Luật HTX 2023: Động lực mới cho kinh tế tập thể, HTX phát triển
Việc Quốc hội chính thức thông qua Luật HTX (sửa đổi) được kỳ vọng sẽ tạo cơ hội cho khu vực kinh tế tập thể, HTX phát triển, thích ứng với nền kinh tế thị trường khi từng bước loại bỏ được những trở ngại kìm hãm sự phát triển của HTX.
Luật HTX được Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV có 12 chương, 115 điều. Một trong những điểm mới, nổi bật của Luật HTX (sửa đổi) là đã thể chế hóa nội dung 8 chính sách tại Nghị quyết số 20-NQ/TW.
Hành lang pháp lý thông thoáng
Bà Lưu Thị Hòa, Giám đốc HTX Nông lâm nghiệp và dịch vụ thương mại tổng hợp Po Mỷ (Hà Giang), cho biết, Điều 18 Luật HTX (sửa đổi) quy định một trong các tiêu chí để được xem xét thụ hưởng chính sách của Nhà nước, trong đó có ưu tiên tổ hợp tác, HTX có phụ nữ làm quản lý, có nhiều thành viên là nữ hoặc sử dụng nhiều lao động nữ hơn; hoạt động tại địa bàn kinh tế - xã hội khó khăn… Đây có lẽ sẽ là điểm thuận lợi để HTX Po Mỷ cũng như các HTX do phụ nữ làm chủ khác tiếp cận các chính sách hỗ trợ để mở rộng và phát triển theo đúng bản chất, hướng đến các lợi ích của cộng đồng.
Trong khi đó, ông Nguyễn Trung Điện, Giám đốc HTX Dịch vụ tổng hợp và sản xuất nông nghiệp Lúa Vàng (Bắc Giang) chia sẻ, một trong những điểm cố hữu nhiều năm nay với HTX là gặp rất nhiều khó khăn trong việc thuê đất, tiếp cận nguồn đất hỗ trợ cho khu vực HTX. Địa phương cũng khó hỗ trợ đất đai cho HTX phát triển sản xuất vì lý do quỹ đất tại địa phương có hạn.
Đáng mừng là Luật HTX (sửa đổi) vừa được Quốc hội thông qua đã quy định cụ thể: chính quyền địa phương ưu tiên bố trí quỹ đất cho tổ hợp tác, HTX, liên hiệp HTX thuê; ưu đãi hợp lý về giá và thời gian cho thuê đất đối với tổ hợp tác, HTX, liên hiệp HTX chưa được hỗ trợ thuê đất theo quy định của pháp luật về đất đai và pháp luật có liên quan… sẽ tháo gỡ được khó khăn về đất đai cho HTX.
“Mong các địa phương sẽ nhanh chóng áp dụng và thực hiện những quy định này để HTX có điều kiện thuận lợi phát triển sản xuất”, ông Điện bày tỏ.
Ngoài ra, các chính sách hỗ trợ đều quy định ưu tiên tiếp cận chính sách hỗ trợ với những HTX tham gia liên kết hình thành chuỗi giá trị, cụm liên kết ngành, gắn với kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế tri thức, nông nghiệp hữu cơ, thích ứng biến đổi khí hậu, chuyển đổi số vì mục tiêu phát triển bền vững… Những chính sách này sẽ giúp nhiều HTX bứt phá để khẳng định giá trị của mô hình HTX trong nền kinh tế thị trường.
Làm rõ về chuyển nhượng vốn
Một điểm được Luật HTX (sửa đổi) quy định là không chuyển nhượng phần vốn góp của thành viên HTX, liên hiệp HTX.
Trước khi bấm nút thông qua Luật HTX (sửa đổi), vấn đề chuyển nhượng vốn vẫn giữ ở hai phương án Phương án 1 là chuyển nhượng phần vốn góp cả trong nội bộ thành viên hiện hữu và cho các cá nhân, tổ chức chưa phải là thành viên. Phương án 2 là giữ quy định như Luật hiện hành, tức là không quy định về chuyển nhượng phần vốn góp của thành viên HTX, liên hiệp HTX mà chỉ quy định về trả lại phần vốn góp khi chấm dứt tư cách thành viên, rời khỏi HTX, liên hiệp HTX.
Chia sẻ về việc Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất lựa chọn phương án 2 sau khi lấy ý kiến của đại biểu Quốc hội, ông Nguyễn Thành Nam, Phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn Đại biểu Quốc hội Phú Thọ cho biết, thành viên tham gia HTX hiện nay không chỉ chỉ góp vốn mà còn góp công, góp trí tuệ, góp đất…, nên việc lựa chọn phương án 2 là hợp lý, bảo đảm bản chất của mô hình HTX.
Nhiều HTX đang kỳ vọng vào Luật HTX (sửa đổi) khi đi vào thực tiễn. |
PGS TS Chu Tiến Quang, nguyên Trưởng Ban Chính sách phát triển (Bộ NN&PTNT) cho rằng, muốn hiểu rõ về điều này cần phải hiểu vốn góp trong HTX là gì?
