Tiêu thụ nông sản trong mùa dịch: Cần giải pháp dài hơi
Việc tiêu thụ nông sản gặp khó, người sản xuất, doanh nghiệp, hợp tác xã (HTX) cũng đưa ra những giải pháp để ứng phó với điều kiện, tình hình thực tế. Hoặc thu nhỏ quy mô sản xuất hoặc tạm dừng sản xuất...
Từ giải pháp tình thế...
Từ đầu năm đến nay, Thanh Hóa đã hỗ trợ một số tỉnh tiêu thụ nông sản, điển hình là vải thiều Bắc Giang, hành tím Sóc Trăng, tỏi Lý Sơn... Các địa phương trong tỉnh cũng đã giúp tiêu thụ nông sản cho nhau. Tháng 8-2021, Hội Nông dân huyện Nông Cống kết nối với một số địa phương trong tỉnh, tiêu thụ 35 tấn nhãn cho hội viên. Trước đó, một số cơ quan, đoàn thể của tỉnh cũng đã hỗ trợ tiêu thụ dưa vàng cho người nông dân xã Nga Thắng (Nga Sơn)... Giữa mùa dịch, đây được xem là một trong những giải pháp tình thế kịp thời.
Việc tiêu thụ nông sản gặp khó, người sản xuất, doanh nghiệp, hợp tác xã (HTX) cũng đưa ra những giải pháp để ứng phó với điều kiện, tình hình thực tế. Hoặc thu nhỏ quy mô sản xuất hoặc tạm dừng sản xuất...
... đến giải pháp dài hơi
Tiêu thụ nông sản trong mùa dịch, không chỉ dừng ở giải pháp tình thế để gỡ khó tại thời điểm nhất thời mà phải coi đó là dấu mốc quan trọng để tìm ra giải pháp lâu dài, thúc đẩy việc tiêu thụ thuận lợi và bền vững hơn.
Do ảnh hưởng của dịch COVID-19, sức tiêu thụ kém, thu nhập giảm, anh Lê Xuân Thịnh, thôn 4, xã Thọ Sơn (Triệu Sơn) đã dừng nuôi gà thịt 120 ngày, chuyển sang nuôi gà 60 ngày (khoảng 1,2- 1,4 kg) để bán cho các hộ dân nuôi nhỏ lẻ. “Nuôi gà ngắn ngày để giải quyết vấn đề gà thịt không bán được. So với gà thịt, gà 60 ngày vẫn cho giá trị thu nhập tương đương và không lo ế hàng”, anh Thịnh cho biết.
Cũng theo anh Thịnh, đây là giải pháp tình thế, nhưng có thể áp dụng lâu dài. Vì ngay cả khi dịch bệnh không còn thì nuôi gà ngắn ngày vẫn cho hiệu quả cao và phòng tránh được những rủi ro...
Theo ông Nguyễn Lê Khương, Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Triệu Sơn: “Từ ảnh hưởng của dịch COVID-19, huyện sẽ hướng đến sản xuất các loại nông sản có tính chất bảo quản lâu dài như ngô, lạc, đậu, khoai tây... Xây dựng giải pháp để bảo vệ các chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ nông sản”.
Thực tế, trước khi chưa bị ảnh hưởng bởi dịch, vấn đề tiêu thụ nông sản trên địa bàn tỉnh cũng gặp một số khó khăn. Đơn cử như rau, củ, quả của hộ dân, HTX trên kệ hàng của hệ thống siêu thị vẫn còn khiêm tốn, do sản phẩm không đáp ứng được một số yêu cầu cung ứng hàng hóa... Trong khi đó, các HTX chưa chủ động xây dựng chiến lược, phương án sản xuất, kinh doanh lâu dài. Đây là một trong những nguyên nhân gây cản trở cho việc tiêu thụ nông sản.
