Kỷ niệm Ngày Chè thế giới 21/5: HTX chè đầu tiên ở Việt Nam có từ bao giờ?

lmhtx.khanhhoa.gov.vn ── [ In trang Thứ sáu, 22/11/2024 ]

Cây chè và văn hóa uống trà có nguồn gốc lịch sử lâu đời, có ý nghĩa kinh tế và văn hoá sâu sắc trên toàn thế giới. Vì vậy, ngày 21/5 hàng năm được Đại hội đồng Liên hiệp quốc chọn là Ngày Chè thế giới. Chè và ngành chè được tôn vinh nhằm thúc đẩy phát triển các hoạt động sản xuất và tiêu thụ trà bền vững, đồng thời nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của ngành chè trong việc xóa đói giảm nghèo. Ở Việt Nam, HTX chè đầu tiên có từ năm 1940 tại Phú Thọ.

Trà xanh là thức uống truyền thống và đặc trưng của người Việt từ rất nhiều đời. Khí hậu và thổ nhưỡng của Việt Nam cũng rất thích hợp cho cây chè. Việt Nam, vì thế, vừa là thị trường tiêu thụ trà rất mạnh, đồng thời cũng là nhà xuất khấu trà lớn trên thế giới.

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, diện tích trồng chè cả nước là 123.000ha, sản lượng trên 1 triệu tấn chè búp tươi. Việt Nam đứng thứ 7 về sản xuất chè, đứng thứ 5 về xuất khẩu chè. Sản phẩm chè của Việt Nam, chủ yếu là chè xanh, chè đen, trà ô long,… được xuất khẩu tới các thị trường chính là Trung Đông, Trung Quốc, Parkistan, Nga và nhiều nước khác.

\"-9584-1684313196.jpg\"

Chè xanh đặc sản Phú Hộ của của tỉnh Phú Thọ được cấp chứng nhận OCOP.

Thái Nguyên là tỉnh có diện tích trồng chè lớn nhất Việt Nam với 23.000 ha. Từ nhiều năm nay, trà Thái Nguyên được đánh giá ngon nhất Việt Nam, tiêu biểu là 4 vùng chè nổi tiếng, được gọi là tứ đại danh trà gồm Tân Cương-Thái Nguyên; La Bằng - Đại Từ, Trại Cài - Đồng Hỷ và Tức Tranh - Phú Lương. 

Phú Thọ là cái nôi của ngành chè Việt Nam

Tuy nhiên, Phú Thọ, quê hương đất Tổ của người Việt, mới thực sự là cái nôi của cây chè và ngành chè Việt Nam. Chính cây chè của Tân Cương, Thái Nguyên cũng có nguồn gốc từ Phú Thọ. Cách đây 100 năm, ông Đội Năm, người được tôn vinh là ông Tổ nghề chè Tân Cương, đã đem giống chè từ Đoan Hùng, Phú Thọ về lập làng Tân Cương ở Thái Nguyên. Thương hiệu chè mạn Bạch Hạc-Thái Nguyên nổi tiếng đến bây giờ cũng có nguồn gốc của tên ngã ba sông Bạch Hạc, Phú Thọ.

Hiện, Phú Thọ xếp thứ hai về diện tích trồng chè với hơn 16.000 ha. Chè của Phú Thọ được trồng tại các vùng đồi trung du rộng lớn ở Thanh Ba, Cẩm Khê, Tân Sơn,… Đặc biệt, vùng đồi chè Long Cốc với hàng trăm ha đồi chè xanh mướt mắt, trải dài nhấp nhô trùng điệp còn được coi là một kỳ quan, một điểm đến du lịch hấp dẫn. Lịch sử đã ghi nhận, tại Phú Thọ, người Pháp đã lập một trong hai đồn điền chè đầu tiên ở Đông Dương. Đó là đồn điền chè 250 ha tại Phú Thượng, Hòa Vang (Quảng Nam) năm 1884 và đồn điền chè 60 ha tại Tình Cương, Cẩm Khê (Phú Thọ), vào năm 1890.

