Nỗ lực giữ gìn tinh hoa làng nghề của một HTX
Hàng trăm năm qua, làng nghề Xà Cầu (xã Quảng Phú Cầu, huyện Ứng Hòa, Hà Nội) luôn nổi tiếng với nghề làm hương truyền thống. Chỉ vừa bước chân vào đầu làng đã ngửi được hương thơm đặc trưng của mùi nhựa trám lan tỏa khắp không gian, cùng ánh nắng chiếu vào những bó tăm hương nhiều màu sắc tạo nên nét đặc sắc riêng của làng nghề lâu đời này.
Bản sắc làng nghề lâu đời
Anh Nguyễn Tiến Thi, Giám đốc HTX sản xuất hương làng nghề Xà Cầu chia sẻ với phóng viên VnBusiness: Nghề làm hương ở xã Quảng Phú Cầu có từ cách đây khoảng 100 năm. Từ chỗ chỉ là nghề phụ, người dân tranh thủ làm lúc nông nhàn, nghề làm tăm hương đến nay phát triển mạnh, trở thành nghề đem lại nguồn thu nhập chính cho hàng trăm hộ dân của xã Quảng Phú Cầu.
Những nghệ nhân làm hương ở xã Quảng Phú Cầu luôn tâm niệm, làm nghề tuyệt đối không được cẩu thả, bởi vì hương liên quan đến thờ cúng, tâm linh. Vì vậy, kể cả phần chuẩn bị nguyên liệu cũng phải cẩn thận, kỹ càng.
Những thanh vầu, tre, nứa để làm hương được nhập từ các tỉnh ở miền Trung, sau đó đưa ngâm xuống ao từ 1-2 tháng, rồi vớt lên rửa sạch, chẻ thành tăm. Trước đây, vầu sẽ được người thợ chẻ, tuốt, vót hoàn toàn bằng tay. Tuy nhiên, do nhu cầu sản xuất lớn, các hộ thành viên trong HTX sản xuất hương làng nghề Xà Cầu đến nay đều đã được hỗ trợ đầu tư máy móc để thực hiện sản xuất, đảm bảo về số lượng và chất lượng tăm đều, đẹp.
Không gian trưng bày tăm hương đầy sắc màu bắt mắt, sinh động của làng hương Quảng Phú Cầu |
Để có được một nén hương phải qua rất nhiều công đoạn, trong một nén hương có 20-36 loại thảo mộc xay và trộn đều, tạo mùi hương khác nhau tùy bí quyết từng cơ sở. Quy trình làm hương bao gồm 3 công đoạn: nhập nguyên liệu, bao gồm nhựa trám, than đen và tăm, tiếp theo là se hương, công đoạn cuối cùng là sấy, phơi hương và đóng gói sản phẩm.
Làm tăm hương là công đoạn đầu tiên nhưng lại cực kỳ quan trọng, bởi sẽ quyết định sự hoàn thiện cả về chất lượng và mẫu mã của sản phẩm. Vầu được đưa vào máy chẻ tự động, sau đó là phân lớp. Những que tăm chất lượng sẽ được mang đi nhuộm chân hương và phơi khô. Sau đó, tăm hương sẽ được bó thành từng bó vừa, rồi chuyển đến tay những người thợ để se thành hương.
Lúc này người thợ se vận hành chiếc máy có sẵn những chất kết dính để bột hương có thể dính vào chân hương. Trước đây, hương khi se xong sẽ được phơi khô tự nhiên dưới ánh nắng, khoảng thời gian phơi đẹp nhất là từ 11 giờ trưa đến 1 giờ chiều.
Nhưng hiện nay, với sự đầu tư máy móc công nghệ hiện đại, HTX sản xuất hương làng nghề Xà Cầu đã áp dụng lò sấy hương với nhiệt độ luôn duy trì ở mức đạt tiêu chuẩn để luôn đảm bảo được tiến độ sản xuất trong trường hợp thời tiết không ổn định, mưa kéo dài.
Tiếp nối và phát triển nghề truyền thống
Được thành lập từ năm 2016, HTX sản xuất hương làng nghề Xà Cầu khởi đầu với 12 thành viên là những người thợ lành nghề làm hương lâu năm được anh Nguyễn Tiến Thi – Giám đốc HTX, tập hợp để cùng nhau phát triển sản phẩm hương đen truyền thống Quảng Phú Cầu.
