Cùng HTX trồng nấm linh chi dưới tán rừng mang lại cơ hội thoát nghèo cho người dân Tuy Đức
Mô hình trồng nấm linh chi dưới tán rừng tự nhiên và tán điều ở huyện Tuy Đức (tỉnh Đắk Nông) với vai trò liên kết, hỗ trợ của HTX nông lâm nghiệp vi sinh VOS Đắk Nông đang cho thấy tính hiệu quả cao, phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng cũng như tập quán canh tác tại địa phương. Qua đó có thể kỳ vọng sẽ mang lại cơ hội cho người dân, bà con dân tộc thiểu số ở vùng biên giới này thoát nghèo bền vững.
Tuy Đức là huyện biên giới có diện tích rừng hơn 54 ngàn ha, độ che phủ khoảng 48%. Ngoài những lợi ích mà nguồn lợi rừng mang lại trong phát triển kinh tế- xã hội thì việc triển khai mô hình trồng nấm linh chi đỏ dưới tán rừng tự nhiên và dưới tán rừng trồng (cụ thể là dưới tán điều và một số loại cây ăn trái khác) bước đầu mang lại thu nhập ổn định cho người dân địa phương.
Dễ trồng, dễ chăm sóc
Là người con của núi rừng Tây Nguyên, người đồng bào M’Nông bản địa, đã từng đi, gặp và thấy nhiều loại nấm khác nhau, trong đó có nấm linh chi mọc trên những loại cây rừng khác nhau nhưng anh Điểu Vinh - ở buôn Bu Nơr thuộc xã Quảng Tâm (huyện Tuy Đức) lại chưa bao giờ nghe và thấy nấm linh chi trồng được dưới đất và dưới tán cây điều.
Mô hình trồng nấm linh chi đỏ dưới tán cây điều ở xã Quảng Tâm (huyện Tuy Đức). |
Sau những bỡ ngỡ ban đầu, được sự hướng dẫn tận tình của cán bộ Hội Nông dân huyện Tuy Đức và sự hỗ trợ của HTX nông lâm nghiệp vi sinh VOS Đắk Nông, dần dần anh Điểu Vinh đã quen và nắm vững kỹ thuật trồng, cách chăm sóc. Anh Vinh cho hay, nấm linh chi đỏ là loại nấm rất dễ trồng, dễ chăm sóc. Đất phải được bón vôi và làm tơi xốp trước khi trồng.
Theo anh Điểu Vinh, phôi nấm đã được cấy trực tiếp vào thân cây trước nên khi nhận phôi giống chỉ cuốc hố và trồng trực tiếp xuống đất mà không cần thêm bất cứ thao tác gì nữa. Khi trồng nấm linh chi đỏ dưới tán điều phải thường xuyên kiểm tra độ ẩm của đất để tưới nước phù hợp.
Vào mùa khô, nắng nóng, anh Vinh tưới 3 lần bằng béc phun sương vào các buổi sáng, trưa và chiều, mỗi lần tưới 10 phút để duy trì độ ẩm cho đất và không khí, giúp cho nấm có môi trường sống lý tưởng nhất.
Anh Điểu Vinh còn lưu ý theo dõi sương mù vào buổi sáng sớm, nếu xuất hiện sương thì phải tưới ngay để hạn chế nấm bị tối do sương. Bên cạnh đó, phải thường xuyên làm cỏ và kiểm tra côn trùng và các loại gia cầm, gia súc phá hoại.
Cách đây vài tháng, Hội nông dân huyện Tuy Đức tổ chức đánh giá mô hình trồng nấm Linh chi đỏ dưới tán cây điều của gia đình anh Điểu Vinh. Mô trình trồng nấm linh chi đỏ dưới tán cây điều được triển khai từ tháng 8/2022 tại rẫy của anh Vinh với trên 1.000 phôi giống trên diện tích 100m2. Từ khi triển khai đến nay đã cho thu hoạch 2 đợt, được 45 kg. Nấm linh chi đỏ được HTX nông lâm nghiệp vi sinh VOS Đắk Nông thu mua khoảng 1,5 triệu đồng/kg.
