Nông sản thực phẩm bản địa không lo thiếu đơn hàng nếu ‘bắt trend’ tiêu dùng quốc tế
Những mặt hàng nông sản thực phẩm mới của Việt Nam vừa có tính bản địa được ví như “bắt trend” đang trình làng tại một hội chợ thực phẩm hàng đầu châu Á ở Thái Lan và thu hút đông đảo khách hàng quốc tế. Điều này mở ra cơ hội mới, đồng thời đơn hàng cho doanh nghiệp Việt sẽ không thiếu giữa khó khăn chung khi biết học hỏi và “bắt nhịp” xu hướng mới của người tiêu dùng quốc tế.
Quan sát tại hội chợ thực phẩm và đồ uống hàng đầu châu Á - Thaifex Anuga Asia 2023, đang diễn ra tại Thái Lan trong hạ tuần tháng 5/2023 với sự tham gia của 33 doanh nghiệp (DN) Việt Nam trong lĩnh vực nông sản thực phẩm, bà Vũ Kim Anh – Phó giám đốc Trung tâm Nghiên cứu kinh doanh và hỗ trợ doanh nghiệp (BSA) thuộc Hội DN hàng Việt Nam chất lượng cao, đánh giá có nhiều tín hiệu tích cực cho hàng Việt.
Tín hiệu tích cực từ Thaifex 2023
Theo bà Kim Anh, các khách hàng quốc tế chú ý khá nhiều đến các gian hàng gia vị, nước mắm, tương ớt, sản phẩm từ dừa, gạo, dưa lưới…của các DN Việt. Mỗi sản phẩm của DN đều mang tính đặc thù địa phương, thể hiện được thuần về tài nguyên bản địa, có tiêu chuẩn chất lượng, nhất là thông tin trên bao bì.
Các mặt hàng nông sản thực phẩm Việt sẽ không thiếu đơn hàng xuất khẩu nếu như nhạy bén “bắt trend” kịp thời với xu hướng của người tiêu dùng quốc tế. |
“Nhiều sản phẩm của DN đã có những nhà mua hàng sẵn sàng đàm phán mua nhiều container nếu đáp ứng đủ điều kiện của họ”, bà Kim Anh cho biết.
Còn theo bà Bùi Thị Thu Ngân, Tổng giám đốc CTCP Danny Green, gian hàng của công ty thu hút sự quan tâm của đối tác, khách hàng tiềm năng đến từ các nước Trung Đông, Mỹ, Trung Quốc, Malaysia, Đài Loan.
Bà Ngân cho hay, các khách hàng quốc tế đánh giá cao sự sáng tạo, nâng cao giá trị nông sản bản địa thông qua các dòng sản phẩm chế biến của công ty như dưa lưới hữu cơ sấy dẻo, bột nguyên chất bí hạt đậu hữu cơ, chuối sấy dẻo thanh long, chuối sấy dẻo, xoài sấy dẻo, khóm hoa sấy muối ớt,…và cả dòng nước giải khát từ dưa lưới hữu cơ.
Ngoài ra, như chia sẻ của vị tổng giám đốc này, các đối tác quốc tế còn ấn tượng các sản phẩm hữu cơ của công ty từ các yếu tố: Hương vị tự nhiên, quy trình sản xuất hiện đại đạt tiêu chuẩn hữu cơ quốc tế và câu chuyện sáng tạo từ sự tự tôn trong tâm huyết của người Việt trong từng sản phẩm, góp phần cho sự phát triển bền vững của ngành nông nghiệp.
Hay như với gian hàng trưng bày các sản phẩm từ mật hoa dừa, gồm: Nước uống mật hoa dừa, mật hoa dừa cô đặc, đường hoa dừa, mật hoa dừa lên men, nước tương từ mật hoa dừa…của Công ty TNHH Trà Vinh Farm (Sok Farm) cũng tất bật tiếp các vị khách từ nhiều quốc gia đến xem, tìm hiểu.
Ông Phạm Đình Ngãi, Giám đốc Sok Farm, cho biết, năm 2022 đã tham gia Thaifex và gặp được nhiều khách hàng, đối tác tiềm năng, lần này tham gia tiếp để phát triển thêm những kết nối đó để có thêm thị trường mới.
