Nông sản HTX trước thách thức giữ vững 'sân nhà'
Trước khi nghĩ tới những mục tiêu xa hơn trên con đường xuất khẩu, với thị trường trong nước hơn 100 triệu dân, chỉ cần thắng trên sân nhà, các HTX nông nghiệp đã có thể “sống khỏe”.
Những năm qua, nhờ kết quả của công tác xúc tiến thương mại, nhiều HTX đang rất thành công với các mặt hàng xuất khẩu. Điển hình như HTX nông nghiệp Đại Đồng (Yên Thủy, Hòa Bình) xuất khẩu thành công lô bưởi đầu tiên sang thị trường Anh vào đúng dịp Tết Nguyên đán 2023 vừa qua.
Bắt đầu từ “sân nhà”
Quả bưởi xuất khẩu được HTX Đại Đồng sản xuất theo quy trình VietGAP, đảm bảo tất cả các khâu từ sản xuất, thu hoạch, chọn quả, đóng gói đến vận chuyển, bảo quản... và mẫu mang đi kiểm tra đều đạt tiêu chuẩn an toàn. Đây là điểm tựa để HTX đưa thương hiệu bưởi Yên Thủy đi xa hơn.
Hay như HTX LaBa Banana Đạ K’Nàng mỗi năm sản xuất trên 4.000 tấn chuối, cung ứng cho thị trường Nhật Bản (khoảng 80 tấn) và thị trường trong nước, mang lại doanh thu hàng chục tỷ đồng.
Tại Bắc Giang, nhiều năm qua, HTX sản xuất, Thương mại và Dịch vụ nông nghiệp Phì Điền (Lục Ngạn) đã đẩy mạnh sản xuất 30 ha vải thiều theo quy trình VietGAP, GlobalGAP, duy trì đưa sản phẩm vải tươi sang thị trường Trung Đông, Nhật Bản và xuất vải thiều khô sang Đài Loan.
HTX cần giữ vững thị trường nội địa trên 100 triệu dân trước khi nghĩ tới mở rộng xuất khẩu. |
Việc xúc tiến xuất khẩu là vô cùng quan trọng, tuy nhiên, theo chuyên gia, các HTX cũng cần dành sự quan tâm đúng mức đến thị trường nội địa bằng những sản phẩm xanh, sạch, chất lượng cao.
Tại tọa đàm “Xây dựng thương hiệu quốc gia cho nông sản Việt” mới đây, ông Nguyễn Như Cường - Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NN&PTNT), cho rằng để xây dựng thương hiệu nông sản Việt Nam trên thị trường quốc tế nên bắt đầu bằng bước đi đầu tiên trên thị trường 100 triệu dân nội địa.
Theo ông Cường: \"Chúng ta sẽ không thể đi xa và đi được lâu nếu không có nền tảng vững chắc từ trong nước. Nếu không có nền tảng này, khách hàng quốc tế cũng sẽ thiếu lòng tin với sản phẩm của chúng ta. Đây là đối tượng khách hàng đầu tiên và quan trọng nhất mà chúng ta cần chăm sóc\".
Có một thực tế là nông sản xuất khẩu giá cao nhưng tỷ lệ phân bổ lại cho nông dân còn rất thấp. Điển hình như tại Bắc Giang xuất khẩu vải thiều qua Mỹ, nhưng khi cân đối giữa giá xuất khẩu và giá bán tại Hà Nội, TP.HCM thì nhận thấy bức tranh không nhiều “màu hồng” như trên những con số.
“Vì vậy, cần phải tổ chức lại thị trường nông sản trong nước. Muốn xây dựng thương hiệu nông sản ở nước ngoài thì hãy xây dựng thương hiệu trong nước. Niềm tin tiêu dùng nông sản trong nước là bệ đỡ để xuất khẩu nông sản ra thế giới\", một chuyên gia nông nghiệp nhận định.