Từ cuối thế kỷ 19, người Pháp bắt đầu có những khảo sát về cây chè trên đất Phú Thọ và về sản xuất chè ở Việt Nam. Năm 1918, Toàn quyền Đông Dương đã ký quyết định thành lập Trạm nghiên cứu nông lâm nghiệp tại Phú Hộ, Phú Thọ. Đây là cơ sở nghiên cứu khoa học đầu tiên về cây chè và ngành chè ở Đông Dương, tiền thân của Viện nghiên cứu chè, nay trực thuộc Viện khoa học kỹ thuật nông lâm nghiệp miền núi phía Bắc.

Cũng tại Phú Hộ, năm 1925, người Pháp đã xây dựng nhà máy chế biến chè đầu tiên tại Đông Dương. Các thiết bị, máy móc chế biến chè đều nhập từ Anh, còn nguyên liệu là chè Phú Thọ. Sản phẩm chè một phần tiêu thụ tại thị trường Đông Dương, một phần xuất khẩu sang Anh, Pháp. Người Pháp đã tìm hiểu và đánh giá rất cao chất lượng chè Phú Thọ.

Theo tờ nhật báo Thời -Thế, Grand quotiditien d’information illustre’, xuất bản tại Sài Gòn ngày 29/12/1940 “…cây trà Đông Dương (Phú – Thọ) vẫn là thứ trà tốt, hơn hay thua của ngoại quốc chỉ là ở do sự chế biến mà thôi. Cây trà Phú-Thọ có đủ tính cách để chế biến nên thứ trà ngon”. Cũng theo báo này, tại Phú Thọ đã có thương hiệu trà Việt là trà Văn-Minh, rất ngon, nổi tiếng ở Bắc Kỳ.

Ông Văn Minh là một nhà tư sản cất công nhiều năm nghiên cứu cách chế biến chè và đã mở nhà máy chè đầu tiên của người Việt tại xã Đào giã, Thanh Ba, Phú Thọ. Nhà máy này có quy mô lớn với gần 1.000 công nhân, thuê một kỹ sư người Trung Quốc để làm quản lý, giám sát chất lượng. Bài báo ca ngợi ông Văn Minh với sản phẩm trà từ Phú Thọ đã phá tan tâm lý sính ngoại và thành kiến trước đó của giới trung lưu người Việt vốn coi chỉ trà tàu, trà Nhật hay trà ngoại mới ngon. “…Ông Văn Minh bèn đứng ra chấn hưng nội hóa Việt Nam bằng cách làm trà. Thứ trà ngon ở Phú Thọ, thứ mà danh tiếng ở Bắc Kỳ ai ai cũng biết”.

Hợp tác xã chè đầu tiên ra đời năm 1940 tại Phú Thọ

Đất Tổ Phú Thọ đúng là cái nôi thật sự của cây chè, ngành chè Việt Nam. Những đồn điền chè đầu tiên của người Pháp, Viện nghiên cứu chè của Đông Dương hay nhà máy chè đầu tiên của người Việt được thành lập tại Phú Thọ. Thời kỳ sau này, có nhà máy chè xanh đầu tiên được xây dựng tại xã Hương Xạ, Hạ Hòa năm 1957, nhà máy chè đen ở Thanh Ba năm 1958.

\"-1469-1684313196.jpg\"

Bài viết về HTX chè đăng trên nhật báo Thời -Thế. 

Không những thế, tìm hiểu lịch sử cây chè lại có thêm thông tin thú vị. Đó là hợp tác xã (HTX) chè đầu tiên ở Việt Nam được ra đời từ năm 1940, cũng tại tỉnh Phú Thọ. Ngày 6/12/1940, tại Thanh Ba, Phú Thọ, HTX chè đầu tiên ở Việt Nam đã được thành lập với sự tham gia của 50 người trồng chè trong vùng. Đây cũng là mô hình HTX (société cooperative agricole) đầu tiên được thành lập tại tỉnh Phú Thọ. Hội nghị thành lập HTX chè ở Thanh Ba có sự chứng kiến và chủ tọa của viên quan Sứ người Pháp và viên quan Tuần phủ. Ông Ng.Đ. Thắng được bầu làm Chánh hội trưởng HTX (như Trưởng Ban quản trị hay Chủ nhiệm HTX) và 6 ông sáng lập viên đại diện các nhóm nông hộ ở Cát Trù, Chí Chủ, Ninh Dân, Vũ Yến, Hanh Cù, Vựa Cau được bầu làm Hội đồng cố vấn HTX (có thể như Ban quản trị hay HĐQT của HTX).

