Nâng mức sống từ phát triển giống rau ‘ngoại’
Nhờ phát triển mô hình trồng rau Hàn Quốc, nhiều HTX trong cả nước đã đạt được những kết quả tích cực. Việc phát triển các giống rau ngoại này không chỉ tạo thêm việc làm, nâng cao thu nhập, nâng cao trình độ canh tác cho nhà nông, mà còn giảm nguy cơ bùng phát dịch hại cây trồng.
Theo ông Nguyễn Văn Minh, Giám đốc HTX Dịch vụ nông nghiệp tổng hợp Văn Đức, Gia Lâm (Hà Nội), vụ Đông 2022 vừa qua, các hộ trồng rau trên địa bàn đều bị mưa axit hoặc bọ phấn trắng hại nặng. Chỉ riêng mô hình 15ha cải thảo Summer King của Hàn Quốc sản xuất tại HTX không bị ảnh hưởng, còn cho năng suất và thu nhập vượt trội. Điều này chứng tỏ đây là giống rau có khả năng chống chịu cao với điều kiện bất thuận.
HTX tạo việc làm, nâng cao thu nhập
Phát huy kết quả đạt được, vụ Đông Xuân vừa qua, HTX đã chuyển đổi 5ha rau su hào sang trồng hành lá dài Hàn Quốc, năng suất thu được 3 tấn, giá trị sản lượng đạt 40 triệu đồng, cao gấp 3 lần so với sản xuất rau su hào trước đó.
“Hành Hàn Quốc không đẻ nhánh như hành ta, nhưng năng suất rất cao (80 tấn/ha), thời gian bảo quản dài, được các nhà hàng, quán ăn ưa chuộng”, ông Minh nhận xét.
Xà lách Ha Cheong Hàn Quốc trồng theo phương pháp thủy canh. |
Được biết, những năm gần đây, HTX Kinh doanh dịch vụ nông nghiệp Văn Đức đã có những bước đi vững chắc trong việc sản xuất, tiêu thụ rau an toàn, được nông dân nhiều tỉnh, thành phố trên cả nước quan tâm. Đồng thời HTX cũng là đơn vị chịu trách nhiệm quản lý, giám sát chất lượng và đứng ra bao tiêu sản phẩm rau an toàn cho bà con toàn xã Văn Đức.
Đặc biệt, HTX vẫn đang duy trì xuất khẩu từ 300 – 500 tấn/năm một số loại rau như cải thảo, bắp cải, súp lơ sang thị trường Đài Loan (Trung Quốc) và Hàn Quốc.
Theo Giám đốc Nguyễn Văn Minh, thu nhập của các thành viên khá tốt, không ít hộ có thu nhập cả trăm triệu đồng/năm, đời sống tinh thần được cải thiện rõ rệt.
Cùng với đó, HTX ký hợp đồng trực tiếp với các doanh nghiệp tiêu thụ mà không qua bất kỳ bên trung gian nào nên có thể cam kết bao tiêu toàn bộ sản phẩm cho thành viên. Nhờ vậy, sản lượng rau ở Văn Đức vẫn được tiêu thụ ổn định, doanh thu đạt từ 550 – 600 triệu đồng/ha/năm.
\"Toàn bộ sản phẩm được HTX đứng ra bao tiêu nên đầu ra luôn ổn định, thành viên không lo bán không được. Gia đình tôi có hơn 1 mẫu trồng các loại cải bắp, súp lơ, cải thảo, chỉ tính riêng vụ rau dịp Tết Nguyên đán, trừ các khoản chi phí, tôi thu lãi gần 50 triệu đồng\", một thành viên của HTX chia sẻ.
Là đơn vị đi đầu trong việc đưa giống cây trồng mới vào sản xuất, HTX rau VietGAP Tân Minh Đức (xã Phạm Trấn, Gia Lộc, Hải Dương) cũng mạnh dạn phát triển giống giống cải bắp CT17 của Hàn Quốc.
“Giống cải bắp CT17 của Hàn Quốc đã được gieo trồng chủ lực tại HTX từ 4 năm nay do có ưu điểm năng suất cao, nấu, luộc ăn ngon, mềm. Đặc biệt là rất dễ bán”, ông Phùng Danh Mừng, Giám đốc HTX cho biết.
