OCOP vươn xa cùng nông thôn mới ở 'đất mỏ'

lmhtx.khanhhoa.gov.vn ── [ In trang Thứ tư, 18/12/2024 ]

Phát triển sản phẩm thế mạnh tại từng địa phương, hình thành những sản phẩm được gắn sao OCOP với chất lượng, giá trị vượt trội chính là một trong những yếu tố nền tảng giúp tỉnh Quảng Ninh gặt hái thành công trong xây dựng nông thôn mới.

Thời gian qua, các sản phẩm chủ lực như tinh dầu, túi thơm của HTX Thảo mộc Tuệ Lâm (huyện Bình Liêu, Quảng Ninh) không chỉ được bán trực tiếp mà còn tự tin lên các sàn thương mại điện tử như Postmart, Shopee, Tiki, Sendo và Teqni…

OCOP gia tăng giá trị

Ông Đỗ Đức Uyên, Giám đốc HTX Tuệ Lâm, cho biết trước đây các thành viên HTX chỉ đưa sản phẩm tới một số cửa hàng bán lẻ, siêu thị... nên số lượng tiêu thụ thấp, phục thuộc nhiều vào thương lái, nhiều thời điểm “được mùa, dội chợ”.

Tuy nhiên, kể từ khi đưa lên các trang thương mại điện tử, 16 sản phẩm sản xuất từ thảo mộc, trong đó có sản phẩm tinh dầu thảo mộc đạt 3 sao OCOP cấp tỉnh của HTX được tiêu thụ tốt hơn, thị trường rộng mở.

“Việc tiếp cận thành công thương mại điện tử giúp HTX bước đầu mở rộng mạng lưới tiêu thụ. Bên cạnh giá trị về kinh tế, việc bán hàng trực tuyến cũng giúp thương hiệu của HTX vươn xa hơn. Nhờ đầu ra thuận lợi, HTX đã đầu tư thêm dây chuyền sản xuất để nâng cao chất lượng sản phẩm”, Giám đốc HTX Đỗ Đức Uyên chia sẻ.

\"-8828-1684999168.jpg\"

Sản phẩm OCOP tại Quảng Ninh ngày càng vươn xa, cho giá trị cao.

Hiệu quả của HTX Thảo mộc Tuệ Lâm cùng hàng trăm mô hình sản xuất nông nghiệp theo chuỗi chính là động lực để huyện Bình Liêu thực hiện thắng lợi nhiều tiêu chí trong quá trình xây dựng nông thôn mới, nâng cao đời sống cho người dân.

Xuất phát điểm là một huyện miền núi, 96% là người dân tộc thiểu số, sau hơn 10 năm xây dựng nông thôn mới, tính đến đầu năm 2023, huyện Bình Liêu đã đạt 19/19 tiêu chí, 36/36 chỉ tiêu huyện nông thôn mới, về đích trước 3 năm so với mục tiêu.

Tương tự, Đông Triều cũng đang là một trong những điểm sáng trong xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh, với những thành công tích cực trong phát triển các sản phẩm chủ lực được gắn sao OCOP cho giá trị cao.

Đơn cử như ở xã Việt Dân những năm qua liên tục là địa phương dẫn đầu trong xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu của tỉnh, hiện xã đang trong lộ trình xây dựng xã nông thôn mới thông minh.

Đại diện UBND xã cho hay đến nay, toàn xã không còn hộ nghèo, thu nhập bình quân đầu người đạt 75 triệu đồng/năm, tăng gấp ba lần so với trước khi thực hiện xây dựng nông thôn mới.

Một trong những yếu tố then chốt làm nên thành công trong xây dựng nông thôn mới ở Việt Dân là sự phát triển của các mô hình nông nghiệp hiệu quả. Điển hình như HTX na VietGAP thôn Khê Thượng đang trở thành điểm tựa làm giàu cho nhiều thành viên, nông dân liên kết.

Anh Nguyễn Văn Thanh, xã Việt Dân, chia sẻ: “Từ khi sản phẩm na dai được gắn sao OCOP, bà con rất yên tâm gắn bó với loại cây ăn quả này. Hiện nay, na dai Đông Triều đã được tiêu thụ tại nhiều tỉnh, thành phố và được xúc tiến xuất khẩu. Sản phẩm OCOP na dai đã giúp gia đình tôi và nhiều hộ dân có thu nhập ổn định, bình quân lời trên 100 triệu đồng/ha/năm”.

Nông thôn mới vươn cao

Quảng Ninh hiện là địa phương dẫn đầu cả nước về số lượng sản phẩm OCOP. Toàn tỉnh hiện có 219 chủ thể sản xuất tham gia chương trình OCOP (54 doanh nghiệp, 87 HTX, 78 hộ), với 334 sản phẩm đạt từ 3-5 sao, 244 sản phẩm đạt 3 sao, 87 sản phẩm đạt 4 sao, 3 sản phẩm đạt 5 sao.

Các sản phẩm OCOP đã khẳng định được thương hiệu trên thị trường, được khách hàng trong nước đón nhận. Đặc biệt, để tiếp tục nâng tầm cho các sản phẩm OCOP, nhiều tổ chức, HTX, doanh nghiệp đã chủ động đổi mới công nghệ, áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, mang lại chất lượng, mẫu mã đẹp cho sản phẩm.

Đáng chú ý, 100% sản phẩm OCOP của tỉnh được dán tem truy xuất nguồn gốc, như: Gạo nếp cái hoa vàng Đông Triều, Chè Hằng Nga, Vịt trời Hải Hà, Nấm kim châm Đông Triều, Miến dong Bình Liêu, Nước khoáng Quang Hanh, Chè hoa vàng Quy Hoa…

Để mở rộng thị trường tiêu thụ, khai thác tốt lợi thế của các địa phương, tỉnh đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến, kết nối, tiêu thụ sản phẩm OCOP. Qua đó, giúp các chủ thể OCOP quảng bá sản phẩm hiệu quả, nâng cao giá trị.

Đến nay có  54 sản phẩm OCOP được tiêu thụ tại hệ thống siêu thị Go!, MM Mega Market, Aloha, Winmart, Winmart+...; nhiều sản phẩm OCOP được tiêu thụ tại các tỉnh, thành phố lớn trong nước, như Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng... 

Thành công trong phát triển sản phẩm OCOP, nâng cao giá trị sản xuất cho nông dân chính là nền tảng để tỉnh Quảng Ninh luôn là một trong những đầu tàu trong xây dựng nông thôn mới trên cả nước. Giai đoạn 2010-2022, tổng nguồn lực huy động xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh đạt hơn 233.600 tỷ đồng.

Với những nguồn lực đầu tư mạnh mẽ trong xây dựng nông thôn mới, đến nay, tỉnh đã hình thành các vùng động lực, nông nghiệp công nghệ cao, thu hút mọi nguồn lực từ các thành phần kinh tế, phát triển HTX, doanh nghiệp, đổi mới tổ chức phát triển sản xuất, chuyển dịch cơ cấu lao động theo hướng nâng cao.

Kết quả, kết thúc năm 2022, tỉnh Quảng Ninh hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới, về đích sớm hơn một năm so với Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ 15 đề ra với 98/98 xã đạt chuẩn nông thôn mới.

Tỉnh hoàn thành trước 3 năm Chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025 và đã chuyển sang thực hiện theo chuẩn nghèo đa chiều mới của tỉnh cao hơn mức chuẩn nghèo chung của cả nước.

Theo VN Business