Tháo gỡ ‘điểm nghẽn’ cho các HTX chăn nuôi ứng dụng công nghệ cao
Các HTX chăn nuôi ở Hà Nội được đánh giá là tiên phong trong việc áp dụng công nghệ vào quy trình sản xuất, chăn nuôi. Tuy nhiên, để các HTX này phát triển bền vững thì việc tháo gỡ khó khăn về vốn, quỹ đất sản xuất… đang được xem là vấn đề ưu tiên trong giai đoạn hiện nay.
HTX Nông trại xanh và phát triển bò Ba Vì được đánh giá là một trong những HTX đi đầu trong việc ứng dụng kỹ thuật công nghệ hiện đại trong chăn nuôi bò, các sản phẩm từ sữa của HTX luôn đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, đạt tiêu chuẩn chất lượng.
Theo Giám đốc HTX Nông trại xanh Ba Vì - Tạ Việt Hùng, bò của HTX được theo dõi sức khỏe trên theo hệ thống vi tính hóa, kiểm soát tình trạng sức khỏe. Sữa được vắt bằng hệ thống tự động giúp đảm bảo vệ sinh dòng sữa và đo lường giá trị dinh dưỡng, vi lượng trong sữa, có hệ thống thư giãn 24/24h, được nghe nhạc... Sản phẩm phối trộn thức ăn cho bò sữa có nhiều tác dụng đó là bò tiêu hóa tốt, giảm mùi trong chuồng nuôi, giảm tế bào gây bệnh viêm vú.
Điều làm nên khác biệt các sản phẩm sữa của HTX không chỉ là việc có nguồn giống bò tốt, bò được chăm sóc tốt, theo đúng quy trình, khi sữa được vắt ra được bảo quản ngay từ khi dòng sữa từ vú bò ra. Sữa vắt ra khỏi cơ thể bò được đưa vào bồn trung chuyển và được lọc sữa, sau đó chuyển vào làm lạnh, thời gian là 5 phút.
Tuy vậy, ông Hùng cho biết, HTX đang phải đối mặt với tình trạng đô thị hóa, do tốc độ đô thị hóa nhanh, nên diện tích đất sử dụng để trồng cỏ cho bò đang dần bị thu hẹp dẫn tới nguồn thức ăn thô xanh phục vụ chăn nuôi bò còn hạn chế, thiếu hụt.
“Đầu tư cho sản xuất chăn nuôi bò sữa thu hồi vốn dài, nhiều rủi ro về thiên tai, thời tiết, trong khi đó chính sách về tập trung, tích tụ ruộng đất còn là 'nút thắt' chưa được tháo gỡ nên nhà đầu tư còn ngần ngại”, ông Hùng nói.
Giống như HTX Nông trại xanh và phát triển bò Ba Vì, HTX chăn nuôi Hoàng Long (thôn Chi Lễ, xã Tân Ước, huyện Thanh Oai) được đánh giá là HTX tiêu biểu, đi đầu trong công cuộc chạy đua “chăn nuôi công nghệ cao” của Hà Nội, nhờ tiêu chuẩn OCOP.
Giám đốc HTX Hoàng Long - Nguyễn Trọng Long cho biết, khu chuồng nuôi lợn thịt của HTX luôn được bảo đảm vệ sinh, từ máng ăn đến không gian chuồng trại… HTX còn trang bị máy ozon sát trùng hiện đại, để bảo đảm được khâu phòng bệnh tốt. Riêng khu chăm sóc lợn con sau khi được cai sữa, nằm trên tầng 3 sạch sẽ, được lắp các bóng đèn công nghệ cao, vừa để dùng sưởi ấm vừa sát trùng cho lợn giống.
Hệ thống chuồng trại chăn nuôi luôn có quạt thông, hút gió, bảo đảm nhiệt độ, độ ẩm phù hợp, được vệ sinh sạch sẽ. Quy trình giết mổ, sơ chế, chế biến, đóng gói của hợp tác xã được thực hiện bảo đảm yêu cầu an toàn vệ sinh thú y, vệ sinh an toàn thực phẩm.
Chia sẻ với VnBusiness, ông Nguyễn Trọng Long cho biết, HTX đang gặp nhiều khó khăn trong việc mở rộng quy mô sản xuất. Đặc biệt là thiếu vốn để đầu tư con giống có năng suất, chất lượng cao, đầu tư công nghệ cao... "Cơ sở hạ tầng, đường giao thông, điện cũng chưa hoàn thiện. Đến nay khu chăn nuôi chưa có trạm biến áp riêng phải nhờ điện trạm bơm, ngày nắng nóng thường xuyên bị mất điện từ 15 – 20 lần”, ông Long nói.
Các HTX ở Hà Nội đang ngày càng ứng dụng nhiều công nghệ cao vào sản xuất. Tuy nhiên, số lượng HTX đầu tư công nghệ vào chăn nuôi như hai HTX Hoàng Long và HTX Nông trại xanh và phát triển bò Ba Vì không nhiều, đa số các HTX còn gặp khó khăn về nguồn vốn và đất sản xuất nên chưa mạnh dạn đầu tư.
