HTX thúc đẩy bán hàng trên 'chợ mạng', nông dân kiếm bộn
Hai năm gần đây, có những ngày cao điểm, chỉ trong một buổi livestream bán hàng chưa đầy 2 tiếng tại vườn, ông Nông Văn Giang, thành viên một HTX trồng quýt ở Bắc Kạn \"chốt\" được gần 300 đơn hàng, với sự hướng dẫn của nhân viên sàn thương mại điện tử.
Theo ông Giang, trong gần 30 năm trồng và tiêu thụ quýt, chưa khi nào bán được số lượng đơn hàng lớn trong một thời gian ngắn như vậy. Việc bán hàng qua các “cửa hàng số” cũng giúp gia đình ông ít tốn công sức hơn trước kia rất nhiều, không còn lo thương lái ép giá.
Tăng giá trị nhờ “cửa hàng số”
Bán hàng online đang trở thành xu hướng được nhiều HTX trên cả nước thúc đẩy trong những năm qua, đặc biệt là sau cú sốc từ đại dịch Covid-19, mở ra những thị trường mới, gia tăng đáng kể thu nhập cho thành viên, nông dân liên kết.
Theo thống kê, chỉ tính riêng trên sàn điện tử Alibaba, hiện có khoảng 2.000 doanh nghiệp, HTX Việt Nam tham gia bán hàng, trong đó có tới gần 40% là các đơn vị liên quan đến nông sản. Bình quân mỗi HTX sau khi đưa nông sản lên sàn sẽ có cơ hội tiếp cận với 15-50 khách hàng tiềm năng/ngày.
Năm 2022, thông qua gian hàng của Liên minh HTX Việt Nam mở trên sàn Alibaba, HTX Suối Giàng (huyện Văn Chấn, tỉnh Yên Bái) đã xuất khẩu thành công đơn hàng chè xanh giá trị 2 tỷ đồng sang Nhật Bản.
Bán hàng online và trên các trang thương thương mại điện tử giúp HTX đưa sản phẩm đi xa hơn. |
Đại diện HTX Suối Giàng cho hay, những sản phẩm của HTX như Bạch Trà, Diệp Trà, Hoàng Trà và Hồng Trà đều đã hội đủ các yếu tố về một sản phẩm thương hiệu quốc gia. Việc đưa các sản phẩm lên sàn thương mại điện tử là cơ hội để tìm kiếm các thị trường mới, góp phần quảng bá rộng rãi sản phẩm đến người tiêu dùng trong và ngoài nước.
Cũng hoạt động trên địa bàn tỉnh Yên Bái, HTX Nông nghiệp Minh Bảo, xã Minh Bảo, TP. Yên Bái có 3 sản phẩm chủ lực gồm: chè Minh Bảo, mộc nhĩ và mật ong đa hoa tự nhiên, trong đó có 2 sản phẩm đã được cấp chứng nhận đạt OCOP 3 sao cấp tỉnh. 3 năm qua, do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 khiến việc bán hàng gặp nhiều khó khăn.
Ông Bùi Việt Tiến, Giám đốc HTX, cho biết: \"Để nâng cao hiệu quả, HTX đang đẩy mạnh bán hàng online thông qua các kênh zalo, facebook... HTX cũng đã đưa các sản phẩm lên sàn thương mại điện tử Voso.com, sàn thương mại điện tử tỉnh Yên Bái… Nhờ đó, doanh thu ổn định, HTX duy trì hoạt động tốt”.
Hay như tại Hà Giang, thời gian qua, nhiều HTX cũng tận dụng thế mạnh của địa phương để bán các sản phẩm đặc trưng, giàu bản sắc văn hóa trên “chợ mạng”.
Điển hình, những phiên livestream của HTX thổ cẩm Pà Thẻn, xã Tân Bắc, huyện Quang Bình, đang mang lại hiệu quả tích cực. Từ những buổi bán hàng online, những sản phẩm thổ cẩm Pà Thẻn ngày càng đến gần hơn với khách hàng, tăng gấp 2 lần lợi nhuận so với cách bán hàng truyền thống.