“Chúng tôi giới thiệu hai dòng sản phẩm chủ lực là mật hoa dừa cô đặc và nước tương từ mật hoa dừa. Trong đó, mật hoa dừa cô đặc giống như một chất tạo ngọt mới mà thế giới hiện nay đang cần tìm nhằm thay thế dần những chất tạo ngọt cũ. Hay nước tương từ mật hoa dừa là một dòng nước chấm mới hoàn toàn từ thiên nhiên, không từ đậu nành, sẽ là xu hướng trong tương lai mà người tiêu dùng tìm kiếm”, ông Ngãi chia sẻ.
Hoặc khi cầm trên tay gói sản phẩm bánh tráng không cần nhúng nước của Công ty TNHH Tân Nhiên, các đối tác quốc tế hoàn toàn bất ngờ khi được biết đây là dòng sản phẩm không phải từ gạo, mà là từ khoai mì và hoàn toàn tự nhiên, với các cam kết không hương liệu, không chất bảo quản, không phẩm màu.
Cơ hội mới được mở ra
Ông Đặng Khánh Duy, Tổng giám đốc Công ty TNHH Tân Nhiên, cho biết các đối tác trước nay chỉ biết sản phẩm bánh tráng phải nhúng nước bán ở các hệ thống siêu thị. Còn lần này, khi “trình làng” bánh tráng không cần nhúng nước và còn có thêm các tiêu chuẩn cao từ ISO 22000, HACCP… nên được các đối tác quốc tế đánh giá cao.
Còn ông Nguyễn Thành Huy – Phụ trách Thương vụ Việt Nam tại Thái Lan đánh giá, sản phẩm này phù hợp để kết nối vào những hệ thống bán lẻ tại Thái Lan.
Có thể thấy những cơ hội mới được mở ra cho các mặt hàng nông sản thực phẩm bản địa của Việt Nam tại hội chợ quốc tế hàng đầu châu Á như nêu trên là rất thiết thực. Đó cũng sẽ là nguồn động lực để cho các DN ngày càng cải thiện chất lượng, mẫu mã sản phẩm nhằm đáp ứng yêu cầu xuất khẩu tới các thị trường trong khu vực.
Trao đổi với VnBusiness, chuyên gia kinh tế Nguyễn Hoàng Dũng cho rằng tính bản địa và “bắt trend” xu hướng mới của người tiêu dùng quốc tế là rất quan trọng với DN Việt, nhất trong bối cảnh áp lực cạnh tranh ngày càng gay gắt và các chỉ báo niềm tin tiêu dùng ở hầu hết các thị trường vẫn còn duy trì ở mức thấp.
Theo ông Dũng, nếu muốn được khách hàng quốc tế để mắt tới đòi hỏi các DN trong ngành hàng nông sản thực phẩm có sự chủ động tìm hiểu xu hướng hiện có trên thị trường quốc tế như thế nào. Không những vậy, DN còn phải học hỏi nhiều cách thức về quảng bá, sáng tạo mẫu mã, công nghệ tiên tiến…để từ đó nâng cao chất lượng sản phẩm, có như vậy họ sẽ đáp ứng đúng thị hiếu của người tiêu dùng quốc tế.
Chẳng hạn như tại Thaifex 2023 (với gần 4.000 gian hàng của hơn 1.000 DN đến từ hơn 100 quốc gia khắp các châu lục), các DN Việt được hỏi học từ cách trưng bày, giới thiệu sản phẩm, từng mẫu mã bao bì sản phẩm được thiết kế hết sức năng động, sáng tạo phù hợp với xu thế thế giới.
Thực ra, việc học hỏi và “bắt nhịp” xu hướng của người tiêu dùng quốc tế không phải mới mẻ gì đối với ngành nông sản thực phẩm Việt. Tuy nhiên, việc khai thác tính bản địa và “bắt trend” thì không phải DN nào cũng làm được nếu thiếu đi sự nỗ lực, nhạy bén, thích ứng tốt của chính bản thân DN.
Và điều thấy rõ là đơn hàng mới sẽ mở ra cho những DN nếu biết phát triển ra những sản phẩm mới đánh trúng vào thị hiếu. Đây là điều mà các DN khác trong ngành nông sản thực phẩm Việt cần lưu tâm học hỏi và có sự thích ứng tốt hơn thay vì than vãn thị trường đang khó khăn.
Theo VN Business