THỰC TRẠNG KINH TẾ TẬP THỂ VÀ MỘT SỐ GIẢI PHÁP ĐỊNH HƯỚNG PHÁT TRIỂN KINH TẾ TẬP THỂ, HỢP TÁC XÃ TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH KHÁNH HÒA TRONG GIAI ĐOẠN MỚI
Xuyên suốt chiều dài lịch sử xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, từ đạo lý: “Một cây làm chẳng nên non, ba cây chụm lại thành hòn núi cao”, Cha, ông ta luôn đề cao tinh thần đoàn kết, hợp tác như là cội nguồn sức mạnh của dân tộc. Thấm nhuần truyền thống quý báu đó, trong suốt quá trình Lãnh đạo sự nghiệp đổi mới đất nước, Đảng và Nhà nước luôn đặc biệt quan tâm phát huy vai trò quan trọng của kinh tế tập thể và hợp tác xã (HTX) để thúc đẩy phương thức sản xuất mới, dựa trên sự cộng đồng trách nhiệm, cùng đóng góp tri thức, kinh nghiệm, nguồn lực và cùng làm chủ với tinh thần: “Hợp tác xã - là hợp vốn, hợp sức với nhau. Vốn nhiều, sức mạnh, thì khó nhọc ít, mà ích lợi nhiều” Như lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Ngày 05/8/2008, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X ban hành Nghị quyết số 26-NQ/TW xác định nông nghiệp, nông dân, nông thôn có vị trí chiến lược trong sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá, có ý nghĩa vô cùng quan trọng trong việc bảo đảm an ninh lương thực quốc gia, ổn định phát triển kinh tế - xã hội, cải thiện đời sống và nâng cao thu nhập cho người nông dân. Kinh tế tập thể, HTX được khẳng định là một bộ phận quan trọng trong nền kinh tế nhiều thành phần, đóng góp trung bình hàng năm trên 4,8% GDP của cả nước và có vai trò quan trọng trong mục tiêu tăng trưởng phát triển kinh tế bền vững, giữ vững ổn định chính trị, đảm bảo an ninh, quốc phòng; giữ gìn, phát huy bản sắc văn hoá dân tộc và bảo vệ môi trường sinh thái của đất nước.
Ngày 16/6/2022, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII ban hành Nghị quyết số 20-NQ/TW về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể trong giai đoạn mới. Với quan điểm chỉ đạo: “Kinh tế tập thể là thành phần kinh tế quan trọng, phải được củng cố và phát triển cùng kinh tế nhà nước trở thành nền tảng vững chắc của nền kinh tế quốc dân. Cấp ủy đảng, chính quyền các cấp trực tiếp lãnh đạo, chỉ đạo, coi đây là nhiệm vụ chính trị quan trọng và thường xuyên”. Đồng thời Luật HTX năm 2023 ra đời đã tạo hành lang pháp lý thông thoáng, thể chế hóa đầy đủ 08 nhóm chính sách theo Nghị quyết số 20-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII, trong đó có nhiều điểm mới về hoàn thiện các quy định về bản chất HTX, bảo đảm các nguyên tắc cơ bản, phát huy các giá trị tốt đẹp của mô hình HTX; loại bỏ các quy định gây trở ngại gia nhập thị trường, mở rộng thị trường, nâng cao khả năng huy động vốn, tạo động lực cho HTX phát triển; hoàn thiện và nâng cao hiệu quả công tác quản trị, điều hành HTX; mở rộng loại hình tổ chức kinh tế tập thể, hoàn thiện quy định về tổ chức đại diện; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về lĩnh vực kinh tế tập thể; đưa ra các tiêu chí lựa chọn đối tượng thụ hưởng chính sách hướng đến phát huy bản chất tốt đẹp của mô hình HTX.
Nhìn vào thực trạng kinh tế tập thể, HTX trên địa bàn tỉnh hiện có 221 HTX, 01 liên hiệp HTX, 04 quỹ tín dụng nhân dân và 25 doanh nghiệp thành viên, với số vốn điều lệ hơn 1.406 tỷ đồng, tổng số thành viên hơn 39.617 người, thu hút gần 14 nghìn lao động thường xuyên đang trực tiếp tham gia vào hoạt động sản xuất, kinh doanh có liên quan đến các lĩnh vực như: trồng trọt, chăn nuôi, dịch vụ kinh doanh tổng hợp, khai thác, nuôi trồng thủy sản; lâm nghiệp, diêm nghiệp, công nghiệp-tiểu thủ công nghiệp, giao thông vận tải, thương mại, xây dựng, dịch vụ du lịch, và tín dụng…. mang lại thu nhập bình quân từ 45 - 55 triệu đồng/người/năm, lợi nhuận sau thuế bình quân đạt từ 250 - 300 triệu đồng/HTX. Ngoài ra, có 81 chuỗi liên kết sản phẩm nông nghiệp duy trì hoạt động và 09 chuỗi liên kết, sản xuất cung cấp thực phẩm nông, thủy sản an toàn có sự tham gia của doanh nghiệp, nông dân và HTX như: chuỗi rau, chuỗi tỏi, chuỗi sầu riêng, chuỗi trái cây, chuỗi xoài, chuỗi thịt lợn, chuỗi thịt gà, chuỗi tôm hùm, ốc hương, tôm thẻ… qua đó góp phần tạo công ăn việc làm ổn định cho người lao động, thực hiện giảm nghèo, ổn định đời sống, bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, thực hiện thắng lợi các chương trình mục tiêu quốc gia và phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh những năm qua.