Tuy nhiên, thực hiện Chương trình 503 ngày 4-8-2021 của Ban Chấp hành Liên minh HTX Việt Nam về kết nối cung - cầu; tiêu thụ hàng hóa do HTX, tổ hợp tác sản xuất; cung ứng lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm thiết yếu cho các địa phương thực hiện giãn cách xã hội “đã có 5 HTX tham gia vào cổng thông tin Kết nối cung cầu sản phẩm của Liên minh HTX Việt Nam. Đây là cơ hội lớn để HTX phát triển và ứng dụng công nghệ 4.0 trong các lĩnh vực hoạt động”. Bà Hà Thị Thúy, Phó Trưởng phòng Chính sách - Phong trào, Liên minh HTX Thanh Hóa, cho biết:
Mới đây, một tin vui giữa mùa dịch khi Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Thanh Hóa đã kêu gọi được 15 tổ chức, đơn vị vào đầu tư liên kết sản xuất, bao tiêu sản phẩm nông sản, đặc biệt là sản xuất vụ đông.
Những giải pháp dài hơi còn được thể hiện ở 2 mục tiêu cụ thể tại Đề án Đổi mới phương thức kinh doanh, tiêu thụ nông sản giai đoạn 2021- 2025, định hướng đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh. Thứ nhất là xây dựng kênh tiêu thụ nông sản với chủ thể chính là doanh nghiệp, HTX sản xuất, chế biến dự trữ với mục tiêu xây dựng thí điểm 3 dự án tiêu thụ nông sản tại những vùng sản xuất tập trung và phân tán, trong đó doanh nghiệp, HTX giữ vai trò chủ đạo (từ cung ứng vật tư đầu vào đến tổ chức thu mua đầu ra). Thứ hai là củng cố và phát triển các chủ thể kinh tế (ưu tiên phát triển HTX thương mại, doanh nghiệp vừa và nhỏ) là trung gian giữa người nuôi trồng với các doanh nghiệp sản xuất, chế biến, phân phối và ngân hàng để tổ chức cung ứng đầu vào và tiêu thụ đầu ra cho sản phẩm, đem lại lợi ích cộng đồng cho dân cư địa phương.
Thanh Hóa là tỉnh có nguồn nông sản, thực phẩm dồi dào. Mặc dù ảnh hưởng của dịch COVID-19, song về cơ bản các địa phương trong tỉnh vẫn đang chủ động được các nguồn lương thực, thực phẩm thiết yếu phục vụ nhu cầu tối thiểu của Nhân dân. “Để đảm bảo cung ứng lương thực, thực phẩm, các hàng hóa thiết yếu phục vụ công tác an sinh xã hội và phòng, chống dịch COVID-19 cũng như đảm bảo việc tiêu thụ nông sản thuận lợi hơn, tỉnh cần tiếp tục đẩy mạnh chương trình liên kết vùng, kết nối cung, cầu tiêu thụ hàng hóa giữa Thanh Hóa và các tỉnh, thành phố trong cả nước, hỗ trợ kết nối các cơ sở sản xuất với các doanh nghiệp phân phối để thu mua, bảo quản, sơ chế, chế biến sản phẩm...”, ông Hoàng Việt, Trưởng phòng Chế biến nông sản - Thương mại, Chi cục quản lý chất lượng nông, lâm thủy sản tỉnh, cho biết.
Theo Liên minh HTX Việt Nam
- [26/11/2024] Khởi nghiệp trên đất quê hương
- [26/11/2024] 11 sản phẩm được đề nghị công nhận 4 sao OCOP
- [19/11/2024] Khánh Vĩnh: Mở rộng quảng bá, giới thiệu sản phẩm địa phương
- [13/11/2024] Khánh Sơn: Hỗ trợ phát triển mã số vùng trồng
- [13/11/2024] Sôi nổi nhiều mô hình trong các hợp tác xã
- [09/11/2021] Ngành khai thác thủy sản: Xây dựng hướng đi bền vững
- [08/11/2021] Cựu chiến binh giúp nhau làm kinh tế
- [04/11/2021] Giải pháp cho nuôi trồng thủy sản ở Cam Ranh
- [29/10/2021] Triển khai hoạt động hỗ trợ phát triển thương mại cho hợp tác xã
- [29/10/2021] Chuyển biến tích cực đối với khu vực kinh tế tập thể trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa sau 20 năm thực hiện Nghị quyết số 13-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa IX)