Tọa đàm “Giải pháp tiếp cận chính sách phát triển kinh tế tập thể giai đoạn 2021 – 2025”

|
Chiều 28/6, Liên minh Hợp tác xã (HTX) tỉnh đã tổ chức hội nghị Tọa đàm giải pháp tiếp cận chính sách phát triển kinh tế tập thể, HTX giai đoạn 2021 – 2025. Tổng kết, chia sẻ kinh nghiệm xây dựng mô hình HTX kiểu mới sau 10 năm thực hiện Luật HTX năm 2012.

Dự buổi tọa đàm có PGS - TS Phạm Thị Tố Oanh - Trưởng Ban Chính sách và Phát triển HTX thuộc Liên minh HTX Việt Nam; Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh Hồ Công Dương; đại diện lãnh đạo HTX của 7 tỉnh, thành phố: Tây Ninh, Lâm Đồng, TP. Hồ Chí Minh, Khánh Hòa, Đắc Nông, Đắc Lắc, Bình Dương và các HTX, Quỹ tín dụng trên địa bàn tỉnh

Tọa đàm “Giải pháp tiếp cận chính sách phát triển kinh tế tập thể giai đoạn 2021 – 2025” được tổ chức tại Bình Thuận.

Phát biểu tại buổi tọa đàm, PGS - TS Phạm Thị Tố Oanh đề ra các nhóm giải pháp để phát triển mô hình HTX kiểu mới như: tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân và hệ thống chính trị về phát triển HTX; thực hiện đánh giá, phân loại HTX hoạt động có hiệu quả và yếu kém để có biện pháp hỗ trợ, tư vấn cho HTX huy động nguồn lực thực hiện phương án tái cơ cấu sản xuất, kinh doanh gắn với chuỗi giá trị; nâng cấp các tổ hợp tác, liên kết hộ sản xuất với doanh nghiệp chế biến, tiêu thụ hàng hóa…

Đến nay, khu vực kinh tế tập thể, HTX toàn tỉnh có 203 HTX với 48.533 thành viên, 3.096 tổ hợp tác với 125.969 thành viên. Các HTX trên địa bàn tỉnh đã từng bước tổ chức tốt hơn các hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, năng động hơn trong cơ chế thị trường, hiệu quả hoạt động năm sau cao hơn năm trước. Riêng đối với lĩnh vực nông nghiệp đã có trên 30 HTX tham gia vào các chuỗi liên kết để tổ chức sản xuất gắn với chuỗi giá trị tạo ra khối lượng nông sản hàng hóa ngày một lớn hơn, có chất lượng, có giá trị kinh tế cao hơn. Nhiều sản phẩm của HTX đã được đánh giá sản phẩm OCOP xếp hạng 3 sao và 4 sao cấp tỉnh.

Đặc biệt với 24 quỹ tín dụng nhân dân rải đều rộng khắp trên các địa phương của tỉnh, đây là mô hình HTX hoạt động hiệu quả nhất, đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế xã hội, hỗ trợ cho các thành viên trong hoạt động sản xuất kinh doanh, cũng như tham gia các hoạt động an sinh xã hội.

HTX thanh long Hòa Lệ tại buổi triển lãm.

Tuy nhiên, hoạt động của HTX vẫn còn tồn tại nhiều hạn chế, khó khăn; chưa phát huy được tiềm năng, thế mạnh, lợi thế. Đa số HTX có quy mô nhỏ, vốn ít, trang thiết bị lạc hậu, chưa xây dựng được chuỗi liên kết bền vững. Khả năng huy động vốn của thành viên rất hạn chế, khó vay vốn trung hạn, dài hạn từ ngân hàng. HTX chưa thể hiện vai trò kết nối giữa thành viên với thị trường, sự gắn kết lợi ích giữa HTX và thành viên vẫn còn mờ nhạt; lợi ích kinh tế trực tiếp HTX mang lại cho thành viên chưa nhiều…

Các đại biểu tìm hiểu các sản phẩm của các HTX trong và ngoài tỉnh.

Do đó, tại buổi tọa đàm, Liên minh HTX các tỉnh, thành Tây Nguyên và Đông Nam Bộ đã chia sẻ các tham luận xung quanh các giải pháp tiếp cận chính sách phát triển kinh tế tập thể, kinh nghiệm phát triển các mô hình HTX điển hình tiên tiến. Ngoài ra, các đại biểu còn chia sẻ các kinh nghiệm xây dựng HTX kiểu mới, kết nối tiêu thụ sản phẩm của các HTX trong và ngoài tỉnh sau 10 năm thực hiện Luật HTX năm 2012; ứng dụng khoa học kỹ thuật, chuyển đổi số…

Nhiều sản phẩm đặc trưng của các HTX được trưng bày tại triển lãm.

Các đại biểu tham quan, thưởng thức các sản phẩm và kết nối cung cầu.

Ngoài ra, tại hội thảo Liên minh HTX tỉnh còn tổ chức triển lãm, kết nối, giới thiệu sản phẩm tiêu biểu của các HTX, doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh. Qua đó, các đại biểu có cơ hội thưởng thức, tìm hiểu nhiều sản phẩm, đặc sản của các HTX, nhằm giao lưu, học hỏi kinh nghiệm cũng như kết nối cung cầu, từng bước khắc phục bài toán khó khăn về đầu ra sản phẩm.

Theo vca.org.vn