Sức bật từ các HTX nông nghiệp công nghệ cao ở Thanh Trì

lmhtx.khanhhoa.gov.vn ── [ In trang Thứ năm, 21/11/2024 ]

Ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp đang trở thành hướng đi tạo sức bật mới cho nhiều HTX ở huyện Thanh Trì (Hà Nội). Đây cũng được xem là một trong những địa phương đi đầu trong phát triển KTTT, HTX trên địa bàn Thành phố trong thời gian qua.

HTX nông nghiệp công nghệ cao Đức Phát (xã Yên Mỹ, huyện Thanh Trì) là một trong những HTX điển hình của TP. Hà Nội trong việc ứng dụng quy trình sản xuất nông sản sạch theo công nghệ tiên tiến của Israel.

Từ trồng rau bằng hệ thống lưới cắt nắng tự động

Ông Nguyễn Mạnh Hồng, giám đốc HTX nông nghiệp công nghệ cao Đức Phát là người đã có kinh nghiệm nhiều năm trồng rau xanh theo cách truyền thống. Tuy nhiên, cách làm truyền thống cho năng suất thấp và chất lượng rau cũng không đảm bảo. Sau thời gian trăn trở, ông đã nghiên cứu các công nghệ sản xuất rau an toàn, được sự giúp đỡ của UBND huyện Thanh Trì, năm 2017 ông Hồng đã liên kết cùng các hộ sản xuất ở địa phương thành lập HTX với mong muốn phát huy thế mạnh của địa phương, quyết tâm theo đuổi mô hình trồng rau sạch ứng dụng công nghệ cao của Israel.

\"-3098-1684836084.jpg\"

Một thành viên đang chăm sóc vườn dưa vàng tại HTX Nông nghiệp công nghệ cao Đức Phát. 

“Nhờ sự giúp đỡ và đồng lòng của các thành viên trong HTX, chúng tôi đã huy động đầu tư hơn 3 tỷ đồng xây dựng cơ sở vật chất, triển khai xây dựng nhà màng với diện tích 2.600m2 tại xóm 10 xã Yên Mỹ. Cũng nhờ phương pháp sản xuất hiện đại, thời gian thu hoạch các loại rau ăn lá nhanh hơn và đem lại hiệu quả kinh tế cao”, ông Hồng nói với VnBusiness.

Để hiện đại hoá sản xuất, ứng dụng công nghệ mới trong các khâu, HTX đã mạnh dạn đầu tư hệ thống lưới cắt nắng tự động cảm biến nhiệt độ, hệ thống quạt đối lưu không khí, hệ thống bơm tự động, hệ thống cấp dinh dưỡng và thu hồi dinh dưỡng tuần hoàn cũng được triển khai và lắp đặt, đưa vào sử dụng.

Ban đầu, khi lựa chọn các giống rau trồng, ông Hồng đẩy mạnh việc trồng các giống rau trái vụ. Giữa mùa hè cũng có thể trồng các loại rau mà trước đây không trồng được, điển hình như các loại cải mơ, cải mèo đang xanh tốt chờ tới ngày thu hoạch.

Những loại rau được trồng trong mô hình nhà lưới, nhà kính nên đa số đều đem lại năng suất cao, hiện tại các cây đều vào ươm, trồng thí điểm gồm có rau cải các loại: rau muống, cà chua, dưa lưới đều sinh trưởng và phát triển nhanh, không có sâu bệnh.

Thời gian cho thu hoạch bình quân rau lá như rau muống, cải xanh khoảng 25 ngày, rau xà lách 30-35 ngày. Trung bình mỗi năm, các thành viên HTX Nông nghiệp công nghệ cao Đức Phát thu hoạch từ 12 đến 15 lứa rau các loại. Do sản xuất quay vòng nhanh nên hiệu quả kinh tế tăng cao, góp phần cải thiện đáng kể thu nhập của các thành viên, người lao động trong HTX…

Đến nay, sản phẩm rau của HTX cung cấp cho các bếp ăn tập thể, trường học trên địa bàn huyện, mỗi năm cho thu nhập từ 800 triệu đến 1 tỷ đồng, cao gấp 10 lần so với trồng lúa.

Đến thăm HTX có thể thấy, công nghệ cao được ứng dụng từ việc làm đất, phối trộn nguyên liệu để trồng cây, bón phân, tưới tự động, theo dõi sinh trưởng, điều chỉnh ánh sáng, nhiệt độ… Thành viên lao động trong các nhà màng, nhà lưới của HTX chủ yếu làm nhiệm vụ cắt tỉa cành lá dư thừa và thu hoạch, các khâu còn lại cơ bản đã được tự động hóa.

