Phát triển mô hình hợp tác xã, nâng cao đời sống đồng bào dân tộc thiểu số

lmhtx.khanhhoa.gov.vn ── [ In trang Thứ ba, 26/11/2024 ]

Phát triển mô hình hợp tác xã, nâng cao đời sống đồng bào dân tộc thiểu số

Thứ hai, 12/06/2023

Theo số liệu của Liên minh Hợp tác xã (HTX) Việt Nam, tới cuối năm 2022, vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi có 11.558 HTX, chiếm 42,4% tổng số HTX của cả nước, thu hút hàng triệu lao động. Sự lớn mạnh của các HTX đã và đang góp phần to lớn vào sự phát triển kinh tế cũng như xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi nước ta.

\"\"
Các mô hình HTX giúp đem lại hiệu quả kinh tế cho đồng bào DTTS

 

Nhiều năm qua, Đảng và Nhà nước ta đã có nhiều chủ trương và chính sách nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế, nâng cao đời sống vật chất cũng như tinh thần cho đồng bào DTTS và miền núi. Trong đó, Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021- 2030 đã và đang được triển khai tích cực ở nhiều địa phương và đạt được những thành công đáng kể. Nhiều địa phương đã hình thành được các hợp tác xã  nhằm hỗ trợ đồng bào phát huy các tiềm năng, thế mạnh về sản xuất nông, lâm nghiệp để sản xuất hàng hóa theo chuỗi giá trị.

Các HTX được thành lập với mục tiêu tạo việc làm và nâng cao thu nhập cho đồng bào DTTS và miền núi. Tham gia HTX, các thành viên (chủ yếu là đồng bào DTTS) được hỗ trợ kỹ thuật trồng, chăm sóc cây trồng, vật nuôi, được kết nối tiêu thụ sản phẩm. Nhờ đó đầu ra của toàn bộ sản phẩm thuận lợi, giá bán cao hơn so với thị trường. 

Trên địa bàn tỉnh Sơn La, các HTX đã khẳng định được vai trò, vị trí của mình trong công cuộc phát triển kinh tế nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn. Sự phát triển của mô hình HTX kiểu mới đã khắc phục những tồn tại trong sản xuất nông nghiệp như sản xuất manh mún, nhỏ lẻ. Mặt khác, tỉnh Sơn La đã có nhiều cơ chế, chính sách khuyến khích các doanh nghiệp, hộ nông dân tích cực ứng dụng công nghệ vào các khâu trong quá trình sản xuất, nâng cao giá trị sản phẩm. Từ chủ trương trên, nhiều HTX nông nghiệp kiểu mới với các sản phẩm ứng dụng công nghệ đã được hình thành trên địa bàn huyện, tạo ra sự thay đổi đáng kể trong phương thức sản xuất nông nghiệp tại đây.

Tại huyện Mèo Vạc, tỉnh Hà Giang, trước đây bà con chỉ quen với phương thức sản xuất đơn lẻ, hộ gia đình, ít quan tâm đến khái niệm liên doanh, liên kết trong sản xuất để tạo ra những sản phẩm mang tính hàng hóa. Từ khi có chủ trương phát triển kinh tế tập thể, nhiều HTX kiểu mới được mở rộng đến mọi tầng lớp nhân dân, nhờ đó các mô hình này phát triển cả về chất và lượng. Như HTX Dịch vụ nông nghiệp Tả Lủng tại xã Tả Lủng, được thành lập năm 2016 với tổng vốn ban đầu 550 triệu đồng. Sau khi thành lập, HTX bắt tay vào xây dựng cơ sở hạ tầng gồm khu vực chế biến, chăn nuôi rộng gần 7.000m2 với 24 gian chuồng trại và triển khai chăn nuôi gà, lợn lấy thịt, dê sinh sản... Ngoài chăn nuôi, HTX Dịch vụ nông nghiệp Tả Lủng là cơ sở chính nuôi và thu mua mật ong bạc hà ở huyện Mèo Vạc.

Triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi trên địa bàn tỉnh năm 2023, Liên minh HTX tỉnh Bình Phước đã triển khai hỗ trợ xây dựng 2 mô hình HTX gắn với chuỗi giá trị, bền vững từ đầu vào, sản xuất hữu cơ và tiêu thụ sản phẩm hạt điều tại huyện Bù Đăng, Bù Gia Mập và xây dựng chợ sản phẩm trực tuyến vùng đồng bào DTTS. Để thực hiện có hiệu quả 2 mô hình HTX trên, Liên minh HTX tỉnh đề ra giải pháp phối hợp cùng các đơn vị chuyên môn liên quan từ cấp tỉnh đến địa phương, cử cán bộ chuyên môn hướng dẫn, hoặc hỗ trợ HTX thuê tư vấn lập các kế hoạch, dự án liên kết theo chuỗi giá trị. Tổ chức lớp đào tạo sơ cấp giám đốc HTX theo hình thức tập trung với số lượng 30 người tại thành phố Đồng Xoài; đối tượng tham gia là hội đồng quản trị, ban giám đốc, cán bộ và thành viên các HTX vùng đồng bào DTTS và miền núi. Tạo điều kiện ưu tiên bố trí kinh phí, phê duyệt các kế hoạch, dự án liên kết chuỗi giá trị của 2 HTX thuộc vùng đồng bào DTTS và miền núi, ưu tiên HTX nông nghiệp Bù Gia Mập và HTX nông nghiệp điều hữu cơ Đồng Nai.

\"\"

Đồng bào dân tộc thiểu số có việc làm ổn định tại các hợp tác xã.

Theo thống kê, hiện tỉnh Bạc Liêu có 208 HTX, với 25.859 thành viên, vốn điều lệ 256.054 triệu đồng. Số HTX có thành viên người đồng bào DTTS là 16 HTX; số thành viên người đồng bào DTTS là 633 người. Số HTX có người đồng bào DTTS tham gia bộ máy lãnh đạo, quản lý là 7 HTX. Trong 14 địa bàn xã, phường, thị trấn của tỉnh Bạc Liêu được công nhận là vùng đồng bào DTTS (theo Quyết định 861/QĐ-TTg ngày 04/06/2021 của Thủ tướng Chính phủ) thì có tới 13/14 xã, phường, thị trấn có từ 02-04 HTX hoạt động; đã góp phần không nhỏ trong nâng cao tổ chức sản xuất, phát triển kinh tế hộ thành viên, trong đó có nhiều thành viên là người DTTS.

Điển hình trong số các HTX hoạt động mạnh ở tỉnh Bạc Liêu, HTX nuôi nghêu Đồng Tiến, xã Vĩnh Thịnh, huyện Hòa Bình có 300/540 thành viên là người DTTS làm việc trên bãi nghêu ven biển. Qua một thời gian hoạt động, HTX nuôi nghêu Đồng Tiến đạt được những thành công nhất định, đến nay có người vẫn còn khó khăn, nhưng không có trường hợp nào là hộ nghèo. Được biết, trung bình mỗi lao động là thành viên tham gia thu hoạch nghêu của HTX Đồng Tiến có thu nhập từ 250.000 - 300.000 đồng/ngày. Đặc biệt, vào mùa thu hoạch nghêu cao điểm, thu nhập của lao động tăng lên từ 400.000 - 500.000 đồng/ngày.

Ngoài các hoạt động nuôi nghêu, ốc hương... HTX Đồng Tiến đã mạnh dạn đầu tư xây dựng và đưa vào hoạt động các loại hình dịch vụ, hoạt động trải nghiệm phục vụ du khách, như: trải nghiệm thu hoạch nghêu, cửa hàng phục vụ ăn uống tại chỗ... Đây không chỉ là mô hình phát triển HTX nông nghiệp gắn với du lịch, tăng thu nhập cho các thành viên HTX, mà còn góp phần thay đổi cơ cấu kinh tế từ sản xuất nông nghiệp thuần túy sang kết hợp các hoạt động, loại hình dịch vụ du lịch sinh thái nông thôn, tạo việc làm cho lao động của địa phương và giới thiệu, quảng bá đến bạn bè trong và ngoài tỉnh biết đến sản vật mà thiên nhiên ban tặng cho tỉnh Bạc Liêu.

Theo Báo Mặt trận