Liên kết chặt để mở rộng đầu ra cho nông sản
Trong những năm gần đây, tỉnh Tuyên Quang đã cụ thể hóa các chủ trương, chính sách lớn của Đảng và Nhà nước qua việc khuyến khích liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, phát triển HTX, xây dựng vùng sản xuất tập trung… đáp ứng được yêu cầu thực tiễn của đời sống, trong đó có Nghị định số 98/2018/NĐ-CP của Chính phủ về khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp mà các bên đối tác đều được hưởng lợi, trực tiếp là nông dân, thành viên HTX.
Theo đó, khi triển khai liên kết trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, Nhà nước sẽ hỗ trợ xây dựng hệ thống hạ tầng, tập huấn kỹ thuật, vốn cho nông dân, doanh nghiệp, tăng năng suất, chất lượng và sản phẩm nông sản, đời sống của nông dân được nâng lên.
“Trái ngọt” từ trồng ớt xuất khẩu
Trong khi nhiều địa phương đang loay hoay tìm đầu ra cho nông sản như cam, bưởi, chè… thì mô hình liên kết trồng ớt gắn với thị trường tiêu thụ xuất khẩu đang được một số xã trên địa bàn huyện Chiêm Hóa triển khai đem lại hiệu quả kinh tế cao, mở ra hướng đi mới đầy triển vọng.
Trồng ớt hữu cơ theo mô hình liên kết chuỗi giá trị gắn với tiêu thụ sản phẩm mở ra hướng đi mới cho ngành nông nghiệp ở nhiều địa phương. |
Phó Giám đốc HTX Nông, lâm nghiệp và Dịch vụ xã Yên Nguyên Hoàng Văn Quý cho biết, trên địa bàn xã hiện đang liên kết trồng ớt xuất khẩu với CTCP Nông nghiệp hữu cơ Fusa (Hải Dương) với diện tích gần 15 ha tập trung ở các thôn Khuôn Khoai, Bảo Ninh. Ớt sau khi thu hoạch sẽ được đơn vị liên kết bao tiêu sản phẩm với giá bán tương đương với giá thị trường và thấp nhất 10.000 đồng/kg. Vụ thu hoạch vừa qua, năng suất ban đầu đạt 25 tấn/ha, doanh thu 300 triệu đồng/ha, sau khi trừ chi phí cho thu lãi 120 triệu đồng/ha. Thị trường đầu ra của ớt khi thu hoạch đã được công ty xuất khẩu sang Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan và Singapore.
Xã Hòa An có diện tích trồng ớt xuất khẩu lớn của huyện Chiêm Hóa. Toàn xã hiện có gần 30 ha trồng ớt liên kết với CTCP Nông nghiệp hữu cơ Fusa và HTX Nông nghiệp xanh Kim Bôi (Hòa Bình) nhận bao tiêu toàn bộ sản phẩm ớt cho người nông dân.
Gia đình anh Hà Văn Kiên, thôn Liên Kết, xã Hòa An (Chiêm Hóa) đi đầu trồng ớt với hơn 2.000m2. Anh Kiên chia sẻ, vụ đầu tiên trồng ớt còn rất e ngại từ việc trồng ra sao, kỹ thuật chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh thế nào và liệu có thích nghi với đồng đất địa phương hay không… Tuy nhiên, sau quá trình tìm hiểu, nghiên cứu và được sự hướng dẫn của đơn vị bao tiêu sản phẩm, anh nhận thấy đây là giống cây mới, phù hợp với khí hậu và thổ nhưỡng của địa phương, đầu ra của sản phẩm ổn định, nên quyết định chuyển đổi diện tích trồng rau trước đây sang trồng ớt.
Một trong những lý do khiến anh Kiên và nhiều hộ gia đình trồng ớt ở Hòa An yên tâm sản xuất chính là được sự hỗ trợ của CTCP Nông nghiệp hữu cơ Fusa. Cụ thể, các sản phẩm ớt của người trồng sẽ được mua với giá thị trường và không thấp hơn 10.000 đồng/kg, giúp người nông dân sản xuất ổn định, tránh cảnh \"được mùa mất giá\".
Theo lãnh đạo Phòng NN&PTNT huyện Chiêm Hóa, để đáp ứng yêu cầu của các đơn vị nhận bao tiêu sản phẩm, huyện đang tập trung phối hợp với các đơn vị liên quan cấp giấy chứng nhận mã vùng, mã vạch cho sản phẩm ớt của Chiêm Hóa. Đồng thời, tuyên truyền cho các địa phương trong huyện chuyển đổi cây trồng trên những diện tích sản xuất nông nghiệp kém hiệu quả sang trồng ớt.
Có thể khẳng định, việc trồng ớt hữu cơ theo mô hình liên kết chuỗi giá trị gắn với tiêu thụ sản phẩm đã và đang mở ra hướng đi mới đầy hứa hẹn, không chỉ giúp giải quyết việc làm và nâng cao thu nhập cho người dân, mà còn góp phần thực hiện chuyển dịch cơ cấu cây trồng theo hướng sản xuất hàng hóa trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang.
Hợp tác phát triển theo hướng bền vững
Theo thống kê, trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang hiện đã hình thành gần 20 chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm với hơn 27 doanh nghiệp, HTX tham gia. Các mô hình, dự án liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp giúp tăng năng suất, chất lượng cây trồng, vật nuôi, mang lại giá trị kinh tế cao, đưa sản xuất nông nghiệp phát triển theo hướng bền vững.