Theo PGS TS Chu Tiến Quang, nếu vốn góp vào công ty, nguồn vốn này có thể thay đổi theo thời gian, theo lãi suất ngân hàng thì vốn góp trong HTX lại không như vậy. Chẳng hạn, thành viên góp 1 triệu đồng vào năm A. thì đến năm X., số tiền vốn góp ấy vẫn nguyên từng đấy đồng, không thay đổi. Vì vậy, nếu chọn phương án 1 là chuyển nhượng ra bên ngoài thì có thể sẽ tạo sức ép cho HTX trong kết nạp những đối tượng sau khi nhận chuyển nhượng vào HTX, từ đó gây khó khăn cho HTX, nhất là những HTX mới thành lập, chưa có sự am hiểu sâu về các quy định pháp luật.
Việc Quốc hội lựa chọn phương án 2 sau khi lấy ý kiến đại biểu Quốc hội là muốn hạn chế sự phức tạp, khó khăn cho HTX trong quá trình hoạt động. Tuy nhiên, điều PGS TS Chu Tiến Quang băn khoăn là nếu có thêm những quy định tách bạch việc chuyển vốn góp cho thành viên, cá nhân bên ngoài với việc kết nạp thành viên HTX, liên hiệp HTX sẽ tạo điều kiện thuận lợi hơn cho HTX và thể hiện được tính dân chủ của mô hình HTX.
Vì nếu chuyển vốn ra ngoài rồi lại chuyển vào trong HTX, liên hiệp HTX dù có giúp HTX tăng thành viên nhưng thực chất, nguồn vốn góp của HTX không tăng lên mà gây khó khăn cho HTX. Trong khi đa số thành viên, những người quản lý HTX hiện nay là nông dân.
Có thể thấy, Luật HTX (sửa đổi) được Quốc hội thông qua đã phần nào tháo gỡ được những khó khăn cho các HTX trong quá trình hoạt động, phát triển, nhất là tiếp cận chính sách hỗ trợ của Nhà nước. Đồng thời, Luật cũng làm sáng tỏ nhiều vấn đề, trong đó khẳng định bản chất, giá trị khu vực kinh tế tập thể, nòng cốt là HTX trong nền kinh tế thị trường.
Theo các chuyên gia, ở các vùng nông thôn hiện nay, phúc lợi mang lại cho nông dân chưa lớn nếu họ chỉ làm ăn đơn lẻ. Chỉ khi tham gia HTX thì đó mới là con đường để nông dân giảm nghèo, nâng cao thu nhập. Như vậy, muốn phát triển nông nghiệp cần phát triển HTX, phát triển thực hành nông nghiệp tốt (GAP). Và muốn phát triển HTX thì cần có hành lang pháp lý thông thoáng, phù hợp với sự phát triển của mô hình HTX trong nền kinh tế hiện đại.
Chính vì vậy, thay vì những chính sách tập trung vào hỗ trợ doanh nghiệp mà bỏ quên HTX hoặc đã có chính sách hỗ trợ được quy định trong Luật HTX 2012 nhưng khó đi vào thực tiễn, thì nay trong Luật HTX (sửa đổi), các điều kiện ràng buộc để HTX được tiếp cận chính sách hỗ trợ đã được rút ngắn và nới lỏng hoặc cụ thể hơn.
Chẳng hạn như khoản 4 Điều 26 đã được chỉnh lý nhằm tạo thuận lợi cho HTX tiếp cận nguồn kinh phí đầu tư, xây dựng kết cấu hạ tầng gắn với việc hình thành chuỗi sản xuất, cung cấp dịch vụ chế biến và tiêu thụ sản phẩm của tổ hợp tác, HTX, liên hiệp HTX. Hay Luật HTX (sửa đổi) cũng đã không giới hạn về đối tượng được xem xét thụ hưởng chính sách mà chỉ đặt ra những yêu cầu cơ bản cần đáp ứng để phản ánh đúng bản chất, tôn chỉ, mục đích phát triển đối với khu vực kinh tế tập thể (Điều 18). Như vậy, tất cả các loại hình trong khu vực kinh tế tập thể như tổ hợp tác, HTX, liên hiệp HTX đều có cơ hội phát triển.
Đặc biệt, trong một thời gian dài, nhiều HTX đã rơi vào cảnh thiếu vốn, khó tiếp cận chính sách hỗ trợ, khó tiếp cận đất đai, khoa học công nghệ, thì khi Luật HTX (sửa đổi) đi vào thực tiễn sẽ tạo điều kiện thuận lợi để các tổ chức kinh tế hợp tác phát triển năng động, hiệu quả, bền vững, thực sự là thành phần quan trọng trong nền kinh tế với nhiều mô hình liên kết, hợp tác trên cơ sở tôn trọng bản chất HTX.
Đây cũng là điều kiện để khu vực kinh tế tập thể hoàn thành mục tiêu của Nghị quyết số 20/NQ-TW là đến năm 2030 sẽ có khoảng 140.000 tổ hợp tác với 2 triệu thành viên; 45.000 HTX với 8 triệu thành viên; 340 liên hiệp HTX với 1.700 HTX thành viên. Và việc Luật HTX (sửa đổi) dành hẳn một chương để quy định về tổ hợp tác cũng đã nói lên điều này.
Theo VN Business