Hiện nay, HTX đang cung ứng ra thị trường khoảng 10 tấn rau, củ mỗi ngày, tăng 30% so với cùng kỳ năm ngoái, chủ yếu là cải bắp và su hào. Các sản phẩm của HTX đều có tem truy xuất nguồn gốc, thông tin sản phẩm, bảo hộ nhãn hiệu. HTX bao tiêu toàn bộ cải bắp nên nông dân rất phấn khởi, hăng hái sản xuất.
Tại HTX Dịch vụ nông nghiệp Quyết Chiến (Tân Lạc, Hòa Bình), bà Đinh Thị Quyết, Giám đốc thông tin, giống củ cải Shing Dong Ha và bí ngòi Hàn Quốc cũng được HTX gieo trồng từ 3 năm nay, tổng diện tích đạt 30ha mỗi năm. Riêng vụ Đông Xuân 2023, HTX trồng 10ha củ cải Shing Dong Ha. HTX cũng đã kết nối tiêu thụ rau ổn định cho một số bếp ăn trong các khu công nghiệp ở Bắc Ninh, Bắc Giang và Siêu thị K-Mart Hàn Quốc ở Hà Nội.
Tiềm năng phát triển các giống rau Hàn Quốc
Theo khảo nghiệm của Viện nghiên cứu Rau quả (Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam), một số giống rau thích hợp với đặc điểm sinh thái của nước ta như cải thảo Summer King, bắp cải CT17, cải củ Shin Dong Ha, dưa lê thơm Super honey 007, bí ngồi và một số rau gia vị, hành Paro Huk Keum Jang, ớt cay PBI 301, tía tô xanh, xà lách xoăn Hacheong...
Theo đó, các giống rau này sinh trưởng, phát triển khỏe, năng suất chất lượng cao, chống chịu sâu bệnh tốt, phù hợp thị hiếu tiêu dùng, cho tiềm năng xuất khẩu cao, nhất là tại nhiều vùng thời tiết quanh năm mát mẻ, chênh lệch nhiệt độ ngày đêm lớn như Đà Lạt (Lâm Đồng), Mộc Châu (Sơn La), Sa Pa (Lào Cai) và các xã vùng cao huyện Tân Lạc (Hòa Bình).
Người dân Tân Lạc (Hòa Bình) trồng củ cải Hàn Quốc. |
Kết quả các mô hình trình diễn rau Hàn Quốc ở một số địa phương cũng cho thấy, giá thành sản xuất tại Việt Nam chỉ bằng 50% giá nhập ngoại, còn tạo thêm việc làm, nâng cao thu nhập, nâng cao trình độ canh tác cho nhà nông, nhất là với bộ phận nông dân ở miền núi, vùng sâu, vùng xa và còn tạo sự phong phú trong cơ cấu giống và mùa vụ rau trồng ở nước ta. Từ đó, tạo sự đa dạng sinh học trên đồng ruộng, giúp giảm thiểu nguy cơ bùng phát dịch hại cây trồng nói chung, các cây rau màu nói riêng.
Điển hình, mô hình sản xuất rau sạch được thực hiện trên diện tích 1 ha, bởi tổ sản xuất thôn Chóng (xã Yên Lạc, huyện Yên Thuỷ). Các loại giống rau, củ, quả được lựa chọn để trồng thực nghiệm trong vụ Đông gồm ớt, cải thảo, cải củ, hành và khoai tây xuất xứ từ Hàn Quốc. Đối chứng với các giống rau trồng phổ biến tại Việt Nam, kết quả đánh giá bước đầu cho thấy, những chỉ số về chất lượng, năng suất và khả năng chống chịu sâu bệnh của các giống rau Hàn Quốc có ưu thế vượt trội hơn hẳn so với các giống rau nội.
Theo tính toán, 1 ha cải thảo Hàn Quốc trồng tại huyện Yên Thuỷ đạt năng suất khoảng 53 tấn. Nếu tính giá bán 5.000 đồng/kg cải thảo, nông dân có thu nhập từ khoảng 265 triệu đồng.
Thống kê chưa đầy đủ, riêng năm 2022, cả nước đã gieo trồng khoảng 500ha các giống rau Hàn Quốc, sản lượng ước đạt 20.000 tấn các loại, bước đầu đã hình thành được một số mô hình liên kết sản xuất gắn với các đầu mối tiêu dùng và chế biến xuất khẩu.
Theo VN Business