Nâng tầm hạt gạo đặc sản trồng dưới chân núi lửa
Buôn Chóah vốn là khu vực vùng sâu, vùng xa khó khăn ở huyện Krông Nô (Đắk Nông), trước đây kinh tế vô cùng khó khăn. Nhưng kể từ khi HTX Nông nghiệp Buôn Chóah ra đời, với định hướng trồng giống lúa đặc sản, năng suất cao đã giúp thay đổi cuộc sống người dân nơi đây.
Dưới chân ngọn núi lửa Nâm Blang đã ngủ yên sau hàng triệu năm phun trào dung nham nóng bỏng là cánh đồng lúa của bà con nông dân và các thành viên HTX Nông nghiệp Buôn Choah. Nhờ ứng dụng các biện pháp kỹ thuật tiên tiến vào canh tác lúa đã giúp HTX này giảm chi phí sản xuất, tăng hiệu quả kinh tế, giảm thiểu ô nhiễm môi trường, tăng giá trị và chất lượng sản phẩm.
Tập trung trồng các giống lúa năng suất
Toàn xã Buôn Chóah có trên 700 ha đất trồng lúa nước mỗi vụ, trước đây bà con có lối tư duy sản xuất cũ kỹ nên hiệu quả kinh tế không cao. Bởi thế, việc làm giàu trên chính mảnh đất này là điều ít người dám nghĩ tới, cho đến khi chính quyền huyện Krông Nô mạnh dạn chọn giống lúa ST24 và ST25 vào trồng thay thế những giống lúa cũ không còn hiệu quả.
Sản xuất lúa gạo bằng máy móc hiện đại đang giúp HTX Nông nghiệp Buôn Choáh có được nhiều thành công ngoài mong đợi. |
Trong bối cảnh đó, việc thành lập một HTX nhằm định hướng sản xuất, tiêu thụ đầu ra cho bà con nông dân được chính quyền nơi đây đặt ra. Năm 2018, HTX Nông nghiệp Buôn Choáh thành lập trên cơ sở Tổ sản xuất lúa chất lượng cao.
Đến nay, HTX đã quy tụ được hơn 300 hộ thành viên, canh tác trên diện tích gần 450 ha lúa VietGap, chủ yếu là các giống đang được thị trường ưa chuộng như: ST24, ST25… liên kết với các doanh nghiệp trong nước tạo đầu ra ổn định cho sản phẩm lúa, nâng cao thu nhập cho nông dân Buôn Choáh.
Trong sản xuất lúa, HTX sử dụng máy bay không người lái vào chăm sóc cây lúc nước nhằm giải phóng sức lao động của con người. Đây là công nghệ tiên tiến, việc này giúp, đỡ vất vả trong việc phun thuốc trừ sâu, rải phân…
Anh Triệu Văn Trường, một thành viên HTX Nông nghiệp Buôn Choáh là người địa phương, trước đây gia đình anh cũng canh tác, trồng lúa theo kiểu truyền thống lâu đời, sản lượng thấp, kinh tế gặp nhiều khó khăn. Sau khi tham gia HTX, được tiếp cận với các phương thức canh tác hiện đại, được định hướng rõ ràng nên sản lượng cao hơn hẳn. Điều anh Trường và các thành viên HTX yên tâm nhất là luôn có HTX sát cánh lo từ khâu gieo mạ, chăm sóc đến khi thu hoạch. Đặc biệt, sản phẩm của các thành viên đều được HTX thu mua với giá cao nên các thành viên yên tâm sản xuất, đời sống ngày một khấm khá.
“HTX và địa phương vận động nông dân trồng các giống lúa năng suất cao, chất lượng tốt nên mỗi vụ trừ chi phí thu về khoảng 30 triệu đồng/ha. Hiện nay, với 2 ha trồng lúa ST24 và ST25 mỗi năm trừ chi phí thu về khoảng 120 triệu đồng, đây là thu nhập mà trước đây tôi và gia đình không bao giờ dám nghĩ tới”, anh Trường cho biết thêm.
