Hợp tác xã Cây ăn quả Sơn Bình (Khánh Sơn) với vai trò tiên phong trong các thương vụ sầu riêng năm 2018 của bà con nông dân xã Sơn Bình và huyện Khánh Sơn

lmhtx.khanhhoa.gov.vn ── [ In trang Thứ hai, 05/5/2025 ]

Khánh Sơn (Khánh Hòa) là vùng đất được thiên nhiên ban tặng cho các loại cây ăn quả sinh sôi nảy nở với chất lượng đặc biệt hiếm có. Nhất là cây sầu riêng.

Toàn huyện có khoảng 960ha sầu riêng. Gần một nửa trong số đó đã cho thu hoạch, đưa về tổng sản lượng năm 2018 vượt qua con số gần 3.000 tấn. Sầu riêng được trồng nhiều ở xã Sơn Bình, đây cũng là địa phương có diện tích sầu riêng có năng suất cao nhất huyện. Đặc biệt, cây sầu riêng "cơm vàng, hạt lép" nức tiếng cả nước bởi chất lượng thơm ngon đặc trưng, đã được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học - Công nghệ) công nhận thương hiệu và nhãn hiệu chứng nhận cách đây 7 năm. 
20181116_110813.jpg (264 KB)
Sầu riêng cơm vàng hạt lép tại Sơn Bình
Năm 2018 này, sầu riêng Khánh Sơn được mùa được giá. Niềm hân hoan tỏa khắp các nhà vườn, nương rẫy khi cây sầu riêng đã mang về những kỷ lục mới về sản lượng và doanh thu. Một số nhà vườn có diện tích sầu riêng lên đến hàng chục ha ở xã Sơn Bình - những hộ mạnh dạn làm ăn, đầu tư lớn vào vườn sầu riêng từ tưới tiêu, phân bón đến kỹ thuật… Đa phần, họ đều có năng suất trên 10 tấn/ha. Không gì vui hơn khi thị trường hút hàng với mức thu mua cao hơn so với mọi năm. Năng suất dao động từ 4 đến 10 tấn/ha, có hộ hơn 10 tấn/ha. Nhìn chung toàn xã được mùa, được giá. Với giá bán bình quân 50.000 đồng/kg, mỗi ha sầu riêng mang về cho người trồng từ 200 đến 400 triệu đồng.

Tuy vậy, việc thu hoạch sầu riêng đang bộc lộ nhiều vấn đề cần quan tâm. Hàng năm, cứ đến vụ thu hoạch, hàng trăm thương lái đến khắp vùng đất Khánh Sơn để đặt hàng, việc mua bán diễn ra hết sức thuận lợi. Thậm chí, người bán cũng chẳng cần bỏ công sức, chi phí trong quá trình thu hoạch, mọi việc đều đã có thương lái đảm nhiệm với hình thức mua luôn trên cây. Do diện tích lớn (20ha), có hộ không thể quán xuyến hết việc thu hoạch, nên mọi việc giao phó toàn bộ cho thương lái. Chủ vườn chỉ cần đứng ra cân trọng lượng và thu tiền. Trước vụ thu hoạch cả tháng đã có các thương lái vào trả giá mua cả vườn nên việc bán lẻ hầu như không có.

Khi thu hoạch, các thương lái hái tất cả các quả có trên cây bất kể trái đó đã già hay non và sẽ tiến hành xử lý cho trái chín theo ý muốn để đưa ra thị trường. Sự phụ thuộc quá lớn vào đội ngũ thương lái đã khiến cho đầu ra của cây sầu riêng trở nên chông chênh, giảm chất lượng, thiếu tính bền vững. Tuy đã có một số ít diện tích sầu riêng trồng theo hướng VietGAP, có thể truy xuất nguồn gốc rõ ràng, nhưng việc này mới chỉ ở mức độ manh nha và đang tỏ ra mờ nhạt so với hình thức thu mua tận vườn.

Lãnh đạo huyện Khánh Sơn cho biết, để có thể khắc phục tình trạng trên, huyện rất cần những nhà đầu tư chiến lược ở các khâu: thu hoạch, bảo quản và phân phối một cách bài bản. Những năm gần đây, huyện đã tiến hành nhiều hoạt động, trong đó chú trọng nâng cao kỹ thuật canh tác cây sầu riêng cho nông dân, đồng thời tổ chức các hoạt động nhằm kết nối người sản xuất với các đơn vị tiêu thụ nông sản, trong đó hợp tác xã là giải pháp rất hiệu quả, góp phần khắc phục tình trạng trên.

Hiện nay, Hợp tác xã Cây ăn quả Sơn Bình (thành lập 12/2017), đã bắt tay vào việc áp dụng các quy trình canh tác an toàn theo quy trình VietGAP. Vụ sầu riêng vừa qua, hợp tác xã đã ký kết tiêu thụ được 150 tấn quả. Hợp tác xã hỗ trợ các thành viên xây dựng vùng trồng cây ăn quả an toàn, chống sâu bệnh, đạt năng suất, chất lượng cao; cung ứng vật tư nông nghiệp liên quan đến sản xuất cây ăn quả, đặc biệt là cây sầu riêng; tư vấn và tiếp cận khoa học kỹ thuật tiên tiến áp dụng vào sản xuất; tìm kiếm thị trường tiêu thụ sản phẩm, giúp phát triển kinh tế hộ gia đình.

                                                                   H.H.Đ