'Nâng trình' nông dân, thành viên HTX trong thời đại số

lmhtx.khanhhoa.gov.vn ── [ In trang Thứ hai, 25/11/2024 ]

Tận dụng môi trường số, nhất là thực hiện các livestream bán nông đặc sản đang cho thấy tính hiệu quả trong quảng bá, tiêu thụ, từ đó hỗ trợ rất tốt đầu ra cho nông dân, HTX và thúc đẩy xây dựng nông thôn mới theo chiều sâu. Tuy nhiên, làm sao để nông dân, HTX có thể trở thành những KOL, những streamer thực sự mới có thể giúp họ chủ động hơn trong chuỗi giá trị và tránh bị phụ thuộc vào thương lái thì vẫn là câu chuyện dài.

Bắc Giang, Thái Nguyên, Sơn La, Lạng Sơn, Bắc Kạn, Đồng Tháp… đang là những địa phương đi đầu khi có những chiến dịch quảng bá, tiêu thụ sản phẩm OCOP thông qua nền tảng số, cụ thể là hình thức livestream. Và đi liền với đó là những con số ấn tượng về kết quả mà những phiên livestream.

Còn trở ngại khi bán đặc sản qua livestream

Tiêu biểu như tại phiên livestream sản phẩm OCOP- Đồng Tháp- Xứ sở Sen hồng diễn ra ngày 9/9 kéo dài 6 tiếng đã thu hút hơn 24 triệu lượt tiếp cận, 563.000 người xem, mang về hơn 556 triệu đồng doanh thu. Hay chỉ trong 4 tiếng đồng hồ trong chương trình \"Về miền nông sản của Sơn La\", 12 phiên livestream đã thu hút hơn 20 triệu lượt tiếp cận, 572.180 lượt vào xem, 5 tấn nhãn Sông Mã cùng 2.350 đơn hàng nông đặc sản được bán, mang về 467 triệu đồng doanh thu.

Có thể thấy, năm nay nhiều địa phương đã chủ động bắt trend livestream, tạo điều kiện cho các chủ thể bán sản phẩm OCOP, nông sản trên nền tảng số, nhờ đó thu hút rất nhiều khách hàng chốt đơn. Chị Nguyễn Thị Minh Thùy, Giám đốc HTX Lục Ngạn Xanh (Bắc Giang), cho biết qua các phiên livestream cho thấy các HTX, nhà phân phối… đã cân đối giá sản phẩm khá tốt để bảo đảm lợi nhuận cho người dân, HTX. Đặc biệt, qua đây có thể thấy marketing qua internet, thương mại điện tử đang trở thành xu hướng phát triển tất yếu mà bất kỳ HTX nào cũng cần hướng đến.

Dù đã nắm bắt được xu thế bán hàng trên thế giới nhưng có thể thấy, bán hàng nông đặc sản thông qua livestream của các HTX mới chỉ ở điểm khởi đầu. Thậm chí, việc đứng ra dẫn dắt livestream hiện chủ yếu do các tik toker, Youtuber, facebooker… được các địa phương mời về hỗ trợ người dân, HTX.

Ths Đỗ Quang Huy, chuyên gia thương mại điện tử, cho biết hình thức livestream bán nông đặc sản ở nước ngoài, đặc biệt là Trung Quốc, Hàn Quốc… đã bùng nổ trong thời gian dài. Còn hiện tại ở Việt Nam, việc livestream bán nông sản, sản phẩm OCOP mới chỉ ở thế khởi động để thử hệ thống vận hành nhằm thúc đẩy du lịch, quảng bá sản phẩm hơn là hiệu quả trực tiếp từ các phiên livestream.

Thực tế qua nhiều phiên livestream bán hàng nông đặc sản của các địa phương trên nền tảng TikTok, có thể thấy vẫn còn tồn tại một số trở ngại. Đây cũng là một trong những nguyên nhân khiến các chủ thể OCOP chưa có thêm động lực để bắt đầu chuyển đổi sang một phương thức bán hàng mới này.

Điều đầu tiên là hình thức thanh toán. Thống kê của Sách trắng thương mại điện tử Việt Nam, cho thấy có đến 88% người mua hàng qua thương mại điện tử chọn thanh toán khi nhận hàng (COD). Nhưng hiện, để bán nông sản, đặc biệt là sản phẩm tươi trên TikTok, hiện TikTok yêu cầu người mua phải thanh toán trước. Bà Tạ Thị Liên, Giám đốc HTX Danofarm (Đắk Nông) cho biết dù sản phẩm HTX sản xuất theo quy trình những tâm lý chung của người tiêu dùng là vẫn sợ hàng đến tay không như ý, không bảo đảm chất lượng. Do đó, nếu phải bắt họ thanh toán tiền trước sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến quyết định mua hàng của nhiều người.

Bên cạnh đó, với các sản phẩm tươi khi bán qua TikTok shop, các chủ thể có thể sử dụng tính năng tự giao của nền tảng bán hàng này để đảm bảo thời gian vận chuyển cũng như chất lượng của sản phẩm. Nhưng muốn được ưu đãi về giá và điều kiện vận chuyển, các đơn vị vận chuyển thường yêu cầu phía người bán phải có sản lượng hàng đủ lớn.

