Vai trò nồng cốt của Liên minh Hợp tác xã Khánh Hòa trong việc xây dựng phát triển mô hình kinh tế tập thể, hợp tác xã sản xuất theo chuỗi giá trị
Hiện nay, khu vực kinh tế tập thể, hợp tác xã (KTTT, HTX) trên địa bàn toàn tỉnh đã phát triển được 178 HTX với hơn 39.417 thành viên, số vốn hoạt động ước tính trên 1.406 tỷ đồng, được hoạt động trên 07 lĩnh vực (Nông nghiệp, tín dụng, giao thông vận tải, công nghiệp-tiểu thủ công nghiệp, xây dựng, thương mại và dịch vụ du lịch), thu hút 13,2 nghìn lao động thường xuyên trong HTX, doanh thu bình quân đạt khoảng 1,8 tỷ đồng/HTX, lãi bình quân đạt 245 triệu đồng/HTX, thu nhập bình quân của người lao động trên 40 triệu đồng/năm.
Những năm qua, thực hiện Quyết định số 3961/QĐ-UBND của UBND tỉnh, đã hình thành được 09 chuỗi liên kết, sản xuất cung cấp thực phẩm nông, thủy sản an toàn trên địa bàn toàn tỉnh cụ thể như: (1) Mô hình chuỗi cung cấp rau an toàn theo VietGAP tại HTX rau an toàn Đắc Lộc, xã Vĩnh Phương (Nha Trang), với sản lượng 19,5 tấn/năm. Nay đã chuyển đổi thành HTX VietGap Nha Trang (đặt tại Diên Hòa – Diên Khánh) (2) Mô hình chuỗi cung cấp rau an toàn theo VietGAP tại HTX rau Ninh Đông - Ninh Hòa với sản lượng 250 tấn/năm (3) Mô hình chuỗi cung cấp tỏi an toàn VietGAP tại các HTX tỏi Vạn Hưng (Vạn Ninh), và HTX tỏi Ninh Vân (Ninh Hòa) và Tổ liên kết tỏi Ninh Phước (Ninh Hòa), với tổng sản lượng gần 290 tấn tỏi khô/năm (4) Mô hình chuỗi cung cấp sầu riêng an toàn VietGAP tại HTX cây ăn quả Sơn Bình (Khánh Sơn), với tổng sản lượng 1.055 tấn/năm (5) Mô hình chuỗi cung cấp trái cây tại THT sản xuất trái cây an toàn Khánh Vĩnh, với 1.500 tấn/năm gồm xoài, sầu riêng, bưởi da xanh (6) Mô hình chuỗi cung cấp thịt lợn an toàn theo VietGAP tại Công ty TNHH SX TM Cường Long Phát (Diên Khánh) với sản lượng 360 tấn/năm (7) Mô hình cung cấp thịt gà an toàn tại hộ kinh doanh cơ sở giết mổ Hiến Gà (Cam Ranh), với 30 tấn/năm (8) Mô hình chuỗi cung cấp xoài an toàn VietGAP ở huyện Cam Lâm gồm Công ty TNHH MTV Khánh Hòa Food và các Tổ liên kết trồng xoài Cam Hải Tây-Cam Đức, Cam Hiệp Bắc và Cam Hiệp Nam; với tổng sản lượng hơn 321 tấn xoài tươi/năm (9) Mô hình chuỗi cung cấp tôm hùm, ốc hương, tôm thẻ an toàn VietGAP tại Vạn Ninh, Cam Ranh, Nha Trang và Ninh Hòa, với tổng diện tích được chứng nhận lần lượt 2.400 ô lồng, 87ha và 8.95ha.