Theo tìm hiểu, tình cảnh chung là đa số các HTX có ít nguồn vốn để hoạt động, trang thiết bị lạc hậu, quy mô sản xuất nhỏ, chưa xây dựng được chuỗi liên kết, sức cạnh tranh kém. Khả năng huy động vốn của các thành viên rất hạn chế, khó vay vốn từ ngân hàng.
Mặc dù, Chính phủ đã có nhiều chính sách hỗ trợ về tín dụng cho các HTX trong đó có HTX chăn nuôi, nhưng trong thực tế, các ngân hàng thương mại lại đòi hỏi rất nhiều thủ tục ngặt nghèo nên các HTX gần như không thể tiếp cận.
Theo Chủ tịch Hội Chăn nuôi Việt Nam Nguyễn Xuân Dương, không gian chăn nuôi ngày càng bị thu hẹp, trong đó Hà Nội có mật độ chăn nuôi cao nhất cả nước; tiếp đến là chi phí sản xuất tăng, không chủ động được nguyên liệu sản xuất thức ăn chăn nuôi; đầu ra sản phẩm đang chịu áp lực từ sản phẩm nhập khẩu…
Đáng nói, theo quy định của Luật Chăn nuôi, đến ngày 1/1/2025 các cơ sở chăn nuôi trong khu vực không được phép chăn nuôi của thành phố, thị xã, thị trấn, khu dân cư sẽ phải di dời. Trong bối cảnh hiện nay, không ít trang trại chăn nuôi của HTX ở Hà Nội sẽ phải di dời ra khỏi các khu dân cư. Nhưng, việc chuyển trang trại, cơ sở chăn nuôi là không hề đơn giản đối với các họ vì liên quan đến nhiều yếu tố chủ quan và khách quan.
Ông Trần Văn Chiến - Giám đốc HTX Chăn nuôi và Dịch vụ Cổ Đông (Hà Nội) cho biết, để tránh ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân, ngay từ khi đi vào chăn nuôi theo quy mô lớn, HTX đã chủ động khai hoang khu đất ở xa khu dân cư và được cấp phép.
Nhưng khó khăn đặt ra là khi có cơ sở hạ tầng như đường sá hoàn thiện, không ít người dân lại đến sinh sống tập trung gần cơ sở chăn nuôi. Lúc này lại xảy ra tình trạng người dân không thoải mái với vấn đề về môi trường của trang trại chăn nuôi nên có ý kiến yêu cầu HTX phải chuyển trang trại.
Nhìn rõ vấn đề đất đai của các HTX ngày càng thu hẹp do đô thị hóa, cuối năm ngoái, để quy hoạch ngành chăn nuôi phát triển bền vững, đặc biệt là ổn định về quỹ đất sản xuất, kinh doanh, TP. Hà Nội đã ban hành Kế hoạch số 275/KH-UBND về Chiến lược phát triển chăn nuôi giai đoạn 2022-2030, tầm nhìn 2045 trên địa bàn thành phố Hà Nội.
Phấn đấu đến năm 2025, chấm dứt hoàn toàn hoạt động chăn nuôi nằm trong khu vực không được phép; giảm dưới 40% tỷ lệ chăn nuôi trong khu dân cư, dịch chuyển chăn nuôi gia súc lớn phát triển theo hướng trang trại xa khu dân cư bảo đảm an toàn dịch bệnh, vệ sinh môi trường, nâng cao tỷ trọng sản phẩm chăn nuôi sản xuất trong trang trại; tiếp tục xác định sản phẩm chăn nuôi chủ lực của Hà Nội là trung tâm sản xuất con giống, chăn nuôi hữu cơ, an toàn sinh học.
Thúc đẩy hoạt động kết nối, tiêu thụ sản phẩm chăn nuôi trên địa bàn Thành phố và các tỉnh trên cả nước. Xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu sản phẩm chăn nuôi, đặc biệt là các sản phẩm đặc thù vùng miền có giá trị dinh dưỡng cao, an toàn thực phẩm được người tiêu dùng ưa chuộng…
Ông Nguyễn Xuân Dương nói rằng, Hà Nội có đủ điều kiện để tháo gỡ những khó khăn cho ngành chăn nuôi nói chung và các HTX chăn nuôi nói riêng thông qua việc đẩy mạnh hợp tác công - tư. Bởi, nói như ông thì “đây là trung tâm của cả nước, có đầy đủ nhân lực, vật lực, dân trí, khát vọng, các tổng công ty, viện, trường… ".
Do đó, để khuyến khích DN, HTX tham gia vào các chuỗi giá trị, ông Dương đề xuất những chính sách hỗ trợ không đưa trực tiếp cho người chăn nuôi mà cần thông qua các HTX, DN.
Để tiết kiệm quỹ đất cho các HTX chăn nuôi, ông Nguyễn Trọng Long kiến nghị, cần có chính sách khuyến khích làm nhà tầng để tối giản diện tích chăn nuôi. "Tiêu chuẩn đưa ra đối với xử lý môi trường chăn nuôi đang quá cao. So với giá thành sản phẩm chăn nuôi thời điểm này, nếu áp dụng đúng quy trình thì người chăn nuôi sẽ bị thua lỗ. Vì vậy, các cơ quan quản lý Nhà nước nên hạ bớt tiêu chí, tạo điều kiện cho người chăn nuôi sản xuất", ông Long kiến nghị.
Theo VN Business