HTX 'bắt tay' doanh nghiệp làm cánh đồng lớn ở Tân Phước
Từng được mệnh danh là “rốn phèn, rốn lũ”, từ một huyện nghèo của tỉnh Tiền Giang, nhờ đẩy mạnh áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, đến nay Tân Phước đã trở thành miền đất hứa, giúp không ít người nông dân nghèo vươn lên.
Mấy năm qua, ông Phạm Văn Sừng ở xã Tân Hòa Đông, huyện Tân Phước, liên tục gặt hái thành công với mô hình trồng dứa (khóm/thơm). Để có thành công hiện tại, ông kiên trì theo đuổi các lớp tập huấn kỹ thuật chăm sóc, xử lý cho cây ra trái theo ý muốn để tránh “trúng mùa, mất giá”.
Đổi mới cách nghĩ, cách làm
Ông Sừng cũng chủ động học tập thêm kinh nghiệm thâm canh của những nông dân giỏi đi trước và các kênh thông tin khác giúp ông liên tục nâng cao năng suất, chất lượng trong quá trình thâm canh cây khóm và mang lại thu nhập hàng trăm triệu đồng/năm.
Hiện nay, nhờ sự cần cù lao động, chăm học hỏi và áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, nhiều nông dân huyện Tân Phước đã trồng và xử lý khóm đạt năng suất, chất lượng cao, làm thay đổi diện mạo vùng đất rốn phèn này.
Theo đại diện Phòng NN&PTNT huyện, trung bình năng suất khóm trong huyện đạt bình quân 20 tấn/ha. Nếu thu hoạch đúng thời điểm có giá cao, sau khi trừ chi phí, nông dân còn lãi 100 triệu đồng/ha.
Khóm đang là một trong những cây trồng chủ lực ở Tân Phước. |
Trước đây, khi huyện Tân Phước mới thành lập, cây khóm chỉ xuất hiện rải rác ở các xã Mỹ Phước, Thạnh Mỹ, Hưng Thạnh… nhưng đến nay, hầu hết các xã, thị trấn trong huyện đều có mặt cây khóm và khóm được xem là cây trồng chủ lực trên vùng đất đầy phèn mặn này.
Hiện, huyện Tân Phước đang có khoảng 16.000 ha đất trồng khóm với sản lượng khoảng 260.000 tấn/năm. Huyện là địa phương đứng nhất, nhì cả nước về diện tích cây khóm. Cây khóm cũng trở thành cây trồng thế mạnh, xóa đói giảm nghèo ở Tân Phước
Bên cạnh cây dứa, Tân Phước đang trở thành một trong những vùng sản xuất nông sản hàng hóa lớn với những thương hiệu nổi tiếng như thanh long, lúa năng suất cao, các loại cây ăn quả có giá trị kinh tế khác.
Với cây ăn quả, huyện đang có trên 2.500 ha các cây trồng chủ lực là thanh long, mít Thái siêu sớm, bơ, cây có múi, xoài, chanh... trên đất nhiễm phèn Đồng Tháp Mười. Tùy theo địa bàn, huyện định hình những vùng sản xuất chuyên canh phù hợp, cho sản lượng nông sản hàng hóa lớn đáp ứng nhu cầu thị trường.
Điển hình, vùng chuyên canh khóm (dứa) tập trung tại các xã Hưng Thạnh, Mỹ Phước, Thạnh Mỹ, Thạnh Tân, Tân Hòa Đông… Vùng trồng thanh long quy hoạch tại các xã Thạnh Tân, Thạnh Mỹ, Mỹ Phước, Tân Lập 1, Tân Lập 2...
Trong khi đó, để nâng cao giá trị cây lúa, huyện liên kết với các doanh nghiệp xây dựng cánh đồng lớn ở 2 xã trọng điểm trồng lúa là Tân Hòa Tây và Phước Lập, quy mô gần 300 ha.
HTX “bắt tay” doanh nghiệp
Đáng chú ý, trong quá trình xây dựng các thương hiệu nông sản thế mạnh, nâng cao thu nhập cho người dân, các HTX, tổ hợp tác trên địa bàn huyện Tân Phước ghi những dấu ấn đậm nét. Theo thống kê, toàn huyện hiện có 15 HTX và khoảng 150 tổ hợp tác hoạt động hiệu quả.
Điển hình như HTX Nông nghiệp Quyết Thắng ở ấp Tân Phong, xã Tân Lập 2 đang tập trung hỗ trợ khoa học - kỹ thuật trong sản xuất nông nghiệp cho các thành viên, đồng thời nghiên cứu giống khóm mới để nâng cao hiệu quả sản xuất. Hiện, HTX xây dựng mô hình sản xuất khóm và nhà đóng gói đạt tiêu chuẩn VietGAP.
Anh Nguyễn Văn Huệ là một trong những thành viên gắn bó với HTX từ những ngày đầu mới thành lập cho biết, anh được HTX hỗ trợ rất nhiều như kỹ thuật canh tác, tham gia các hội thảo, tập huấn về khoa học - kỹ thuật. Qua đó, anh tiếp cận và học hỏi được nhiều kiến thức do các chuyên gia, kỹ sư chia sẻ.
Bên cạnh tổ chức sản xuất, các HTX trên địa bàn huyện còn liên kết thu mua, tiêu thụ nông sản với nông dân theo mô hình chuỗi giá trị; mở rộng mạng lưới hàng trăm cơ sở thu mua, tiêu thụ, sơ chế sản phẩm cây ăn quả phục vụ tiêu dùng và chế biến xuất khẩu; 23 trang trại chăn nuôi quy mô lớn liên kết với các doanh nghiệp theo mô hình chuỗi giá trị gắn kết đầu vào và đầu ra sản phẩm, 122 ha cây trồng đặc sản đạt chứng nhận VietGAP...
Như HTX Dịch vụ Nông nghiệp Tân Phước đang đẩy mạnh mở rộng sản xuất, kinh doanh, định hướng sản xuất các sản phẩm nông nghiệp phù hợp với nhu cầu thị trường, phát triển được các chuỗi sản xuất và tiêu thụ sản phẩm.
Đặc biệt, HTX đã tạo liên kết chuỗi với các doanh nghiệp tiêu thụ hàng đầu như Bách Hóa Xanh, nhà máy Tanifood (Tây Ninh)... để cung cấp các loại nông sản chất lượng cao như dứa, khoai mỡ, bắp Mỹ, nha đam, bí xanh, thanh long,... Hiện, nình quân mỗi tháng, HTX tiêu thụ trên 500 tấn nông sản của các thành viên và nông dân trên địa bàn.
Với những điểm tựa từ HTX, cùng những thành tựu đang có, thời gian tới, huyện Tân Phước sẽ tiếp tục tập trung xây dựng chuỗi liên kết sản xuất trên các cây trồng, vật nuôi chủ lực, chú trọng đào tạo nghề nông thôn nhằm tạo nguồn nhân lực phục vụ công nghiệp hóa - hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn, nhất là nâng chất lượng nông sản hàng hóa đạt an toàn, truy xuất nguồn gốc và tăng sức cạnh tranh trên thị trường.
Theo VN Business