(Hình: Hội nghị xúc tiến thương mại giữa Khánh Hòa và Ấn Độ 2023)
Hình: Chương trình hợp tác phát triển KTXH giữa Khánh Hòa và Đắk Lắk năm 2022
Ngoài ra, từ nguồn vốn ngân sách hỗ trợ cho khu vực KTTT, HTX để phát triển sản xuất kinh doanh gắn với chuỗi giá trị. Theo đó, năm 2017, Liên minh HTX tỉnh đã hỗ trợ cho HTX Cây ăn quả Sơn Bình - Khánh Sơn 180 triệu đồng để đầu tư 05 máy phun thuốc bảo vệ thực vật, 350 cây giống sầu riêng và 01 dàn máy vi tính. Năm 2018 hỗ trợ cho HTX Nấm Vĩnh Ngọc - Nha Trang 320 triệu đồng để trang bị lò hấp phôi nấm tự động và băng tải chuyền. Năm 2019 hỗ trợ cho HTX Nông nghiệp 1 Ninh Quang – Ninh Hòa 320 triệu đồng để đầu tư máy hút chân không bảo quản gạo, đào tạo và chứng nhận 20 ha tiêu chuẩn VietGAP, truy xuất nguồn gốc thông tin sản phẩm, xúc tiến thương mại sản phẩm. Năm 2021 hỗ trợ HTX Nuôi trồng thủy sản Ninh Phú – Ninh Hòa 145 triệu đồng để thí nghiệm sử dụng chế phẩm vi sinh đánh giá nguy cơ phú dưỡng, tảo nở hoa trong nuôi trồng thủy sản. Năm 2022 hỗ trợ cho HTX thu mua nông sản Hiệu Linh – Khánh Vĩnh 125 triệu đồng để đầu tư mua máy đào bánh xích phục vụ cho cải tạo đất, và theo kế hoạch năm 2023 từ Nguồn Chương trình mục tiêu Quốc gia hỗ trợ vùng ĐBDTTS và huyện miền núi, Liên minh HTX đang phối hợp cùng UBND huyện Khánh Sơn và Khánh Vĩnh thực hiện các quy trình hỗ trợ cho 02 HTX tại Khánh Sơn và 01 HTX tại Khánh Vĩnh trị giá khoảng 500 triệu đồng để đầu tư trang thiết bị, máy móc, ứng dụng KHKT và thí điểm trồng cây Dứa Mật MD2 Mỹ vào phát triển SXKD gắn với chuỗi giá trị.
Hình: Hỗ trợ xây dựng mô hình HTX sản xuất gắn với chuỗi giá trị tại Khánh Vĩnh 2022
Nhìn chung hoạt động sản xuất của các chuỗi giá trị được kiểm soát từ khâu sản xuất ban đầu cho đến sơ chế, chế biến, tiêu thụ. Một số chuỗi có sự tham gia của doanh nghiệp như chuỗi sản xuất, sơ chế, tiêu thụ xoài của Công ty TNHH Khánh Hòa Food, chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ thịt lợn của Công ty TNHH Cường Long Phát thì hoạt động hiệu quả. Các chuỗi này doanh nghiệp đầu tư vật tư nông nghiệp, nông dân sản xuất, doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm. Mặc dù đã có sự liên kết trong sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị. Tuy nhiên chưa thật sự mang tính bền vững. Một số chuỗi chưa có sự tham gia của doanh nghiệp như chuỗi sầu riêng, bưởi da xanh, tỏi thì hầu như hoạt động chưa có hiệu quả, hoạt động liên kết sản xuất, chế biến, tiêu thụ chưa mang tính bền vững. Một số HTX năng lực nội tại còn yếu, chưa tiếp cận được vốn vay của các tổ chức tín dụng; sự liên kết, hợp tác giữa các HTX với doanh nghiệp và nông dân chưa nhiều, phần lớn các HTX quy mô nhỏ, không đủ sức cạnh tranh trên thị trường; đội ngũ cán bộ quản lý được đào tạo bài bản; cơ sở vật chất còn khó khăn như chính sách về đất đai để đầu tư về nhà xưởng, khu sơ chế nông sản, kho bảo quản nông sản. Mặt khác, hiện nay thị trường vẫn chưa có sự phân biệt rõ ràng giữa các sản phẩm an toàn và các sản phẩm không an toàn nên nhiều cơ sở vẫn chưa mạnh dạn đầu tư, nâng cấp để xây dựng liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị, đồng thời áp dụng các ứng dụng công nghệ trong SXKD, quản lý để tạo ra sản phẩm an toàn, truy xuất nguồn gốc. Ngoài ra, sản phẩm qua sơ chế, chế biến vẫn chưa đa dạng, chủ yếu bán tươi nên giá trị vẫn chưa cao, thời gian bảo quản không dài dẫn đến khó vận chuyển đi xa cũng như hướng vào thị trường xuất khẩu còn yếu.