\"-9475-1694599266.jpg\"

Livestream là cách bán hàng và quảng bá nông đặc sản hiệu quả, giúp người dân, HTX mở rộng đầu ra.

Theo nhiều HTX, sản lượng sản xuất và phục vụ bán hàng trực tuyến của họ còn ở mức vừa phải là một hạn chế nhưng đi cùng với đó là thực tế các phiên livestream của chính các HTX đứng ra tổ chức, lượng hàng bán ra chưa quá nhiều. Điều này cho thấy, những HTX có quy mô, năng lực lớn mới bán hàng hiệu quả qua livestream, còn với người dân, HTX quy mô nhỏ thì còn gặp khó khăn, nhất là trong việc tìm kiếm những nhà vận chuyển phù hợp để tối ưu chi phí bán hàng.

Đi liền với đó, cũng giống như bán hàng qua các nền tảng thương mại điện tử, khi livestream, hàng hóa của HTX phải trải qua các bước kiểm định nghiêm ngặt về quy trình, nguồn gốc, giấy chứng nhận nhằm tạo sự khác biệt với những sản phẩm thông thường, bán tràn lan trên mạng. Tuy nhiên, làm sao để các HTX có thể truyền tải được điều này một cách hiệu quả để người tiêu dùng hiểu và lựa chọn nông đặc sản vẫn đang là trở ngại với các HTX.

Để nông dân trở thành KOL thực thụ

Ông Lê Ngọc Trinh, Chủ tịch hội đồng quản trị kiêm Giám đốc HTX Sản xuất và tiêu thụ Dược liệu Yên Sơn (Ninh Bình), cho biết các thành viên HTX cũng tự mày mò làm thương mại điện tử, livestream bán hàng nhưng gặp rất nhiều khó khăn vì chưa thực sự hiểu các nền tảng công nghệ cũng như không có kinh nghiệm, kiến thức chuyên môn.

Theo các chuyên gia, để tận dụng những lợi thế và bắt kịp xu hướng livestream trong quảng bá, bán hàng, từ đó đưa những sản phẩm OCOP vươn xa cần nhìn vào thực tế của người dân, HTX đang gặp phải những khó khăn gì để tháo gỡ cho phù hợp. Đa số thành viên, cán bộ quản lý HTX hiện nay có trình độ công nghệ thông tin hạn chế, do vậy HTX còn gặp nhiều cản trở trong thao tác, thực hiện ứng dụng công nghệ thông tin vào quá trình livestream. Trong khi thực tế hầu hết các HTX đều mong muốn có thể sử dụng hình thức bán hàng này để phát triển sản xuất.

Nhìn ra thế giới có thể thấy, nông dân các nước dù làm nông nghiệp nhưng rất tự tin bán hàng qua mạng, livestream. Hầu hết họ tự tổ chức các livestream bán hàng một cách bài bản mà ít cần sự tham gia của các tik toker, Youtuber, facebooker… Các phiên livestream của họ tuy đơn giản nhưng vẫn kích thích được vị giác và cảm xúc của người mua bởi cách dẫn dắt, giới thiệu sản phẩm một cách hấp dẫn.

Ths Đỗ Quang Huy cho rằng, điều cần làm ở đây chính là làm sao để biến những người nông dân thực thụ thành những KOL, những “streamer chân đất\" để giúp họ chỉ việc chốt đơn qua một chiếc điện thoại.

Muốn vậy, cần hỗ trợ nông dân, thành viên HTX các kỹ thuật livestream và tham gia các lớp đào tạo về marketing… thay vì những lớp đào tạo những nghề làm nông nghiệp truyền thống và đơn điệu như hiện nay. Có như vậy, nông dân, thành viên HTX mới trở thành những nhà sáng tạo nội dung, mới sống khỏe trên chính mảnh đất của mình.

Bởi vì xét cho cùng thì nông dân, thành viên HTX chính là người làm ra sản phẩm nên hơn ai hết, họ chính là người có độ hiểu sâu về sản phẩm. Khi được trang bị thêm những kiến thức về chuyển đổi số, marketing, việc chuyển tải những thông điệp về giá trị lao động, giá trị sản phẩm đến với người tiêu dùng sẽ tốt hơn.

Thống kê cho thấy, tại các địa phương đã có 568 khóa đào tạo, tập huấn được triển khai nhằm giúp 8,4 triệu người dân, thành viên HTX làm quen với hoạt động mua bán online. Tuy nhiên, trong thời đại công nghệ số bùng nổ như hiện nay, nhu cầu ứng dụng công nghệ của các HTX, nông dân còn lớn hơn thế.

Chính vì vậy, để người nông dân, thành viên HTX có thể chủ động tổ chức các livestream và thu hút đông đảo người xem, mua hàng, cần có sự bắt tay của nhiều đơn vị, cơ quan quản lý. Từ đó mới có thể giúp người nông dân sử dụng các ứng dụng, nền tảng trên điện thoại, biết quay video, edit video, nắm được kỹ thuật livestream, đóng gói, giao dịch online... Điều này về xa hơn không phải để nhà nhà, người người đều biết livestream, mà nhằm giúp người nông dân bước lên những nấc thang mới trong cuộc đua của thị trường từ đó mở rộng đầu ra cho nông đặc sản địa phương thay vì mua bán nhỏ lẻ, đầu ra nhỏ giọt như hiện nay.

Theo VN Business