Vụ lúa hè thu: Điểm sáng liên kết sản xuất

|
Vụ lúa hè thu năm nay, năng suất, giá bán không tăng, trong khi nông dân phải bỏ ra chi phí cao hơn các vụ sản xuất khác. Điểm đáng mừng là những diện tích lúa sản xuất theo đơn đặt hàng tiếp tục mang lại lợi nhuận cho nông dân cao hơn so với lúa thường.

Năng suất ổn định


Năm nay, trên địa bàn thị xã Ninh Hòa, nông dân gieo sạ gần 8.900ha lúa hè thu, tăng khoảng 300ha so với năm trước. Đến thời điểm này, nông dân đã cơ bản thu hoạch xong, năng suất bình quân đạt khoảng 58,25 tạ/ha, tương đương với năm trước. Lãnh đạo Phòng Kinh tế thị xã Ninh Hòa cho biết, vụ lúa hè thu thời tiết tương đối thuận lợi, nước tưới đầy đủ nên lúa sinh trưởng phát triển tốt, cho năng suất cao. Tuy nhiên, có một số diện tích gặp mưa lớn vào thời điểm trổ bông nên bị lép hạt, năng suất giảm 10-15%. Ngoài ra, khoảng 500ha lúa ở giai đoạn sắp thu hoạch bị ngã đổ do gió lớn nên năng suất giảm 10-20%.

Thu hoạch lúa hè thu tại huyện Diên Khánh.


Tại huyện Diên Khánh, năng suất lúa năm nay cũng ở mức ổn định. Ông Võ Văn Châu - Trưởng phòng Kinh tế huyện cho biết, hơn 3.800ha lúa hè thu trên địa bàn huyện dự kiến thu hoạch xong trong ít ngày tới; năng suất khoảng 62 tạ/ha, tương đương với trung bình nhiều năm. Còn tại huyện Vạn Ninh, tuy thời điểm lúa trổ bông có nhiều diện tích lúa ở khu vực Tu Bông bị ngập úng, ngã đổ ảnh hưởng đến năng suất chung của toàn huyện, nhưng năng suất bình quân toàn huyện vẫn đạt gần 60 tạ/ha.


Theo bà Lương Kim Ngân - Phó Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh, năm nay, toàn tỉnh gieo sạ hơn 18.000ha lúa. Cơ cấu giống chủ lực là: ML48, ML202, ML214, OM4900… Đến nay, nông dân toàn tỉnh đã cơ bản thu hoạch xong, năng suất trung bình khoảng 61 tạ/ha, tương đương các năm trước.


Liên kết sản xuất cho lợi nhuận cao hơn


Qua trao đổi với đại diện một số hợp tác xã (HTX) nông nghiệp ở Vạn Ninh, Ninh Hòa và Diên Khánh, chúng tôi được biết, giá lúa trên toàn tỉnh phổ biến quanh mức 6.200-6.400 đồng/kg tùy thời điểm. Đây là mức giá ổn định so với năm trước. Tuy năng suất đạt, giá lúa ổn định nhưng lợi nhuận của người trồng lúa không bằng vụ lúa năm trước, bởi năm nay chi phí nông dân phải bỏ ra nhiều hơn. Ông Lê Văn Hùng - Giám đốc HTX Nông nghiệp Diên Lộc (Diên Khánh) cho biết, do giá nhiên liệu tăng nên các dịch vụ liên quan đến máy móc để làm đất, thu hoạch đều tăng khoảng 10-20% so với trước. Đặc biệt, giá phân bón tăng gần gấp đôi đã đội chi phí sản xuất lên nhiều.


Theo tính toán, chi phí cho phân bón năm trước khoảng 6 triệu đồng/ha, năm nay tăng lên gần 10 triệu đồng. Tổng chi phí nông dân bỏ ra để đầu tư sản xuất 1ha lúa hè thu năm nay khoảng 26 triệu đồng, cao hơn gần 10 triệu đồng so với trước. Trong trường hợp lúa đạt năng suất 60 tạ/ha và giá bán 6.000 đồng/kg, nông dân có lãi khoảng 10 triệu đồng/ha lúa đối với sản xuất lúa thông thường. Riêng đối với các diện tích lúa sản xuất có sự liên kết tiêu thụ, hiệu quả tuy chưa bằng năm trước, nhưng lại cao hơn đáng kể so với bán lúa thông thường. Theo ông Lê Văn Hùng, trong số 287ha lúa của HTX Nông nghiệp Diên Lộc, đến nay đã có 251ha sản xuất theo đơn đặt hàng lúa giống của các công ty, doanh nghiệp. Theo tính toán, 1ha lúa sản xuất theo hợp đồng lúa giống mang về lợi nhuận cho nông dân 20,06 triệu đồng, còn sản xuất thông thường chỉ đạt 14,8 triệu đồng/ha.


Điều đáng mừng là phần lớn diện tích sản xuất lúa trên địa bàn Diên Khánh đều đang được nông dân sản xuất theo hình thức liên kết với các doanh nghiệp lúa giống, lúa thương phẩm chất lượng cao. Những năm gần đây, sự liên kết này cũng đã dần lan ra Ninh Hòa, Vạn Ninh với diện tích lên tới hàng nghìn héc-ta và trở thành hướng đi chủ lực trong sản xuất lúa ở tỉnh. Mối liên kết này đảm bảo cho nông dân về giống lúa sạch bệnh, quy trình chăm sóc tốt nhất và bao tiêu sản phẩm theo giá thị trường. Trong trường hợp giá thị trường xuống thấp, các doanh nghiệp thu mua bảo hiểm giá thu mua lúa ở mức hợp lý. Đơn cử như năm nay, giá bảo hiểm là 6.000 đồng/kg, đảm bảo cho nông dân có lãi trong điều kiện năng suất đạt mức bình quân chung.


Theo bà Lương Kim Ngân, với diện tích lúa hàng năm khoảng 40.000ha, sản lượng 240.000 tấn, Khánh Hòa không phải là địa phương trọng điểm về cây lúa. Tuy nhiên, địa phương được nhiều công ty đặt hàng sản xuất lúa giống và lúa thương phẩm nên có sự ổn định về giá thu mua. Mối liên kết này cũng dần thay đổi quan điểm sản xuất lúa của nông dân, đó là tham gia sản xuất theo đơn đặt hàng. Ngoài ra, nhiều HTX tại Ninh Hòa, Vạn Ninh, Diên Khánh sản xuất lúa thương phẩm chất lượng cao, tập trung chế biến để nâng cao giá trị gia tăng cho hạt lúa.

Theo Báo Khánh Hòa Online