Hình: Mô hình Tổ liên kết trồng xoài Úc tại Cam Lâm
Thực hiện Quyết định số 1261/QĐ-UBND của UBND tỉnh phê duyệt Đề án phát triển, nhân rộng mô hình chuỗi liên kết sản xuất, chế biến và tiêu thụ nông, lâm, thủy sản giai đoạn 2021-2025 trên địa bàn tỉnh với tổng kinh phí triển khai 3.238.400.000 đồng, và cũng đề ra mục tiêu cụ thể đến năm 2025, phát triển, nhân rộng thêm 06 mô hình chuỗi liên kết, chế biến, cung cấp thực phẩm nông, thủy sản đã được chứng nhận VietGAP. Do đó để bảo đảm đạt được mục tiêu của Đề án đề ra trong giai đoạn đến, đối với khu vực KTTT, HTX tỉnh cần thực hiện một số giải pháp cụ thể như sau: (1)các HTX cần bám sát vào định hướng Nghị quyết số 09-NQ/TW của Bộ Chính trị; Nghị quyết số 19-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (Khóa XVIII) về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến 2030 và Nghị quyết 20-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (Khoá XVIII) về đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể, HTX giai đoạn mới. Trong đó cần quan tâm vận động nông dân, thành viên HTX hướng đến xây dựng các mô hình ứng dụng công nghệ cao, công nghệ số gắn với chế biến, tiêu thụ theo chuỗi giá trị, nâng cao chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh và chủ động hội nhập quốc tế. Phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm quy mô trang trại; hình thành các vùng trọng điểm, chuyên canh sản xuất rau màu, cây ăn trái; chuyển đổi từ nuôi lồng bè truyền thống sang nuôi công nghệ cao thân thiện mới môi trường và nuôi công nghiệp vùng biển xa bờ; tăng cường sản xuất nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ gắn với du lịch nông thôn, cộng đồng…(2) giải pháp về nguồn vốn cần Khai thác có hiệu quả từ nguồn vốn ngân sách tỉnh theo Quyết định số 1261 của UBND tỉnh phê duyệt Đề án phát triển, nhân rộng mô hình chuỗi liên kết sản xuất, chế biến và tiêu thụ nông, lâm, thủy sản giai đoạn 2021-2025 trên địa bàn tỉnh với tổng kinh phí triển khai: 3.238.400.000 đồng. Trong đó kinh phí khảo sát, đánh giá lựa chọn địa điểm, cơ sở triển khai: 81 triệu đồng. Đào tạo, phổ biến kiến thức an toàn thực phẩm cho các mắt xích tham gia chuỗi: 513 triệu đồng. Hỗ trợ HTX, THT sản xuất ban đầu xây dựng, áp dụng và chứng nhận VietGAP, hữu cơ,...991 triệu đồng. Hỗ trợ cơ sở thu gom, đóng gói, sơ chế, chế biến, kinh doanh điều kiện đảm bảo an toàn thực phẩm: 47 triệu đồng. Xây dựng thương hiệu, quảng bá, xúc tiến thương mại, tiếp cận thị trường tiêu thụ: 1 tỷ 548 đồng. Tổ chức hội nghị tổng kết kế hoạch: 56 triệu đồng. Khai thác từ nguồn kinh phí hỗ trợ của Liên minh HTX Việt Nam cho các HTX tham gia thực hiện đề án liên kết hợp tác SXKD theo chuỗi giá trị và nguồn kinh phí Quỹ hỗ trợ phát triển HTX tỉnh. Nguồn tín dụng ưu đãi cho các hộ nông dân, HTX, THT khi tham gia vào các hình thức liên kết hợp tác sản xuất kinh doanh theo chuỗi giá trị (theo Nghị định số 98/2018/NĐ-CP của Chính phủ) và các nguồn vốn hỗ trợ hợp pháp khác theo quy định của pháp luật (3)Giải pháp về công tác thông tin tuyên truyền cần tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức đến các tầng lớp nhân dân về lợi ích, trách nhiệm khi tham gia các hoạt động liên kết, hợp tác trong sản xuất, chế biến, bảo quản và tiêu