Xây dựng nền tảng từ trong nước
Thị trường trong nước với hơn 100 triệu dân rõ ràng là “mỏ vàng”. Vì vậy, trong thời gian qua, đã có nhiều HTX mạnh dạn thay đổi cách tiếp cận và có được thành công tích cực.
Điển hình như HTX rau sạch Yên Dũng (huyện Yên Dũng, tỉnh Bắc Giang). Sau 7 năm phát triển, HTX đang có tổng diện tích canh tác hơn 60ha, trong đó có 12ha chăm sóc theo mô hình nhà lưới công nghệ cao.
Trao đổi với VnBusiness, chị Trần Thị Kim Trang, Phó Giám đốc HTX, cho biết nhờ thay đổi trong tư duy sản xuất, chú trọng khoa học kỹ thuật, tạo ra những sản phẩm chất lượng vượt trội, HTX đã từng bước tạo dựng được thương hiệu “Rau sạch Yên Dũng” trên thị trường.
Đến nay, HTX xây dựng được hơn 35.000m2 nhà lưới công nghệ cao, ứng dụng công nghệ linh hoạt trong sản xuất; cuối năm 2022, HTX đã tăng doanh thu lên khoảng 40 tỷ đồng, lợi nhuận hơn 3 tỷ đồng. HTX tạo việc làm cho 85 lao động với thu nhập bình quân 7,5 triệu đồng/người/tháng.
Đặc biệt, HTX rau sạch Yên Dũng trở thành một trong những nhà cung cấp rau củ quả hàng đầu cho các chuỗi siêu thị lớn như Winmart, Coopmart, Big C và các cửa hàng thực phẩm sạch trong và ngoài tỉnh.
Rõ ràng, việc thay đổi trong phương thức sản xuất đang giúp HTX Yên Dũng dần chinh phục được người tiêu dùng trong nước, duy trì doanh thu hàng chục tỷ đồng. Đây là minh chứng cho việc các HTX chỉ cần thắng trên “sân nhà” là đã có thể phát triển bền vững, trước khi hướng tới xuất khẩu.
Giữ thị trường nội địa rõ ràng là vô cùng quan trọng, song với sự đổ bộ của hàng loạt thương hiệu nước ngoài chất lượng cao, điều này là thách thức không nhỏ cho các HTX, doanh nghiệp trong nước.
Để làm được, trước hết, các HTX, doanh nghiệp cần đẩy mạnh hỗ trợ nông dân chuyển đổi sản xuất, ứng dụng công nghệ và chuyển sang sử dụng các sản phẩm phân hữu cơ, thuốc bảo vệ sinh học thân thiện môi trường vào canh tác. Theo thống kê, việc này có thể giúp tiết kiệm chi phí khoảng 30-40%.
Riêng các HTX cần chủ động tận dụng lợi thế sản phẩm đa dạng, xây dựng các vùng sản xuất nông nghiệp tập trung với quy mô lớn, công nghệ cao, đáp ứng tiêu chuẩn, điều kiện của thị trường, tạo ra những sản phẩm xanh, sạch, chất lượng cao...
Bên cạnh sự nỗ lực của HTX, các cơ quan quản lý cần triển khai thực hiện các chính sách, các giải pháp hỗ trợ người dân, HTX, doanh nghiệp nâng cao chất lượng và giá trị gia tăng của sản phẩm nông nghiệp bằng cách áp dụng công nghệ hiện đại, thực hiện chuyển đổi số một cách thiết thực và minh bạch nguồn gốc xuất xứ nông sản (truy xuất được nguồn gốc).
Song song đó, cần thêm các chính sách khuyến khích xây dựng và bảo hộ các chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu chứng nhận, nhãn hiệu tập thể cho các sản phẩm nông nghiệp đặc sản, truyền thống của các địa phương. Đặc biệt, cần tăng cường xúc tiến thương mại, quảng bá hình ảnh và uy tín của nông sản nội địa, từ đó thuyết phục người Việt dùng hàng Việt.
Theo VN Business