Đến hết năm 2021, trên địa bàn toàn tỉnh đã có 30 doanh nghiệp triển khai liên kết sản xuất, thông qua 46 HTX và 249 tổ hợp tác. Theo đó, diện tích liên kết lúa nếp đạt gần 88 ngàn ha, diện tích liên kết rau màu gần 4.000ha, diện tích liên kết cây ăn trái đạt gần 1.400ha.

Nhằm phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế và điều kiện để duy trì mức tăng trưởng, ngày 25/10/2021, UBND tỉnh An Giang ban hành kế hoạch xây dựng phát triển Kinh tế tập thể, HTX năm 2022, với mục tiêu thúc đẩy nông nghiệp, nông thôn phát triển. Đổi mới toàn diện, phát triển đa dạng và nâng cao hiệu quả hoạt động của các tổ chức kinh tế tập thể, HTX gắn với phong trào xây dựng nông thôn mới; liên kết sản xuất theo hướng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.

Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Trần Anh Thư, để thực hiện mục tiêu đến hết năm 2022, toàn tỉnh có 300 HTX và 950 tổ hợp tác. Doanh thu bình quân của HTX 5.200 triệu đồng/năm; Tổ hợp tác trên 200 triệu đồng/năm. Thu nhập bình quân của thành viên, người lao động HTX 49-52 triệu đồng/năm.

Tỉnh cũng đã tập trung xây dựng “Hệ sinh thái HTX” phát triển bền vững; ứng với mỗi “Hệ sinh thái HTX” xây dựng một đề án phát triển riêng, trong đó có sự tham gia của doanh nghiệp xuất khẩu, doanh nghiệp cung ứng vật tư đầu vào, ngân hàng, Quỹ Tín dụng Nhân dân, nhà khoa học, nhà quản lý, HTX, nông dân, người tiêu dùng...; Xây dựng Chương trình phát triển HTX theo hướng liên kết các HTX có cùng nhóm mục tiêu về mua chung và cùng mục tiêu về bán.

Toàn tỉnh An Giang hiện có 29 làng nghề, làng nghề truyền thống với 3.706 hộ sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm cho 11.482 lao động.

Bên cạnh đó, tỉnh An Giang cũng chú trọng nâng cao hiệu quả hoạt động của khu vực kinh tế tập thể, HTX. Nâng cao năng lực quản lý nhà nước về kinh tế tập thể, HTX. Cương quyết giải thể những HTX yếu, kém. Tập trung nguồn lực phát triển kinh tế tập thể, HTX gắn với thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới. Huy động các lực lượng xã hội, các tổ chức đoàn thể trong nước và quốc tế tham gia thúc đẩy phát triển kinh tế tập thể, HTX.

Theo Báo Dân tộc