Khuyến khích người dân chuyển đổi sang sản xuất tập trung, liên kết sản xuất theo hình thức tổ nhóm, HTX nhằm tăng cường năng lực và hiệu quả sản xuất, kiểm soát chất lượng, tăng sức cạnh tranh của sản phẩm trên thị trường. |
Điển hình, HTX nuôi ong Phong Thổ, xã An Khang (TP Tuyên Quang) đã thực hiện mô hình nuôi ong lấy mật gắn với liên kết tiêu thụ sản phẩm tại xã Thái Bình (Yên Sơn). Giám đốc Trần Xuân Phong thông tin, để thực hiện hiệu quả các khâu liên kết, HTX cung ứng giống, vật tư chăn nuôi, hỗ trợ kỹ thuật chăm sóc, đồng thời ký hợp đồng tiêu thụ toàn bộ sản phẩm mật ong cho các hộ theo giá thị trường.
Đến nay, HTX nuôi ong Phong Thổ đã nhân rộng quy mô 900 đàn với 18 hộ tham gia, sản lượng mật ong đạt 12-14 lít/đàn/năm, doanh thu bình quân đạt trên 130 triệu đồng/hộ/năm. Thời gian tới, HTX sẽ tiếp tục đẩy mạnh liên kết sản xuất, chủ động tìm kiếm thị trường, phát triển thêm các dịch vụ để nâng cao thu nhập cho bà con nông dân.
Mô hình HTX Rau củ quả, hoa và cây cảnh phường Hưng Thành (TP Tuyên Quang) cũng cho thấy người dân cần được tập hợp lại nhằm giải quyết khâu bao tiêu sản phẩm, học hỏi, chia sẻ khoa học kỹ thuật để ứng dụng vào sản xuất, tăng giá trị sản phẩm nông nghiệp.
Chị Nguyễn Thị Thoa, thành viên của HTX cho biết, gia đình chị có 5 sào rau an toàn, mỗi ngày bình quân cung cấp ra thị trường từ 30 - 40kg rau xanh. Toàn bộ diện tích rau của gia đình chị được lắp đặt hệ thống tưới nước tự động. Từ trồng rau, gia đình chị Thoa mỗi tháng ước thu lãi từ 10 - 15 triệu đồng…
Đại diện Trung tâm Khuyến nông tỉnh Tuyên Quang chia sẻ, ngành nông nghiệp và các địa phương trên địa bàn tỉnh đã tích cực trong việc tìm kiếm các doanh nghiệp, HTX thực hiện chuỗi liên kết sản xuất để góp phần nâng cao hiệu quả kinh doanh sản xuất và giúp người dân địa phương tiêu thụ nông sản. Đồng thời, quan tâm tạo điều kiện hỗ trợ các HTX tiếp cận các chính sách liên quan khác, như vốn, khoa học - kỹ thuật, lồng ghép các nguồn kinh phí hoạt động khoa học công nghệ, sự nghiệp nông nghiệp, khuyến công, khuyến nông thực hiện các mô hình gắn với điều kiện hoạt động sản xuất kinh doanh của HTX. Các đơn vị, địa phương cũng đã tìm các doanh nghiệp tiềm năng cùng phối hợp với nông dân trên địa bàn thực hiện các chuỗi liên kết hiệu quả. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều khó khăn trong việc liên kết sản xuất nông nghiệp theo chuỗi bền vững.
Một trong những khó khăn trong việc xây dựng và phát triển số lượng các chuỗi liên kết trên địa bàn tỉnh là tình trạng sản xuất nông nghiệp phần nhiều còn mang tính nhỏ lẻ. Việc tuân thủ theo quy trình kỹ thuật đồng nhất còn gặp khó khăn. Thêm vào đó là tính liên kết giữa người dân và doanh nghiệp chưa chặt chẽ, bền vững. Đồng thời, chưa thu hút được nhiều doanh nghiệp tham gia liên kết để hình thành các vùng sản xuất hàng hoá tập trung, quy mô lớn.
“Để các mô hình, chuỗi liên kết không bị manh mún, đứt gãy, các địa phương, doanh nghiệp, HTX, người dân cần chú trọng xây dựng chuỗi liên kết bền vững. Các khâu từ sản xuất ban đầu đến thu gom chế biến và phân phối tiêu thụ đều được kiểm soát theo hợp đồng. Các đơn vị, địa phương cần tổ chức đánh giá lại tính hiệu quả của từng mô hình liên kết, các dự án quy mô nhỏ, không hiệu quả hoặc không còn phù hợp thì đưa ra khỏi quy hoạch, từ đó mới đảm bảo tính bền vững trong liên kết”, đại diện Trung tâm Khuyến nông tỉnh khuyến nghị.
Trong khi đó, lãnh đạo Chi cục Quản lý Chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản (Sở NN&PTNT) cho biết, trong thời gian tới, các địa phương tiếp tục vận động, hướng dẫn người dân chuyển đổi sang sản xuất tập trung, liên kết sản xuất theo hình thức tổ nhóm, HTX nhằm tăng cường năng lực và hiệu quả sản xuất, kiểm soát chất lượng, tăng sức cạnh tranh của sản phẩm trên thị trường. Đồng thời, tiếp tục phối hợp tăng cường kiểm tra, giám sát chất lượng sản phẩm nông, lâm, thủy sản; thẩm định đánh giá, xếp loại các cơ sở chế biến, kinh doanh định kỳ, kiểm tra hậu kiểm các cơ sở tự công bố sản phẩm, xác nhận chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn.
Theo VN Business