Kinh tế hợp tác, HTX tạo sinh kế giúp phụ nữ Sơn La thoát nghèo

lmhtx.khanhhoa.gov.vn ── [ In trang Chủ nhật, 24/11/2024 ]

Với mục tiêu tập hợp, đoàn kết chị em cùng nhau phát triển kinh tế, vượt khó vươn lên, nhiều phụ nữ trên địa bàn tỉnh Sơn La đã mạnh dạn khởi nghiệp, phát triển kinh tế gia đình và tạo việc làm cho lao động, nhất là lao động nữ tại địa phương. Trong đó đã xuất hiện nhiều mô hình HTX do phụ nữ làm chủ đang phát huy hiệu quả, trở thành sợi dây liên kết chị em cùng nhau phát triển kinh tế.

HTX cà phê Ara Tay (xã Chiềng Chung, huyện Mai Sơn, Sơn La) hiện có 14 thành viên, chủ yếu là các phụ nữ dân tộc Thái ở hai xã Chiềng Chung, Mường Chanh của huyện Mai Sơn. Diện tích sản xuất của các thành viên HTX khoảng 20ha nhưng nếu tính cả các hộ liên kết bán sản phẩm cà phê cho HTX thì diện tích lên đến 50ha.

Những mô hình tiêu biểu

Chị Cầm Thị Mòn, giám đốc HTX tâm sự: “Ngày trước tôi chưa bao giờ nghĩ tới việc làm giám đốc HTX vì chưa có kỹ năng. Khi làm rồi tôi phải học hỏi nhiều hơn, phải quán xuyến nhiều hơn. Việc cũng có nhiều hơn nhưng nhờ gia đình và mọi người xung quanh giúp đỡ nên bây giờ tôi đã quen việc”.

\"-6019-1684920542.jpg\"

Các thành viên HTX cà phê Ara Tay giới thiệu cà phê đặc sản. 

Với phương châm: \"Tử tế đến từng hạt\", các thành viên của HTX Cà phê Ara Tay quyết tâm làm ra thứ cà phê đặc sản riêng có của quê hương mình. Hiện, HTX đã sản xuất 3 dòng sản phẩm chính: Cà phê Arabica Nature, cà phê Arabica Honey và cà phê phin giấy.

Hiện sản phẩm cà phê đặc sản của Ara Tay đã đạt OCOP 4 sao, đạt chứng nhận VietGAP và khi tham gia cuộc thi cà phê đặc sản tổ chức tại Lâm Đồng, sản phẩm cà phê của Ara Tay đạt thứ hạng rất cao.

Tại huyện Yên Châu, Giám đốc HTX Tây Bắc, Nguyễn Thị Yến Linh chia sẻ: Năm 2016, nhận thấy tiềm năng và giá trị kinh tế của cây tỏi một nhánh (tỏi cô đơn) địa phương, tôi cùng 8 người thành lập HTX Sản xuất tỏi đen. Các thành viên đã nghiên cứu, chế tạo thành công máy ủ, sấy tỏi đen; thu mua nguyên liệu tỏi tươi ở xã Chiềng Đông, Chiềng Pằn, Chiềng Sàng và một số xã của huyện Phù Yên. Sản phẩm tỏi đen sấy khô của HTX có vị ngọt, dẻo, không còn hăng cay của tỏi tươi, có thể bảo quản trong 2 năm.

Còn chị Đinh Thị Yến, Giám đốc HTX Thái Tuấn (xóm 7, xã Mường Giàng, huyện Quỳnh Nhai) đã tìm hiểu về việc chế biến cá tép dầu sông Đà thành sản phẩm sấy khô. Cá tép dầu sông Đà sấy khô tẩm ướp với các gia vị, có vị ngon như cá chỉ vàng của vùng biển nước mặn. Năm 2019, sản phẩm cá tép dầu khô của HTX đạt sản phẩm OCOP 4 sao cấp tỉnh. Năm 2021, cá tép dầu khô được tham gia bình chọn sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp tỉnh.

Chị Yến đã chủ động quảng bá, giới thiệu sản phẩm trên các website, Zalo, Facebook, trưng bày, giới thiệu các sản phẩm tại Trung tâm Giới thiệu nông sản sạch của huyện Quỳnh Nhai, các HTX ở Thành phố; ký gửi sản phẩm tại các đại lý tại Hà Nội, Thái Nguyên và Hưng Yên, thành phố Hồ Chí Minh.

