Xuất khẩu bưởi sang Hoa Kỳ: Người trồng chưa sẵn sàng
Yêu cầu bắt buộc
Theo ông Trần Thiện Hùng - Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh, nhằm đa dạng hóa thị trường tiêu thụ, thời gian qua, Cục Bảo vệ thực vật đã tổ chức nhiều vòng đàm phán và trao đổi về kỹ thuật với Cơ quan Kiểm dịch động thực vật Hoa Kỳ để đưa nông sản của Việt Nam xuất khẩu sang Hoa Kỳ. Trong đó, 2 bên đã hoàn thành bản dự thảo về yêu cầu kiểm dịch thực vật đối với quả bưởi xuất khẩu từ Việt Nam sang Hoa Kỳ.
Còn nhiều việc phải làm để trái bưởi Khánh Hòa có thể xuất khẩu sang Hoa Kỳ.
|
Trên tinh thần sản xuất theo yêu cầu của thị trường, việc các hộ trồng bưởi trên cả nước nói chung và Khánh Hòa nói riêng áp dụng các biện pháp chăm sóc, thu hoạch, xử lý, bảo quản bưởi phù hợp với các yêu cầu, đòi hỏi từ phía đối tác rất cần thiết và là bắt buộc nếu muốn tiếp cận thị trường này. Trong đó, phía nhập khẩu yêu cầu tất cả các vùng trồng và nhà đóng gói phải được đăng ký (cấp mã số) với Cục Bảo vệ thực vật. Trái bưởi không được nhiễm các loài nấm và côn trùng, chẳng hạn như: nhện Aceria litchi, nấm Phytophthora litchi, nấm Macrophoma mangiferae, vi khuẩn Xanthomonas campestris pv…
Đồng thời, tất cả các quả rụng phải được loại bỏ trước khi vào nhà đóng gói. Trái bưởi phải được rửa, chải và khử khuẩn bề mặt, xử lý bằng thuốc trừ nấm theo liều khuyến cáo và bọc sáp; loại bỏ hết lá, cuống và các bộ phận khác của cây, trừ cuống quả ngắn hơn 1inch (2,54cm) vẫn còn gắn vào quả. Tiếp đó, trái bưởi được xử lý chiếu xạ với liều lượng theo quy định trước khi xuất khẩu. Đây là công đoạn cần thiết nhằm tiêu diệt hoặc ức chế các vi sinh vật, nấm gây hại trên các loại nông sản.
Nhiều hạn chế
Trên địa bàn tỉnh, Khánh Vĩnh là địa phương có diện tích bưởi lớn và tập trung. Theo ông Lương Nguyễn Nhật Trường - Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Khánh Vĩnh, toàn huyện có hơn 650ha bưởi; trong đó, hơn 300ha đã cho thu hoạch; sản lượng bình quân hàng năm đạt 2.000 tấn. Bưởi da xanh phát triển mạnh mẽ khoảng 10 năm trở lại đây và đến nay, hàng chục hec-ta bưởi VietGAP đã hình thành. Hầu hết các hộ trồng bưởi là thành viên của các hợp tác xã cây ăn quả trên địa bàn.
Theo ông Trần Thiện Hùng, thực hiện hướng dẫn của Cục Bảo vệ thực vật, tháng 4-2022, chi cục đã có công văn gửi phòng nông nghiệp, phòng kinh tế các địa phương về việc rà soát, đăng ký hồ sơ xuất khẩu quả bưởi sang Hoa Kỳ. Cụ thể là rà soát, tổng hợp các vùng trồng bưởi trên địa bàn có diện tích lớn, có nhu cầu xuất khẩu sang Hoa Kỳ, đồng thời hướng dẫn các tổ chức, cá nhân có nhu cầu xuất khẩu quả bưởi trên địa bàn thực hiện hồ sơ đăng ký. Tuy nhiên, đến nay chưa có địa phương, tổ chức, cá nhân nào phản hồi về việc đăng ký tham gia xuất khẩu bưởi sang thị trường Hoa Kỳ.
