HTX đứng ngồi không yên vì tàu thuyền đến... tuổi 'nghỉ hưu'

lmhtx.khanhhoa.gov.vn ── [ In trang Thứ sáu, 22/11/2024 ]

Những chiếc thuyền chở khách du lịch, chở hàng trong một số trường hợp, khi đủ 25- 30 năm khai thác buộc phải dừng hoạt động theo Nghị định 111/2014/NĐ-CP. Điều này đang khiến không ít HTX vận tải đường thủy và du lịch đứng trước khó khăn trong duy trì hoạt động cũng như tạo thu nhập, việc làm cho thành viên, người lao động.

Theo Nghị định 111/2014/NĐ-CP (quy định niên hạn sử dụng phương tiện thủy nội địa và phương tiện thủy nội địa được phép nhập khẩu, có hiệu lực 5/1/2015), năm 2022, tàu thủy lưu trú du lịch ngủ đêm, khách sạn nổi, nhà hàng nổi vỏ kim loại, chất dẻo cốt sợi thủy tinh, xi măng lưới thép, bê tông cốt thép, có niên hạn không quá 35 năm; vỏ gỗ không quá 20 năm.

Buộc phải đóng thuyền mới

Còn đối với tàu khách không phải là tàu thủy lưu trú du lịch ngủ đêm, khách sạn nổi, nhà hàng nổi, tàu cao tốc, tàu đệm khí vỏ kim loại, chất dẻo cốt sợi thủy tinh, xi măng lưới thép, bê tông cốt thép không quá 30 năm; vỏ gỗ không quá 25 năm… Ngoài ra, Nghị định cũng quy định tuổi của phương tiện thủy được phép nhập khẩu đối với tàu khách và tàu chở người không quá 10 năm, đối với các phương tiện thủy khác không quá 15 năm…

Ông Nguyễn Duy Vĩnh, Giám đốc HTX Vận tải Đường sông TP Huế (Thừa Thiên Huế) cho biết, từ cuối năm nay đến năm 2024, HTX có khoảng 29 chiếc thuyền chở khách hết niên hạn.

Khi hết niên hạn, các chủ tàu thuyền đều bị thu hồi giấy chứng nhận đăng kiểm, xóa sổ đăng kiểm trên hệ thống đăng kiểm phương tiện thủy toàn quốc. Điều này đồng nghĩa với việc các thành viên HTX là chủ phương tiện hết niên hạn không không được cấp giấy chứng nhận kiểm định để tiếp tục tham gia giao thông đường thủy.

Theo ông Vĩnh, quy định về hết niên hạn đối với tàu chở khách và hàng hóa đã có từ lâu. Và để bảo đảm an toàn thì buộc thành viên HTX, chủ tàu phải tuân thủ quy định nhằm bảo đảm an toàn cho du khách cũng như chính thành viên. Vì khi chẳng may xảy ra vấn đề gì sẽ ảnh hưởng đến thương hiệu và kinh tế của HTX cũng như tính mạng của nhiều người.

Dù biết vậy, nhưng ông và các thành viên không khỏi buồn lòng, vì việc dừng hoạt động của những thuyền hết niên hạn cũng đồng nghĩa với việc thành viên HTX muốn tiếp tục với nghề phải bỏ tiền ra đóng tàu mới. Trong khi mỗi tàu chở khách hiện nay có chi phí ít nhất khoảng 2-3 tỷ đồng.

\"-9336-1684317120.jpg\"

Nếu hết niên hạn, thuyền buộc phải dừng hoạt động theo quy định pháp luật.

Cùng kinh doanh hoạt động thuyền chở khách nhưng ở sông Nho Quế, và dù các phương tiện chở khách chưa hết niên hạn nhưng nhìn vào quy định của Nghị định 111, ông Nguyễn Phong Sơn, Phó Giám đốc quản lý đội tàu của HTX dịch vụ Nông nghiệp và Du lịch Tu Sản (Hà Giang) cũng cho biết, nếu đứng ở vị trí của HTX khi đầu tư 51 thuyền chở khách mà đến thời điểm gần hết niên hạn thì cũng sẽ đứng ngồi không yên vì số tiền bỏ ra đầu tư mới không nhỏ. Du lịch lại phát triển theo mùa. Người dân, thành viên HTX gắn bó với nghề chở khách sau 25-30 năm nếu không có đủ khả năng đầu tư thuyền mới cũng gặp nhiều khó khăn trong việc chuyển đổi nghề.

Điều đặc biệt khiến các HTX cảm thấy bế tắc là Nghị định 111 có cho gia hạn, kéo dài hoạt động đối với phương tiện đường thủy nhưng chỉ áp dụng đối với một số trường hợp như tàu chở khách cao tốc, tàu chở người dưới 12 chỗ.

