Bí quyết nào giúp Hải Hậu về đích nông thôn mới trước hẹn?
Những thành công trong quá trình chuyển đổi cơ cấu nông nghiệp đang giúp người dân huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Định phát triển thành công nhiều mô hình sản xuất, kinh doanh hiệu quả, qua đó thúc đẩy kinh tế xã hội, đưa nông thôn mới về đích trước hẹn.
Bên cạnh thành công về đích nông thôn mới nâng cao, vượt tiến độ gần một năm rưỡi, huyện Hải Hậu đang có những bước tiến “thần tốc” trong xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu. Tính đến đầu năm 2023, toàn huyện có 20/34 xã, thị trấn đạt các tiêu chí nông thôn mới kiểu mẫu.
Ấn tượng trong chuyển đổi sản xuất
Sau 12 năm xây dựng nông thôn mới, diện mạo nông thôn xã Hải Trung, huyện Hải Hậu đang thay đổi rõ rệt, nhất là kết cấu hạ tầng, cảnh quan, môi trường. Kinh tế nông thôn trên địa bàn xã phát triển mạnh với nhiều mô hình và hình thức tổ chức sản xuất tiến bộ, hiệu quả.
Cùng với những bước tiến trong xây dựng nông thôn mới, người dân trong xã ngày càng được hưởng thụ nhiều hơn các tiện ích, dịch vụ công các công trình phúc lợi được đầu tư nâng cấp từng bước đáp ứng được nhu cầu của nhân dân, an ninh chính trị, trật tự xã hội đảm bảo, xã hội bình yên.
Với những thành công ấn tượng trong phát triển kinh tế, xã hội, xã trở thành một trong những địa phương đầu tiên của huyện về đích nông thôn mới, và đang đẩy mạnh hướng tới mục tiêu nông thôn mới kiểu mẫu “sáng, xanh, sạch, đẹp để phát triển bền vững” trong năm 2023.
Nông thôn mới trên địa bàn huyện Hải Hậu đang có những chuyển biến mạnh mẽ. |
Để hoàn thành mục tiêu, bên cạnh các tiêu chí về hạ tầng, môi trường, an sinh, xã Hải Trung đã chủ động đẩy mạnh thực hiện hiệu quả đề án tái cơ cấu nông nghiệp và chương trình OCOP, nhằm nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống theo hướng thực chất cho người dân.
Một trong những điểm sáng trong quá trình tái cơ cấu nông nghiệp, phát triển OCOP trên địa bàn xã là hoạt động hiệu quả của HTX nông nghiệp Hải Trung. Hiện, HTX đang tổ chức sản xuất lúa trên quy mô gần 300 ha, năng suất trung bình đạt hơn 12 tấn/ha, giá trị bình quân trên 125 triệu đồng/ha/năm.
Sản phẩm Bột Hoàng Thanh của HTX với chất lượng vượt trội, đảm bảo cả về giá trị kinh tế và môi trường, mức độ nhận diện về thương hiệu, đã xuất sắc đạt chuẩn sản phẩm OCOP 5 sao.
Tương tự, xã Hải Chính cũng đang là một trong những miền quê đáng sống ở Hải Hậu, với mặt bằng thu nhập cao, đạt trên 50 triệu đồng/người/năm, nhờ những đột phá trong sản xuất nông nghiệp.
Trong đó, điển hình phải kể đến HTX dịch vụ Linh Phát chuyên sản xuất nấm linh chi, nấm bào ngư, với 3 sản phẩm chủ lực, gồm rượu nấm linh chi Linh Phát, nấm linh chi Linh Phát, và nấm bào ngư Linh Phát đã được UBND tỉnh công nhận là sản phẩm OCOP 3 sao.
Ông Nguyễn Văn Thành, Giám đốc HTX cho biết, tham gia chương trình OCOP, các sản phẩm của HTX được nhiều người biết đến, thị trường được mở rộng, giá trị sản phẩm được tăng lên, góp phần nâng cao thu nhập cho các thành viên trong HTX.
Đẩy nhanh xây dựng nông thôn kiểu mẫu
Những diễn biến thực tế cho thấy, chuyển đổi cơ cấu nông nghiệp hiệu quả chính là “chìa khóa” để Hải Hậu về đích nông thôn mới nâng cao trước hẹn, hướng tới nông thôn mới kiểu mẫu.
Đại diện UBND huyện cho biết, trong thời gian qua, huyện xác định hàng loạt sản phẩm chủ lực, thế mạnh như lúa chất lượng cao, lúa đặc sản, thịt lợn, thịt và trứng gia cầm, tôm, cây dược liệu và các sản phẩm thủy sản chế biến.
Kể từ năm 2021 đến nay, toàn huyện xây dựng thành công trên 100 mô hình tái cơ cấu nông nghiệp theo hướng liên kết sản xuất hàng hóa theo chuỗi, giá trị bình quân đạt 192 triệu đồng/ha.
Hiệu quả của các mô hình sản xuất nông nghiệp chính là điểm tựa để chương trình OCOP của huyện Hải Hậu liên tục dẫn đầu tỉnh. Thu nhập bình quân đầu người đạt trên 53 triệu đồng, tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều giai đoạn 2021-2025 giảm còn 3,36%. Tỷ lệ dân số tham gia BHYT đạt 96,46%.
Mục tiêu đến hết năm 2023, toàn huyện có 100% số đơn vị cấp xóm đạt nông thôn mới kiểu mẫu, có ít nhất 30 đơn vị cấp xã đạt nông thôn mới kiểu mẫu. Đến năm 2025, huyện đặt mục tiêu được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu “Sáng - xanh - sạch - đẹp để phát triển bền vững”.
Để hoàn thành mục tiêu, huyện xác định xây dựng nông thôn mới trước hết phải xuất phát từ việc khai thác nội lực, từ chính cộng đồng dân cư, với phương châm thực hiện nhất quán “Người dân nông thôn là chủ thể xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu”, “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân giám sát, dân hưởng thụ, Nhà nước hỗ trợ”.
Hải Hậu cũng đề ra 7 nhóm giải pháp quan trọng, đồng bộ từ giải pháp về tư tưởng, công tác cán bộ, giải pháp kinh tế - xã hội... Trong đó, huyện tiếp tục chuyển đổi nhanh, hiệu quả cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo quy hoạch. Xây dựng và nhân rộng nhanh mô hình sản xuất nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ, an toàn.
Ngành nông nghiệp tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng nhanh, đồng bộ cơ giới hóa vào các khâu sản xuất chủ yếu. Tổ chức lại các vùng nuôi ven biển theo quy hoạch, lựa chọn đối tượng nuôi phù hợp như tôm thẻ chân trắng, tôm sú, cá song, cá vược; vùng nước ngọt chủ yếu nuôi cá diêu hồng, cá lóc bông và các loại cá truyền thống. Phát triển 1.000ha diện tích nuôi công nghiệp theo VietGAP…
Theo VN Business