Bên cạnh đó, kinh tế tập thể, HTX cũng đang gặp phải nhiều hạn chế, khó khăn như: Tỷ lệ đóng góp cho ngân sách của tỉnh còn thấp so với các thành phần kinh tế khác trên địa bàn; hoạt động của HTX chưa thu hút được lao động có trình đại học về làm việc; thành viên HTX chưa quan tâm đến phương án tăng vốn điều lệ và huy động vốn để mở rộng sản xuất kinh doanh; các HTX chưa phát huy được vai trò kết nối giữa HTX với nông dân và doanh nghiệp trong sản xuất kinh doanh gắn với tiêu thụ sản phẩm cho thành viên; chưa có giải pháp để chuyển đổi mô hình hoạt động sản xuất kinh doanh mà chỉ dừng ở việc cung cấp một số dịch vụ thiết yếu phục vụ kinh tế hộ thành viên; cơ sở vật chất, hạ tầng, kỹ thuật, đất đai, nguồn vốn, trang thiết bị để hoạt động hạn chế; sản phẩm cung ứng ra thị trường chưa phong phú, đa dạng. Mặt khác sản xuất nông nghiệp thời gian qua chịu nhiều tác động của biến đổi khí hậu, thiên tai, dịch bệnh Covid dẫn đến thu nhập của người dân và thành viên còn thấp; một số HTX nông nghiệp từ kiểu cũ chuyển sang kiểu mới hoạt động thiếu ổn định, tính bền vững chưa cao, số HTX trung bình, yếu chiếm tỷ lệ từ 35 - 40%. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên, trong đó phải kể đến nguồn lực của các HTX vươn lên còn hạn chế, các HTX gặp khó khăn trong việc tiếp cận các nguồn vốn từ các tổ chức tín dụng (do không có tài sản thế chấp), theo kết quả điều tra hiện trạng kinh tế tập thể, hiện nay nhu cầu vốn để đầu tư của các HTX rất lớn, đặc biệt là nhu cầu vốn trung và dài hạn để đầu tư phát triển, tăng cường cơ sở vật chất, đầu tư trang thiết bị, đổi mới công nghệ, cải tiến mẫu mã sản phẩm, nhằm tăng cường năng lực cạnh tranh và khả năng xuất khẩu ra thị trường, trình độ chuyên môn, năng lực quản lý, điều hành của Hội đồng quản trị, của Ban Giám đốc trong việc tổ chức các hoạt động dịch vụ và sản xuất kinh doanh chưa đủ mạnh để cạnh tranh trong nền cơ chế thị trường và hội nhập, làm ảnh hưởng không nhỏ đến kết quả xây dựng và phát triển của khu vực kinh tế tập thể, HTX….
Dự báo tình hình phát triển kinh tế tập thể, HTX trong năm 2025 và những năm tiếp theo của nền kinh tế nước ta, có thể phải đối diện với nhiều khó khăn, xu thế toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế, cuộc cách mạng 4.0 tạo ra nhiều cơ hội, cũng như thách thức đối với kinh tế tập thể ở Việt Nam. Quá trình hội nhập cũng sẽ đem lại những thuận lợi cho kinh tế tập thể, nhưng đồng thời cũng tạo ra nhiều thách thức; nông sản phẩm cạnh tranh ngày càng gay gắt trong nước và nước ngoài; nguy cơ ô nhiễm môi trường tăng; lao động nông nghiệp giảm do chuyển sang các hoạt động phi nông nghiệp; năng suất lao động thấp; nhu cầu về chất lượng lương thực, thực phẩm đòi hỏi sạch, an toàn cao hơn. Bên cạnh đó, tác động từ biến đổi khí hậu có xu hướng ngày càng tăng, thiên tai, dịch bệnh diễn biến khó lường, các nguồn năng lượng và tài nguyên tự nhiên sẽ trở nên khan hiếm, tốc độ đô thị hóa gia tăng, ... đó là những vấn đề thách thức đặt ra cho khu vực kinh tế tập thể của chúng ta hiện nay. Do đó, càng đòi hỏi sự nỗ lực to lớn của mỗi cán bộ quản lý, nhân viên, người lao động trong toàn khu vực kinh tế tập thể trong tỉnh phải tiếp tục không ngừng giữ vững vai trò trung tâm, làm nồng cốt, năng động, sáng tạo, nhạy bén, đổi mới tư duy, nhận thức và hành động, đổi mới cách làm, có tầm nhìn xa, chiến lược, tổng quát, bám sát chủ trương chỉ đạo của Đảng, Nhà nước“Về kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc” để có các giải pháp hỗ trợ thiết thực, hiệu quả, giúp cho các tổ chức kinh tế tập thể tăng cường liên kết, tổ chức lại sản xuất, nâng cao năng lực quản trị, điều hành, chủ động tiếp cận khoa học, kỹ thuật và công nghệ số, nắm bắt thông tin, bồi dưỡng kiến thức để ứng dụng vào sản xuất kinh doanh theo kịp thời đại.