thụ sản phẩm . Vận động đông đảo nông dân tham gia chuỗi liên kết theo từng khâu (từ cung ứng vật tư đầu vào đến sản xuất, thu mua, sơ chế, chế biến và tiêu thụ sản phẩm theo các tiêu chuẩn, quy trình kỹ thuật) nhằm tạo ra sản phẩm chất lượng, an toàn và có tính cạnh tranh cao (4) giải pháp về liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm cần tập trung xây dựng vùng nguyên liệu ổn định, lâu dài, đảm bảo chất lượng. Ký kết hợp đồng liên kết giữa HTX với thành viên và các hộ nông dân tham gia chuỗi giá trị. Xây dựng kế hoạch sản xuất, chế biến sản phẩm theo tiêu chuẩn VietGAP; có sự kiểm tra giám sát để đảm bảo chất lượng, thương hiệu, bình đẳng cùng có lợi. Tổ chức sản xuất ổn định trên cơ sở ứng dụng khoa học kỹ thuật, công nghệ mới, giá thành cạnh tranh thông qua mô hình HTX hoạt động hiệu quả, liên kết, trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm. Tìm kiếm đối tác, ký kết hợp đồng liên kết tiêu thụ sản phẩm với các doanh nghiệp, siêu thị, các tổ chức kinh tế để xác định được số lượng, chất lượng của sản phẩm theo yêu cầu của thị trường (5) giải pháp về tăng cường năng lực quản lý nhà nước cần thực hiện tốt công tác tập huấn, bồi dưỡng cho đội ngũ cán bộ làm công tác quản lý nhà nước về KTTT; thường xuyên chỉ đạo, định hướng phát triển, kiểm tra, giám sát, theo dõi, hỗ trợ các tổ chức KTTT trên địa bàn. Quản lý có hiệu quả công tác hỗ trợ phát triển sản xuất theo các hình thức hợp tác, liên kết hình thành chuỗi giá trị có khả năng cạnh tranh và mở rộng thị trường tiêu thụ. Thực hiện tốt kiểm tra, quản lý giám sát tại các HTX được lựa chọn tham gia mô hình thực hiện theo đúng quy trình vệ sinh an toàn thực phẩm, môi trường. Định kỳ tiến hành tổ chức hướng dẫn, phổ biến kiến thức, pháp luật về bảo vệ môi trường, về sinh an toàn thực phẩm (6) giải pháp về ứng dụng khoa học kỹ thuật và công nghệ, đất đai cần áp dụng đồng bộ các giải pháp, chuyển giao kỹ thuật, công nghệ mới từ khâu sản xuất, sơ chế, chế biến, quản lý chất lượng đến bảo quản, vận chuyển, tiêu thụ sản phẩm; áp dụng quy trình thực hành sản xuất tốt Vietgap. Chú trọng áp dụng công nghệ thông tin trong quản lý sản xuất, tiêu thụ sản phẩm, đặc biệt trong quảng bá, thông tin, giới thiệu sản phẩm; ứng dụng bán hàng qua các chợ online, sàn thương mại điện tử,... Tạo điều kiện cho các HTX thực hiện đề án được thuê đất để đầu tư xây dựng hạ tầng cơ sở; nhà xưởng sản xuất, chế biến và bảo quản sản phẩm (7) giải pháp về thị trường, xúc tiến thương mại, tiêu thụ sản phẩm cần tổ chức giới thiệu tuyên truyền, quảng bá, giới thiệu cách nhận biết các sản phẩm và địa chỉ các địa điểm tiêu thụ trên các phương tiện truyền thông, hội chợ, trên website, tờ rơi, biển quảng cáo..... Hình thành, mở rộng mạng lưới kinh doanh sản phẩm đặc trưng, OCOP của địa phương ở trung tâm các huyện, thị xã, thành phố. Hình thành các kênh tiêu thụ chủ lực, với sự tham gia, liên kết của các doanh nghiệp nòng cốt với hệ thống chợ đầu mối siêu thị, cửa hàng tiện lợi, hệ thống thu mua, phân phối hàng hóa. Liên kết tiêu thụ với các đầu mối, đơn vị thành viên của Liên minh HTX Việt Nam như: SaiGon.Coop; Trung tâm xúc tiến thương mại; Trung tâm giới thiệu bán sản phẩm, kết nối cung cầu trực thuộc Liên minh HTX các tỉnh,...
