Vì sao HTX vẫn e dè đưa nông sản vào siêu thị?

|

Đưa hàng vào các hệ thống bán lẻ hiện đại là mong muốn của không ít HTX nhằm ổn định đầu ra, thúc đẩy xây dựng thương hiệu. Mặc dù vậy, con đường vào siêu thị của các HTX vẫn đầy cam go khi chưa tìm được tiếng nói chung với các nhà phân phối, siêu thị.

Bà Đinh Tuyết Nhung, Giám đốc kiêm Chủ tịch HĐQT HTX Nhung Lũy (Bắc Kạn) cho biết, HTX đã có 4 sản phẩm OCOP, 3 sản phẩm đạt chứng nhận hữu cơ và được bày bán tại các hệ thống siêu thị lớn trên cả nước.

Chi phí quá lớn

“Từ khi liên kết tiêu thụ với siêu thị, đầu ra của sản phẩm đã được tháo gỡ phần nào. Hơn nữa, sản phẩm của HTX có cơ hội phát triển thị trường rộng hơn, được nhiều khách hàng biết đến”, bà Nhung nói.

Tuy mang lại không ít lợi ích, nhưng theo thống kê của ngành chức năng, hiện nay số lượng HTX liên kết để đưa hàng được và siêu thị chỉ chiếm khoảng 15% trong số khoảng 28.000 HTX.

Lý giải nguyên nhân, ông Nguyễn Văn Lâm, Giám đốc HTX Nông nghiệp, thương mại - dịch vụ Vĩnh Tâm (Đồng Nai) cho biết, ngoài việc phải chịu nhiều loại phí và mức chiết khấu cao hơn 10% giá trị sản phẩm, một số siêu thị chỉ cho HTX bán dưới hình thức ký gửi hàng hóa. Việc thanh toán lại theo hình thức một lần theo tháng hoặc quý nên HTX gặp khó về vốn lưu động.

“Hầu hết HTX sản xuất nông nghiệp đều ở quy mô nhỏ, siêu nhỏ nên việc chậm thanh toán, dồn hóa đơn sẽ khó đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh. Dù rất muốn nhưng HTX cũng không khỏi e dè trong việc đưa sản phẩm vào siêu thị”, ông Lâm nói.

Bà Nguyễn Thị Thu Liên (Hiệp Hội thực phẩm Minh Bạch) cho biết, có những siêu thị yêu cầu HTX phải đóng hàng chục triệu đồng để mở mã cho một sản phẩm. Điều này là quá sức với các HTX, nhất là các HTX mới thành lập, quy mô nhỏ. Ngoài ra, để duy trì được sản phẩm trên kệ siêu thị, HTX cần phải có tài chính để bảo đảm đầu vào, chi phí quầy kệ, marketing, nhân viên…

Các chi phí đầu vào và duy trì sản phẩm trên kệ  siêu thị đang là khó khăn đối với không ít HTX.

Lý giải các chi phí này, hầu hết các chủ siêu thị đều cho rằng thương hiệu sản phẩm của HTX được ít người tiêu dùng biết đến nên họ thu để phục vụ mục đích hỗ trợ quảng cáo, xúc tiến thương mại. “Tuy nhiên, với hàng loạt các khoản phải bỏ ra, thậm chí với cả những chi phí đầu vào lớn như vậy, nhiều HTX khó có thể đưa sản phẩm vào siêu thị chứ chưa nói đến việc có trụ nổi hay không”, bà Liên nói.

Ngay như vấn đề logistics, ban đầu siêu thị đặt những đơn hàng lớn, HTX có thể dễ dàng thực hiện. Nhưng sau đó, siêu thị sẽ đặt theo nhu cầu thị trường, chủ yếu phục vụ bán lẻ. Như vậy, nếu HTX thuê xe chuyên nghiệp thì chi phí rất cao, còn nếu vận chuyển nhỏ lẻ lại không bảo đảm chất lượng sản phẩm.

Theo ông Nguyễn Văn Lâm, sau khi tính toán, HTX nhận thấy lượng thu mua của các siêu thị không nhiều, giá thành bị chi phối bởi nhiều loại phí, thuế, như: Phí mặt bằng, thuế giá trị gia tăng, hỗ trợ quảng cáo, bán hàng, giá kệ nên giá trị kinh tế thực thu về không được như mong đợi. Điều này khiến thành viên HTX nảy sinh tâm lý “ngại” tìm kiếm, liên kết tiêu thụ sản phẩm với các siêu thị.

Trong khi các siêu thị, đơn vị bán lẻ hiện đại làm việc theo chuỗi, còn hầu hết các HTX lại chưa có đội ngũ nhân viên chuyên nghiệp để chăm sóc khách hàng như những doanh nghiệp lớn nên việc liên kết, làm việc với siêu thị cũng là bất lợi đối với HTX.

