Thực hiện 'mục tiêu kép' từ sản phẩm OCOP
Nhằm phát huy nội lực của khu vực nông thôn, thực hiện mục tiêu “kép” vừa giảm nghèo hiệu quả vừa góp sức xây dựng nông thôn mới, nhiều HTX đã từng bước trở thành nhân tố tích cực đem lại giá trị kinh tế cao, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất, tăng thu nhập cho thành viên và người lao động, góp phần vào công tác giảm nghèo bền vững.
Để nâng tầm sản phẩm OCOP, các HTX đã thực hiện chương trình theo hướng nâng chất lượng để tăng giá trị cho sản phẩm nông sản và các sản phẩm truyền thống dựa trên tiềm năng, lợi thế của địa phương.
Đóng góp thầm lặng
Tại tỉnh Yên Bái, năm 2019, HTX Nông nghiệp và Du lịch Nà Hẩu, huyện Văn Yên được thành lập, đồng thời đăng ký sản phẩm OCOP là Điểm du lịch cộng đồng Bản Tát. Sau gần 4 năm đi vào hoạt động, HTX đã khai thác được tiềm năng, thế mạnh tại chỗ để phát triển chăn nuôi cá tầm, gà đen, lợn bản địa gắn với phát triển du lịch cộng đồng phục vụ du khách.
Nhiều HTX đã đóng góp thực hiện mục tiêu “kép” vừa giảm nghèo hiệu quả vừa góp sức xây dựng nông thôn mới. |
Ông Đặng Văn Chính, Chủ tịch HĐQT HTX cho biết: "Để nâng tầm sản phẩm OCOP, cùng với hoạt động nuôi cá tầm, HTX đã hoàn thiện đường đi đến thác Suối Tiên, thác Bản Tát, xử lý môi trường, tôn tạo tuyến đường tạo thuận lợi cho du khách tham quan, khám phá, trải nghiệm, tập trung đào tạo nhân viên hướng dẫn du lịch, xây dựng, hình thành và kết nối tour, tuyến để thu hút du khách đến khám phá trải nghiệm”.
Với dự án nuôi cá tầm, HTX Nông nghiệp và Du lịch Nà Hẩu đã chủ động kết nối với Viện Nghiên cứu ứng dụng và phát triển - Trường Đại học Hùng Vương thực hiện. Vì vậy, mô hình nuôi cá tầm của HTX từ quy trình nuôi đến đầu ra của sản phẩm đều được vận hành theo chuỗi giá trị. Sản lượng cá bình quân đạt trên 30 tấn và giá bán dao động từ 250.000 - 300.000 đồng/kg. Hiện, HTX đã đầu tư thêm bể nuôi cá tầm để mở rộng sản xuất, tạo thêm việc làm và thu nhập cho thành viên và người dân.
Nhờ những nỗ lực đó, sản phẩm "Điểm du lịch cộng đồng Bản Tát” đã được UBND tỉnh Yên Bái công nhận là sản phẩm OCOP 4 sao đầu tiên của huyện Văn Yên. Tại Bản Tát, hiện nay đã có một số hộ dân đầu tư kinh doanh dịch vụ homestay hoàn chỉnh, đủ điều kiện để đón du khách trong nước và khách nước ngoài. Đến với điểm du lịch cộng đồng Bản Tát, du khách không chỉ được hòa mình vào thiên nhiên mà còn được trải nghiệm những sinh hoạt văn hóa đặc sắc của dân tộc Mông. Điểm nổi bật của sản phẩm này là có sự tham gia của người dân, các hộ dân trực tiếp tham gia vào các hoạt động du lịch và hưởng lợi từ đó, cả trên khía cạnh kinh tế và xã hội, đặc biệt là bảo vệ môi trường thiên nhiên thuộc Khu Bảo tồn thiên nhiên Nà Hẩu.
“Năm 2022, doanh thu của HTX Nông nghiệp và Du lịch Nà Hẩu là 2 tỷ, lợi nhuận đạt được là gần 1 tỷ đồng. Hiện, HTX có 14 thành viên và người lao động với mức thu nhập ổn định 6,5 triệu đồng/người/tháng. Nhiều hộ dân đồng bào dân tộc thiểu số nơi đây đã thoát nghèo và vươn lên làm giàu”, ông Chính chia sẻ.
Ông Hà Đức Anh, Chủ tịch UBND huyện Văn Yên cho biết: "Để nâng tầm các sản phẩm OCOP, thực hiện mục tiêu xóa đói, giảm nghèo từ sản phẩm OCOP, huyện tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng khoa học, công nghệ trong công tác quản lý, xây dựng hệ thống truy xuất nguồn gốc sản phẩm OCOP, sử dụng "Quy trình xác thực chống hàng giả” vào quản trị HTX, minh bạch quá trình hình thành và kết nối cung cầu nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh cho các sản phẩm OCOP, phấn đấu đến hết năm 2025, toàn huyện có ít nhất 40 sản phẩm OCOP, trong đó có ít nhất 1 sản phẩm đạt 5 sao, có từ 5 sản phẩm OCOP của huyện xuất khẩu được ra thị trường nước ngoài”.