Cần cách làm bài bản hơn
Chị Tải Thị Mai, thành viên HTX dệt thổ cẩm Tân Bắc, chia sẻ: “Bán hàng online giúp sản phẩm của HTX được nhiều người biết tới hơn, đặc biệt là những đối tác là doanh nghiệp mua hàng số lượng lớn. Qua đó doanh thu cũng được tăng lên, tạo công ăn việc làm ổn định hơn cho các chị em tại địa bàn”.
Có thể thấy, công nghệ số, trong đó có bán hàng online, đã và đang đóng vai trò quan trọng trong sản xuất nông nghiệp của các HTX, góp phần thay đổi phương thức sản xuất, giải phóng sức lao động, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, cải thiện thu nhập cho thành viên.
Khảo sát của Liên minh HTX Việt Nam cho thấy, 83,5% HTX đánh giá việc chuyển đổi số là cần thiết, 18,9% HTX đã có kế hoạch với lộ trình thực hiện cụ thể.
Đáng chú ý, có 68% HTX có sử dụng ít nhất một trong các phương thức giới thiệu và bán sản phẩm trực tuyến như: website riêng để giới thiệu sản phẩm (38,9%); bán hàng trên các sàn thương mại điện tử như Tiki, Lazada, Shopee,… (20,8%); quảng cáo sản phẩm trên các trang mạng xã hội, trang quảng cáo (50,5%); bán hàng theo hình thức trực tuyến livestream trên các nền tảng số như Facebook, Tiktok… (28,3%).
Tiêu biểu như HTX Thành Công (Quảng Trị) với công nghệ làm mát tự động trong chăn nuôi lợn, trồng rau thủy canh; mô hình \"cây xoài nhà tôi\" tại tỉnh Đồng Tháp đã ứng dụng công nghệ giúp kết nối HTX với khách hàng, HTX Rau quả sạch Chúc Sơn (Hà Nội); các HTX Trường Anh, Lộc Rừng, Thắng Lợi (Cao Bằng)…
Bà Vũ Thị Minh Tú, đại diện sàn thương mại điện tử Lazada, tin tưởng rằng khi tham gia vào kinh doanh trên thương mại điện tử, các doanh nghiệp, các HTX, các hộ gia đình, nông dân có thể tiếp cận tệp khách hàng rộng lớn hơn một cách nhanh chóng và dễ dàng hơn.
Việc tiếp cận với bán hàng trực tuyến sẽ giúp các HTX, doanh nghiệp và người nông dân nâng cao hiệu quả kinh doanh, tăng giá trị sản phẩm, từ đó cải thiện thu nhập, mở hướng làm giàu.
Tuy nhiên, như trong nhiều bài viết chuyên đề của VnBusiness, để sản phẩm nông sản của HTX đứng vững trên kênh online, vấn đề chất lượng vẫn cần đặt lên hàng đầu. HTX cần chủ động chuẩn bị năng lực, nguồn hàng, nâng cao sức cạnh tranh thông qua việc xây dựng kế hoạch dài hạn, bài bản.
Đồng thời, cần thêm các chính sách hỗ trợ các HTX, doanh nghiệp địa phương đẩy mạnh phân phối đưa sản phẩm địa phương qua thương mại điện tử tại thị trường trong nước, dần hướng đến tham gia các sàn thương mại điện tử uy tín thế giới.
Bên cạnh đó, cần thúc đẩy hợp tác, liên kết để nâng cao sức mạnh, tạo chuỗi cung ứng thông qua thúc đẩy liên kết sản xuất giữa doanh nghiệp, HTX và người nông dân, hộ sản xuất. Từ đó hoàn thiện chuỗi giá trị từ sản xuất, canh tác, chế biến và phân phối tới người tiêu dùng.
Theo VN Business