Kinh doanh cần đề cao chữ “tâm”

Theo các chuyên gia, rào cản lớn nhất đối với HTX khi đưa sản phẩm vào siêu thị vẫn là vấn đề chiết khấu còn quá cao.

Hiện nay, một số siêu thị lớn lại cho rằng họ có thể làm việc với rất nhiều nhà cung cấp nên đưa ra mức chiết khấu lên tới 20-30%, chưa kể những chi phí không chính thức khác. Điều này đang làm khó các HTX.

Ông Vũ Vinh Phú, nguyên Chủ tịch Hội Siêu thị Hà Nội cho biết có tình trạng 10 nhà cung ứng gửi rau vào siêu thị nhưng chỉ vài đơn vị chấp nhận mức chiết khấu mà phía siêu thị đưa ra. Với mức chiết khấu lên đến 30%, chưa kể những chi phí đầu vào khác mà HTX phải tự bỏ ra, sau khi trừ các chi phí, HTX sẽ lỗ. Đó là lý do vì sao nhiều HTX vẫn lựa chọn bán hàng qua các kênh nhỏ lẻ khác thay vì đưa vào các siêu thị, nhà phân phối hiện đại.

Còn ông Nguyễn Văn Minh, Giám đốc HTX sản xuất kinh doanh dịch vụ Văn Đức (Hà Nội) cho rằng nếu phía siêu thị kéo giảm số ngày thanh toán sẽ hỗ trợ HTX nhiều hơn. Chưa kể, hợp đồng giữa hai bên thỏa thuận thời gian thanh toán là 30 ngày, nhưng có những lần, các nhà bán lẻ thường kéo dài đến 40-50 ngày khiến HTX khó quay vòng vốn.

Đã vậy, khi đã ký được hợp đồng, lượng hàng hóa siêu thị thu mua lại không ổn định nên HTX dễ bị động trong khâu sản xuất.

Chia sẻ về vấn đề này, bà Nguyễn Thị Kim Dung, Giám đốc siêu thị Coop mart Hà Nội, cho biết khó khăn đối với các HTX hiện nay đó chính là hạn chế về công nghệ sản xuất, năng suất lao động, logistics. Vì vậy, giá cả của sản phẩm của HTX cũng đang phải cạnh tranh với những doanh nghiệp lớn, sản xuất chuyên nghiệp, nhất là khi HTX có cùng chủng loại sản phẩm với doanh nghiệp.

Để đưa được hàng vào siêu thị, theo bà Dung, HTX cần chú trọng đến vấn đề ổn định sản phẩm cả về lượng và chất. Bởi, ngoài chất lượng thì số lượng nông sản cần phải đảm bảo liên tục để giữ vững thương hiệu và có thể đi vào nhiều hệ thống phân phối hiện đại khác.

Bên cạnh đó, khi HTX muốn sản xuất ra bất kỳ một sản phẩm nào cũng cần nghiên cứu kỹ đến phân khúc khách hàng ở từng khu vực, địa phương mà HTX nhắm đến. Điều này sẽ giúp HTX tránh tình trạng sản xuất ra sản phẩm nhưng không phù hợp với nhu cầu thị trường, gây khó bán và khó xây dựng thương hiệu.

Còn theo bà Nguyễn Thị Thu Liên, những khúc mắc giữa các siêu thị và nhà cung cấp, cụ thể là các HTX là bài toán chưa có hồi kết. Bởi thực chất, có siêu thị yêu cầu những chi phí vô lý, thậm chí quá lớn so với HTX như chi phí marketing, mở mã hàng… Điều này tạo ra sự chênh lệch lớn về chi phí giữa các siêu thị, cửa hàng phân phối hiện đại với nhau.

Theo bà Liên, không phải tất cả siêu thị đều có những hiện tượng như vậy. Nhưng thực tế đã có nhiều HTX phản ánh điều này khi làm việc với những siêu thị lớn, có địa thế đẹp, có thế mạnh đàm phán với nhà cung cấp. Trong khi có những siêu thị vẫn miễn chiết khấu, hoặc đưa ra mức chiết khấu phù hợp cho các HTX, hoặc hỗ trợ HTX đưa hàng trực tiếp vào siêu thị và không thông qua trung gian.

Chính vì vậy, để giải quyết vấn đề này, ngoài sự nỗ lực của các HTX, theo các chuyên gia, phía siêu thị, nhà phân phối hiện đại nên kinh doanh bằng chữ tâm mới có thể đi đường dài với các nhà cung cấp.

Theo Thời Báo Kinh Doanh