Đến mô hình nuôi trồng thủy sản \"sông trong ao\"

Những thành công trong áp dụng công nghệ vào sản xuất ở HTX nông nghiệp công nghệ cao Đức Phát đang trở thành nguồn cảm hứng, lan tỏa năng lượng tích cực tới nhiều HTX trên địa bàn.

Năm 2018 việc ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp cũng được HTX Thuỷ sản công nghệ cao Đại Áng thực hiện. Trên diện tích 15ha, HTX đã triển khai xây dựng mô hình nuôi trồng thủy sản \"sông trong ao\" với 15 bể nuôi.

\"-5976-1684836840.jpg\"

Nuôi cá theo công nghệ ‘sông trong ao’ tạo doanh thu, việc làm cho lao động thành viên HTX Đại Áng.

Ở trong các bể nuôi sẽ lắp đặt các thiết bị như máy sục khí, máy hút chất thải, hệ thống nước trắng, xử lý nước thải, oxy hoá… Nhờ vậy đến nay mô hình nuôi cá này đã đạt sản lượng ổn định khoảng gần 400 tấn cá/năm, cao gấp gần 2 lần so với nuôi cá theo kiểu truyền thống. Sau khi trừ các chi phí lãi khoảng 8 tỷ đồng/năm. Nhờ đó tạo được công ăn việc làm cho khoảng hơn 20 lao động trong xã.

Bên cạnh những mặt tích cực, hiện nay, các HTX vẫn còn gặp một số khó khăn trong việc tiếp cận thị trường và ký kết hợp đồng tiêu thụ với doanh nghiệp, siêu thị.

Anh Nguyễn Văn Thiêm, Giám đốc HTX Thuỷ sản công nghệ cao Đại Áng cho biết, “sông trong ao” là mô hình nuôi cá sạch theo công nghệ của Mỹ, đảm bảo vệ sinh, không có mùi tanh và đặc biệt là bảo vệ an toàn môi trường. Tuy nhiên, do hiện nay người tiêu dùng vẫn còn ưa chuộng mua cá tươi ngoài chợ vì cho rằng, cá trong siêu thị sẽ không đảm bảo độ tươi. Bởi vậy, HTX vẫn đang loay hoay tìm đầu ra ổn định cho các loại cá nuôi trong môi trường sạch này.

Không chỉ vậy, việc thiếu diện tích nuôi cá cũng dẫn đến sản lượng xuất ra không đủ, dẫn đến HTX gặp phải tình trạng sản lượng cá nuôi được không đủ đáp ứng các đơn hàng nhập khẩu và không có hàng để tiêu thụ trong nước.

Ông Nguyễn Mạnh Hồng, Giám đốc HTX Nông nghiệp công nghệ cao Đức Phát nói rằng, trước đây HTX đã đưa các sản phẩm rau quả vào siêu thị bán nhưng các siêu thị, cửa hàng nông sản sạch yêu cầu thường xuyên nhiều loại rau và lượng hàng để bán cho người tiêu dùng nên không đủ cung cấp.

Vì lý do vậy nên một số siêu thị đã nhập nhèm khi lấy rau từ chỗ khác nhưng gắn mác rau của HTX, người tiêu dùng có thể sẽ bị nhầm lẫn từ giá cả đến chất lượng.

\"-3248-1684836084.jpg\"

HTX đẩy mạnh việc trồng các giống rau trái vụ. 

Dù vẫn còn nhiều việc phải làm, song thành công ban đầu của các mô hình sản xuất nông nghiệp công nghệ cao ở huyện Thanh Trì đang cho thấy hiệu quả kinh tế cao hơn so với sản xuất nông nghiệp truyền thống.

Để có thể tạo thêm những sức bật mới, điều mà các HTX mong muốn nhất lúc này là chính quyền địa phương hỗ trợ xây dựng chuỗi liên kết, thương hiệu, xúc tiến thương mại để sản phẩm của HTX được biết đến nhiều hơn, đặc biệt là hỗ trợ các khâu kết nối, ký kết hợp đồng bao tiêu sản phẩm...

Đây là “chìa khóa” để khu vực KTTT, HTX ở huyện Thanh Trì nói riêng, Thành phố Hà Nội nói riêng tiếp tục đầu tư công nghệ và phát triển bền vững.

Theo VN Business