Giúp đồng bào thiểu số cải thiện thu nhập
Anh Điểu Vinh chia sẻ: “Mới đầu khi được chọn thực hiện mô hình gia đình không khỏi bỡ ngỡ vì đây là mô hình mới. Tuy nhiên khi được sự hỗ trợ của Hội nông dân huyện, HTX và các chuyên gia trồng nấm cầm tay chỉ việc nên gia đình hiểu và chăm sóc nấm theo đúng quy trình và cho thu hoạch đúng thời vụ và mang lại thu nhập cao hơn so với các loại cây nông nghiệp mà gia đình đang trồng và chăm sóc.
HTX nông lâm nghiệp vi sinh VOS Đắk Nông thực hiện mô hình trồng nấm linh chi dưới tán rừng ở xã Đăk Buk So (huyện Tuy Đức). |
Hiện nay, diện tích trồng điều của người đồng bào dân tộc thiểu số của xã Quảng Tâm tương đối lớn. Việc tận dụng phát triển kinh tế dưới tán cây điều thành công như gia đình anh Vinh áp dụng là một tín hiệu đáng mừng giúp đồng bào cải thiện thu nhập, nâng cao đời sống.
Vì vậy, thời gian tới, chính quyền xã Quảng Tâm sẽ chú trọng tạo điều kiện hỗ trợ để đồng bào dân tộc thiểu số địa phương phát triển kinh tế hộ gia đình và nhân rộng và hướng dẫn bà con kỹ thuật trồng, chăm sóc nấm linh chi đỏ dưới tán điều.
Qua đánh giá cho thấy, mô hình phù hợp của anh Điểu Vinh với khí hậu thổ nhưỡng cũng như tập quán canh tác của người dân tại đây, nhất là các hộ đồng bào dân tộc thiểu số.
Theo bà Phan Thị Kim Loan, Phó chủ tịch Hội nông dân huyện Tuy Đức, linh chi đỏ là loại nấm rất dễ trồng, dễ chăm sóc, phôi nấm được cấy trực tiếp vào thân cây trước khi trồng trực tiếp xuống đất. Khi trồng nấm linh chi đỏ dưới tán điều phải thường xuyên kiểm tra độ ẩm của đất để tưới nước phù hợp, giúp cân bằng độ ẩm cho nấm phát triển.
Cùng với mô hình nêu trên, hồi tháng 10/2022 tại xã Đăk Buk So (huyện Tuy Đức) đã ra mắt HTX nông lâm nghiệp vi sinh VOS Đắk Nông nhằm thực hiện mô hình trồng nấm linh chi dưới tán rừng do bà Mai Thị Thái là người khởi xướng. Đây là một mô hình mới đối với bà con vùng Tuy Đức nói riêng và Đắk Nông nói chung.
Việc thành lập HTX này, với 16 thành viên ban đầu, được cho là rất cần thiết nhằm phát huy hiệu quả của việc trồng nấm Linh chi dưới tán rừng tại địa phương. Mô hình trồng nấm linh chi dưới tán rừng của chị Mai Thị Thái, Giám đốc HTX, được xem như mở ra một hướng đi mới giúp đem lại hiệu quả kinh tế cao cho nghề trồng nấm dưới tán rừng của bà con nông dân xã Đăk Buk So.
Bà Phan Thị Kim Loan cho biết: Với ưu thế của huyện Tuy Đức có diện tích dưới tán rừng và cây trồng lâu năm khá nhiều nên khi triển khai đánh giá các mô hình trồng nấm linh chi đỏ dưới tán rừng tự nhiên và tán điều bước đầu mang lại hiệu quả thu nhập cao và khá phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng cũng như tập quán canh tác của bà con nơi đây.
Điều đặc biệt, theo bà Loan, bà con người đồng bào dân tộc thiểu số tận dụng được diện tích đất dưới tán rừng. Chẳng hạn như mô hình của chị Mai Thị Thái đang cho thấy tính hiệu quả và đã tự bỏ vốn đầu tư trồng thêm hơn 10.000 phôi nấm linh chi.