Mong ước đưa hạt gạo Krông Nô \'bay xa\'
Ông Bùi Đình Kiên, Giám đốc HTX Nông nghiệp Buôn Choáh cho biết, HTX rất chú trọng liên kết với các doanh nghiệp, hộ nông dân sản xuất, chế biến, tiêu thụ lúa gạo. Hiện nay, do nhu cầu phát triển cũng như để đáp ứng được yêu cầu của thị trường, HTX đã đầu tư máy móc, thiết bị phục vụ sản xuất và chế biến.
Hiện HTX có 4 đại lý cung cấp gạo Buôn Choáh ở tỉnh Đắk Nông, Đắk Lắk. Nhiều người tiêu dùng tại các tỉnh, thành phố như: Đà Nẵng, Hồ Chí Minh, Bình Phước, Nha trang, Vũng Tàu, Phú Thọ… đang sử dụng sản phẩm gạo của Buôn Choáh.
Huyện Krông Nô mạnh dạn chọn giống ST24, tiếp đó là ST25 vào trồng thay thế những giống cũ không còn hiệu quả. |
“Năm 2023 này, HTX phấn đấu liên kết thêm khoảng 150 thành viên, HTX hướng đến sản xuất lúa hữu cơ, xây dựng thương hiệu lúa gạo Buôn Choáh để hướng tới xuất khẩu”, ông Kiên nói và phấn khởi cho biết, HTX tạo việc làm cho hàng trăm lao động có thu nhập từ 8- 10 triệu đồng/tháng. Hàng năm, HTX giúp đỡ từ 3-5 hộ thoát nghèo.
Với những thành công trên, HTX Nông nghiệp Buôn Choáh (Krông Nô) đang trở thành một ví dụ điển hình về thay đổi phương thức sản xuất, vận động bà con nông dân tham gia HTX, mang lại kinh tế ổn định cho người dân.
Không chỉ là một điển hình của địa phương, được Liên minh HTX tỉnh, chính quyền địa phương đánh giá cao mà mới đây, HTX còn được Trung ương Hội Nông dân Việt Nam vinh danh là một trong 63 HTX tiêu biểu toàn quốc năm 2023.
Dù vậy, theo như lãnh đạo HTX thì trước mắt vẫn còn rất nhiều việc phải làm, dù đã có những thành công bước đầu, song đầu ra của hạt gạo vẫn còn hạn chế, thị trường chưa được mở rộng mà chủ yếu vẫn tập trung ở địa bàn tỉnh Đắk Nông, Đắk Lắk và Bình Dương. Mỗi năm chỉ tiêu thụ khoảng 120 – 150 tấn.
Do vậy, HTX mong chính quyền địa phương hỗ trợ hơn nữa về thị trường tiêu thụ và nguồn kinh phí để HTX có thể mở rộng thêm nhà xưởng, máy móc. Hiện một số công ty có thể giải quyết đầu ra đã đến đây để khảo sát, rất mong có thể kết nối được với các công ty để làm sao có thể phát triển, tiêu thụ hết số lượng gạo trên cánh đồng Buôn Choáh, đồng thời hướng đến xuất khẩu trong thời gian tới.
Nhờ có các HTX như HTX Nông nghiệp Buôn Choáh mà nông sản của Krông Nô nói chung, trong đó có gạo của địa phương này được nâng cao giá trị, ngày càng đi xa và được nhiều khách hàng ưa chuộng.
Theo Liên minh HTX tỉnh Đắk Nông, huyện Krông Nô hiện có 37 HTX, trong đó có 30 HTX hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp. Quy mô, chất lượng, hiệu quả sản xuất các HTX không ngừng được nâng lên. Các HTX đầu tư ứng dụng công nghệ, thay đổi quy trình sản xuất,tổ chức liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị. Doanh thu bình quân đạt 1,2 tỷ đồng/HTX/năm, cao hơn so với trung bình chung của tỉnh và ngày càng có nhiều HTX tiêu biểu.
Theo VN Business