Hình: Mô hình chuỗi cung cấp rau an toàn VietGAP Ninh Đông – Ninh Hòa
Với vai trò nồng cốt của Liên minh HTX tỉnh trong phát triển KTTT, thời gian đến sẽ cùng với các đoàn thể, sở, ngành của tỉnh rà soát lại chương trình liên tịch, tăng cường hơn nữa trong công tác phối hợp, bám sát các chủ trương chính sách của Đảng, pháp luật Nhà nước và chương trình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh để tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, nâng cao hiệu quả công tác tham mưu cho Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh các cơ chế chính sách để hỗ trợ cho và khu vực KTTT, HTX phát triển, nhất ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, chuyển đổi số, đẩy mạnh công tác tư vấn, hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực, tạo điều kiện cho việc nhân rộng, phát triển các mô hình chuỗi cung cấp nông lâm thủy sản an toàn theo VietGAP, qua đó đẩy mạnh liên kết sản xuất và tiêu thụ nông, thủy sản giữa người nông dân, doanh nghiệp, HTX, THT để khắc phục tình trạng sản xuất manh mún, nhỏ lẻ, nâng cao sản lượng và chất lượng, tăng thu nhập cho người nông dân, góp phần đạt được mục tiêu tăng trưởng của ngành nông nghiệp, đóng góp tích cực cho mục tiêu tăng trưởng, phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh hàng năm. Thi đua thực hiện thắng lợi Nghị quyết số 09 của Chính trị và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Khánh Hòa lần thứ XIII, nhiệm kỳ 2020-2025 đề ra./.
Trung Dũng - PCT Liên minh HTX tỉnh
- [19/11/2024] Khánh Vĩnh: Mở rộng quảng bá, giới thiệu sản phẩm địa phương
- [13/11/2024] Khánh Sơn: Hỗ trợ phát triển mã số vùng trồng
- [13/11/2024] Sôi nổi nhiều mô hình trong các hợp tác xã
- [06/11/2024] HỘI NGHỊ ĐỐI THOẠI GIỮA LÃNH ĐẠO UBND TỈNH VỚI CÁC HTX TRÊN ĐỊA BÀN NĂM 2024
- [04/11/2024] Phát triển du lịch nông nghiệp tại Cam Lâm
- [18/07/2023] PHIÊN CHỢ TRIỂN LÃM SẢN PHẨM VÙNG DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI NĂM 2023 TẠI TỈNH KHÁNH HÒA.
- [10/07/2023] Công điện khẩn của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp thúc đẩy sản xuất, xuất khẩu gạo
- [23/06/2023] Toàn tỉnh có 3 tổ hợp tác, tổ hội nghề nghiệp cung cấp tôm hùm nuôi an toàn
- [23/06/2023] Xã Vạn Phú: Điển hình trong xây dựng nông thôn mới nâng cao
- [23/06/2023] Nâng cao vị thế kinh tế - xã hội của nông dân Việt Nam và Hàn Quốc