Trong đó, tàu chở người dưới 12 chỗ cũng chỉ có thời hạn kéo dài 5 năm đối với các trường hợp tàu hết niên hạn trước tháng 5/1/2020. Còn trường hợp hết niên hạn từ sau ngày 5/1/2020 không được kéo dài thời gian hoạt động. Như vậy, khi hết niên hạn vào thời điểm này, các tàu, thuyền chở khách của các HTX du lịch chỉ còn cách duy nhất là dừng hoạt động.

Tránh gián đoạn

Với số lượng phương tiện từ một vài chiếc đến khoảng vài chục chiếc đối với mỗi HTX hiện nay được đánh giá là chưa đủ để đáp ứng so với nhu cầu thực tế của người dân, khách du lịch, nhất là trong thời kỳ cao điểm mùa du lịch. Do đó, nếu loại bỏ các phương tiện tàu, thuyền hết niên hạn theo quy định tại Nghị định số 111/2014/NĐ-CP thì phải đóng mới với số lượng tương ứng. Trong khi nguồn kinh phí của các HTX rất hạn chế, không thể đáp ứng theo yêu cầu vì nguồn vốn góp của thành viên hạn chế, việc tiếp cận chính sách hỗ trợ khó khăn và chịu tác động từ dịch bệnh trong thời gian dài, chưa thể khôi phục hoàn toàn.

Mặt khác, nếu thực hiện theo quy định tại Nghị định số 111/2014/NĐ-CP sẽ không đủ phương tiện để đưa đón khách du lịch, dẫn đến ách tắc giao thông tại các điểm du lịch, không kích cầu được ngành du lịch cũng như kinh tế xã hội tại các địa phương phát triển.

Đó là với tàu, thuyền nội địa chở khách du lịch. Còn đối với các HTX có phương tiện thủy chở hàng, vận chuyển khách như phà, nếu thực hiện theo Nghị định này cũng gặp khó khăn không kém. Bởi trước thực tế nguồn lực của các HTX, doanh nghiệp, việc đầu tư mới để đáp ứng nhu cầu vận chuyển hàng hóa, chở người còn đòi hỏi nguồn lực lớn hơn.

Theo các HTX, quy định của Nhà nước là mong muốn hoạt động vận tải đường thủy được chuyên nghiệp hơn, an toàn hơn. Tuy nhiên, trong điều kiện kinh tế khó khăn, lãi suất ngân hàng cao như hiện nay, các HTX hoạt động trong lĩnh vực này rất mong nhận được sự hỗ trợ của các cơ quan quản lý để có thể thuận tiện trong việc đầu tư phương tiện mới.

Bởi nếu các phương tiện cũ hoạt động có thể vừa không bảo đảm an toàn, vừa gây ô nhiễm môi trường. Nếu có chính sách ưu đãi để khuyến khích HTX đầu tư mới, chất lượng cao cho phương tiện vận tải thủy sẽ thúc đẩy được hoạt động trong lĩnh vực này phát triển.

Ông Trần Đỗ Liêm, Chủ tịch HĐQT HTX vận tải Rạch Gầm (Tiền Giang) cho biết nếu có cơ chế hỗ trợ các chủ phương tiện thủy đầu tư mới sẽ thúc đẩy vận tải thủy phát triển, từ đó đóng góp vào phát triển kinh tế xã hội nói chung của cả nước.

Bên cạnh đó, các ngành chức năng cũng cần có những hướng dẫn cụ thể cho những HTX, chủ phương tiện thủy có nhu cầu đóng tàu thuyền mới hoặc chuyển đổi sang nghề khác. Hoặc cần có những đánh giá cụ thể các loại tàu thuyền, chiếc nào bảo đảm an toàn, vẫn đáp ứng được yêu cầu nên cho HTX gia cố thêm để hoạt động trong khoảng thời gian-điều kiện nhất định để họ có nguồn thu bù vào đầu tư mới hoặc giúp thành viên có thời gian chuyển đổi nghề.

Đối với vấn đề đóng mới, để bảo đảm an toàn, HTX và các chủ tàu phải có bản thiết kế mới và được đóng ở những đơn vị đủ điều kiện và với sự giám sát của cơ quan kiểm định. Vậy nhưng hiện nay, nhiều địa phương chưa có cơ sở đóng, sửa tàu thuyền đáp ứng yêu cầu nên nếu HTX muốn đóng mới cũng gặp khó hoặc phải tăng chi phí để đến các đơn vị đóng tàu khác xa hơn.

Trong khi các phương tiện đường thủy đảm bảo yêu cầu vẫn còn khiêm tốn, thì nhu cầu vận chuyển người, hành khách và cả hàng hóa bằng đường thủy có dấu hiệu tăng cao. Việc có những phương án cụ thể, hài hòa về dịch vụ tàu thuyền là cần thiết, nếu không sẽ làm chậm nhịp phát triển của các HTX này và gây ra tình trạng kinh doanh gián đoạn, ngành du lịch và vận tải hàng hóa sẽ bị ảnh hưởng.

Theo VN Business