HTX muốn 'vượt rào', sản xuất phải tuân theo tín hiệu thị trường

lmhtx.khanhhoa.gov.vn ── [ In trang Thứ năm, 21/11/2024 ]

Những thay đổi, bất ổn trong chính sách nhập khẩu nông sản của các nước đang tác động tới việc xuất khẩu của HTX, doanh nghiệp. Tuy nhiên nếu có ý thức và chủ động sản xuất, HTX sẽ hạn chế được những bất lợi của thị trường.

Đầu tuần này, thị trường EU nới lỏng quy định an toàn thực phẩm đối với mì ăn liền, bún, miến… Việt Nam nhưng vẫn giữ nguyên tần suất kiểm tra 50% tại cửa khẩu đối với sản phẩm ớt chuông, đậu bắp… cho thấy, những khó khăn trong sản xuất để đáp ứng các tiêu chuẩn xuất khẩu của người dân, HTX, doanh nghiệp vẫn còn.

\'Nốt trầm\' trong xuất khẩu

Chia sẻ về vấn đề này, bà Nguyễn Thị Tân Lộc (Trưởng bộ môn Kinh tế Thị trường, Viện Nghiên cứu Rau Củ Quả), cho rằng việc HTX, doanh nghiệp tìm được thị trường để xuất khẩu đã khó, đáp ứng được tiêu chuẩn của các thị trường xuất khẩu còn khó hơn vì mỗi thị trường đòi hỏi những yêu cầu khác nhau.

Chẳng hạn như EU có tính mở khi cho tất cả các sản phẩm rau quả Việt Nam vào mà không cần đàm phán. Nhưng điểm lưu ý chính là thị trường này lại đề ra hàng loạt các tiêu chí kiểm định nghiêm ngặt, nên nếu nông sản xuất khẩu sang đây vi phạm tiêu chí kiểm định sẽ bị cho vào danh sách đen.

Còn đối với thị trường Mỹ, Việt Nam phải mất nhiều năm trời đàm phán mới được đồng ý xuất sang một số nông sản. Các tiêu chí để xuất khẩu sang đây cũng rất rõ ràng như trọng lượng, màu sắc sản phẩm, đạt tiêu chuẩn mã số vùng trồng, có cơ sở xử lý chiếu xạ được Mỹ phê duyệt…

Còn thị trường UAE, tuy được đánh giá là tiềm năng vì có nhu cầu tiêu thụ nhiều nông sản là thế mạnh của Việt Nam nhưng đây cũng là thị trường xuất khẩu của nhiều nước khác nên tính cạnh tranh về chất lượng, bao bì, giá cả trong xuất khẩu rất cao. Hay như thị trường Trung Quốc, vốn có lợi thế về vị trí địa lý những hiện nay cũng đã có những yêu cầu rõ ràng về mã số vùng trồng, cơ sở sơ chế, đóng gói…

Một điều có thể nhận thấy là các thị trường này hiện nay không chỉ ngày càng nghiêm ngặt về các tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm, mà tần suất thay đổi các quy định, tiêu chuẩn cũng ngày càng cao. Ngay như thị trường Canada trong tháng 5 vừa qua đã có hàng loạt các thông báo liên quan đến giới hạn dư lượng tối đa đối với các chất natri acifluorfen, fludioxonil, sedaxane… đối với cả nông sản thô và chế biến. Hàn Quốc, Hoa Kỳ, Anh, Nhật Bản, Australia, Brazil… trong tháng 5 cũng có những thông báo mới quy định về giới hạn dư lượng các chất có trong thực phẩm chế biến, nông sản nhập khẩu từ các nước nói chung, trong đó có Việt Nam.

\"-1295-1686824048.jpg\"

Ớt chuông vẫn bị EU kiểm tra 50% tại cửa khẩu nên HTX, doanh nghiệp cần cẩn trọng trong sản xuất.

Việc các thị trường xuất khẩu đưa ra và thay đổi ngày càng nhiều quy định về chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm, quy cách bao bì… cho thấy, các nước này rất quan tâm đến vấn đề bảo vệ sức khỏe người dân trong nước. Đồng thời cũng là “quy tắc ngầm” nhằm hạn chế nhập khẩu nông sản từ các nước khác, trong đó có Việt Nam, nhằm thúc đẩy hoạt động sản xuất trong nước.

