Giải bài toán 'phát triển nóng' chanh tứ mùa
Hãy tưởng tượng, nếu một ngày, bữa cơm gia đình hay trong ngành ẩm thực không có quả chanh sẽ như thế nào? Nắm bắt được điều đó, HTX Nông nghiệp công nghệ cao Việt Bắc (TP Tuyên Quang, tỉnh Tuyên Quang) đã xây dựng chuỗi giá trị bền vững từ sản xuất chanh tứ mùa đến đầu tư công nghệ hiện đại để chế biến chanh nhằm tăng giá trị nông sản, đáp ứng nhu cầu thị trường.
Ông Khổng Văn Nam, Giám đốc HTX Nông nghiệp Công nghệ cao Việt Bắc, cho biết chanh là loại thực phẩm dùng hàng ngày trong các bữa ăn gia đình, nhà hàng, quán ăn, là nguyên liệu chế biến được tiêu thụ rất mạnh. Cây chanh tứ mùa không chỉ cho thu nhập cao, ổn định mà việc chăm sóc cũng khá đơn giản.
Sản xuất gắn với tiêu thụ
Đặc biệt, chanh tứ mùa có thể trồng tại các khu đất soi, bãi, đồi thấp, cho thu hoạch nhanh (khoảng 2 năm). Việc đầu tư chăm sóc cũng đơn giản hơn cây cam và hiệu quả kinh tế cũng rất cao vì có thể thu hoạch 5-6 vụ/năm.
Các thành viên HTX chỉ cần tăng cường bón phân hữu cơ đã qua xử lý để cây sai quả, quả chanh đẹp, mọng nước. Ngoài ra khi phát hiện cây bị sâu đục thân, nấm quả và nấm lá phải phun thuốc trong danh mục cho phép kịp thời để tránh lây lan và giảm nguy cơ cây chanh bị chết.
Nói thì dễ vậy nhưng khi đi vào trồng trên diện tích lớn, với mục đích kinh doanh thì cũng không hề dễ, bởi chanh một khi đã bị bệnh thì phát tán bệnh rất nhanh. Đây cũng chỉ là cây gia vị nên nếu đầu ra không chắc chắn, sản xuất không theo chuỗi thì rất khó mang lại giá trị kinh tế.
Trước thực trạng trên, HTX đã tích cực nghiên cứu kỹ thuật, ứng dụng tiêu chuẩn VietGAP vào sản xuất chanh tứ quý theo hướng hàng hóa. Qua nghiên cứu điều kiện tự nhiên, HTX đã định hướng thành viên và người dân trồng tập trung vào mùa mưa để tận dụng nước mưa, tiết kiệm được chi phí và công tưới nước.
HTX cũng đầu tư các loại xe tải với tải trọng phù hợp để vận chuyển chanh, đầu tư xe để thu mua phân từ các trang trại chăn nuôi trâu, bò của người dân về ủ tại vườn nhằm chủ động nguồn phân bón.
Với sự cố gắng của từng thành viên, sản phẩm chanh tươi nhanh chóng đạt chứng nhận VietGAP. Điều này giúp HTX có vùng nguyên liệu lớn, ổn định để cung cấp thường xuyên, đảm bảo chất lượng cho thị trường.
Một điểm nhấn tại HTX Việt Bắc là các thành viên gạo cội đã phát triển cây chanh từ năm 2015 và cũng được coi là những người đầu tiên đưa cây chanh về trồng ở vùng đất địa phương thay cho cây cam một thời gian dài rơi vào cảnh èo uột đầu ra. Khi ấy, giá quả chanh tươi lên cao kỷ lục, khoảng 20.000 – 25.000 đồng/kg, có thời điểm 30.000 đồng/kg. Và sau đó, đã có rất nhiều hộ giàu lên từ trồng chanh tứ mùa.
Tuy nhiên, từng nhiều năm gắn bó với cây chanh, các thành viên HTX từng được hưởng cảm giác “được mùa được giá” thì cũng có lúc trải qua cảnh chanh “được mùa, mất giá”. Cụ thể là những năm 2018-2019, phong trào trồng chanh tứ mùa ở Tuyên Quang phát triển mạnh. Quả chanh tươi được thu gom chủ yếu qua thương lái để đi bán tại các chợ đầu mối của các tỉnh phía Bắc, sử dụng làm gia vị nên thu nhập bấp bênh.
Sau những khóa tập huấn sản xuất, học hỏi thị trường, các thành viên HTX Việt Bắc nhận ra rằng cần phải thoát khỏi tình trạng này. Vì vậy, các thành viên tìm hiểu các chính sách khuyến khích của Nhà nước, xây dựng mô hình sản xuất sạch theo chuỗi.
