Giảm nghèo bền vững từ đào tạo nghề cho lao động nông thôn

lmhtx.khanhhoa.gov.vn ── [ In trang Thứ hai, 25/11/2024 ]

Đào tạo nghề cho lao động nông thôn được xem là giải pháp quan trọng góp phần kéo giảm tỷ lệ hộ nghèo một cách bền vững và mang lại cơ hội lập nghiệp, tạo dựng cuộc sống ổn định cho người dân. Vì vậy, những năm qua, công tác đào tạo nghề cho người lao động nông thôn luôn được các địa phương quan tâm thực hiện, từ đó góp phần vào mục tiêu xóa đói giảm nghèo.

Trong khu vực KTTT, HTX đào tạo nghề cho lao động nông thôn đã góp phần quan trọng giúp người nghèo có kiến thức, kỹ năng, có tay nghề... từ đó tìm việc làm hoặc tự tạo việc làm, sinh kế ổn định. Đây là yếu tố quan trọng để thành viên HTX thoát nghèo bền vững.

\'Chìa khóa\' giúp giảm nghèo bền vững

Tại tỉnh Thái Bình, công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn được xem như chìa khóa vàng góp phần quan trọng giúp người nghèo có kiến thức, kỹ năng, có tay nghề để có việc làm, tạo sinh kế ổn định.

Thời gian qua, với việc tích cực đào tạo nghề để giải quyết bài toán lao động nông thôn đã giúp tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh Thái Bình giảm nhanh. Trong đó, không thể không nhắc tới vai trò của các HTX.

Nhờ đó, nhiều lao động nông thôn ở nơi đây đã thay đổi trong cách thức sản xuất, trồng trọt và chăn nuôi, biết bố trí cơ cấu cây trồng, con giống phù hợp, đời sống được cải thiện, góp phần vào việc xóa đói, giảm nghèo nhanh, bền vững.

\"-6554-1694570603.jpg\"

Trong khu vực KTTT, HTX đào tạo nghề cho lao động nông thôn đã góp phần quan trọng vào mục tiêu xóa đói, giảm nghèo.

Điển hình là HTX Thủ công mỹ nghệ mây tre đan Thanh Tân ở huyện Kiến Xương. Đây là một trong những HTX điển hình trong công tác dạy nghề, tạo việc làm cho lao động nông thôn.

Bà Nguyễn Thị Doan, Giám đốc HTX cho hay, nhu cầu sử dụng các sản phẩm từ mây, tre ở trong và ngoài nước ngày một tăng nên việc tiêu thụ sản phẩm của HTX cũng thuận lợi hơn.

Hiện, thành viên và người lao động trong HTX có độ tuổi chủ yếu từ 30 - 45, một số phụ nữ lớn tuổi nhưng có kinh nghiệm cũng được nhận vào làm. Lực lượng tham gia sản xuất không chỉ trên địa bàn xã mà còn mở rộng thu hút lao động của các xã khác trong huyện.

Người lao động của HTX Thủ công mỹ nghệ mây tre đan Thanh Tân từ chỗ có thu nhập chỉ từ vài trăm nghìn đồng/tháng, đến nay đã tăng lên 5,5 - 6 triệu đồng/người/tháng. Doanh thu mỗi năm của HTX đạt từ 4 - 5 tỷ đồng, góp phần vào tăng trưởng kinh tế của địa phương, thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững.

Theo đánh giá của Phòng NN&PTNT huyện Kiến Xương, các HTX, tổ hợp tác trên địa bàn huyện đang có những bước tiến vượt bậc, đóng góp tích cực vào công tác dạy nghề, tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho lao động, góp phần vào mục tiêu xóa đói, giảm nghèo của địa phương. Đây là yếu tố quan trọng, là chìa khóa vàng để người nghèo thoát nghèo bền vững

Hiện, huyện Kiến Xương đã có 38% số hộ nghèo thoát nghèo và 53% trở thành hộ khá sau khi được hỗ trợ nghề ngắn hạn; 90% sau học nghề trung cấp, cao đẳng đã có việc làm ổn định, thu nhập tốt.

Tạo nhiều việc làm cho lao động nông thôn

Nhờ tham gia học nghề, chị Lê Thị Bích, ở huyện Kiến Xương, tỉnh Thái Bình, có nguồn thu nhập ổn định hàng ngày và quan trọng là gia đình đã thoát nghèo. Trước đây, gia đình chị là hộ nghèo, mỗi ngày hai vợ chồng đi làm thuê, làm mướn nhưng thu nhập bấp bênh, công việc không được thường xuyên. Chính quyền địa phương gợi ý chị tham gia học nghề đan lục bình, ngoài đi làm thuê, làm mướn, chị tranh thủ thời gian nhận sản phẩm về đan gia công để kiếm thêm thu nhập cho gia đình.

Thấy được nhiều cái lợi của học nghề nên quyết định tham gia. Sau khi hoàn thành khóa học, chị nhận sản phẩm về đan gia công, mới đầu do tay nghề chưa quen, thao tác chưa nhanh nên số lượng thành phẩm ít.