Tiếp sức cho khát vọng thoát nghèo
Phải khẳng định rằng, chỉ qua vài năm thực hiện, Chương trình OCOP đã được lan tỏa rộng và góp phần thúc đẩy phát triển sản xuất ở khu vực nông thôn cũng như khai thác có hiệu quả các tiềm năng, lợi thế địa phương, góp phần thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững gắn với xây dựng nông thôn mới.
Nhiều sản phẩm khác thông qua Chương trình OCOP không chỉ giúp cho các chủ thể là nông dân, HTX tăng thêm lợi nhuận mà còn tác động trực tiếp, tạo nên những động lực thúc đẩy sản xuất phát triển, nâng cao thu nhập cho người dân nông thôn, đặc biệt là ở các vùng sâu, vùng xa và đồng bào dân tộc thiểu số.
Bà Nguyễn Thị Khang, Giám đốc HTX Hải Khang, tỉnh Hà Giang cho biết, hiện nay, HTX đã mạnh dạn vận động các thành viên triển khai mô hình sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực chế biến thực phẩm theo mô hình khép kín, giúp bà con các dân tộc vùng cao vươn lên thoát nghèo và làm giàu.
Hiện, HTX đã đầu tư hệ thống chuồng trại chăn nuôi lợn đen bản địa 1.200 m2 trên tổng diện tích 2 ha, diện tích còn lại, HTX đầu tư chăn nuôi trâu, bò, ngựa, gà.
HTX đang có các sản phẩm chính gồm 13 sản phẩm tiêu biểu, như: các loại giò (lợn, bò, ngựa, gà), chả, xúc xích, dăm bông, chân giò hun khói, lạp sườn, thịt treo gác bếp, thịt gà muối, nem chua, bánh chưng, thịt trâu, thịt bò khô…
Các sản phẩm: Xúc xích đặc biệt, lạp sườn lợn đen gác bếp, thịt treo lợn đen gác bếp của HTX Hải Khang được đánh giá đạt tiêu chuẩn OCOP 4 sao; gà đồi muối hun khói đạt OCOP 3 sao. Nhờ đó, doanh thu trung bình hàng năm của HTX đạt khoảng 14 tỷ đồng, lợi nhuận 1,5 tỷ đồng; lương bình quân của thành viên HTX đạt từ 6 - 9 triệu đồng/người/tháng, tổng nguồn vốn hoạt động tăng lên 3,5 tỷ đồng, số thành viên HTX tăng lên 12 người và 15 lao động có việc làm ổn định.
Điều đặc biệt, thành viên của HTX và người lao động chủ yếu là người dân tộc Mông và Tày đen.
HTX đã đồng hành, giúp bà con thành viên có thu nhập ổn định, nhiều thành viên từ chỗ nghèo đã vươn lên thoát nghèo, có cuộc sống khá giả.
Ông Phí Mạnh Thắng, Chánh Văn phòng Quốc gia về giảm nghèo, cho hay: Chương trình mỗi xã một sản phẩm đã tiếp sức cho khát vọng thoát nghèo, làm giàu của người nông dân, tạo nên chuyển biến lớn trong xây dựng nông thôn mới ở vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khắn.
Các sản phẩm OCOP được đảm bảo với chất lượng giá trị cao, an toàn, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, được thị trường đón nhận, nhằm tạo đà cho HTX phát triển có chiều sâu, hiệu quả ổn định, đồng thời tạo ra nhiều công ăn việc làm, góp phần xóa đói giảm nghèo và nâng cao thu nhập cho lực lượng lao động nhàn rỗi”, ông Thắng chia sẻ.
Theo VN Business
- [19/11/2024] Khánh Vĩnh: Mở rộng quảng bá, giới thiệu sản phẩm địa phương
- [13/11/2024] Khánh Sơn: Hỗ trợ phát triển mã số vùng trồng
- [13/11/2024] Sôi nổi nhiều mô hình trong các hợp tác xã
- [06/11/2024] HỘI NGHỊ ĐỐI THOẠI GIỮA LÃNH ĐẠO UBND TỈNH VỚI CÁC HTX TRÊN ĐỊA BÀN NĂM 2024
- [04/11/2024] Phát triển du lịch nông nghiệp tại Cam Lâm
- [17/02/2023] Chuyển dịch cơ cấu cây trồng, làm giàu từ chuối tiến vua
- [17/02/2023] Giảm nghèo từ chuỗi giá trị bền vững
- [16/02/2023] HTX thủy sản phát huy vai trò hạt nhân trong bảo vệ môi trường
- [16/02/2023] Sản xuất xanh gắn với giảm nghèo bền vững
- [16/02/2023] Làm giàu từ rau, hoa công nghệ cao ở Đơn Dương