Ngoài việc giữ mối tiêu thụ sản phẩm với thương lái các tỉnh, các thành viên chủ động tìm hiều và liên kết với các doanh nghiệp bao tiêu nông sản, thực hiện ký kết các hợp đồng. Điểm nhấn của mối liên kết này là cái bắt tay giữa HTX với với Công ty Omega Phú Thọ để đưa sản phẩm chanh tứ mùa vào chuỗi các siêu thị trong nước.
Chanh tứ quý hiện được coi là cây trồng chủ lực ở địa phương nhờ hình thành được chuỗi giá trị hàng hóa giữa HTX và doanh nghiệp. |
Để bảo đảm nguồn cung cấp cho doanh nghiệp, HTX còn ký kết với một tổ hợp tác trồng chanh ở thành phố Tuyên Quang trong thời gian trong 3 năm (2021-2024). Theo đó, HTX Việt Bắc sẽ đảm bảo chuỗi liên kết sản xuất chanh tứ mùa từ cung cấp vật tư đầu vào, tổ chức sản xuất đến bao tiêu sản phẩm; tạo chuỗi sản xuất chanh tứ mùa thông suốt, đảm bảo chất lượng, số lượng đầu vào, đầu ra và hài hoà lợi ích giữa các bên. Trung bình mỗi năm, sản lượng chanh thương phẩm đưa ra thị trường gần 300 tấn.
Hiện, sản phẩm chanh tươi được HTX thực hiện theo phương pháp đặt hàng. Nếu doanh nghiệp, siêu thị đặt hàng buổi sáng thì HTX sẽ đi thu hái và vận chuyển ngay, bảo đảm chiều sẽ có hàng cho đối tác.
Theo tính toán, mỗi ha chanh mang về khoảng 350 - 500 triệu đồng/năm, giúp nâng cao đời sống thành viên, người dân. Ông Khổng Văn Nam cho rằng đây là việc làm thiết thực nhằm phát triển kinh tế tập thể, liên kết chuỗi giá trị, sản xuất các sản phẩm chủ lực của địa phương thông qua vai trò đầu mối là HTX, từ đó giúp người yên tâm trong sản xuất, thúc đẩy giá trị sản phẩm theo hướng bền vững.
Nâng cao giá trị từ chế biến
Không chỉ dừng ở việc bán chanh tươi, HTX Việt Bắc còn đầu tư máy móc, công nghệ hiện đại để chế biến nước cốt chanh, tinh dầu chanh, nước rửa bát từ chanh...
Chẳng hạn như việc chế biến nước cốt chanh, các công đoạn đều được kiểm duyệt chặt chẽ từ trồng, thu hoạch, sơ chế, chế biến. Sản phẩm được thanh trùng bằng công nghệ tiên tiến đến 2 lần và được đóng chai, dán tem bằng máy móc hiện đại, bảo quản theo đúng quy trình vệ sinh an toàn thực phẩm.
Sản phẩm của HTX được người tiêu dùng ưa thích bởi sản xuất hoàn toàn tự nhiên, không có chất hóa học nhằm giữ nguyên màu và mùi vị đặc trưng của chanh, rất lành tính, lại bảo đảm vệ sinh.
Đặc biệt, để mở rộng đầu ra, HTX đã đưa nông sản đi tham gia các hội chợ xúc tiến thương mại ở nhiều tỉnh thành, đưa nông sản lên các sàn thương mại điện tử. Mới đây, giữa “rừng” chanh khoảng 35ha của HTX đã diễn ra các lớp đào tạo của Bộ Công Thương nhằm hỗ trợ, hướng dẫn người dân, thành viên HTX đưa nông sản lên sàn thương mại điện tử, ứng dụng chuyển đổi số trong sản xuất và mở rộng đầu ra.
Hiện, các sản phẩm của HTX đã được đưa lên các sàn thương mại điện tử, các thành viên cũng làm các video về quy trình sản xuất, chế biến để đưa lên các trang mạng, Tiktok nhằm tiếp cận khách hàng.
Nhận thức được giá trị của sản xuất sạch, HTX đang hướng thành viên, người dân sang sản xuất theo hướng hữu cơ, đồng thời mở rộng chế biến nhằm đa dạng sản phẩm từ chanh. Đối với các thành viên HTX, khi người dân có được niềm vui và thu nhập ổn định và người tiêu dùng được sử dụng sản phẩm an toàn thì đó mới là thành công của mô hình chuỗi giá trị và HTX nông nghiệp.
Theo VN Business