Dần dà, chị thuần thục, đan nhanh hơn, sản phẩm đảm bảo tính thẩm mỹ, thu nhập ổn định hơn. Chị Bích chia sẻ: “Nhờ nghề này tôi có công việc ổn định mỗi ngày. Tùy theo giá cả thị trường từng thời điểm mà thu nhập của tôi dao động từ 3 đến 5 triệu đồng mỗi tháng. Với chị em phụ nữ chúng tôi, nghề này có rất nhiều cái hay và tiện lợi, bởi công việc có quanh năm, thu nhập ổn định, đồng thời làm tại nhà nên có thể trông nom nhà cửa, chăm lo con cái”.

Thoát nghèo, chị Bích còn vay tiền sửa lại căn nhà xuống cấp. Từ ngày có nhà mới, việc làm ổn định, cuộc sống gia đình chị Bích ngày càng được cải thiện.

Tại huyện Vũ Thư, nhiều lao động nơi đây cũng đã đổi đời nhờ được học nghề. Để công tác đào tạo nghề phát huy hiệu quả, ông Trần Xuân Tuyến, Giám đốc HTX mây tre đan xuất khẩu Tiến Tới, xã Vũ Vinh cho biết, hàng năm, HTX tích cực phối hợp với huyện, xã tổ chức các lớp dạy nghề cho người dân trong xã, từ khi thành lập đến nay đã thu hút được hơn 500 người dân tham gia.

Bên cạnh đó, HTX còn thu hút được nhiều lao động các huyện lân cận. Những người tham gia sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ mây tre đan tùy vào tay nghề, số lượng sản phẩm làm được mà có thu nhập ổn định từ 4 – 4,5 triệu đồng/người/tháng. Doanh thu mỗi năm của HTX đạt từ 4 - 5 tỷ đồng, góp phần vào tăng trưởng kinh tế của địa phương. HTX không chỉ giúp có việc làm ngay tại địa phương, tăng nguồn thu nhập phát triển kinh tế mà còn giúp người dân, thành viên HTX không phải đi làm ăn xa, có điều kiện chăm sóc, chăm lo cho cuộc sống gia đình.

\"-8422-1694570603.jpg\"

Đào tạo nghề đã tạo ra nhiều công ăn việc làm, góp phần giảm nghèo bền vững, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân.

Phát huy hiệu quả đã đạt được, thời gian tới, HTX mây tre đan xuất khẩu Tiến Tới tiếp tục mở rộng sản xuất, thành lập thêm các tổ nghề để thu hút người lao động trong và ngoài huyện tham gia sản xuất, từng bước nâng cao thu nhập cho gia đình, cải thiện đời sống, chung sức hoàn thành các mục tiêu phát triển xóa đói, giảm nghèo, phát triển kinh tế tại địa phương.

Đẩy mạnh công tác dạy nghề để xóa nghèo

Trong Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025, nội dung “Phát triển giáo dục nghề nghiệp, việc làm bền vững” được thiết kế thành một dự án riêng, có mục tiêu, lộ trình và các chỉ tiêu cụ thể. Qua đó, hướng tới hỗ trợ đào tạo nghề cho người nghèo, gắn kết chặt chẽ giáo dục nghề nghiệp với tạo việc làm, sinh kế bền vững.

Ông Đào Trọng Độ, Vụ trưởng Vụ Đào tạo thường xuyên, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội) cho biết, trong Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025 được Thủ tướng Chính phủ ban hành đầu năm 2022, nội dung về đào tạo nghề và giải quyết việc làm được thiết kế thành một dự án riêng - dự án số 4 “Phát triển giáo dục nghề nghiệp, việc làm bền vững” - với những mục tiêu, lộ trình và các chỉ tiêu cụ thể.

Nội dung này góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực quốc gia, đồng thời, cùng với nâng cao kỹ năng, năng lực cạnh tranh… sẽ góp phần giải quyết các vấn đề của các vùng, các địa phương và các đối tượng ưu tiên. Chẳng hạn, nếu có chính sách tốt, hỗ trợ người nghèo từ tư vấn hướng nghiệp, tổ chức đào tạo và giải quyết việc làm, sẽ góp phần quan trọng trong giảm nghèo bền vững.

Theo thống kê của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, từ năm 2010 đến nay, đã có trên 10 triệu lao động nông thôn được học nghề; tỷ lệ lao động có việc làm sau đào tạo đạt 89,3%.

Gần 1,2 triệu người đã được tuyển dụng sau học nghề, trên 2,3 triệu lao động sau học nghề tiếp tục làm nghề cũ nhưng năng suất lao động tăng từ 10 - 20%. Gần 150.000 lượt hộ đã thoát nghèo và trên 300.000 hộ có thu nhập cao khi có người tham gia học nghề, có việc làm.

“Công tác đào tạo nghề đã góp phần quan trọng trong việc phát triển các loại hình KTTT, HTX thông qua các hình thức liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị, tạo ra nhiều công ăn việc làm, góp phần giảm nghèo bền vững, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân, góp phần quan trọng trong việc hình thành các hình thức sản xuất - kinh doanh có hiệu quả”, ông Đào Trọng Độ cho hay.

Theo VN Business