Phát triển bền vững từ loài sâm ‘tiến vua’ núi Dành

lmhtx.khanhhoa.gov.vn ── [ In trang Chủ nhật, 24/11/2024 ]

Người dân huyện Tân Yên (Bắc Giang) coi sâm Nam như bảo vật, một gen giống quý để nâng niu, gìn giữ. Không chỉ là loại thuốc bổ mà loại sâm “tiến vua” này còn mang lại giá trị kinh tế cao cho người dân trong vùng. Lãnh đạo địa phương nhấn mạnh, cần phát triển bền vững và quảng bá sâm Nam núi Dành bằng chuỗi liên kết.

Cùng với các loại đặc sản đặc trưng của tỉnh Bắc Giang như: Mỳ Chũ, Vải thiều (huyện Lục Ngạn), mật ong rừng Tây Yên Tử (huyện Sơn Động), bánh đa Kế (TP Bắc Giang), rượu Làng Vân, bánh đa Thổ Hà (huyện Việt Yên), sâm Nam núi Dành (huyện Tân Yên) được đông đảo du khách biết và tìm đến mua về sử dụng bồi bổ sức khỏe, mỗi khi du khách đến vùng đất Bắc Giang công tác, tham quan và du lịch.

Thu nhập hàng trăm triệu đồng

Theo tư liệu lịch sử thì sâm Nam núi Dành được tiến vua thời xưa, tiếng lành đồn xa nên nhiều người đến núi Dành để tìm kiếm, khai thác khiến sâm Nam ngày càng khan hiếm. Ở thế kỉ trước, sâm Nam gần như bị lãng quên, sau nỗ lực các nhà khoa học và lãnh đạo chính quyền huyện Tân Yên, sâm Nam dần hồi sinh và được nhiều khách hàng khắp nơi biết tới.

Chất lượng của sâm Nam núi Dành phụ thuộc vào độ tuổi của cây và một số hoạt chất chính cao hơn một số giống sâm khác. Tuổi của cây sâm càng cao thì hàm lượng các hoạt chất này càng cao, giá trị kinh tế càng cao.

\"-4064-1684551971.jpg\"

Sâm Nam được HTX phát triển thành hàng hóa và là sản phẩm OCOP 4 sao của địa phương. 

Từ trước năm 2021, trên diện tích gần 3ha, ông Nguyễn Văn Nghĩa ở xã Đồng Kỳ, huyện Yên Thế chỉ trồng các loại cây ăn quả như cam, bưởi... nhưng những loại cây trồng này đều kém hiệu quả và phát triển không được như kỳ vọng.

Do đó, đến năm 2021, ông Nghĩa mạnh dạn chặt bỏ và chuyển sang trồng sâm nam núi Dành. Theo đúng chu kỳ thì thu hoạch củ phải mất thời gian 5 năm. Tuy nhiên, trong khoảng thời gian đó, mỗi năm đều cho 1 vụ thu hoạch hoa sâm, bước đầu mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Theo ông Nghĩa, từ khi trồng đến lúc thu hoạch củ có thể đã trải qua 4 - 5 vụ hoa, nếu mọi điều thuận lợi thì chỉ số hoa sâm này cũng đủ giúp người trồng thu hồi vốn.

“Theo tính toán của tôi, nếu thuận buồm xuôi gió thì giá trị mà sâm Nam núi Dành mang lại có thể cao gấp 5 - 7 lần các cây trồng khác”, chủ nhân của 3ha sâm ở huyện Yên Thế chia sẻ.

Theo đó, nếu trồng 1ha bạch đàn, tất nhiên là chăm sóc ít hơn nhưng sau 5 năm chỉ thu được lợi nhuận khoảng 200 triệu. Trong khi trồng sâm Nam núi Dành, đầu tư có thể cao hơn cả chục lần nhưng sau 5 năm, mỗi ha có thể thu về 8 tấn củ, với mức giá bao tiêu đầu ra thấp nhất là 600.000 đồng/kg thì số tiền bán củ sẽ được khoảng 4,8 tỷ đồng.

“Trừ chi phí đầu tư, công chăm sóc khoảng 1,8 tỷ đồng thì sau 5 năm, 1ha sâm Nam núi Dành có thể đem về lợi nhuận khoảng 3 tỷ đồng, hạch toán kinh tế cho thấy giá trị cao gấp nhiều lần so với các loại cây khác”, ông Nghĩa khẳng định.

Không chỉ cây mà hoa sâm cũng bán dễ và mang lại lợi nhuận cao cho người dân huyện Tân Yên. Theo đại diện của HTX Sản xuất và Tiêu thụ sâm Nam núi Dành Liên Chung, sâm trồng sau gần 1 năm bắt đầu ra hoa. Vụ hoa sâm Nam kéo dài từ cuối tháng 8 đến giữa tháng 10. Cây trồng đạt 4 tuổi trở lên sẽ cho năng suất tương đương 40 kg khô/sào. Chỉ tính tiền bán hoa sâm, người trồng thu về hàng trăm triệu đồng/ha/năm (tùy chất lượng sản phẩm). Đến nay, sâm Nam được HTX sản xuất và tiêu thụ sâm Nam núi Dành phát triển thành hàng hóa và là sản phẩm OCOP 4 sao của địa phương.