Giải quyết được “bài toán” tạo sinh kế dưới tán rừng
Có thể thấy mô hình trồng nấm linh chi dưới tán rừng phù hợp với khí hậu thổ nhưỡng cũng như tập quán canh tác của bà con xã Quảng Tâm và xã Đăk Buk So. Hội Nông dân huyện Tuy Đức đã kết nối với HTX nông lâm nghiệp vi sinh VOS Đắk Nông hỗ trợ kỹ thuật trồng, chăm sóc và bao tiêu sản phẩm cho người dân.
Trồng nấm linh chi dưới tán rừng được cho là phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng cũng như tập quán canh tác tại huyện Tuy Đức. |
Đây là mô hình canh tác tốt, tạo điều kiện phát triển kinh tế, mang lại nguồn thu nhập bền vững cho người dân, nhất là vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Nếu nhân rộng mô hình này sẽ giải quyết được “bài toán” tạo sinh kế dưới tán rừng. Từ đó, giúp huyện Tuy Đức bảo vệ, phát triển rừng tốt hơn.
Theo tính toán của vị nữ giám đốc HTX VOS Đắk Nông, với 1m2 có thể trồng 16 phôi nấm linh chi và thu được khoảng 1,3 kg nấm tươi (gần 0,6 gram nấm khô). Sản phẩm nấm được bán với giá 900.000 đồng/kg khô.
Với mức giá này, chị Thái cho biết có lãi từ 270.000-360.000/kg nấm khô. Nếu mọi việc thuận lợi, với 1 sào nấm linh chi trồng dưới tán rừng, mỗi năm có thể mang lại thu nhập tầm 700-800 triệu đồng.
Kinh nghiệm của giám đốc HTX VOS Đắk Nông cho thấy, người dân có thể tận dụng quỹ đất sẵn có tại địa phương để trồng nấm linh chi, tạo việc làm, nâng cao thu nhập. Điều đáng lưu ý nhất là người trồng cần canh thời điểm thu hoạch cho đúng để nấm không chuyển hóa thành gỗ, làm mất đi hàm lượng dinh dưỡng quý.
Bên cạnh đó, Hội đồng khoa học công nghệ huyện Tuy Đức cùng các cơ quan, ban ngành và chính quyền địa phương đánh giá việc trồng nấm linh chi dưới tán rừng tự nhiên xã Đắk Buk So và Quảng Tâm mang lại năng suất cao hơn trồng dưới tán cây điều do dưới tán rừng tự nhiên có độ che phủ và độ ẩm tốt hơn.
Hiện nay Hội nông dân huyện Tuy Đức đã và đang phối hợp với HTX VOS Đắk Nông hỗ trợ kỹ thuật trồng, chăm sóc và bao tiêu sản phẩm và đồng thời khuyến cáo nhân rộng mô hình trồng nấm linh chi đỏ dưới tán rừng trên địa bàn toàn huyện.
Thông qua HTX nêu trên, các thành viên mới liên kết trao đổi kinh nghiệm với nhau. Lúc đầu rất khó khăn nhưng quá trình làm thì vừa làm vừa học hỏi, chia sẻ kinh nghiệm và cùng nhau quảng bá tiêu thụ sản phẩm với mục đích cuối cùng là làm cho các thành viên an tâm sản xuất, tạo thu nhập ổn định cuộc sống.
Định hướng trong thời gian tới là sau khi HTX VOS Đắk Nông đi vào hoạt động ổn định thì sẽ triển khai mô hình rộng hơn cho bà con nông dân cùng tham gia. Tính trung bình diện tích 1ha, nấm linh chi đỏ thu hoạch được 3 lần/năm, vụ đầu bán ra thu về khoảng 800 triệu đồng, vụ thứ 2 giá 900 triệu đồng, vụ thứ 3 giá 700 triệu đồng. Tùy theo tính dược liệu có trong nấm để chọn giá bán phù hợp.
Nếu thành công với cây nấm linh chi đỏ, mở rộng liên kết, người nông dân có cơ hội để mang dược liệu đi xuất khẩu ra các thị trường, mang lại lợi nhuận lớn cho nông dân Tuy Đức, nhất là cho bà con dân tộc thiểu số ở vùng biên giới này.
Theo VN Business