Sản xuất hương phải trải qua nhiều công đoạn phức tạp với đôi bàn tay khéo léo của người nghệ nhân. |
Cho đến thời điểm hiện tại, sản phẩm Thủy Xuân Tiên của HTX Xà Cầu đã trở thành một thương hiệu nổi tiếng được nhiều người biết đến và được Nhà nước trao tặng Bằng làng nghề với sản phẩm hương đen, cùng một loạt các sản phẩm về hương như: hương nén, hương vòng, hương nụ…
Trong đó, hương đen được cho là loại hương vô cùng đắt khách vì đặc thù làm từ nhựa trám đen, nhựa trám rừng và than đen. Hương đen thương hiệu Thủy Xuân Tiên có mùi đặc trưng khác hẳn với các loại hương thông thường. Hương thông thường được làm từ bột trầm và hương bài, quế. Tuy nhiên, mùi nhựa trám là mùi riêng biệt, là công thức được các truyền lại từ đời xưa.
HTX sản xuất hương làng nghề Xà Cầu nổi tiếng với sản phẩm hương đen truyền thống Thủy Hương Tiên. |
Anh Nguyễn Tiến Thi chia sẻ: “Từ ngày được hỗ trợ tiếp cận gói vay vốn, HTX chúng tôi đã mạnh dạn đầu tư rất nhiều máy móc kỹ thuật tiên tiến hiện đại. Điều này đã giúp HTX có những bước chuyển không nhỏ về mặt doanh thu cũng như mở rộng quy mô sản xuất. Trung bình doanh thu năm sau tăng hơn năm trước khoảng 15-20%. HTX đã phân phối hương đi nhiều đại lý trên toàn quốc”.
Các thị trường phân phối chủ yếu của Thủy Xuân Tiên là những thị trường lớn, bao gồm: Hà Nội, Hải Phòng, Thái Nguyên, Hải Dương, Nam Định, ở khu vực miền Nam có TP. Hồ Chí Minh, An Giang,…
HTX sản xuất hương làng nghề Xà Cầu cũng tích cực tham gia các hội chợ quảng bá sản phẩm và xúc tiến thương mại được tổ chức ở các tỉnh, thành phố lớn. Ngoài ra, với sự phát triển vượt bậc của công nghệ thông tin, HTX cũng tích cực đón đầu xu hướng đưa những sản phẩm hương các loại của mình lên trên các trang thương mại điện tử để người tiêu dùng có thể dễ dàng tiếp cận và mua sản phẩm một cách tiện lợi hơn. Nhờ vậy mà sản lượng tiêu thụ của sản phẩm nhãn hiệu hương Thủy Xuân Tiên trên các nền tảng bán hàng trực tuyến cũng đem lại một phần lợi nhuận không nhỏ cho bà con tham gia sản xuất.
Tuy nhiên, cũng giống như vấn đề mà các làng nghề truyền thống khác đang gặp phải, HTX Xà Cầu cũng như làng nghề làm hương Quảng Phú Cầu vẫn đang trăn trở giải quyết bài toán thiếu nguồn lao động trẻ tiếp nối truyền thống cha ông. Nghề làm hương được đánh giá là một nghề khó khăn vất vả, vì để làm ra một sản phẩm mang hơi thở tâm linh không chỉ cần người thợ có sự tỉ mỉ mà còn phải có cái tâm với nghề.
Vì vậy, không chỉ anh Thi mà các hộ gia đình tham gia HTX cũng đang cố gắng động viên con em mình, các thế hệ trẻ dành sự quan tâm tới nghề truyền thống của cha ông bằng cách tích cực truyền cảm hứng với nghề, cũng như chia sẻ về những giá trị cả về mặt kinh tế lẫn tinh thần khi tiếp nối truyền thống làng nghề quý báu này.
Hiện nay, ngoài việc sản xuất hương truyền thống, HTX sản xuất hương làng nghề Xà Cầu cũng kết hợp cùng nhân dân trong làng hương Quảng Phú Cầu mở những không gian trưng bày tăm hương với đủ các sắc màu sinh động, đẹp mắt, và đã dần trở thành một điểm check-in nổi tiếng được các bạn trẻ trong nước và người nước ngoài yêu thích.
Theo VN Business