Ứng dụng công nghệ số vào nông nghiệp

|

Thời gian qua, huyện Vạn Ninh đã chủ động ứng dụng công nghệ số, đưa các sản phẩm tiêu biểu của địa phương lên các sàn thương mại điện tử. Qua đó, giúp các sản phẩm được mở rộng thị trường tiêu thụ, góp phần thúc đẩy quá trình chuyển đổi số trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn tại địa phương.

Đưa sản phẩm lên sàn thương mại điện tử


Nắm bắt được xu thế chuyển đổi số, sau khi 2 sản phẩm trầm cảnh mỹ nghệ của Hợp tác xã Trầm hương Vạn Thắng và chả cá chiên, chả cá hấp của hộ kinh doanh Phạm Thị Thuận (xã Vạn Phú) được UBND tỉnh cấp chứng nhận OCOP (Chương trình mỗi xã một sản phẩm), Phòng Kinh tế huyện Vạn Ninh đã phối hợp với các ngành chức năng thực hiện thủ tục đưa 2 sản phẩm này lên cổng thông tin thương mại điện tử sản phẩm OCOP (http://ketnoiocop.vn) của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Từ đây, 2 sản phẩm tiêu biểu của địa phương đã được quảng bá, kết nối đến người tiêu dùng trong cả nước.

Ông Trần Công Đức - Giám đốc Hợp tác xã Trầm hương Vạn Thắng cho biết: “Chúng tôi rất mừng khi sản phẩm địa phương được đưa lên sàn thương mại điện tử. Nhờ đó, nhiều tổ chức, cá nhân trong cả nước đã lên sàn tìm hiểu sản phẩm và gọi điện trực tiếp mua, đặt hàng. Mong rằng, thời gian tới, các ngành chức năng và địa phương tiếp tục hỗ trợ, ứng dụng công nghệ số để mở rộng kênh quảng bá sản phẩm của địa phương rộng rãi hơn nữa”.

 

Sản phẩm chả cá chiên, chả cá hấp của hộ kinh doanh Phạm Thị Thuận  và sản phẩm trầm cảnh mỹ nghệ được đưa lên sàn thương mại điện tử.

Sản phẩm chả cá chiên, chả cá hấp của hộ kinh doanh Phạm Thị Thuận....

 

 và sản phẩm trầm cảnh mỹ nghệ được đưa lên sàn thương mại điện tử.

.... và sản phẩm trầm cảnh mỹ nghệ được đưa lên sàn thương mại điện tử.


Bên cạnh đó, để giúp các sản phẩm đặc trưng khác của địa phương vươn xa, cùng với các kênh bán hàng truyền thống, Phòng Kinh tế huyện còn phối hợp với Bưu điện huyện và các xã, thị trấn lựa chọn những sản phẩm đặc trưng, như: Hải sản, tỏi, trầm hương, nước mắm… đưa lên các sàn thương mại điện tử: Postmast.vn; khanhhoatrade.gov.vn… Qua đó, giúp người tiêu dùng lựa chọn và đặt hàng các đơn vị, địa phương đóng gói vận chuyển đến tận nơi theo nhu cầu.


Theo lãnh đạo Phòng Kinh tế huyện Vạn Ninh, thời gian qua, địa phương đã chủ động hướng dẫn, hỗ trợ cho các chủ thể sản phẩm cùng phối hợp với các sàn giao dịch thương mại điện tử đưa sản phẩm lên các nền tảng. Đồng thời, tổ chức tập huấn cho người dân có sản phẩm đặc trưng tiếp cận, đưa hàng hóa, trao đổi mua bán trên sàn thương mại điện tử. Từ đó, giúp mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm, tăng doanh thu hàng năm cho các tổ chức, cá nhân.


Hướng tới nông thôn mới thông minh


Để hỗ trợ quảng bá, kết nối tiêu dùng trên môi trường số, thời gian tới, huyện Vạn Ninh sẽ phối hợp với các ngành chức năng, doanh nghiệp tổ chức hoạt động “tiêu dùng số” nhằm khuyến khích, thúc đẩy người dân tiêu dùng sản phẩm, dịch vụ số nhiều hơn, thụ hưởng các lợi ích trực tiếp do chuyển đổi số mang lại. Cùng với đó, triển khai mô hình mỗi nông dân là một thương nhân, nhằm tối ưu hóa ứng dụng công nghệ số trong sản xuất, mua bán sản phẩm tiêu biểu, đặc trưng; thử nghiệm và nhân rộng các mô hình xúc tiến thương mại trên nền tảng công nghệ số, ứng dụng công nghệ thông tin gắn với khai thác lợi thế về du lịch nông thôn. Bên cạnh đó, từng bước ứng dụng công nghệ số vào việc giám sát nuôi trồng, chăn nuôi...


Theo ông Nguyễn Thanh Sơn - Phó Chủ tịch UBND huyện Vạn Ninh, huyện đang xây dựng kế hoạch thực hiện Chương trình chuyển đổi số trong xây dựng nông thôn mới, hướng tới nông thôn mới thông minh trên địa bàn. Do đó, thời gian tới, toàn huyện sẽ chú trọng phát triển chính quyền số trong xây dựng nông thôn mới theo hướng đồng bộ, thống nhất với ít nhất 80% hồ sơ công việc cấp huyện và 60% hồ sơ công việc cấp xã được xử lý trên môi trường mạng; có ít nhất 97% số xã đạt chuẩn chỉ tiêu về thông tin và truyền thông theo Bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới. Bên cạnh đó, chú trọng phát triển kinh tế số, góp phần thúc đẩy kinh tế nông thôn với hơn 70% xã có hợp tác xã tham gia mô hình liên kết gắn với tiêu thụ nông sản chủ lực của xã; có 50% mô hình liên kết gắn với vùng nguyên liệu có ứng dụng công nghệ số…


Để đạt được những mục tiêu đề ra, toàn huyện sẽ đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức, chuyển đổi tư duy về chuyển đổi số trong nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới cho các cấp ủy, chính quyền, cán bộ và cộng đồng dân cư; tổ chức các lớp tập huấn, đào tạo kỹ năng chuyên sâu về công nghệ thông tin, sử dụng dịch vụ số an toàn trên không gian mạng cho các doanh nghiệp, hợp tác xã và tổ chức kinh tế ở khu vực nông thôn. Cùng với đó, quan tâm phát triển hạ tầng số và dữ liệu số; tạo điều kiện, môi trường đầu tư thuận lợi để thu hút doanh nghiệp, tập đoàn viễn thông, công nghệ thông tin đầu tư về cơ sở hạ tầng số và kết nối mạng Internet đến xã, thôn; hạ tầng công nghệ gắn với phát triển dịch vụ trên các lĩnh vực: Giáo dục, y tế, văn hóa, du lịch, thương mại điện tử…

Theo Báo Khánh Hòa