Một mô hình sâm Nam núi Dành cũng được nhiều người biết tới là của HTX Đức Hạnh, xã Liên Chung. Với mục tiêu nâng cao chất lượng sản phẩm sâm Nam núi Dành, năm 2022 HTX Đức Hạnh đã liên kết với Tập đoàn sâm Việt Nam Vinastar và Viện nghiên cứu, đào tạo và tư vấn Khoa học Công nghệ triển khai xây dựng vùng nguyên liệu sản xuất theo quy trình hữu cơ, ứng dụng công nghệ cao, gắn với chế biến sâu. Hiện HTX đã trồng được khoảng 4 ha theo quy trình này, sau khoảng 3 năm, dự kiến HTX sẽ kiểm nghiệm chất lượng, phân tích thành phần dược tính trong hoa và củ sâm từ đó liên kết với hộ dân mở rộng diện tích theo quy trình chuẩn.

Liên kết để phát triển

Tính đến hết năm 2022, tổng diện tích sâm toàn huyện Tân Yên đạt 71,5 ha (riêng năm 2022 diện tích trồng mới là 47,5 ha), tập trung tại các xã Liên Chung và Việt Lập.

Năm 2022, sản phẩm củ sâm đã được thu (từ 3-5 năm tuổi) khoảng 3,7 tấn, giá bán từ 1,5-2 triệu đồng/kg; hoa sâm khô đạt 5,5 tấn, giá bán từ 0,8-1 triệu đồng/kg; hiệu quả kinh tế đạt hơn 6 tỷ đồng/ha/chu kỳ sản xuất.

Được biết, tại huyện Tân Yên đã hình thành nhiều chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ các sản phẩm từ sâm Nam giữa nông dân với doanh nghiệp, HTX trong và ngoài tỉnh.

\"-7574-1684551972.jpg\"

Thành viên HTX sản xuất và tiêu thụ sâm Nam núi Dành chế biến sâm. 

Nhằm phát triển vùng nguyên liệu cây dược liệu, phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Tân Yên đã có quy hoạch: \" Định hướng phát triển sản xuất cây dược liệu từ năm 2021 đến năm 2030\".

Theo ông Lê Bá Thành, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Bắc Giang, hiện nay sâm Nam núi Dành đang từng bước trở thành sản phẩm nông nghiệp đặc sắc tỉnh Bắc Giang.

“Khi địa phương phát triển đại trà loài sâm, mở rộng mô hình trồng sâm theo chuỗi liên kết, bảo tồn nguồn gen sẽ tạo nhiều cơ hội khởi sắc, phát triển kinh tế địa phương”, ông Thành cho hay.

Lãnh đạo ngành nông nghiệp tỉnh cho biết, sẽ tiếp tục hỗ trợ cho người dân, trong đó có đồng bào các dân tộc thiểu số triển khai dự án để phát triển sản phẩm sâm Nam núi Dành, mang lại nhiều sản phẩm được chế biến từ loại nguyên liệu quý.

Theo Sở NN-PTNT Bắc Giang, tổng diện tích sâm Nam núi Dành trên địa bàn tỉnh khoảng 100ha, tập trung ở các huyện Tân Yên (71,5ha), Yên Dũng (9ha), Yên Thế (10ha), Lục Nam (5ha), Lục Ngạn (4,5ha)…

Trong đó, huyện Tân Yên đã có Đề án phát triển Sâm Nam núi Dành giai đoạn 2022 - 2027, với những nội dung hỗ trợ như hỗ trợ cấp mã số vùng trồng; hỗ trợ quảng bá, xúc tiến thương mại, tem nhãn, bao bì; hỗ trợ tập huấn tuyên truyền cho nông dân; hỗ trợ hệ thống tưới tự động cho các mô hình với quy mô 0,5 ha/vùng trở lên.

Ở huyện Yên Thế, chính sách khuyến khích cây dược liệu này là hỗ trợ 60% giống, 50% vật tư (phân bón, thuốc BVTV) cho các mô hình trồng sâm Nam núi Dành.

Mặc dù có nhiều thuận lợi, nhưng ngành nông nghiệp Bắc Giang cũng xác định để phát triển loài cây này vẫn còn một số khó khăn. Đầu tiên là sâm Nam núi Dành mới được khôi phục, nhân giống bước đầu đưa vào sản xuất, mới xây dựng thương hiệu, người tiêu dùng còn ít biết đến nên khả năng tiêu thụ sản phẩm còn gặp khó khăn, chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế, giá trị dinh dưỡng và giá trị dược liệu.

Bên cạnh đó, chi phí đầu tư sản xuất ban đầu rất cao, khoảng 500 - 800 triệu đồng/ha, trong khi đó thời gian cho thu hoạch kéo dài phải trên 5 năm. Chưa kể, sâm Nam núi Dành chưa có quyết định công nhận lưu hành giống (theo Luật Trồng trọt).

Do đó, tỉnh Bắc Giang dự kiến sẽ xây dựng hoàn thiện các thủ tục để đề nghị Bộ NN-PTNT công nhận đặc cách giống; đẩy mạnh ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất như các khâu nhân giống (giâm hom, nuôi cấy mô tế bào…); chăm sóc và phòng trừ sâu bệnh; thu hoạch, sơ chế; chế biến sâu các sản phẩm từ củ, hoa, thân cây và lá.

Một giải pháp quan trọng nữa là khuyến khích thu hút các doanh nghiệp có tiềm lực đầu tư liên kết với các hộ gia đình, HTX trong quá trình sản xuất, chế biến sâu, tiêu thụ sản phẩm từ cây sâm Nam núi Dành trên địa bàn tỉnh đảm bảo hiệu quả ổn định và bền vững.

Theo VN Business