Nông dân Mang Yang 'bắt tay' sản xuất để thoát nghèo
Với mong muốn giúp người dân thoát nghèo, huyện Mang Yang đã triển khai nhiều chương trình, đề án hỗ trợ cây trồng, vật nuôi, khuyến khích phát triển các mô hình liên kết theo chuỗi giá trị, thành lập HTX kiểu mới nhằm giúp người dân từng bước nâng cao chất lượng cuộc sống.
Huyện Mang Yang (tỉnh Gia Lai) có tỷ lệ đồng bào dân tộc thiểu số chiếm hơn 60%. Những năm qua, cấp ủy, chính quyền địa phương luôn quan tâm thực hiện các giải pháp hỗ trợ sản xuất, phát triển kinh tế - xã hội, mang lại hiệu quả thiết thực trong công tác giảm nghèo vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Liên kết để thoát nghèo
Là hộ nông dân đầu tiên mạnh dạn và đặt niềm tin khi tham gia liên kết trồng chanh dây của HTX Hùng Thơm Gia Lai (thôn Nhơn Tân, xã Đak Ta Ley, huyện Mang Yang), ông Hoàng Long Quân (Thị trấn Kon Dơng, huyện Mang Yang) cho biết, từ năm 2019, sau khi được cung cấp giống, hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc, cây chanh dây của gia đình phát triển rất tốt. Không những thế, vườn chanh còn được HTX bao tiêu sản phẩm với giá cao nên kinh tế gia đình được cải thiện.
Chanh leo của HTX Hùng Thơm Gia Lai là loại cây trồng giúp nhiều hộ dân trên địa bàn Mang Yang thoát nghèo. |
“Hiện, gia đình có 2.000 gốc chanh dây, hàng năm thu lợi nhuận khoảng 300 triệu đồng. Để đạt được điều này, gia đình tôi phải thực hiện nghiêm túc chế độ chăm sóc chanh dây theo chỉ dẫn của HTX, chủ yếu sử dụng phân chuồng để sản xuất theo hướng hữu cơ. Chính vì vậy, chanh dây luôn được HTX thu mua với giá rất cao”, ông Quân chia sẻ.
Được biết, hiện tại, HTX Hùng Thơm Gia Lai đang liên kết với hơn 150 hộ dân trên địa bàn các huyện Mang Yang, Đăk Pơ, Kbang, Chư Prông… sản xuất hơn 300ha chanh dây. Trong đó, khoảng 80ha chanh dây đạt tiêu chuẩn GlobalGAP.
Ngoài ra, HTX đã phối hợp với các công ty phân bón, giống cây trồng để tập huấn cho các thành viên về kỹ thuật trồng cây chanh dây, bón phân hợp lý, cam kết bảo đảm cây chanh dây phát triển ổn định, bền vững, kiểm soát những rủi ro về dịch bệnh trong quá trình sản xuất. Hiện nay, mỗi ha chanh dây có năng suất 45 - 60 tấn, với giá bán từ 18 - 40 ngàn đồng/kg, sau khi trừ chi phí, các hộ dân liên kết có lợi nhuận 500 - 600 triệu đồng.
Bà Đỗ Thị Mỹ Thơm, Giám đốc HTX Nông nghiệp và Dịch vụ Hùng Thơm Gia Lai cho biết, HTX hiện đã xây dựng được 7 mã số vùng trồng cho cây chanh dây với diện tích 126,4ha. Hiện, HTX đã có nhiều sản phẩm đạt chứng nhận OCOP 3 - 4 sao như: Chanh dây quả, trà sả thảo mộc, chanh dây sấy dẻo, ruột chanh dây cấp đông, tinh dầu chanh dây, tinh cốt chanh dây cô đặc...
“Để nâng giá trị sản phẩm và phát triển bền vững, HTX tiếp tục mở rộng kênh bán hàng thương mại điện tử trong nước và quốc tế, đăng ký cấp chứng nhận ISO 22000:2018, chuyển đổi số trong công tác quản lý, thông tin minh bạch từ nguồn gốc canh tác đến đóng gói xuất nhập khẩu, cũng như thông tin phản hồi của người tiêu dùng”, chị Thơm chia sẻ.