Qua tìm hiểu của chúng tôi, bưởi Khánh Hòa hầu hết phục vụ thị trường trong tỉnh, trong nước. Các thương lái đến tận vườn thu mua và thu hoạch. Trước đây, bưởi tại vườn được bán với giá khoảng 30.000 đồng/kg, người trồng bưởi đạt lợi nhuận cao. Tuy nhiên, 2 năm nay, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, giá bưởi liên tục giảm, có thời điểm chỉ còn 10.000 đồng/kg. Theo các hộ trồng bưởi ở xã Khánh Phú, huyện Khánh Vĩnh, với giá dưới 15.000 đồng/kg, người trồng bưởi hầu như không có lời. Nhất là trong bối cảnh hiện nay, giá phân bón đã tăng gấp 2, gấp 3 so với cách đây 1 năm. Chưa kể công lao động, xăng dầu tăng cũng khiến cho chi phí sản xuất tăng lên.
Dù gặp nhiều khó khăn và tiêu thụ bấp bênh, nhưng khi được hỏi về việc sẵn sàng các điều kiện cần thiết để trái bưởi Khánh Hòa có thể xuất khẩu sang thị trường Hoa Kỳ, câu trả lời chúng tôi nhận được lại là những cái lắc đầu. Một hộ trồng bưởi có diện tích lớn ở xã Khánh Trung, huyện Khánh Vĩnh cho biết, bên cạnh các yếu tố về kỹ thuật, thị trường xuất khẩu đòi hỏi phải có sản lượng tương đối lớn, trái bưởi đồng đều và ổn định quanh năm. Trong khi đó, sản lượng và quy mô sản xuất bưởi của hầu hết các hộ nông dân cũng như hợp tác xã, tổ hợp tác trên địa bàn tỉnh hiện nay chưa đáp ứng được các yêu cầu này. Ngoài ra, các công đoạn sau thu hoạch như: đóng gói, chiếu xạ… đều cần phải đầu tư hạ tầng, thiết bị, máy móc hiện đại, đáp ứng được đòi hỏi từ phía nhập khẩu… Tất cả đang là những thách thức khiến cho trái bưởi Khánh Hòa chưa sẵn sàng để có thể xuất khẩu sang Hoa Kỳ.
Hy vọng cùng với sự phát triển về diện tích, quy mô, hình thức sản xuất, sự kết hợp giữa người trồng bưởi và doanh nghiệp xuất khẩu sẽ sớm được thúc đẩy, để trái bưởi Khánh Hòa tiếp cận được với những yêu cầu, đòi hỏi ngày càng cao của thị trường, nhất là thị trường xuất khẩu sang Châu Âu, Hoa Kỳ…
Theo Báo Khánh Hòa điện tử
- [26/11/2024] Khởi nghiệp trên đất quê hương
- [26/11/2024] 11 sản phẩm được đề nghị công nhận 4 sao OCOP
- [19/11/2024] Khánh Vĩnh: Mở rộng quảng bá, giới thiệu sản phẩm địa phương
- [13/11/2024] Khánh Sơn: Hỗ trợ phát triển mã số vùng trồng
- [13/11/2024] Sôi nổi nhiều mô hình trong các hợp tác xã
- [03/06/2022] Khẳng định vai trò nòng cốt của KTTT, HTX trong quá trình phát triển kinh tế-xã hội của đất nước
- [23/05/2022] Chia sẻ kinh nghiệp, kết nối tiêu thụ sản phẩm
- [12/05/2022] Toàn văn phát biểu bế mạc Hội nghị Trung ương 5 của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng
- [11/05/2022] Tổ hợp tác trồng bưởi da xanh VietGAP xã Diên Xuân: Đăng ký sản phẩm lên sàn thương mại điện tử Postmart.vn
- [11/05/2022] Xác định giống cây trồng, vật nuôi hiệu quả