Tổ hợp tác phụ nữ trồng hoa cúc xã Vạn Bình: Mô hình hiệu quả

|

Được thành lập từ năm 2017, đến nay, Tổ hợp tác phụ nữ trồng hoa cúc xã Vạn Bình (huyện Vạn Ninh) đã giúp cải thiện thu nhập cho nhiều phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn xã. 

Tạo thu nhập ổn định cho thành viên

Vạn Bình là xã thuần nông, thu nhập chính của người dân phụ thuộc vào chăn nuôi, trồng trọt. Nhằm tạo sinh kế bền vững cho các hội viên, phụ nữ, năm 2017, Hội Phụ nữ xã Vạn Bình chỉ đạo chi hội phụ nữ tại các thôn tìm cây trồng phù hợp với thổ nhưỡng địa phương để sản xuất. Qua các mô hình trên địa bàn xã, hội nhận thấy, Chi hội Phụ nữ thôn Bình Trung 2 trồng hoa cúc vàng mang lại thu nhập ổn định. Từ đó, Tổ hợp tác phụ nữ trồng hoa cúc ra đời với 15 thành viên. Đến nay, tổ có hơn 20 thành viên. “Các chị em đều nhiệt tình, hăng hái giúp đỡ, học hỏi kỹ thuật lẫn nhau nên bước đầu có hiệu quả”, bà Hồ Thị Thương - Tổ trưởng Tổ hợp tác phụ nữ trồng hoa cúc cho biết.

Có mặt tại thôn Bình Trung 2, giữa cái nắng hè gay gắt, chúng tôi gặp bà Mai Thị Sen (56 tuổi) đang loay hoay cắt hoa chuẩn bị giao cho khách. Bà Sen chia sẻ, trước đây, gia đình bà chủ yếu trồng bắp và chăn nuôi nhỏ, nhưng không hiệu quả. Hơn 6 năm trước, Hội Phụ nữ xã đã đến vận động gia đình bà chuyển đổi sang trồng hoa cúc mang lại thu nhập ổn định hơn. Mỗi tháng, tôi xuống giống 1 - 2 lần. Sau 3 tháng chăm sóc, cây cho hoa và thu hoạch bán vào các ngày rằm, lễ, Tết. Bình quân mỗi cây hoa cúc vàng bán vào ngày lễ, Tết có giá khoảng 10.000 đồng; ngày bình thường từ 5.000 đến 7.000 đồng/cây. Mỗi vụ, gia đình tôi thu nhập được 8-9 triệu đồng”, bà Sen nói.

Từ ngày tham gia tổ hợp tác, nhờ trồng hoa cúc gối vụ quanh năm, có hoa bán thường xuyên nên gia đình bà Lê Thị Sơ có thu nhập ổn định. “Những ngày rằm, mùng một, gia đình tôi mỗi ngày xuất bán 1.000 - 2.000 cây. Trừ chi phí cây giống, phân bón, công lao động, mỗi sào hoa lợi nhuận 8 triệu đồng”, bà Sơ cho biết. 

Tiếp tục phát triển

Được biết, mô hình trồng hoa cúc vàng của phụ nữ thôn Bình Trung 2 và mô hình chả ram tôm đất cô Tư (ở xã Vạn Thắng) là hai mô hình khởi nghiệp tiêu biểu của phụ nữ huyện Vạn Ninh tham gia ngày hội Phụ nữ Khánh Hòa khởi nghiệp năm 2019, được Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh đánh giá cao. Những năm qua, các thành viên Tổ hợp tác trồng hoa cúc của Chi hội Phụ nữ Bình Trung 2 đã hỗ trợ nhau trong sản xuất, mang lại hiệu quả kinh tế và giải quyết việc làm cho nhiều lao động thời vụ là nữ, nhất là phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn.

Trồng hoa cúc vàng lại giá trị kinh tế cao.
Trồng hoa cúc vàng mang lại giá trị kinh tế cao.

Theo thống kê, năm 2017, sản lượng xuất bán hoa cúc toàn tổ là 300.000 cây; năm 2018 là 320.000 cây; năm 2019 là 350.000 cây. Do tình hình dịch Covid-19 nên từ năm 2020 đến năm 2022, số lượng bông bán ra thấp; thời điểm bán cao nhất chỉ bằng số lượng năm 2018. “Từ đầu năm đến nay, toàn tổ đã bán ra 400.000 cây nên người dân rất phấn khởi. Tuy nhiên, thời gian gần đây, do thời tiết nắng nóng, hoa khó phát triển nên giá bán ra thấp, dao động từ 6.000 đến 7.000 đồng/cây mua tại vườn”, bà Thương chia sẻ.  

Theo bà Nguyễn Thị Thu - Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Vạn Bình, Tổ hợp tác phụ nữ trồng hoa cúc đặt mua cây giống tại tỉnh Lâm Đồng. Tuy nhiên, nhờ áp dụng khoa học kỹ thuật trong sản xuất nên khi trồng, hoa cúc khá thích nghi với điều kiện và thổ nhưỡng nơi đây. Cây sinh trưởng và phát triển khá tốt, đạt chất lượng. Trong thời gian tới, hội sẽ tiếp tục tổ chức tập huấn nhân rộng mô hình để nông dân trong xã học tập và làm theo nhằm góp phần cải thiện thu nhập, nâng cao đời sống, thu hút thêm nhiều hội viên, phụ nữ tham gia tổ hợp tác.

Theo Báo Khánh Hòa điện tử