Ngoài ra, HTX Hùng Thơm Gia Lai còn tạo công ăn việc làm cho hơn 70 lao động, từng bước giúp người dân địa phương thoát nghèo.
Thêm chính sách hỗ trợ cho các HTX
Để nâng cao năng lực quản trị của các HTX, cuối năm 2022, UBND huyện Mang Yang phối hợp với Trường Trung cấp Kinh tế-Kỹ thuật và Đào tạo cán bộ HTX miền Trung - Tây Nguyên tổ chức lớp tập huấn nâng cao năng lực lãnh đạo cho 50 học viên là lãnh đạo các HTX, tổ hợp tác trên địa bàn huyện.
Huyện Mang Yang phấn đấu tới 2025, tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống dưới 5%. |
Theo đó, các lãnh đạo HTX được học cách nâng cấp và hoàn thiện sản phẩm đã được đánh giá, phân hạng (3 sao trở lên) gắn với nhu cầu thị trường trong nước và xuất khẩu; tham gia liên kết hoặc trực tiếp chế biến các sản phẩm của HTX tại địa phương để nâng cao giá trị của sản phẩm, nâng cao thu nhập cho thành viên trong HTX và nông dân trong vùng...
Đây là hoạt động thiết thực nhằm giúp cho đội ngũ lãnh đạo HTX, tổ hợp tác nâng cao năng lực, kỹ năng công tác quản lý, định hướng và tổ chức sản xuất, kinh doanh; đồng thời là dịp để các học viên giao lưu, học hỏi, chia sẻ kinh nghiệm, cách làm hay trong công tác quản lý và tham gia các mô hình phát triển kinh tế tập thể.
Thời gian qua, huyện Mang Yang đã triển khai thực hiện nhiều cơ chế chính sách hỗ trợ các mô hình kinh tế tập thể phát triển, cũng như tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, hộ kinh doanh hoạt động.
Theo bà Trịnh Thị Hồng Hạnh, Trưởng phòng Tài chính-Kế hoạch huyện Mang Yang, để hỗ trợ phát triển HTX giai đoạn 2021-2025, UBND huyện đã chỉ đạo Phòng Tài chính-Kế hoạch rà soát nhu cầu đăng ký hỗ trợ của các HTX như xây dựng nhà kho, xưởng phân loại và đóng gói sản phẩm, xưởng sơ chế-chế biến và mua sắm trang-thiết bị phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh nhằm mang lại lợi ích cho các thành viên HTX.
Bên cạnh đó, các HTX đã có nhiều nỗ lực, tìm ra hướng đi phù hợp, phát triển, tạo doanh thu, giải quyết lao động và sản phẩm đầu ra của xã viên. Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) là cơ hội tốt để các chủ thể sản xuất nâng cao chất lượng sản phẩm, tăng khả năng cạnh tranh, mở rộng thị trường và có thêm động lực để phát triển.
Theo ông Lê Trọng, Chủ tịch UBND huyện Mang Yang, những \"quả ngọt\" mà huyện Mang Yang gặt hái được trong 5 năm qua là kết tinh của sự đoàn kết, nỗ lực phấn đấu không ngừng của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc trong huyện. Đây cũng sẽ là tiền đề, động lực quan trọng thúc đẩy sự phát triển đi lên của huyện nhà trong nhiệm kỳ mới 2020 – 2025.
Phấn đấu trong nhiệm kỳ này, tốc độ tăng giá trị sản xuất toàn huyện đạt bình quân 12,11%/năm; cơ cấu kinh tế: nông lâm nghiệp thủy sản 34,02%, công nghiệp xây dựng 38,67%, dịch vụ 27,31%; thu ngân sách Nhà nước tăng bình quân 10%/năm; thu nhập bình quân đầu người đạt 56 triệu đồng; đến năm 2025, toàn huyện có 6 xã đạt chuẩn nông thôn mới và giảm tỷ lệ hộ nghèo còn dưới 5%.
Theo VN Business