Bảo đảm môi trường đầu tư kinh doanh bình đẳng giữa tổ hợp tác, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã với các loại hình doanh nghiệp và tổ chức kinh tế khác
Tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV, sáng 20/6, tại Nhà Quốc hội, các đại biểu đã biểu quyết thông qua Luật Hợp tác xã (sửa đổi) với 466/472 phiếu tán thành (tương đương 94,33% tổng số đại biểu Quốc hội).
Luật hợp tác xã (sửa đổi) gồm 12 chương với 115 điều, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/ 2024.
Luật này quy định về thành lập, tổ chức quản lý, tổ chức lại, giải thể, phá sản và hoạt động có liên quan của tổ hợp tác, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã; chính sách của Nhà nước về phát triển tổ hợp tác, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã.
Về áp dụng Luật Hợp tác xã và luật khác, trường hợp luật khác có quy định đặc thù về thành lập, tổ chức quản lý, tổ chức lại, giải thể, phá sản và hoạt động có liên quan của tổ hợp tác, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã thì áp dụng theo quy định của luật đó.
Nhà nước công nhận và bảo hộ quyền sở hữu tài sản, vốn, thu nhập, quyền và lợi ích hợp pháp khác của tổ hợp tác, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã và thành viên. Nhà nước trưng mua hoặc trưng dụng tài sản của tổ hợp tác, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã theo quy định của pháp luật về trưng mua, trưng dụng tài sản. Bảo đảm môi trường đầu tư kinh doanh bình đẳng giữa tổ hợp tác, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã với các loại hình doanh nghiệp và tổ chức kinh tế khác. Bảo đảm quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm trong tổ chức, hoạt động, sản xuất, kinh doanh và không can thiệp vào hoạt động hợp pháp của tổ hợp tác, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã.
Hành vi bị nghiêm cấm liên quan đến tổ hợp tác, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã, đối với cơ quan quản lý nhà nước gồm: Cấp giấy chứng nhận đăng ký hợp tác xã, giấy chứng nhận đăng ký tổ hợp tác trong trường hợp không đủ điều kiện; từ chối cấp giấy chứng nhận đăng ký hợp tác xã, giấy chứng nhận đăng ký tổ hợp tác trong trường hợp đủ điều kiện theo quy định của Luật này; cản trở việc thực hiện các quyền, nghĩa vụ hợp pháp của tổ hợp tác, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã, thành viên theo quy định của Luật này; hỗ trợ, ưu đãi không đúng nguyên tắc, đối tượng, thẩm quyền, nội dung, trình tự, thủ tục theo quy định của pháp luật; lợi dụng quyền hạn để làm trái với các quy định của pháp luật về hỗ trợ, ưu đãi; gây chậm trễ, phiền hà, cản trở, sách nhiễu tổ hợp tác, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã, tổ chức, cá nhân có liên quan trong đăng ký, hoạt động và thực hiện hỗ trợ tổ hợp tác, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã…
Hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã được xem xét thụ hưởng chính sách khi đáp ứng các tiêu chí: Không trong thời gian thi hành quyết định xử lý vi phạm hành chính do vi phạm các hành vi bị nghiêm cấm quy định tại khoản 2 Điều 7 của Luật này; không trong thời gian chấp hành bản án hình sự của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật. Phát triển thành viên hoặc tăng tỷ lệ giá trị giao dịch nội bộ hoặc phát triển quỹ chung không chia, tài sản chung không chia hoặc thực hiện giáo dục, đào tạo, tập huấn, phổ biến, bồi dưỡng cho thành viên, người lao động hoặc mới thành lập tại địa bàn kinh tế - xã hội khó khăn, đặc biệt khó khăn theo quy định của pháp luật; có báo cáo kiểm toán trong trường hợp nội dung chính sách có yêu cầu.
Tổ hợp tác được xem xét thụ hưởng chính sách khi đáp ứng các tiêu chí: Có giấy chứng nhận đăng ký tổ hợp tác; không trong thời gian thi hành quyết định xử lý vi phạm hành chính do vi phạm các hành vi bị nghiêm cấm quy định tại khoản 2 Điều 7 của Luật này; phát triển thành viên hoặc thực hiện giáo dục, đào tạo, tập huấn, phổ biến, bồi dưỡng cho thành viên, người lao động hoặc mới thành lập tại địa bàn kinh tế - xã hội khó khăn, đặc biệt khó khăn theo quy định của pháp luật.
Trường hợp nhiều hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã cùng đáp ứng quy định tại khoản 1 Điều này, nhiều tổ hợp tác cùng đáp ứng quy định tại khoản 2 Điều này thì ưu tiên lựa chọn tổ hợp tác, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã theo các tiêu chí: Có lượng thành viên nhiều hơn; số lượng thành viên là người khuyết tật, đồng bào dân tộc thiểu số nhiều hơn; số lượng thành viên, người lao động tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc và bảo hiểm xã hội tự nguyện nhiều hơn; có phụ nữ làm quản lý, có nhiều thành viên nữ hoặc sử dụng nhiều lao động nữ hơn; hoạt động tại địa bàn kinh tế - xã hội khó khăn, đặc biệt khó khăn theo quy định của pháp luật; tham gia liên kết hình thành chuỗi giá trị, cụm liên kết ngành, gắn với kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế tri thức, nông nghiệp hữu cơ, thích ứng biến đổi khí hậu, chuyển đổi số vì mục tiêu phát triển bền vững, tổ chức hoặc tham gia các hoạt động lợi ích cộng đồng dân cư.
Về góp vốn điều lệ hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã, phần vốn góp của thành viên chính thức thực hiện theo thỏa thuận và theo quy định của Luật này và Điều lệ về vốn góp tối thiểu và vốn góp tối đa. Vốn góp tối đa không quá 30% vốn điều lệ đối với hợp tác xã và không quá 40% vốn điều lệ đối với liên hiệp hợp tác xã. Tổng phần vốn góp của tất cả thành viên liên kết góp vốn thực hiện theo thỏa thuận và theo quy định của Điều lệ nhưng không quá 30% vốn điều lệ đối với hợp tác xã và không quá 40% vốn điều lệ đối với liên hiệp hợp tác xã.
Tổng phần vốn góp của tất cả thành viên là tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài, cá nhân là nhà đầu tư nước ngoài không quá 30% vốn điều lệ đối với hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã.
Thời hạn, hình thức và mức góp vốn điều lệ của thành viên theo quy định của Điều lệ nhưng thời hạn phải góp đủ vốn chậm nhất là 6 tháng kể từ ngày hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã được cấp Giấy chứng nhận đăng ký hợp tác xã hoặc kể từ ngày được kết nạp, không kể thời gian vận chuyển, nhập khẩu tài sản góp vốn, thực hiện thủ tục hành chính để chuyển quyền sở hữu tài sản (nếu có). Trong thời hạn này, thành viên có các quyền, nghĩa vụ tương ứng với tỷ lệ phần vốn góp đã cam kết.
Thành viên chỉ được góp vốn cho hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã bằng loại tài sản khác với tài sản đã cam kết nếu được sự tán thành của Hội đồng quản trị đối với tổ chức quản trị đầy đủ hoặc Đại hội thành viên đối với tổ chức quản trị rút gọn…