Theo báo Đông Pháp xuất bản ngày 10/12/1940, việc ra đời HTX chè đầu tiên tại Phú Thọ này có công rất lớn của một kỹ sư người Pháp tên E. Lhomme. Ông này đi cổ động, hướng dẫn điền chủ, nông dân trồng chè khắp vùng Phú Thọ, thành lập HTX và tham gia HTX để đem lại nhiều lợi ích, trước hết cho chính người dân.

Theo đó, mô hình HTX chè là một cách rất tốt để “trừ khử bọn đầu cơ thường hay mua dìm giá” gây thiệt hại cho người nông dân sản xuất và kinh doanh chè. Ngay từ khi mới bắt đầu hoạt động, HTX chè đầu tiên ở Phú Thọ này đã làm dịch vụ thu mua và tiêu thụ chè cho bà con hội viên. HTX cam kết giá thu mua ít nhất bằng với giá của tư thương, sau đó sẽ còn chia thêm lãi. Ngoài ra, những người góp vốn cũng nhận một phần lãi cố định.

Chiến lược của HTX chè Thanh Ba là thu hút nhiều người dân tham gia, sẽ đầu tư xưởng chế biến chè chung của HTX “chung một cái xưởng chè, có đủ khí cụ cần dùng để cho các hội viên có chè đem đến đó làm”. Và cuối cùng, HTX chè này đã phát triển và đầu tư được cả thảy 8 xưởng chế biến chè như vậy ở các làng chè có đông xã viên như ở các làng Cát Trù (Cẩm Khê), Đào Giã, Chí Chủ (Thanh Ba), Ấm Hạ, Giọc Phát, Đàn Trầm (Hạ Hòa). 

Mô hình HTX chè ở Phú Thọ ngày nay

Hiện nay, toàn tỉnh Phú Thọ đã có gần 30 HTX chè và hàng chục làng nghề, tổ hợp tác chè. Kết quả này có sự đóng góp rất lớn của Liên minh HTX tỉnh Phú Thọ. Cách đây khoảng 10 năm, khi các mô hình HTX chè được xây dựng thành công ở Thái Nguyên, Liên minh HTX tỉnh đã trực tiếp mời các chuyên gia quốc tế và chuyên gia ngành chè về tư vấn, tập huấn cho bà con Phú Thọ.

Nhiều chương trình khảo sát, học tập kinh nghiệm tại các HTX chè điển hình ở Thái Nguyên như HTX chè La Bằng, HTX chè Tuyết Hương, HTX chè Tân Hương,... cũng được Liên minh HTX Phú Thọ tổ chức. Và sau hơn hai năm chuẩn bị, học tập, đầu năm 2017, HTX chè Phú Thịnh được thành lập với 13 thành viên tại xã Phú Hộ. HTX chè Phú Thịnh làm dịch vụ cho thành viên từ khâu trồng, chăm sóc thu hái và cả tiêu thụ đầu ra.

Đặc biệt, HTX rất chú trọng áp dụng phương pháp sản xuất tiên tiến và chế biến chè, bảo đảm an toàn trong chăm sóc, chế biến để có được những sản phẩm chè chất lượng tốt, bảo vệ được môi trường, sức khỏe người tiêu dùng và chính người làm chè. Năng suất, chất lượng sản phẩm chè được nâng lên, giá trị sản phẩm chè Phú Thịnh cũng tăng.

Bên cạnh HTX chè Phú Thịnh, trong thời gian qua, với sự tư vấn và hỗ trợ của các cơ quan, tổ chức mà trực tiếp là Liên minh HTX tỉnh Phú Thọ, nhiều HTX chè tiếp tục được ra đời. như HTX chè Đá Hen, HTX chè an toàn Long Cốc, HTX chè Cẩm Mỹ, HTX chè Hoàng Văn, HTX chè Thanh Hà, HTX chè Suối Reo, HTX chè Văn Miếu… Các HTX chè có quy mô tương đối nhỏ, tổ chức gọn nhẹ nhưng đều phát triển khá tốt. Chè xanh Phú Thọ đã dần lấy được thương hiệu đất Tổ, tiếp tục bay cao, lan tỏa là nhờ có sự đóng góp rất lớn của các HTX chè.  

Theo VN Business