Tiếp tục phát triển các tổ chức kinh tế tập thể gắn với kinh tế xanh, nông nghiệp tuần hoàn và nuôi biển công nghệ cao; tăng cường liên kết theo chuỗi giá trị; phát triển cả số lượng và chất lượng các thành viên; chú trọng nâng cao hiệu quả sử dụng và huy động góp vốn, tăng năng suất lao động, khai thác và phát huy tối đa tiềm năng, dư địa phù hợp với tình hình thực tế, đặc thù của từng lĩnh vực, địa phương, vùng miền. Từng bước chuyển đổi mô hình kinh tế tập thể, HTX sau khi sáp nhập hai tỉnh Khánh Hòa - Ninh Thuận một cách linh hoạt, phù hợp, đạt hiệu quả cao; tạo động lực theo “Tinh thần bắt kịp, tiến cùng” và vươn lên cùng với các khu vực kinh tế khác trong tỉnh.
Chủ động kết nối giữa doanh nghiệp, nông dân và HTX để hỗ trợ, hợp tác, liên doanh, liên kết trong sản xuất kinh doanh, đẩy mạnh tìm kiếm thị trường, xúc tiến thương mại, ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất, xây dựng thương hiệu sản phẩm, tham gia phát triển kinh tế - xã hội, bảo vệ môi trường sinh thái ở nông thôn. Khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nuôi biển công nghệ cao, lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn theo hướng các trang trại quy mô lớn, ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao theo hướng tăng cường liên kết theo chuỗi, nâng cao giá trị gia tăng gắn với xây dựng nông thôn mới, chú trọng các ngành công nghiệp, dịch vụ hỗ trợ nông nghiệp, dịch vụ du lịch, nuôi trồng thủy sản, nuôi biển công nghệ cao.
Tăng cường phối hợp chặt chẽ với các tổ chức tín dụng trên địa bàn tỉnh, nhất là các Quỹ Tín dụng nhân dân, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn luôn là kênh dẫn vốn hiệu quả, vừa trực tiếp huy động nguồn lực nhàn rỗi trong dân cư, vừa giải quyết cho vay phục vụ sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng khu vực nông thôn, góp phần ổn định sản xuất, đời sống của người dân, đặc biệt đẩy lùi tệ nạn cho vay tín dụng đen, bảo đảm tình hình an ninh trật tự, đời sống của người dân ở nông thôn. Thực hiện có hiệu quả chức năng, nhiệm vụ của Liên minh HTX là đại diện, chăm lo và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của các thành viên; đẩy mạnh công tác tư vấn, đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ, hướng dẫn, củng cố hoạt động của các HTX còn trung bình, yếu.
Cùng với các Sở, ban, ngành, địa phương tham mưu cho Ban Chỉ đạo đổi mới và phát triển kinh tế tập thể, HTX và Ủy ban nhân dân tỉnh kiến nghị với các Bộ, ban ngành Trung ương và Ban Chỉ đạo quốc gia về kinh tế tập thể tiếp tục rà soát, điều chỉnh, bổ sung, hoàn thiện hệ thống các cơ chế, chính sách nổi bật như (chính sách hỗ trợ về nguồn nhân lực, đất đai, thuế, tiếp cận vốn, khoa học công nghệ, thị trường, kết cấu hạ tầng, tài chính và hỗ trợ hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp…) cho phù hợp với Luật HTX năm 2023./.
HÌNH ẢNH HỘI THẢO KHOA HỌC NĂM 2025
Tin ảnh: Ông Nguyễn Trung Dũng - Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã tỉnh Khánh Hoà.
- [01/07/2025] Đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động của kinh tế tập thể
- [02/05/2025] Liên minh Hợp tác xã Việt Nam tìm hiểu mô hình hợp tác xã du lịch nông nghiệp tại Khánh Hòa
- [02/05/2025] 15 tỉnh, thành phố Duyên hải miền Trung và Tây Nguyên tham gia xúc tiến thương mại, kết nối giao thương khu vực kinh tế tập thể, hợp tác xã
- [13/03/2025] Hợp tác xã Nông nghiệp - Dịch vụ và Du lịch cộng đồng xã Khánh Hiệp: Hướng đến phát triển nông nghiệp xanh
- [13/03/2025] “Hợp tác xã nuôi trồng thủy sản Vạn Ninh ra đời góp phần thực hiện Quyết định số 231/QĐ-TTg, ngày 24/01/2025 của Thủ tướng Chính phủ về Đề án thí điểm phát triển nuôi biển công nghệ cao tại Khánh Hòa, là cơ sở quan trọng để thành viên thay đổi phương thức sản xuất từ nuôi biển truyền thống sang nuôi công nghệ cao, gắn với bảo vệ môi trường, giảm thiểu rủi ro do thiên tai, dịch bệnh, kết hợp phát triển du lịch sinh thái”