Chính vì vậy mà xuất khẩu nông sản sang các thị trường này vẫn còn nhỏ giọt. Như đối với quả vải thiều được đánh giá là tiềm năng khi xuất khẩu sang Mỹ, Anh, EU… nhưng đến nay, sản lượng vải xuất khẩu đến các thị trường này vẫn chưa nhiều. Thực chất, xuất sang đây vẫn chỉ phục vụ người tiêu dùng gốc Á và cộng đồng người Việt ở nước ngoài.

Ông Nguyễn Quang Vinh, Giám đốc HTX Ngọc Hoàng (Sơn La) cho biết, ý thức sản xuất và tuân thủ các tiêu chuẩn sản xuất của người dân chưa cao, cộng với sơ chế, đóng gói hạn chế, chưa theo quy trình khiến HTX vẫn đang gặp khó trong mở rộng thị trường xuất khẩu.

Chủ động trước thay đổi của thị trường

Theo các chuyên gia, một khi đã xác định sản xuất để xuất khẩu thì HTX, doanh nghiệp không nên coi các quy định kỹ thuật từ các thị trường là rào cản mà nên xem đó là cơ hội để hoàn thiện và nâng cao chất lượng sản phẩm.

Chẳng hạn, mỗi thị trường có thể yêu cầu HTX, doanh nghiệp phải có một chứng nhận khác nhau như chứng nhận hữu cơ Mỹ, GlobalGAP, hữu cơ EU… thì cũng cần hiểu rằng nền tảng chung của các chứng nhận này là bảo đảm các quy định về an toàn vệ sinh thực phẩm. Ngay như chứng nhận HACCP, nếu các HTX đã sản xuất và đạt được các chứng nhận VietGAP, hữu cơ cũng rất dễ đạt được chứng nhận HACCP vì chúng vốn có nhiều điểm tương đồng, HTX chỉ cần đầu tư, hoàn thiện một số quy định khác sẽ đáp ứng tiêu chuẩn xuất khẩu.

Tuy nhiên điều đáng lo ngại hiện nay là thành viên HTX, người dân tuy có kinh nghiệm trong sản xuất nhưng lại yếu về thị trường, kiến thức khoa học và khó trong các khâu sau thu hoạch. Điều này sẽ đẩy chi phí sản xuất, xuất khẩu của HTX lên và giảm tính cạnh tranh của sản phẩm.

Ông Lê Vũ Đông Mộc, giám đốc một doanh nghiệp chứng nhận xuất xứ nông sản, cho biết dù mì, miến Việt Nam đã đực EU nới lỏng kiểm soát nhưng các HTX, doanh nghiệp trong quá trình sản xuất cũng phải nhìn nhận rằng, đối với chất Ethylene oxide (EO) nếu ở thị trường trong nước, việc sử dụng một hàm lượng nhỏ có lẽ không vi phạm về an toàn vệ sinh thực phẩm. Tuy nhiên, khi sang các nước tiên tiến, họ yêu cầu phải cắt giảm tuyệt đối, thậm chí gần như về 0. Nên nếu HTX, doanh nghiệp không có những điều chỉnh phù hợp thì chắc chắn sẽ bị vi phạm.

Đặc biệt hiện nay, nhiều HTX, doanh nghiệp nhỏ do không nắm chắc các điều kiện xuất khẩu, sự thay đổi của thị trường nên dễ mắc các lỗi về vệ sinh an toàn thực phẩm, bao bì, sở hữu trí tuệ, từ đó gây rủi ro về mất bản quyền, nhái sản phẩm, bị cấm hoặc hạn chế xuất khẩu... từ đó gây mệt mỏi, chán nản trong sản xuất. Thậm chí, HTX, doanh nghiệp càng đấu tranh càng thiệt thòi vì bất lợi nhiều mặt.

Chính vì vậy, để có thể xuất khẩu dài hơi với số lượng lớn, cần xây dựng được niềm tin cho đối tác. Để làm được điều đó, HTX, DN phải đăng ký và duy trì các chứng nhận an toàn thực phẩm, có công bố sản phẩm để tự chịu trách nhiệm. Các quy trình sản xuất cũng phải đưa đi kiểm nghiệm thường xuyên để nếu các nước có thay đổi cũng dễ dàng ứng phó.

Theo VN Buisness