Tạo công ăn việc làm và thu nhập ổn định

Cũng theo chị Yến, năm 2022, HTX đã cung cấp ra thị trường gần 4 tấn sản phẩm cá tép dầu, cá ngão rút xương. Doanh thu trên 800 triệu đồng, thu lãi hơn 160 triệu đồng. Nhờ đó đã giúp các chị em thành viên có thu nhập ổn định.

“Sản phẩm của chúng tôi tiêu thụ trên toàn quốc, bước đầu được người tiêu dùng ưa chuộng. Thời gian tới, HTX tiếp tục đầu tư hệ thống sấy năng lượng mặt trời, máy móc hiện đại, nghiên cứu quy trình sản xuất kéo dài thời gian bảo quản sản phẩm để hướng tới xuất khẩu sang thị trường Nhật, Hàn Quốc”, chị Yến cho hay.

\"-1335-1684920543.jpg\"

Các HTX do phụ nữ làm chủ đã tạo nhiều việc làm cho lao động nữ địa phương, chia sẻ kinh nghiệm trong quá trình làm kinh tế cũng như giúp đỡ nhau trong cuộc sống. 

Còn tại HTX Tây Bắc, chị Linh thông tin, hiện nay, HTX có 15 lò ủ và sấy, với công suất 1,5 tấn/lò. Trung bình mỗi năm chế biến trên 30 tấn tỏi tươi, thành phẩm đạt 15 tấn tỏi đen, doanh thu trên 1,3 tỷ đồng. Sản phẩm “Tỏi đen cô đơn” đạt OCOP 3 sao cấp tỉnh. Ngoài ra, HTX còn sản xuất sản phẩm tỏi đen ngâm mật ong, rượu tỏi đen, chè shan tuyết cổ thụ Ôn Ốc, hoa đu đủ đực sấy.

Để quảng bá thương hiệu, sản phẩm, chị Linh đã tận dụng các kênh bán hàng trên các sàn thương mại điện tử, mạng xã hội Facebook, Zalo, Tiktok... HTX tạo việc làm thường xuyên cho 6 lao động địa phương, với mức thu nhập trung bình 5 triệu đồng/người/tháng.

Được đánh giá là mô hình có triển vọng lớn, chị Lường Thị Pành, thành viên HTX Cà phê Ara Tay chia sẻ về bí quyết làm ra loại cà phê ngon nhất. Thay vì cách thu hái xô quả xanh, quả chín lẫn lộn như trước thì nay HTX chỉ chọn thu hái những quả chín 100%, sau đó cho lên men ủ phơi trên sàn trong nhà lưới chứ không phơi trên sân như trước.

\"Trước bà con chỉ hái xô rồi bán cho thương lái nên thường xuyên bị ép giá (có năm chỉ được 5.000 – 6.000 đồng/kg), nhưng làm theo mô hình HTX, chúng tôi ký hợp đồng với các nhà rang xay nên giá cả rất ổn định, không lo đầu ra. Việc thu hái quả chín 100%, phơi sấy trong điều kiện bảo quản đã giúp giữ trọn hương vị của cà phê Arabica Mai Sơn. Song nhờ HTX luôn thu mua cho bà con với giá cao hơn thị trường khoảng 3.000 đồng/kg nên thu nhập của các thành viên ổn định hơn trước rất nhiều. Bình quân mỗi thành viên của HTX đạt thu nhập 40 - 45 triệu đồng/năm\", chị Pành thông tin.

Theo đánh giá của lãnh đạo địa phương, điểm chung của các nữ giám đốc HTX là khả năng giao lưu xã hội và hoạch định kinh doanh tốt, nhạy bén trong việc nắm bắt thị trường. Các HTX đã tạo nhiều việc làm cho lao động nữ địa phương, chia sẻ kinh nghiệm trong quá trình làm kinh tế cũng như giúp đỡ nhau trong cuộc sống. Đặc biệt, các HTX lĩnh vực sản xuất nông nghiệp đã góp phần phát triển các sản phẩm OCOP có giá trị kinh tế, mang tính cạnh tranh cao.

Được biết, Hội Phụ nữ tỉnh đang phối hợp với Liên minh HTX tỉnh tuyên truyền nhân rộng các mô hình HTX do phụ nữ làm giám đốc điển hình. Bên cạnh đó, tạo điều kiện để các HTX, phụ nữ tiếp cận các chính sách hỗ trợ, phát triển các mô hình khởi nghiệp, giúp phụ nữ vươn lên khẳng định vai trò trong gia đình và xã hội.

Theo VN Business